Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-05-2012 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Hai, 07 Tháng 5 Năm 2012 11:29 |
Tờ Les Echos hôm nay chỉ ra 12 thách thức kinh tế đối với tân Tổng thống Pháp Các thách thức kinh tế đối với tân Tổng thống Pháp
Thách thức đầu tiên đối với ông Hollande là đàm phán lại hay bổ sung hiệp ước cân bằng ngân sách của châu Âu, với một thỏa thuận về tăng trưởng, nhằm đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Việc thỏa thuận lại hiệp ước châu Âu là một trắc nghiệm đầu tiên đối với tân Tổng thống Pháp trên trường quốc tế. Ngày 31/5, hồ sơ này sẽ được bàn tới trong cuộc họp không chính thức giữa nguyên thủ quốc gia các nước Liên Hiệp Châu Âu. Thách thức thứ hai, theo Les Echos, là gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Pháp. Về điểm này, Les Echos lo ngại rằng, chương trình kinh tế của tân Tổng thống sẽ làm cho giá lao động tăng cao, trong khi đó giá nhân công theo giờ ở Pháp vốn đã cao hơn nhiều so với Đức. Còn chủ trương tăng khả năng cạnh tranh với việc thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và cách tân công nghệ, thì cần phải đợi thời gian mới thể hiện thành kết quả cụ thể. Khả năng cạnh tranh và cân bằng thương mại là các tiêu chuẩn chính mà các cơ quan thẩm định tài chính dựa vào để đánh giá một nền kinh tế. Thách thức thứ ba mà Les Echos đặt câu hỏi là liệu dự kiến tăng trưởng kinh tế của Pháp mà tân tổng thống đặt ở mức 1,7%, tức là cao hơn nhiều so với tính toán của Quỹ tiền tệ Quốc tế (1%), có khả năng trở thành hiện thực, khi mà nhiều yếu tố trong bản thân dự án kinh tế của ông Hollande và bối cảnh kinh tế chung không thuận lợi cho mục tiêu này ? Thách thức thứ tư mà Les Echos lo ngại là, sức mua khó lòng tăng lên, khi mà thuế tăng và lạm phát lên cao. Hiện tại trong quý 1 năm nay, sức mua của xã hội Pháp đã giảm 0,3%. Các thách thức tiếp theo liên quan đến các biện pháp cụ thể để áp dụng quy định đánh thuế 75% đối với những người có thu nhập trên 1 triệu euro, các biện pháp để giảm tỉ lệ thất nghiệp và để thực hiện chế độ về hưu đối với những người 60 tuổi, làm việc từ khi 18 tuổi. Bên cạnh đó, khả năng hợp tác của tân Tổng thống Pháp với các nghiệp đoàn và giới chủ doanh nghiệp cũng là điều mà Les Echos đặt dấu hỏi. Áp lực của các nghiệp đoàn chắc chắn sẽ mạnh, vì họ đã ủng hộ nhiều cho ứng cử viên cánh tả trong thời gian tranh cử, trong khi đó Medef, tổ chức của giới chủ doanh nghiệp, thì phê phán quyết liệt chương trình kinh tế của ông Hollande. Ba thách thức sau cùng đối với ông Hollande là kế hoạch 60.000 chỗ làm trong ngành giáo dục, trong bối cảnh nghề dạy học ngày càng được ít người theo đuổi. Bên cạnh đó là vấn đề chuyển dịch chiến lược năng lượng theo hướng phát triển các loại hình năng lượng tái tạo đòi hỏi nhiều chi phí, và cuối cùng là những cắt giảm gây tranh cãi cho ngân sách quốc phòng. Báo chí Pháp chào mừng tân Tổng thống với những góc nhìn khác nhau Le Figaro đăng trên trang nhất bức hình lớn ông Hollande đang giơ hai tay lên cao theo hình chữ V mở (dấu hiệu của chiến thắng và mong muốn tập hợp), đang tiến về phía trước với nụ cười điềm tĩnh. Xã luận Le Figaro viết : « Người Pháp đã lựa chọn. Ông François Hollande tối qua đã trở thành Tổng thống thứ hai của đảng Xã hội trong nền đệ ngũ Cộng hòa. Kể từ giờ ông cũng là Tổng thống của tất cả mọi người Pháp. Đấy là luật chơi dân chủ. Chúng tôi chúc mừng kết quả cuộc bầu cử, thể hiện cho ý chí của đa số dân chúng. Xin chúc mừng ông Tổng thống ». Tờ báo thiên hữu cũng dành cho ứng cử viên thua cuộc những lời trân trọng : « Vào thời khắc này, chúng tôi nghĩ đến ông Nicolas Sarkozy. Ông ấy đã thua một cách xứng đáng, sau khi đã chiến đấu hết sức mình. Lịch sử sẽ phán xét nhiệm kỳ năm năm vừa qua và sẽ công nhận rằng, ông Sarkozy đã tiến hành nhiều cuộc cải cách cơ bản…. ». Báo Libération chạy một dòng chữ duy nhất « Normal ! » (Tạm dịch là « Đương nhiên ! » hay « Bình thường » (Bình thường là chữ mà ông Hollande thường dùng để khẳng định phong cách bình dị của mình so với Tổng thống tiền nhiệm). Bài xã luận của tờ báo thiên tả thở phào « Thế là xong » (hàng tựa của bài). « Vui. Vui vô cùng tận. Niềm vui được nhìn thấy một giai đoạn khép lại, một ám ảnh của định mệnh đã được xua tan (…) Đối với những người cánh tả, năm 2012 này làm sống lại năm 1981, mang lại hơi thở và sắc màu cho những ký ức già cỗi (về những năm tháng dưới thời Tổng thống đảng Xã hội Mitterand), dường như bị buộc phải nằm im trong thế giới sách vở ». Libération nhấn mạnh là: « Trong một nước Pháp bị tổn thương, có xu hướng ẩn náu đằng sau những đường biên giới tưởng tượng bằng cách xào nấu lại những hào quang quá khứ, thì chiến thắng của François Hollande cho thấy đất nước này muốn lựa chọn niềm hy vọng. Hướng đến tương lai, chứ không phải quay về quá khứ ». Tờ L’Humanité không giấu sự vui mừng. « Nhẹ nhõm, thách thức và hy vọng » là tựa bài xã luận của tờ báo cánh tả. L’Humanité khẳng định : « Chiến thắng của François Hollande là một sự phủ nhận rõ ràng và không có gì là quá đáng đối với 5 năm trị vì của ông Sarkozy. Chiến thắng này cũng là dấu hiệu cho thấy một khát vọng thay đổi lớn lao (…) ». Đón nhận chiến thắng của ông François Hollande, hai tờ La Croix và Les Echos đặc biệt lưu ý các thách thức mà tân Tổng thống phải đối mặt. « Thời điểm thử thách » là tựa bài xã luận trên La Croix. Tờ báo Công giáo ghi nhận : « Niềm say sưa chiến thắng, mà cánh tả chờ đợi bấy lâu kể từ thời Mitterand và cú sốc của cuộc bầu cử năm 2002, không che nổi những đòi hỏi thực tế. Tân Tổng thống biết rằng, nhiều người đã bỏ phiếu cho ông để ngăn cản Tổng thống mãn nhiệm trở lại nắm quyền, hoặc bởi vì ứng cử viên của họ không có mặt trong vòng hai. Ông Hollande biết rằng ông ấy không có thời gian để nghỉ ngơi, sau nhiều tháng tranh cử căng thẳng. Ông phải hành động không chậm trễ (…) ». Tờ báo Les Echos chạy tựa « François Hollande trước thử thách quyền lực ». Xã luận của tờ báo kinh tế điểm lại hàng loạt nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ứng cử viên đảng Xã hội. « François Hollande trở thành Tổng thống, đó là chiến thắng của con người tự thấy mình là Tổng thống, trong khi chưa ai khác tưởng tượng ra điều này. (…) Ông ấy trở thành Tổng thống, vì (…) các đối thủ và những người đối địch đều đánh giá thấp ông. Ông thành Tổng thống, vì cuộc khủng hoảng kinh tế đã lật đổ tất cả các lãnh đạo châu Âu, lần lượt từng nước một. Ông trở thành Tổng thống vì muốn ‘‘xây dựng lại giấc mơ Pháp’’, nhưng không nhường bước cho những tiếng gọi đầy quyến rũ của một thứ chủ nghĩa xã hội dựa trên việc phân phối lại tài sản (…) Ông trở thành Tổng thống vì có một chiến lược hành động, vừa khéo léo để huy động được những người ủng hộ nhiệt thành, vừa không làm cho các thị trường hốt hoảng (…) ». Đến lượt kinh tế Đức suy thoái Le Monde có bài « Đến lượt kinh tế Đức thoái lui ». Bài báo cho biết nền kinh tế Đức suy thoái 0,2% trong quý Tư 2011. Bên cạnh đó, có thêm 19.000 người mới đăng ký vào danh sách thất nghiệp trong tháng Tư. Các tin này gây ngạc nhiên bởi vì từ trước đến nay Đức vẫn được coi là đầu tầu tăng trưởng của kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Christian Ott của Natixis ở Franfort, thì sự suy giảm này là điều bình thường. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của kinh tế Đức vào xuất khẩu, với 40% lượng xuất khẩu sang các nước trong khu vực đồng euro, đang trong thời kỳ khủng hoảng. Dù sao thì nền kinh tế Đức cũng đã kháng cự được trong một thời gian dài trước khủng hoảng. Vấn đề là ở chỗ, sự suy thoái kể trên là bất thường, hay báo hiệu cho một sự suy thoái sâu hơn. Các chuyên gia dự đoán tăng trưởng của Đức sẽ là số không trong ba quý đầu năm nay. Cho đến nay, đa số người Đức vẫn ủng hộ chính sách siết chặt ngân sách của Thủ tướng Merkel. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Đức còn nhiều nguồn lực để tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Quốc gia này có thể khai thác được sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, tỉ lệ tăng trưởng cao của Trung Quốc và các nước Đông Âu để gia tăng xuất khẩu. Cũng theo Le Monde, trong hai ngày đầu tháng này, tổng cộng 270.000 công nhân viên các ngành công nghiệp tại Đức đã bãi công trong vòng 1 giờ, để đòi tăng lương. Phong trào này sẽ còn tiếp tục trong tuần tới. Tổng thống Mỹ Obama khởi động chương trình tái tranh cử Cũng về bầu cử tổng thống, ngày hôm nay tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama chính thức bắt đầu chương trình tranh cử. Le Figaro có bài « Obama khởi động cuộc tấn công chống lại Romney». Trước 14.000 ủng hộ viên nhiệt huyết tập hợp tại trường Đại học Ohio, Tổng thống mãn nhiệm Obama khẳng định ý nghĩa của việc ông tái đắc cử với vận mệnh của tầng lớp trung lưu, của việc tiếp tục các mục tiêu đã bước đầu được thực hiện trong bốn năm qua. « Tiến về phía trước » là khẩu hiệu chính, thay thế cho khẩu hiệu cũ « Niềm hy vọng ». Theo Le Ligaro, phong cách của Tổng thống Mỹ đã thay đổi, từ giọng nói trở nên « cay độc, khiêu khích », cho đến trang phục không còn trang nhã như hồi năm 2008. Chiến dịch tranh cử của ê-kíp hỗ trợ ông Obama tập trung chỉ trích ông Mitt Romney – ứng cử viên đảng Cộng hòa (cựu Thống đốc tiểu bang Massachusetts) có tài sản trị giá khoảng 200 triệu đô la, là đã từng sở hữu các tài khoản tại Thụy Sĩ. Sa hoàng Putin nhiệm kỳ III Một ngày sau khi nước Pháp có Tổng thống mới, cũng là lúc Tổng thống Nga Putin chính thức nhậm chức. Về sự kiện này Le Monde có bài « Sa hoàng Putin nhiệm kỳ III », với nhận định : ở đỉnh cao quyền lực và danh vọng, tái đắc cử lần thứ ba với số phiếu lên đến 64%, trên thực tế nhà lãnh đạo độc đoán của nước Nga chưa bao giờ bị phản đối mạnh mẽ như hiện nay. Tờ báo đưa ra nhận định là, trong những thập niên gần đây, một giai tầng trung lưu mới ở Nga đã nổi lên. Khác với thế hệ trước, giai tầng này không còn cảm thấy bị ràng buộc về ý thức hệ, không bị an ninh mật vụ khống chế. Tuy nhiên tự do của tầng lớp trung lưu Nga bị giới hạn, họ chỉ được quyền tự do tiêu thụ, tự do vui chơi mà không được đụng tới chính trị. Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm này đã tan vỡ vào ngày 24/09/2011, khi Thủ tướng Putin công khai tuyên bố đã sắp đặt với Tổng thống mãn nhiệm Medvedev để quay trở lại nắm quyền Tổng thống, thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Sự dàn xếp này đã châm ngòi nổ cho sự phản ứng dữ dội tại Nga, với việc hàng chục nghìn người xuống đường phản đối kết quả bầu cử Hạ viện vào đầu tháng 12 năm ngoái. Theo một nhà chính trị học thuộc Fondation Carnegie ở Matxcơva, nước Nga hiện nay giống như một chiếc ô tô cổ lỗ chỉ có một vận tốc và một tài xế. Xã hội Nga đang bị tê liệt vì không có khả năng quyết định. Hệ thống hiện tại ở nước Nga chỉ sống dựa vào các tài nguyên. Vấn đề là liệu hệ thống trì trệ này còn có thể tồn tại đến bao giờ trong trạng thái bất động như vậy. Còn theo nhà xã hội học Mikhail Dmitriev, tác giả một báo cáo dự báo về giai tầng trung lưu và khát vọng thay đổi, xuất bản vào cuối năm ngoái, thì đa số người Nga vẫn còn sợ các khủng hoảng chính trị trực diện, mà họ coi là nguồn gốc của sự bất ổn định như những năm 1990, vì vậy mà họ bầu cho ông Putin. Tuy nhiên, nỗi bất bình của họ vẫn còn nguyên, và có khả năng sẽ ngày càng trở nên lớn hơn. |