Home Tin Tức Thời Sự Kiên nhẫn chống cưỡng chế ở huyện Vụ Bản

Kiên nhẫn chống cưỡng chế ở huyện Vụ Bản PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 06 Tháng 5 Năm 2012 21:14

Nhà cầm quyền tỉnh Nam Ðịnh đã huy động không những công an mà cả quân đội đến để đàn áp cưỡng chế

NAM ÐỊNH 6-5 (NV) - Không chấp nhận bị áp đặt giá đến bù chỉ bằng một phần trăm của giá biểu mà nhà đầu tư sẽ bán lại, rất nhiều người bị cưỡng chế đất để nhà cầm quyền giao cho nhà đầu tư xây dựng khu công nghệ, vẫn kiên trì đứng biểu tình hàng ngày ở thành phố Nam Ðịnh.

Một số dân cầm biểu ngữ biểu tình chống cưỡng chế đền bù rẻ mạt tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

 

Họ là một số trong 988 gia đình đã bị nhà cầm quyền ra quyết định “thu hồi” hơn 165 ha đất để giao cho công ty Vinatex xây dựng khu công nghệ “Bảo Minh”.

Phần lớn là đất nông nghiệp “hạng nhất” có sản lượng cao 6 tới 7 tấn lúa một ha được gọi là “bờ xôi ruộng mật” tại Việt Nam. Khu vực bị thu hồi thuộc 3 xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái thuộc huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Ðịnh khoảng 10km dọc theo quốc lộ 10 giữa Nam Ðịnh và Ninh Bình.

Một bức thư dài 8 trang giấy đánh máy của bà Vũ Thị Thinh, đại diện cho một gia đình dân oan gửi cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng một bức thư đề ngày tháng không rõ vì viết tay và chụp lại không được rõ nhưng năm thì đánh máy 2012.

Trong đó, bà tố cáo những khuất tất, sai luật của một vụ “thu hồi” và đền bù kiểu cướp ngày.

Tiền đền bù ban đầu được ấn định chỉ có 27,000 đồng/m2 dù chưa có “quyết định thu hồi đất” năm 2007.

Sau những chống cự quyết liệt của nhiều gia đình liên tiếp đến năm ngoái, tiền đền bù được nâng lên thành 60,000 đồng/m2 trong khi nhà đầu tư sẽ bán lại với giá 6 triệu đồng/m2, tức cao gấp 100 lần.

Nhà cầm quyền từ huyện đến tỉnh đã áp dụng nhiều thủ đoạn khác nhau từ đe dọa đến dùng côn đồ trấn áp. Trong số những nạn nhân mất đất, có nhiều đảng viên đảng CSVN. Người dạy học thì nhận được giấy cho nghỉ việc ít tháng để “vận động gia đình giao đất”, đảng viên cựu chiến binh thì bị “kiểm điểm nhiều lần”.

Ðể có thể tiến hành được dự án, nhà cầm quyền tỉnh Nam Ðịnh đã huy động không những công an mà cả quân đội đến để đàn áp cưỡng chế, như lần diễn ra vào đêm 20 tháng 12, 2010. Một số nông dân đã bị bắt và kết án tù.

Vụ chống cưỡng chế vào những ngày cuối năm 2011 chỉ còn khoảng 100 gia đình không chấp nhận giá đền bù quá ít oi.

 Bà Vũ Thị Thinh viết trong đơn gửi ông Nguyễn Tấn Dũng là nhà cầm quyền áp dụng “nhiều thủ đoạn vi phạm dân quyền, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật làm cho cả ngàn hộ dân điêu đứng”.

Bà tố cáo nhà cầm quyền địa phương “dối trên lừa dưới”, bịp dân, “dùng chiến thuật (đánh úp) đảo lộn trình tự thủ tục giải phóng mặt bằng, đạp bừa lên điều 32 Luật Ðất Ðai”.

Ðúng ra, nhà đầu tư phải thỏa thuận với các gia đình nông dân về giá biểu đền bù, nhưng nhà cầm quyền lại họp dân ngày 27 tháng 1, 2008 để công bố giá rẻ mạt 27,000 đồng/m2 trong khi mãi đến 7 tháng 4, 2008 mới “có quyết định thu hồi” và đến cuối tháng 8 năm này “tỉnh mới phê duyệt phương án đền bù”.

Trong bức thư bà Thinh thuật lại lời ông Nguyễn Văn Tuấn khi còn là phó chủ tịch UBND Nam Ðịnh họp với dân 3 xã nói trên ngày 24 tháng 9, 2008 rằng nếu không chấp nhận tiền đền bù (quá thấp) thì “chuẩn bị tiền trả lại cho nhà đầu tư, nhà đầu tư trả lại ruộng cho bà con...” Nhưng sau khi ông này leo lên ghế chủ tịch thì chuyện áp lực cướp đoạt tài sản của dân ngày càng mạnh hơn để lấy cho bằng được.

Theo bà Vũ Thị Thinh viết trong thư, hiện “vẫn còn 111 hộ dân kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Bà cho hay hơn 4 năm qua, người dân 3 xã Vụ Bản đã gửi rất nhiều đơn thư đến tất cả các cấp từ địa phương đến trung ương nhưng đều không được giải quyết.

Ngày 24 tháng 4 năm 2012, khoảng 3 ngàn cán bộ, công an, cảnh sát cơ động và đầu gấu đã được nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên điều động tới cưỡng chế hơn 5 ha đất cuối cùng ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang.

 Nhà cầm quyền đã bắn lựu đạn cay, bắn súng chỉ thiên đe dọa. Hình ảnh người dân bị đuổi đánh được phổ biến nhanh chóng trên mạng xã hội YouTube.