Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-05-2012 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Bảy, 05 Tháng 5 Năm 2012 11:02 |
Chính quyền Obama bị đối lập chỉ trích về vụ Trần Quang Thành Ông Trần Quang Thành đi cùng với trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell và đại sứ Mỹ Gary Locke 02/05/2012 (REUTERS)
Về vụ nhà ly khai Trung Quốc Trần Quang Thành, Le Monde có bài « Tại Bắc Kinh, vụ ông Trần trở thành thảm họa ngoại giao đối với Washington », với nhận định, việc ông Trần Quang Thành muốn rời Trung Quốc trên chuyến bay cùng với ngoại trưởng Hillary Clinton sau cuộc đối thoại chiến lược song phương Mỹ - Trung làm cho chính quyền Mỹ lúng túng. Ngày 03/05/2012, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney đã lên án chính quyền Obama « thất bại » trong việc bảo vệ nhà đối lập và gia đình. Như chúng tôi đã đưa tin, ông Trần Quang Thành, sau 6 ngày ở lại trong đại sứ quán Mỹ đã được các nhân viên sứ quán đưa ra một bệnh viện ở Bắc Kinh. Tại đây ông Trần đã thay đổi ý định, không còn muốn ở lại Trung Quốc như trước, mà muốn sang Hoa Kỳ cùng gia đình, vì cảm thấy ở trong nước không an toàn. Trong khi ngoại trưởng Mỹ đang làm việc với các đối tác trong đối thoại chiến lược Mỹ - Trung, thì nhà ly khai khiếm thị đã gọi điện thoại thẳng đến Ủy ban phụ trách nhân quyền của Quốc hội Mỹ, phụ trách hồ sơ của ông, để yêu cầu gặp bà Clinton. Theo mục sư Bob Fu, một nhà ly khai Trung Quốc lưu vong tại Hoa Kỳ, các nhân viên sứ quán đã gây áp lực khiến ông Trần Quang Thành phải rời sứ quán. Bộ ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận rằng, đã chuyển đến nhà đối lập khiếm thị một thông điệp là, nếu ông không chấp nhận ra khỏi sứ quán, thì vợ và các con ông sẽ bị chính quyền đưa trở lại quê nhà, nơi họ bị quản chế. Dân biểu đảng Cộng hòa Frank Wolf phê phán các nhà ngoại giao Mỹ đã « ngây thơ » khi tin tưởng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép ông Trần được tự do và theo học tại một trường đại học. Thành viên đối lập Hoa Kỳ cũng yêu cầu kiểm tra các thông tin nội bộ trong Bộ ngoai giao, vì nghi ngờ đã có những dàn xếp để vụ ông Trần Quang Thành được giải quyết trước khi ngoại trưởng Clinton tới Bắc Kinh ngày 02/05. Về phần mình, các nhà ngoại giao Mỹ có vẻ hài lòng về diễn biến của vụ việc, khi cho rằng trong cú điện thoại đầu tiên khi ra khỏi sứ quán, từ chiếc xe đưa ông đi, ông Trần đã nói chuyện với bà Clinton, vừa mới đặt chân đến Bắc Kinh. Theo lời một giới chức cao cấp của Hoa Kỳ, ông Trần Quang Thành đã bày tỏ lòng biết ơn ngoại trưởng Mỹ đã quan tâm bảo vệ ông. Cũng theo giới chức Hoa Kỳ, ông Trần đã nói « tôi ôm hôn bà », bằng một thứ tiếng Anh không chuẩn, điều này khiến ông và các đồng nghiệp rất xúc động. Tuy nhiên, vợ ông Trần Quang Thành thì cải chính là chồng mình chỉ nói « tôi mong gặp lại bà ». Như chúng ta biết, ngày hôm qua 04/05, Bộ ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết, ông Trần Quang Thành có thể nộp đơn đề nghị đi du học ở nước ngoài, nếu ông muốn « giống như tất cả các công dân khác ». 24 giờ trước cuộc bỏ phiếu tổng thống Pháp vòng hai Tờ báo Le Monde ra chiều qua chạy hàng tựa « Rối ren bên cánh hữu trước nguy cơ thất bại ». Le Monde cho biết, quyết định bất ngờ của ông F. Bayrou, thủ lĩnh cánh trung, bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh tả François Hollande gây khó khăn cho đối thủ - tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy. Tờ báo thiên hữu Le Figaro thì chạy trên trang nhất hàng tít « Bầu cử tổng thống : sự lựa chọn lịch sử », bên dưới là bài xã luận mang tựa đề « Vận mệnh của nước Pháp ». Bài xã luận kêu gọi cử tri lựa chọn ứng cử viên Nicolas Sarkozy, vì dự án của ông Sarkozy ưu tiên lập lại cân bằng ngân sách, giảm chi phí công « dựa trên các cải cách cơ cấu, là gốc rễ của sự thành công của nước Đức và phù hợp với mô hình được tất cả các nước lớn ở Châu Âu ủng hộ ». Bên cạnh đó, Le Figaro nhấn mạnh đến sự khác biệt sâu sắc trong dự án của ứng cử viên đảng Xã hội với các thành viên khác trong liên minh cánh tả, gồm đảng Xanh và Mặt trận cánh tả, và nguy cơ cánh tả sẽ nắm được toàn bộ các cơ quan quyền lực chủ yếu, từ các cấp địa phương đến trung ương, nếu ông Hollande đắc cử. Tờ báo thiên tả Libération thì chạy tựa : « Ngày bỏ phiếu chủ nhật này : tất cả đều có thể », với lời lưu ý François Hollande đang ở thế thắng, nhưng khoảng cách với Nicolas Sarkozy đang thu hẹp. Bài xã luận của Libération mang tựa đề « Hãy bỏ phiếu » khẳng định, vào lúc chương trình tranh cử chính thức khép lại, các phương tiện truyền thông không được quyền nói về chính trị (theo quy định của luật bầu cử của Pháp), thời điểm quan trọng nhất bắt đầu. Tờ báo nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc các cử tri còn đang lưỡng lự, các cử tri vắng mặt trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, lựa chọn tổng thống mới cho nước Pháp. Libération đề cao ứng cử viên Hollande với một quan niệm khác về chính trị, về Nhà nước, về công lý… và kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu để nước Pháp có được một lãnh đạo xứng đáng, nhằm chấm dứt nhiệm kỳ 5 năm vừa qua « đã cột đất nước trong những nỗi sợ hãi, thổi bùng lên những oán giận và đẩy người Pháp vào thế đối đầu với nhau ». Trong khi chờ đợi cuộc bỏ phiếu tổng thống ngày mai, tờ La Croix đưa độc giả đến với các không gian bên trong Phủ tổng thống Pháp, và gặp gỡ những người làm việc tại đây, để hiểu được các hoạt động tại cơ quan nằm ở thượng đỉnh quyền lực của nước Pháp. Bầu cử Quốc hội Hy Lạp : chính sách khắc khổ mang lại lợi thế cho các đảng cực hữu và cực tả Về thời sự châu Âu, cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp sẽ diễn ra ngày mai Chủ nhật 06/05 cũng được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Figaro có bài « Các cử tri Hy Lạp quyết định tương lai của mình ở Châu Âu qua bầu cử ». Bài viết ghi nhận chính sách khắc khổ, do các nhà tài trợ áp đặt, mang lại lợi thế cho các đảng cực hữu và cực tả. Hy Lạp, nằm trong tâm bão của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Âu, hiện vẫn còn rất khó khăn trong việc thoát ra khỏi khủng hoảng. Ngày mai là ngày đầu tiên cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu, kể từ khi quốc gia này được đặt dưới sự kiểm soát của LHCA và Quỹ tiền tệ quốc tế. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, các cử tri sẽ bỏ phiếu trừng phạt chính sách của các đảng lớn và đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn chính trị. Theo Le Figaro, 32 đảng phái tham gia tranh cử thuộc về hai nhóm. Một bên là ba đảng ủng hộ chính sách khắc khổ, đảng xã hội cầm quyền Pasok, đảng bảo thủ « Nền dân chủ mới » chiếm vị trị thứ hai trong Quốc hội hiện nay, và đảng Hợp tác dân chủ - một đảng nhỏ, còn bên kia là các đảng phản đối chính sách này. Theo một giáo sư đại học Athenes, các đảng lớn sẽ phải trả giá cho thái độ đạo đức giả của họ, vì ngược lại những gì mà họ nói, giải pháp được đưa ra không có hiệu quả. Dưới sức ép của chính sách khắc khổ, sẽ còn nhiều người bị sa thải và nhiều mặt hàng bị tăng thuế. Trong hàng ngũ của các đảng chống chính sách khắc khổ, đảng Cộng sản muốn Hy Lạp rời ngay khỏi khu vực đồng euro, còn đảng cực hữu « Bình minh rực sáng » thì bác bỏ điều này, và chủ trương đuổi tất cả những người nhập cư trái phép về nước. Hy Lạp đứng trước nguy cơ không lập được chính phủ. Theo nhà phân tích chính trị Antonis Karakousis, tình thế này sẽ buộc Hy Lạp phải tổ chức bầu cử lại một cách nhanh chóng. Vấn đề là không biết quốc gia này có thể chịu đựng nổi một cuộc khủng hoảng chính trị, bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Kịch bản này có thể khiến cho toàn bộ các nỗ lực của Châu Âu trợ giúp Hy Lạp bị thất bại. Nhật Bản bị chia rẽ trong chủ trương tái mở cửa các nhà máy điện hạt nhân Nhân việc ngày hôm nay 05/05 Nhật Bản ngưng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng để kiểm tra và bảo dưỡng, Le Figaro có bài nhận định, quốc gia này hiện vẫn còn rất chia rẽ trong chính sách tái khởi động các trung tâm điện nguyên tử. Theo điều tra dư luận, 55% người Nhật phản đối việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. 70% người Nhật không tin tưởng vào khả năng bảo đảm an toàn của chính phủ. Bản thân thái độ giới chủ các nhà máy hạt nhân, thoạt tiên thống nhất, cũng bắt đầu chia rẽ trong vấn đề này. Bộ trưởng Cộng nghiệp Nhật Yukio Edan, một người không ủng hộ chủ trương này, sau nhiều lần lưỡng lự, đã tuyên bố việc mở lại các nhà máy điện sẽ bắt đầu trước hè. Đây là thời điểm lượng điện tiêu thụ tại Nhật tăng lên cao nhất. Một số ước tính cho thấy, Nhật có thể bị thiếu từ 15-20% điện vào thời điểm này. Trước thảm họa Fukushima, Nhật Bản đã có kế hoạch nâng tỷ trọng điện hạt nhân lên đến 50% vào năm 2030. Thảm họa này khiến Nhật buộc phải thay đổi hoàn toàn chiến lược của mình. Việc Nhật tăng lượng nhập khẩu gaz để thay thế điện hạt nhân khiến Hàn Quốc và Đài Loan lo ngại. Theo ghi nhận của Le Figaro, các nước Châu Á đang phải mua khí đốt với giá cao hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ. |