Dân Việt không tin nhà nước nghiêm túc ‘xử lý’ tham nhũng |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Sáu, 04 Tháng 5 Năm 2012 12:21 |
Xác định tham nhũng có ở tất cả các mặt của guồng máy công quyền, không riêng một mặt nào
HÀ NỘI (NV) - Ða số người dân không tin rằng nhà cầm quyền các cấp ở Việt Nam lại thật tình đối phó với tham nhũng. Ðây là kết quả của một cuộc khảo cứu qua thăm dò dư luận quần chúng được Liên Hiệp Quốc phối hợp với nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện mới được công bố hôm Thứ Năm 3 tháng 5, 2012. Phải chung chi cho bác sĩ, y tá, nhân viên tại các bệnh viện công ở Việt Nam là chuyện phổ biến. (Hình: VNExpress) Kết quả của cuộc khảo cứu nêu trong “Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)” được công bố tại Hà Nội cho thấy tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực hành chính công của Việt Nam “tiếp tục là một vấn đề đáng báo động” theo bản tin trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. Bản báo cáo này do Mặt Trận Tổ Quốc, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng (CECODES), Ban Dân Nguyện thuộc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện, “trên cơ sở tổng kết dữ liệu từ phần trả lời phỏng vấn của 13,642 người dân trên cả nước”. Trong đó, người được phỏng vấn cho cuộc nghiên cứu đều xác định tham nhũng có ở tất cả các mặt của guồng máy công quyền, không riêng một mặt nào. Bản phúc trình nói rằng “có tình trạng nhận hối lộ trong dịch vụ y tế công (31%), xin việc vào làm trong khu vực nhà nước (29%), xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (21%), để giáo viên quan tâm hơn tới học sinh ở trường (17%) và trong xin cấp giấy phép xây dựng (16%). Ngoài ra, 13% người dân cho rằng cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.” Kết quả cuộc khảo cứu tại 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương và tại 57 tỉnh trên cả nước không khác nhau bao nhiêu nên “Ðiều này phần nào phản ánh mức độ phổ biến của tham nhũng và hối lộ ở khắp các tỉnh, thành phố.” Nhìn về vấn đề kiểm soát tham nhũng, “Trên toàn quốc, chỉ có 22.95% số người được hỏi cho rằng chính quyền tỉnh/thành phố của họ đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tỉ lệ này ở Hà Nội là cao nhất (50.66%), ở Bạc Liêu là thấp nhất (5.39%).” TBKTVN kể lại. Nhà cầm quyền CSVN lập ra “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng” từ trung ương tới các địa phương sau khi ban hành “Luật Phòng Chống Tham Nhũng” năm 2005, nhưng cái “cơ chế” đó lại do những kẻ cầm đầu guồng máy công quyền các cấp ôm luôn. Nó trở thành cái thế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên tình trạng tham nhũng ngày càng tệ hại hơn, thay vì có luật, có cơ quan chống tham nhũng thì tham nhũng giảm xuống. Bảng xếp hạng tham nhũng hàng năm của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) năm 2009 xếp hạng Việt Nam thứ 120 trong 180 nước được khảo sát. Năm 2010 xếp hạng 116 trong 178 nước được khảo sát. Năm 2011 xếp hạng 121 trên tổng số 183 nước được khảo sát. Các chỉ số này cho thấy tình trạng tham nhũng trong guồng máy công quyền CSVN vẫn giậm chân tại chỗ. Nói khác, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ hô hò suông, không có thực tâm chống tham nhũng. Ngày 18 tháng 11 năm 2009, khi bị chất vấn ở Quốc Hội, Trần Văn Tuấn, bộ trưởng Nội Vụ kêu rằng “Khó chấm dứt chạy chức chạy quyền vì người chạy có báo đâu!” Ngày 16 tháng 12 năm 2010, báo VietNamNet đăng lại bản tin công ty tư vấn Indochina Research, đại diện cho hãng nghiên cứu Gallup International, thực hiện một cuộc khảo cứu về tham nhũng tại Việt Nam cho Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế. Cuộc nghiên cứu đã căn cứ vào sự trả lời của 1,000 người tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, hải Phòng, Ðà Nẵng, Sài Gòn và Cần Thơ) cho thấy 62% người trả lời phỏng vấn nói tham nhũng gia tăng tại Việt Nam. Ðồng thời họ nói công an cảnh sát là tham nhũng nhất. Không những VietNamNet phải vội vã gỡ bỏ bản tin này mà còn phải xin lỗi Bộ Công An và tờ báo bị “kỷ luật”. (T.N.) |