Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-05-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-05-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Sáu, 04 Tháng 5 Năm 2012 11:45

Bầu cử tổng thống Pháp : Hollande duy trì lợi thế, Sarkozy mong lật ngược thế cờ

REUTERS/Jean-Paul Pelissier

 

Hai ngày trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào Chủ nhật 06/05/2012 tới đây, báo giới Pháp hôm nay đã gút lại khả năng thắng bại của hai ứng viên François Hollande, cánh tả và Nicolas Sarkozy, cánh hữu.

Từ một nhận định chung là ông Hollande vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, báo cánh tả thì hô hào "tống khứ" đương kim Tổng thống Sarkozy, trong lúc báo cánh hữu thì nhấn mạnh đến cuộc "tổng động viên" chống Hollande.

Nhật báo Le Monde đã trở lại cuộc tranh luận truyền hình hôm thứ Tư 2/5 để kết luận trên hàng tựa trang nhất : « Sau cuộc tranh luận, ông Hollande vẫn là ứng viên nhiều triển vọng nhất ».

Tờ báo đã điểm lại chi tiết sự kiện được đánh giá là « trận đấu khốc liệt » giữa hai ứng viên vào điện Elysée, tức Phủ Tổng thống Pháp.

Tờ báo Công giáo La Croix chỉ đơn giản gợi lên trong hàng tựa « Thời hạn » quyết định, tức là ngày bầu vòng hai, và điểm lại « tính cách của hai nhân vật Nicolas Sarkozy và François Hollande, quan niệm của họ về quyền lực và các kịch bản thời hậu 6/5 ».

 Điểm mà La Croix nêu bật là người Công giáo Pháp không thiên hẳn về một ứng viên nào.

« Có người, vì mong ước công bằng xã hội, một cái nhìn ít kỳ thị hơn về người nhập cư, một cung cách điều hành đất nước khác, sẽ chọn François Hollande. Có người, vì nhạy cảm hơn với các giá trị gia đình, chống lại việc hợp pháp hóa cái chết êm dịu, lo ngại trước các lập luận mang tính chất ý thức hệ về chủ nghĩa thế tục và nền giáo dục tư nhân, sẽ bỏ phiếu cho Nicolas Sarkozy. »

L’Humanité : « Chủ nhật này, chúng ta sẽ tống khứ Sarkozy »

Nhật báo L’Humanité thì khẳng định rõ rệt lập trường trong hàng tựa trang nhất « Chủ nhật này, chúng ta sẽ tống khứ Sarkozy ».

Tờ báo của đảng Cộng sản Pháp không ngần ngại xác định : « Để sa thải Tổng thống đương nhiệm và đột phá thành trì châu Âu, chỉ có một lá phiếu duy nhất vào ngày mùng 6 tháng Năm : phiếu của ứng viên đảng Xã hội. »

Riêng báo Libération, cánh tả độc lập, thì mượn lời François Bayrou, lãnh đạo đảng MoDem thuộc cánh trung để kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên cánh tả.

 Vào hôm qua, ứng viên về hạng năm ở vòng một, với hơn 9% số phiếu đã bất ngờ tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông François Hollande.

Trong một cuộc họp báo, ông Bayrou đã giải thích rõ ràng lý do vì sao ông bỏ phiếu cho cánh tả mặc dù là một lãnh đạo thuộc cánh hữu : đó là vì ứng viên cánh hữu đã bỏ rơi các giá trị nền tảng của phe hữu để chạy theo cánh cực hữu.

Trang nhất Libération hoàn toàn không có ảnh, không có tựa, mà chỉ có nguyên văn một lời phát biểu của ông François Bayrou :

 « Đường lối mà Nicolas Sarkozy đã chọn mang tính bạo lực, trái ngược với các giá trị của chúng ta, với các giá trị của tư tưởng De Gaulle, cũng như giá trị của cánh hữu cộng hòa và xã hội».

 Câu nói được in bằng chữ đen, khổ lớn, chiếm gần trọn trang nhất, bên lời chú bằng chữ đỏ : « François Bayrou vào hôm qua, khi loan báo quyết định sẽ bỏ phiếu cho François Hollande ».

Le Figaro : « Sarkozy : Tổng động viên chống Hollande »

Báo chí cánh hữu đương nhiên tiếp tục nổ súng vào ứng viên cánh tả và cổ vũ cho ông Sarkozy.

 Tờ Le Figaro đã nêu bật trên trang nhất lời kêu gọi của đương kim Tổng thống : « Sarkozy : Tổng động viên chống Hollande ». Tờ báo nhấn mạnh là nhân một cuộc mít tinh vào hôm qua ở thành phố tại Toulon (miền Nam nước Pháp), ông Sarkozy đã « tố cáo một cánh tả đã phá hỏng nền Cộng hòa và có nguy cơ hủy hoại hơn nữa ».

Báo kinh tế Les Echos tóm tắt cục diện hiện nay trong hàng tít : « Trước một Hollande nhiều triển vọng, Sarkozy hy vọng một sự bật dậy » nơi cử tri thiên hữu. Tờ báo nhắc lại rằng « ứng cử viên Đảng Xã hội được các cuộc thăm dò cho là sẽ chiến thắng ».

Trung Quốc : Trần Quang Thành muốn được rời Trung Quốc cùng với bà Clinton

Liên quan đến Châu Á, số phận luật sư mù ở Trung Quốc Trần Quang Thành được hầu hết báo Pháp hôm nay theo dõi.

Le Monde và Le Figaro đưa lên tựa sự kiện « Nhà ly khai mù muốn rời khỏi Trung Quốc », trong lúc La Croix ghi nhận : « Trần Quang Thành xin tị nạn ở Hoa Kỳ ». Riêng Libération nêu bật trong hàng tít : « Luật sư Trần Quang Thành bị lừa với "thoả thuận" (của Bắc Kinh) ».

Le Figaro nhắc lại là lẽ ra hồ sơ Trần Quang Thành đã được giải quyết ổn thỏa trước cuộc "Đối thoại chiến lược - kinh tế Mỹ Trung", nhưng lại xẩy ra đột biến vào phút chót.

Trần Quang Thành đã rời Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh hôm thứ Tư, một hành động được cho là một cách "tự nguyện" : ông chấp nhận ở lại Trung Quốc với nhũng lời cam kết là an ninh được bảo đảm ; ông được đưa đến bệnh viện để chăm sóc vết thương ở chân ; ông và gia đình sẽ được đưa đến một nơi cư ngụ an toàn...

Thế nhưng đến tối, ông đột nhiên thay đổi ý kiến, không còn muốn ở lại Trung Quốc. Trả lời đài truyền hình CNN qua điện thoại, ông cho biết là muốn đi Mỹ, với giọng thống thiết, ông cầu cứu đến Tổng thống Obama, xin giúp gia đình ông ra khỏi Trung Quốc.

Tại sao Trần Quang Thành lại đổi ý ?

Theo Le Figaro, đó là vì ông bị chấn động sau khi gặp lại gia đình, nghe kể lại những gì xảy ra sau khi ông trốn khỏi nhà : vợ ông đã bị trói vào một cái ghế trong suốt hai ngày, và bị hăm dọa là sẽ bị đánh đập nếu chồng bà không ra khỏi sứ quán Mỹ.

 Vợ ông còn kể lại là trong nhà ông, người ta đã đặt 7 chiếc camera theo dõi, và những kẻ canh gác trang bị gậy gộc, đã vào sống ngay trong nhà ông.

Ông Trần Quang Thành cũng tiết lộ là ông đã phải rời sứ quán Mỹ trước những lời hăm dọa của chính quyền là sẽ đưa vợ và con ông trở lại Sơn Đông.

Theo mô tả của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, tối hôm qua ông Trần Quang Thành bị sốc thấy rõ, cho biết là ông không tin là được phía Mỹ che chở. Ông muốn gặp trực tiếp Ngoại trưởng Mỹ với hy vọng sẽ được bà giúp đỡ.

Như thế, theo tờ báo, cơn ác mộng ngoại giao lại bắt đầu trở lại ám ảnh Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc.

Tối qua, một chiếc xe của sứ quán Mỹ vẫn đậu trước bệnh viện. Ông Obama, dưới sức ép của đảng Cộng Hòa, khó thể bỏ rơi một luật sư mù đã xin nước Mỹ che chở. Vấn đề là chính quyền Trung Quốc, vì cảm thấy mình bị hạ nhục, liệu có chấp nhận nhượng bộ hay không ?

Dẫu sao thì "giấc mơ lớn" của Trần Quang Thành là được cùng với gia đình đi theo bà Clinton sau cuộc đối thoại chiến lược kết thúc hôm nay.

Trung Quốc : Cả Mỹ lẫn Trần Quang Thành đều bị đánh lừa ?

Libération cũng nhắc lại những sự kiện trên, nhưng nhận thấy là vị luật sư mù đã bị lừa, vì chính quyền Bắc Kinh có vẻ như muốn nuốt lại những cam kết, sau khi ông Thành rời sứ quán Mỹ.

 Nhà luật sư ly khai không còn chút hồ nghi : Chính quyền đã dự kiến đưa ông trở lại nơi cầm giữ và sẽ làm mọi cách để ông không thể trốn đi nữa.

Theo Libération, điều  càng làm ông Thành hoảng hốt là ông không liên lạc được với người thân ở Sơn Đông qua điện thoại. Còn bạn bè của ông, những người đã giúp ông, thì hầu như đã biến mất. Đối với ông, thỏa thuận mà Mỹ đã giành được, theo đó chính quyền Trung Quốc bảo đảm an toàn cho ông và gia đình, chỉ là một cái bẫy.

Nhật báo La Croix thì nhận thấy không phải chỉ có Trần Quang Thành bị lừa, và tự hỏi là phải chăng cả phiá Mỹ cũng bị lừa ?

Đối với La Croix, vì muốn tìm kiếm một thỏa hiệp có thể làm Bắc Kinh hài lòng trước một cuộc họp quan trọng, có lẽ phía Mỹ đã tỏ ra quá ngây thơ khi muốn đáp ứng nguyện vọng của Trần Quang Thành, vốn đã khẳng định là muốn ở lại Trung Quốc, nhưng lại không nghĩ đến việc là chế độ Trung Quốc không bao giờ để yên cho một nhà ly khai năng động như vậy mà không tìm cách bịt miệng và canh chừng.

La Croix cũng nhận thấy là Trần Quang Thành, sau khi ra khỏi sứ quán Mỹ, đã hiểu rằng ông sẽ không được một sự che chở nào, và với tư cách một nhà ly khai, ông không thể tiếp tục sống ở Trung Quốc.

Tờ báo cũng nêu câu hỏi là liệu Trần Quang Thành có thể rời Trung Quốc hay không ?

Hoa Kỳ đương nhiên sẽ cho ông tị nạn chính trị, nhưng số phận của ông lại nằm trong tay Bắc Kinh, và họ sẽ không để ông đi mà không đòi hỏi một số nhượng bộ ngoại giao, thương lượng trực tiếp với bà Clinton.

Nhưng La Croix cũng nhìn thấy là một khi Ngoại trưởng Mỹ rời Bắc Kinh, hồ sơ Trần Quang Thành có lẽ sẽ bị chìm hay bị quên đi như trường hợp Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hoà Bình, vẫn đang phải ngồi tù.

Liên quan đến trường hợp này, tác giả bài viết trên La Croix trích dẫn tạp chí Commentaire đăng bài viết về Trung Quốc của chuyên gia người Úc Simon Leys, đã nêu một câu hỏi chưa có lời giải là, tại sao một chế độ hùng mạnh như Trung Quốc lại lo ngại và phải nói là "hoảng hốt" trước một người - không phải một mình trước chiến xa vào năm 1989 trên quảng trường Thiên An Môn, mà là một người mù với vũ khí duy nhất là ngòi bút ?

Nhật Bản không còn điện hạt nhân !

Cũng nhìn về Châu Á, báo kinh tế Les Echos chú ý đền sự kiện Nhật Bản đang lo thiếu điện nghiêm trọng. Nguyên do đến từ việc lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn hoạt động ở trung tâm Tomari, phía Bắc Nhật, sắp đóng sẽ được tắt vào tối mai để bảo trì, và không biết lúc nào mới được khởi động lại.

Như thế là cả 54 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đều ngưng hoạt động.

Tác giả bài báo cảm thấy có một không khí hơi lạ, vì lần đầu tiên từ năm 1965, nước Nhật vào ngày mai sẽ trải qua một đêm không có điện hạt nhân.

Theo Les Echos, chính quyền Tokyo tỏ ra khá bối rối trước sự kiện tất cả các lò phản ứng đều ngưng hoạt động, vì đây được xem là một thắng lợi tượng trưng của phong trào phản đối điện hạt nhân, tại Nhật cũng như trên thế giới.

Tokyo đang tìm cách cho khởi động lại càng nhanh càng tốt hai lò phản ứng ở Fukui, tỉnh phía Tây, với hy vọng thuyết phục được người dân chấp nhận mở lại các nhà máy điện hạt nhân.

Một trong những biện pháp thuyết phục là thông báo không đáp ứng được nhu cầu điện, 5% nhu cầu điện sẽ không được thoả mãn vào mùa hè này ở Tokyo, 4% ở Kansai.

Les Echos mô tả tình hình năm ngoái vào lúc hè, khi nạn thiếu điện không nghiêm trọng như dự kiến năm nay, vì một số lò phản ứng vẫn còn hoạt động, và cung cấp 11% điện.

 Lúc đó, từ người dân cho đến các công ty, tất cả đều nỗ lực tiết kiệm năng lượng, dân chúng đã giảm ánh sáng đèn trong nhà, thang máy chạy luân phiên, cái nghỉ cái chạy, nhân viên các công ty chấp nhận làm việc trễ hơn hoặc đến làm sáng sớm hay vào ngày cuối tuần, nhờ đó đã tiết kiệm được 10% điện tiêu thụ.

Tuy nhiên tuần qua, giới chủ nhân đã cảnh báo là không thể làm như thế mỗi năm, vì nhiều công ty  sản xuất đã bị giảm sụt.

Hy Lạp : Bầu cử Quốc hội = Trưng cầu dân ý về chính sách khắc khổ

Báo giới Pháp cũng rất chú ý đến cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Hy Lạp vào Chủ nhật 6/5 tới đây trong bối cảnh các kế hoạch thắt lưng buộc bụng đã làm người dân vô cùng tức giận, và bị một số đảng phái chỉ trích.

Đối với La Croix, cử tri Hy Lạp sẽ cho biết ý kiến về kế hoạch khắc khổ, xem đây là một "cuộc trưng cầu dân ý" về kế hoạch của liên minh cầm quyền.

 Le Figaro nhìn thấy trước là các đảng cực đoan sẽ thu lợi nhờ thái độ tức giận của người dân. Báo Les Echos nói đến một cuộc bỏ phiếu lịch sử vì nó sẽ quyết định là Hy Lạp vẫn còn một tương lai trong vùng đồng euro hay không.

Ukraina : Cựu Thủ tướng Tymoshenko bị trấn áp vì bị chính quyền e ngại

Nhìn sang Ukraina, Le Figaro tỏ vẻ băn khoăn : sự kiện chế độ Kiev truy bức bà Tymoshenko, giữ bà ở trong tù, đang đầu độc không khí chuẩn bị Cúp Bóng đá Euro 2012. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có lẽ xuất phát từ việc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra.

Nhìn cách đối xừ với cựu Thủ tướng Tymoshenko, Le Figaro nhận định là ngành Tư pháp, khi lọt vào những "bàn tay xấu", quả là đã trở thành một vũ khí đáng ngại. Theo tờ báo, trích dẫn giới thân cận với bà Tymoshenko, nếu không có mối quan tâm của quốc tế thì có lẽ vị cựu Thủ tướng đã bị giết chết rồi.

Tuy không còn là một mảnh đất phi luật pháp như vào những năm 1990, nhưng tại Ukraina, các phương pháp thủ tiêu đối thủ chính trị vẫn chưa biến mất. Điển hình là trường hợp cựu Tổng thống Vicktor Ioutchenko đã bị đầu độc vào năm 2004.

Nhưng không phải chỉ có Tymoshenko, hơn một chục thành viên của đảng đối lập Batkivchtchina (Tổ quốc) đã bị truy tố. Câu hỏi là tại sao chế độ Kiev lại hung hăng như thế với các nhân vật kể trên ?

Theo Le Figaro, đó là vì cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra trong vài tháng tới đây ở Ukraina. Bà Timochenko đang làm cho đương kim Tổng thống Ianoukovictch và đảng của ông đau đầu : họ đã mất uy tín, trong lúc đảng Batkivchtchina trở nên đối thủ lợi hại.

Nhưng gần đến Cúp Bóng đá Châu Âu 2012, mà Ukraina cùng tổ chức với Ba Lan, thì những kiện vừa qua không tô bóng chút nào hình ảnh Ukraina.

Nhiều người trong giới lãnh đạo ý thức được điều này. Thế nhưng, đối với chính quyền, chỉ nghĩ đến việc trả tự do cho bà Tymoshenko như Châu Âu yêu cầu mà thôi, thì họ đã hoảng sợ.

Như một nhà quan sát giải thích, do cá tính và bản lĩnh của bà, ông Ianoukovitch và giới thân cận của ông dư biết là dù bà Timochenko có đi lưu vong chăng nữa thì bà cũng sẽ tìm cách phục hận, và chính trường Ukraina sẽ biến thành một câu chuyện « Bá tước Monte Cristo » khác.