Sài Gòn hiện nay, thất vọng nhiều hơn hãnh diện |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Năm, 03 Tháng 5 Năm 2012 15:23 |
Xã hội Sài Gòn đang “phân hóa dữ dội vì mọi giá trị của con người đều dựa vào thước đo của đồng tiền” SÀI GÒN (NV) - Lần đầu tiên tại Sài Gòn diễn ra một cuộc hội thảo về “giá trị của thành phố Sài Gòn hiện nay” với cái nhìn thất vọng nhiều hơn hãnh diện. Có người đã trải qua thời gian sống thời “Sài Gòn cũ” không ngần ngại bày tỏ nỗi ngậm ngùi luyến tiếc thuở xa xưa... Trẻ em Sài Gòn chơi đùa trên Bến Chương Dương. Với nhiều người, Sài Gòn hiện nay “thất vọng nhiều hơn hãnh diện.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) Cuộc hội thảo này do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức hôm 25 tháng 4 mang tựa đề “Người trẻ và đất hứa” cho thấy phần lớn cư dân Sài Gòn hiện nay không phải là dân “chính gốc.” Ông Nguyễn Ðức Lộc, giảng viên trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài Gòn (trường Ðại Học Văn khoa cũ) cho rằng hiện nay “ít ai dám vỗ ngực tự xưng mình là người Sài Gòn.” Trái lại, đa số cư dân Sài Gòn là người nhập cư từ nơi khác đến, trong đó có rất nhiều người đến để “đổi đời,” đặc biệt từ sau năm 1975 trở lại đây. Một diễn giả thuộc Viện Sinh Học Nhiệt Ðới Sài Gòn, ông Ngô Văn Trí, tỏ ý tiếc về việc phá bỏ nhiều kiến trúc thơ mộng của Sài Gòn xưa. Theo ông, những hàng cây sao, cây dầu tỏa bóng mát trên đường Tự Do cũ (nay là đường Ðồng Khởi) của một Catinat yêu kiều nay chỉ còn là “hoài niệm.” Ông nói: “Vẻ đẹp xưa với những kiến thức cổ kính đã dần mất đi để thay vào đó là những tòa nhà cao tầng.” Trong số các diễn giả góp ý về sự đổi thay của con người ở Sài Gòn, nhận định của ông Trần Bảo Minh, giám đốc điều hành công ty thực phẩm Á Châu tại Sài Gòn khiến cử tọa kinh ngạc. Người nghe không ngạc nhiên về nhận định “không mấy gì mới” của ông, nhưng ngỡ ngàng vì những lời lẽ hùng hồn, đanh thép của một người trẻ khi chỉ trích khuynh hướng chạy theo đồng tiền của người Sài Gòn hiện nay. Ông nói: “Ba tôi là một cán bộ tập kết đưa tôi về Sài Gòn sống với những người bạn của ông đều là cán bộ nhà nước. Tôi ngưỡng mộ những người này vì ai cũng làm việc không kể giờ giấc, hy sinh quyền lợi của bản thân mình vì lợi ích chung. Nhưng chỉ vài năm sau, khi tôi vào trường đại học, gặp lại các ông ấy thì tôi thấy họ thay đổi ghê gớm. Tư hữu, tư lợi nẩy sinh, họ chiếm nhà, chiếm đất, lấn đất làm nhà...” Cử tọa còn choáng váng khi nghe diễn giả, giám đốc Trần Bảo Minh, thú nhận ông mang cảm giác “lạc lõng” khi đứng giữa Sài Gòn sau chuyến du học từ Úc về. Ông Trần Bảo Minh cho rằng xã hội Sài Gòn đang “phân hóa dữ dội vì mọi giá trị của con người đều dựa vào thước đo của đồng tiền.” Ông còn nói rằng, “Ðồng tiền có giá trị vô song trên đất Sài Gòn hiện nay và đồng tiền lôi cuốn giới trẻ rơi vào vòng xoáy của trận cuồng phong đầy bất an.” Ý kiến của giám đốc Trần Bảo Minh đã được sự tán đồng của ông Nguyễn Ðức Lộc khi cho rằng các bậc cha mẹ hiện nay hết sức lo lắng cho thế hệ con em trong “vòng xoáy của đồng tiền - một thế lực và một quyền lực chi phối, thống trị mọi thứ.” Trong khi đó, theo họa sĩ trẻ Vũ Ðình Giang thú nhận đã từng lâm vào cuộc khủng hoảng tinh thần cũng như nhiều người khác thuộc giới trẻ ở Sài Gòn vì đồng tiền làm đảo lộn mọi thứ. Bài tường thuật của báo Sài Gòn Tiếp Thị về cuộc hội thảo đặc biệt này còn ghi nhận lời tâm sự của nữ phó giám đốc công ty Ocean Eyes, Ðoàn Phi Nga, nói rằng từng “ôm một cục tiền về nhà và chợt nhận ra mình không còn gì hết.” Sau phần lớn những lời tâm sự não nùng từ cuộc hội thảo, cũng có diễn giả đưa ra một số “lối thoát” trước cử tọa, chẳng hạn như “tìm cách thoát khỏi đám đông, tìm cách gây lại sự tự tin” v.v... Tuy nhiên, không ai nói được nguyên nhân vì sao Sài Gòn bây giờ làm nhiều người thất vọng hơn là hãnh diện. Vì chẳng lẽ nói rằng sự thay đổi đáng tiếc của Sài Gòn hiện nay là bởi “tàn dư của chế độ Sài Gòn cũ từ trước năm 1975 để lại”? (PL)
|