Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2012 |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Năm, 03 Tháng 5 Năm 2012 15:00 |
Kim Jong Un: Phong cách mới nhưng vẫn cứng rắn
Tân lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đọc diễn văn trước lễ diễu binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Il Sung ngày 15/04/2012 tại Bình Nhưỡng. Nhật báo Le Monde trong bài phân tích của thông tín viên tờ báo tại Tokyo mang tựa đề « Bình Nhưỡng không hề mềm dẻo hơn » đã nhận định, nhà « lãnh tụ tối cao » trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên tuy tạo ra một phong cách mới, nhưng các đường hướng chung thì không hề thay đổi. Được đẩy lên làm người đứng đầu đảng Lao động và quân đội, Kim Jong Un, thế hệ thứ ba của triều đại cộng sản họ Kim đã lặp lại cách ứng xử nhiệt thành của ông nội là Kim Il Sung. Trái với cha là Kim Jong Il không hề tuyên bố gì trong những dịp lễ lớn, Kim Jong Un hôm 15/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Il Sung, đã đọc một bài diễn văn dài 20 phút, tại quảng trường mang tên của chính người ông. Bài nói chuyện này được đài truyền hình nhà nước trực tiếp truyền đi, sau đó là một cuộc diễu binh quy mô. Với ngoại hình được chú trọng sao cho trông thật giống ông nội, từ khuôn mặt tròn cho đến kiểu tóc, Kim Jong Un đã mặc chiếc áo cổ sĩ quan giống y kiểu áo ông Kim Il Sung đã mặc sau hôm chiến thắng. Tại Bình Nhưỡng, người ta so sánh bài diễn văn đầu tiên này với bài nói của anh thanh niên Kim Il Sung ngày 10/10/1945, hai tháng sau khi giải phóng khỏi tay quân Nhật chiếm đóng. Cả ba lãnh tụ họ Kim đều lên nắm quyền hầu như vào cùng một độ tuổi ba mươi. Những lần xuất hiện trước công chúng gần đây của Kim Jong Un cho người ta cảm tưởng là sự chuyển giao quyền lực đã hoàn tất. Le Monde nhận định, có thể là nhờ vị trí đã được củng cố, nên Kim Jong Un mới có thể đưa ra những sáng kiến. Chính nhà lãnh đạo trẻ này đã quyết định mở cửa cho báo chí ngoại quốc vào Bắc Triều Tiên, cho phép các nhà báo đến tham quan địa điểm phóng hỏa tiễn Unha-3 mà trước nay vẫn giữ bí mật. Cũng chính Kim Jong Un thẳng thắn nhìn nhận là vụ phóng tên lửa đã thất bại. Nhưng nếu phong cách là mới mẻ, thì ngược lại, các định hướng chính trị của Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi. Cứng rắn nhưng không hung hăng, Kim Jong Un không hề cho thấy dấu hiệu mềm dẻo. Nhấn mạnh những « thành tích » của cha ông, Kim Jong Un tuyên bố tiếp tục chính sách « ưu tiên cho quân đội » mà Kim Jong Il đã tiến hành suốt 17 năm trị vì. « Một trăm năm qua là lịch sử của quân đội chúng ta, và quân đội luôn đi đầu trong cuộc cách mạng ». Vị trí quan trọng của quân đội vừa do số lượng đông đảo 1,2 triệu quân nhân, vừa nhờ vai trò trong nền kinh tế, từ việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đến các phức hợp quân sự - công nghiệp. Tuyên bố luôn sẵn sàng thương lượng « với tất cả các nước không có thái độ thù địch với Bắc Triều Tiên », Kim Jong Un cũng khẳng định « sự vượt trội về quân sự và kỹ thuật không còn chỉ nằm trong tay bọn đế quốc. Thời kỳ chúng ta bị đe dọa một cuộc tấn công nguyên tử từ nay đã chấm dứt ». Có thể ngầm hiểu là Bắc Triều Tiên đã có được các phương tiện cần thiết và « có khả năng đánh bại bất cứ kẻ thù nào ». Le Monde nhận định, tuyên bố này cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân. Tác giả bài báo chú ý đến việc Kim Jong Un hai lần nhấn mạnh đến « phẩm giá và chủ quyền ». « Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Bắc Triều Tiên » và chủ nghĩa Juché (độc lập, tự cung tự cấp) là hai hướng chính trong « chủ thuyết Kim Il Sung » hồi thập niên 80 và nay tái xuất hiện trong bài diễn văn của Kim Jong Un. Chủ nghĩa dân tộc quyết liệt này là động lực của một chế độ còn cực đoan hơn cả Mác-Lê, vốn không còn là ý thức hệ tại Bắc Triều Tiên. Một nhà nghiên cứu nhận xét : « Hơn cả chủ nghĩa xã hội, dân tộc chủ nghĩa giúp cho chế độ tồn tại lâu dài ». Bài báo kết luận, lòng tự hào dân tộc là một yếu tố mà Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải tính đến khi phản ứng lại vụ bắn hỏa tiễn hôm 13/4. Người ta lo ngại là, việc đáp trả bằng cách tăng cường trừng phạt sẽ dẫn đến việc Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ ba. Và như vậy bắt đầu cái vòng lẩn quẩn trừng phạt – trả đũa – trừng phạt, không loại trừ nguy cơ diễn biến xấu. Vụ Trần Quang Thành : Dàn xếp Mỹ-Trung và sức kháng cự của xã hội công dân Trung Quốc Có đến bốn tờ báo Pháp quan tâm tới vụ luật sư mù Trần Quang Thành ở Trung Quốc. Le Monde ra từ chiều hôm trước nói về sự kiện « Bắc Kinh tố cáo Washington can thiệp vào chuyện nội bộ ». Le Figaro đề cập đến việc « Ông Trần Quang Thành rời đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh ». Libération quan tâm đến « Tự do tạm thời cho nhà ly khai mù », còn La Croix mỉa mai « Nhà ly khai Trần Quang Thành giành được tự do…tại Trung Quốc ». Thông tín viên của Libération tại Bắc Kinh nhận định, cuối cùng chính quyền Bắc Kinh đã phải chấp nhận các điều kiện do nhà ly khai mù đưa ra. Vụ này có thể sẽ làm tê liệt quan hệ Mỹ - Trung vốn đang căng thẳng, một việc mà cả hai bên đều không muốn. Cho dù có nhiều dấu hiệu cho thấy việc ông Trần Quang Thành bị đối xử tồi tệ là do lệnh của trung ương, ông vẫn để ngỏ một lối thoát cho chính quyền Bắc Kinh. Trong một đoạn video trên YouTube, ông kêu gọi Thủ tướng trừng phạt các sai lầm của chính quyền tỉnh Sơn Đông ; và Bắc Kinh đã chộp lấy cơ hội này để cứu vãn thể diện. Cũng từ Bắc Kinh, thông tín viên của Le Figaro cho biết ông Trần Quang Thành nói rằng chính quyền Trung Quốc đe dọa giết vợ ông nếu ông không chịu rời khỏi đại sứ quán Mỹ. Tờ báo chú ý đến lời tuyên bố của một viên chức ngoại giao Mỹ hôm qua tại Bắc Kinh, cho đây là một vụ « hết sức đặc biệt » xảy ra trong « tình huống đặc thù » và cam đoan các trường hợp tương tự « sẽ không tái diễn », mà theo Figaro là như một lời xin lỗi không chính thức từ phía Mỹ. Nhà ngoại giao này cũng biện minh, người Mỹ đã cho ông Trần Quang Thành vào trú ẩn « vì lý do nhân đạo » vì ông bị thương trong lúc đào thoát, và hành động giúp đỡ này hoàn toàn « hợp pháp ». Còn thông tín viên của La Croix nhận xét, những cuộc thương lượng gay gắt trong những ngày qua có lẽ đã cho phép đạt đến một thỏa thuận làm hài lòng cả Bắc Kinh và Washington. Ông Trần Quang Thành và gia đình sẽ được sống tự do tại « một nơi chốn an toàn » ở Trung Quốc, và sẽ được tiếp tục theo học đại học. Theo La Croix, thì một cuộc khủng hoảng ngoại giao đã được tháo ngòi, ít nhất là trong lúc này, nếu cả hai bên đều giữ lời hứa. Chính quyền Obama muốn duy trì một đối tác cần thiết trong các hồ sơ như kinh tế, thương mại, tiền tệ, nguyên tử, còn Bắc Kinh không muốn làm tăng thêm những rối rắm trong thượng tầng quyền lực sau vụ Bạc Hy Lai. Washington cam kết sẽ không tiếp đón nhà ly khai nào khác trốn vào đại sứ quán, Bắc Kinh thì đòi xin lỗi vì « can thiệp vào chuyện nội bộ ». Mọi người đều giữ được thể diện, chỉ có nhà ly khai mù là thiệt thòi. Bên cạnh đó, tác giả bài báo cho rằng cơn sấm sét trên nền trời vốn đã xám xịt của chế độ cho thấy hệ thống đàn áp của Trung Quốc có những lỗ hổng, và sự thống nhất của đảng Cộng sản đang rời rã. Còn Marie Holzman, chủ tịch hiệp hội Tương trợ Trung Quốc nhận định, ông Trần Quang Thành khó thể đào thoát nếu không có mạng lưới tổ chức. Đây là một cái tát vào mặt chế độ, và nhất là biểu thị sức kháng cự của xã hội công dân Trung Quốc, đang hết sức bất bình trước việc bọn bất lương đang mặc sức hoành hành. Bà kết luận, thật đáng mừng khi thấy nhân dân Trung Quốc có những phản ứng lành mạnh, trong một xã hội mà các nhà lãnh đạo cho rằng muốn làm gì thì làm. Hiện tượng tăng lương tại châu Á Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde đề cập đến hiện tượng tiền lương tại châu Á đang tăng lên, nhưng vẫn chưa thể làm thay đổi bản đồ công nghiệp thế giới. Hôm 1/5 công nhân nhiều nước đã xuống đường đòi tăng lương, từ Pakistan, Philippines, Indonesia cho đến Đài Loan. Đặc biệt tại Trung Quốc, công xưởng của thế giới, khuynh hướng này lại càng rõ nét. Các tỉnh đã cho tăng lương tối thiểu lên khoảng 22% vào năm ngoái, và năm nay lương cũng tăng ở mức hai con số. Tại Thâm Quyến, hồi tháng Hai lương đã tăng gần 14%, ở mức 1.500 nhân dân tệ tức 180 euro, để khuyến khích công nhân nhập cư quay về làm việc sau Tết. Ở Thái Lan, chính quyền của bà Yingluck bắt đầu thực hiện lời hứa tranh cử : từ ngày 1/4, lương công nhật tối thiểu là 300 bạt/ngày (7,38 euro) tại 7/76 tỉnh. Sắp tới những người có bằng cử nhân cũng được lãnh lương tháng tối thiểu là 15.000 bạt. Nhưng tại Ấn Độ lương tăng một cách ngoạn mục nhất châu Á, và đã diễn ra từ nhiều năm qua. Không chỉ trong các ngành đòi hỏi tay nghề cao như dược phẩm hay công nghệ, mà thu nhập của công nhân nông nghiệp cũng tăng trên 15% tại đa số các bang, còn trong kinh tế ngầm thì mức lương cũng tăng vọt. Nếu trước đây các nhà kinh tế ở Natixis dự báo Trung Quốc cần 40 năm nữa mới đạt mức lương tương đương với Mỹ, thì nay thời gian này đã thu ngắn phân nửa. Tuy vậy, việc tăng lương vẫn không thể lấp được khoảng cách với phương Tây. Quá 30 tuổi, công nhân các nước đang phát triển rất khó tìm việc, lạm phát cũng ngốn hết một phần tiền lương, và bất bình đẳng về thu nhập ngày càng sâu sắc. Đáng lo hơn nữa là việc chuyển đổi từ sản xuất bình thường sang một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao không được tổ chức tốt. Hậu quả là việc tăng lương lại trở thành điểm yếu cho xí nghiệp, thậm chí còn gây ra một làn sóng phá sản tại Trung Quốc. Trên thực tế, hiếm khi một công ty đã chuyển dịch sản xuất sang châu Á lại quay về cố quốc. Nếu công lao động tại nhiều nước châu Á giờ đây còn cao hơn một số nước Đông Âu, thì vẫn còn rất rẻ tại Philippines hay Việt Nam chẳng hạn. Vả lại khi chuyển sang châu Á, nhà công nghiệp không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn nhắm vào lượng khách hàng mới có sức mua đang ngày càng cao tại đây. Trang nhất báo Pháp : Cuộc đối đầu giữa hai ứng viên tổng thống Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống 2012 Nicolas Sarkozy và François Hollande tối qua được các nhật báo Pháp đưa lên trang nhất. Le Monde chạy tựa « Sarkozy – Hollande : Cuộc đối mặt mang tính quyết định ». Nhật báo cánh hữu Le Figaro đưa hình toàn cảnh hai ứng viên đang tranh luận với nhận định « Căng thẳng cao độ ». Tờ báo thiên tả Libération đăng chân dung hai ông Sarkozy và Hollande và cho rằng « Hollande điều khiển cuộc tranh luận ». Nhật báo cộng sản L’Humanité đả kích đương kim Tổng thống qua hàng tựa « Mối nguy Sarkozy ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Thuế, việc làm, tăng trưởng : Cuộc đối đầu cuối cùng ». Tờ báo công giáo La Croix thì phỏng vấn hai khuôn mặt đại diện cho cả hai phe, là bà Martine Aubry, Thư ký thứ nhất đảng Xã hội và Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, phụ trách chương trình 2012 của đảng cánh hữu UMP và chạy tít « Những lý lẽ để thuyết phục ». Bộ phim về nhà kháng chiến Pháp Raymond Aubrac Cũng về nước Pháp nhưng trên lĩnh vực điện ảnh, nhật báo cộng sản L’Humanité giới thiệu một bộ phim độc đáo sẽ được trình chiếu vào ngày 20/5 tới tại Paris, mang tên « Raymond Aubrac, sự tái thiết », trong đó nhà kháng chiến nổi tiếng của Pháp xuất hiện bên cạnh một nhân vật bất ngờ : Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là tập hai của bộ phim « Raymond Aubrac, những năm tháng chiến tranh » được giới thiệu ngày 8/5 năm ngoái. Khi Raymong Aubrac qua đời vào ngày 10/4 ở tuổi 97, ông để lại phía sau một câu chuyện đời tận tụy vì lợi ích công, lòng can đảm chống lại chủ nghĩa quốc xã, tấm gương khiêm tốn…và sự chiến đấu của ông không dừng lại sau năm 1945. Ông còn góp phần vào công cuộc tái thiết nước Pháp, châu Âu, trao đổi Đông – Tây, phục vụ cho Liên Hiệp Quốc, và đóng góp vào việc phá vỡ chế độ thuộc địa trên thế giới. Quá trình hoạt động của Raymond Aubrac gắn liền với hai nhân vật lịch sử là Jean Moulin, người lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Kháng chiến Pháp trong Đệ nhị Thế chiến, và Hồ Chí Minh của Việt Nam. Hai đạo diễn Pascal Convert và Fabien Béziat đã dành một phần lớn thời gian bộ phim cho năm năm cuối của họ, trong đó có việc Raymond Aubrac làm trung gian cho Bắc Việt và Mỹ trong khoảng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1967 đến 1972. |