Home Tin Tức Thời Sự Hai ứng viên Tổng thống Pháp tranh luận nẩy lửa nhưng bất phân thắng bại

Hai ứng viên Tổng thống Pháp tranh luận nẩy lửa nhưng bất phân thắng bại PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Năm, 03 Tháng 5 Năm 2012 08:35

 Ông François Hollande, hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận

Francois Hollande (trái) và Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình tối ngày 02/05/2012.
Reuters


Vào tối hôm qua, 02/04/2012, trước khoảng 20 triệu khán giả truyền hình tại Pháp, hai ứng viên tranh chức tổng thống Pháp François Hollande của đảng Xã hội cánh tả, và Nicolas Sarkozy đảng UMP cánh hữu đã tranh luận với nhau trong gần ba tiếng đồng hồ.

Hai bên đã đề cập đến hầu như toàn bộ các chủ đề tranh cử, đối chọi quan điểm với nhau trên từng điểm một để thuyết phục cử tri.

Đúng với dự kiến, cuộc tranh luận diễn ra rất sôi nổi, nhiều khi gay gắt, nhưng kết quả nhìn chung được đánh giá là bất phân thắng bại, cho dù theo một số nhà quan sát, ông Sarkozy, nổi tiếng là một người có tài tranh luận, đã không làm đối phương chao đảo được như ông hằng mong muốn.

Không những không bị hạ gục, ông Hollande đã chứng tỏ trước hàng triệu người Pháp rằng ông là một người thực sự có bản lĩnh, nắm vững được hồ sơ, và đáp trả được mọi chỉ trích đến từ phía đương kim Tổng thống muốn cho thấy là ứng viên đảng Xã hội là một người không có đủ kinh nghiệm để lèo lái nước Pháp trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Phải nói là nội dung tranh luận rất cô đọng, nhiều khi rất khô khan vì đề cập đến những vấn đề thuần túy chuyên môn, từ năng lực cạnh tranh của nước Pháp, vấn đề công ăn việc làm và thất nghiệp, sức mua, các sắc thuế, cho đến giáo dục, nhập cư, năng lượng hạt nhân…

Trên mọi chủ đề, hai bên đều tìm cách phô trương quan điểm của mình và đả kích đối phương, ai cũng muốn mình là người có tiếng nói tối hậu. Chính vì vậy mà cuộc tranh luận, dự trù 2 tiếng rưỡi, đã phải kéo dài thêm 20 phút.

Một ví dụ cụ thể cho thấy tính chất gay gắt của cuộc tranh luận. Ngay từ những phút đầu tiên, Nicolas Sarkozy và François Hollande đã đối chọi với nhau về quan điểm thế nào là Tổng thống. Ông Francois Hollande đã nêu bật vai trò của người đoàn kết tập hợp tất cả các thành phần dân chúng và tuyên bố : "Tôi muốn là công lý phải là trọng tâm của các quyết định liên quan công chúng ».

Ông Nicolas Sarkozy đã lập tức đáp lại : « Tập hợp là một từ ngữ rất hay, một ý tưởng rất đẹp, nhưng phải làm sao để cho khái niệm đó có thực chất ». Và ông Sarkozy đã dẫn chứng bằng thực tế là trong suốt năm năm ông cầm quyền, không hề có một vụ bạo loạn nghiêm trọng nào, kể cả khi chính quyền áp dụng các cải tổ không được lòng dân.

Ứng viên đảng Xã hội đã vặn lại ngay : « May mắn thay là như vậy ! » Theo ông Hollande, nguyên nhân của tình hình yên ổn đó đến từ tinh thần trách nhiệm của các công đoàn, đặc biệt là nhân làn sóng bất bình trước kế hoạch cải cách chế độ hưu trí hồi năm 2010.

Trong cuộc tranh luận hôm qua, ông Nicolas Sarkozy như muốn tìm cách thoát khỏi những quy luật bầu cử đang tồn tại ở châu Âu vào lúc khủng hoảng lớn hiện nay. Đó là các lãnh đạo mãn nhiệm đều bị cử tri trừng phạt. Do đó, ông đã cố gắng bảo vệ thành tích lãnh đạo đất nước của ông trong thời kỳ gian lao vừa qua, và khẳng định các giá trị mà ông từng bảo vệ như vấn đề lao động chẳng hạn.

Ngược lại ông Francois Hollande thì cố gắng nêu bật các thất bại của đối phương, với các số liệu cụ thể, và với những từ ngữ cay nghiệt. Những ngón đòn này nhiều khi đã mang lại hiệu quả nhất định. Đó cũng là một ví dụ cho thấy tính chất gay gắt của cuộc tranh luận.

Trong gần ba tiếng đồng hồ hai bên không ngừng tung ra các số liệu trái ngược nhau, như về món nợ nhà nước theo thống kê của Viện Kiểm kế (Cours des comptes) về mức thâm hụt thương mại, về số lượng công chức… Nếu ông Nicolas Sarlozy đáp trả bằng câu « Ông nói dối ! (Vous mentez !) », thì ngược lại, ông François Hollande thường thốt lên « Không đúng ! (C’est faux !) ».

Tóm lại, vào hôm qua, không ứng cử viên nào đẩy được đối phương vào thế bí, và cuộc tranh luận được coi là hoàn toàn cân bằng, và điều đó có thể có lợi cho ông François Hollande, hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.