Home Tin Tức Thời Sự Đức: Bắt đầu chịu hậu quả khủng hoảng châu Âu

Đức: Bắt đầu chịu hậu quả khủng hoảng châu Âu PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 02 Tháng 5 Năm 2012 11:36

 Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã giảm rõ rệt trong tháng Tư

 

 

Nhân viên nhà máy chế tạo xe buýt Evobus Mercedes-Benz biểu tình đòi tăng lương, Manheim, 02/05/2012
REUTERS


Cho đến nay, tình hình kinh tế Đức luôn luôn sáng sủa hơn so với các nước láng giềng, thế nhưng, giờ đây, một số dấu hiệu tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế số một châu Âu.

Ngày hôm nay, 02/05/2012, viện Markit, chuyên về dịch vụ thông tin tài chính, có trụ sở chính tại Luân Đôn, đã công bố các số liệu về kinh tế Đức, theo đó, chỉ số quản lý sức mua (Purchasing Managers' Index - PMI) xuống tới mức thấp nhất từ 33 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Các số liệu này được đưa ra vào lúc tăng trưởng của Đức có thể chỉ đạt mức 0,7% trong năm nay, 1,6% trong năm 2013. Trong năm 2011, tỷ lệ này là 3%.

Theo nhận định của viện Markit, việc chỉ số PMI, từ 48,4 điểm trong tháng Ba giảm xuống còn 46,2% trong tháng Tư, phản ánh tình trạng sản xuất cũng như khối lượng các sản phẩm đầu tư bị tụt giảm.

Việc xuất khẩu các sản phẩm đầu tư, nhất là các loại máy công cụ, là một trong những trụ cột của mô hình kinh tế Đức. Theo giải thích của một số nhà sản xuất Đức, nhu cầu của các khách hàng ở phía nam châu Âu giảm dẫn đến việc có ít đơn đặt hàng xuất khẩu.

Mặt khác, tình trạng thất nghiệp, vốn có phản ứng chậm hơn so với tình hình kinh tế, bắt đầu xấu đi, cho dù đây vẫn là chỉ số tương đối tốt, mà nhiều nước châu Âu khác thèm muốn. Cụ thể, Đức có tỷ lệ thất nghiệp, được điều chỉnh theo thời vụ, là 6,8%, có nghĩa là có thêm 19 000 người tìm việc làm.

Theo cơ quan phụ trách việc làm của Đức, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã giảm rõ rệt trong tháng Tư. Dường như đỉnh điểm của nhu cầu tuyển dụng, với khoảng 500 000 việc làm cần tuyển người, đã qua.

Chuyên gia Timo Klein, thuộc tổ chức IHS Global Insight, nhận định, kinh tế châu Âu trong sáu tháng cuối năm 2011 bị suy giảm, giờ đây mới gây ra các hậu quả.

Theo các kinh tế gia, chỉ số PMI và tỷ lệ thất nghiệp của Đức cho thấy là nền kinh tế số một châu Âu không tránh khỏi những hậu quả của khủng hoảng và cuộc khủng hoảng nợ công là « rủi ro chính » đối với nền kinh Đức.

Cho đến giữa năm 2011, kinh tế Đức hầu như không có dấu hiệu bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thậm chí, tình hình khó khăn đó còn mang lại mối lợi : Vào một số thời điểm, nước Đức có thể huy động vốn trên thị trường với lãi suất gần cực kỳ thấp.

Ông Jonathan Loynes, công ty tư vấn, nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics, cho rằng, những dấu hiệu xấu trên thị trường lao động Đức có thể càng làm nổi bật nhu cầu ngày càng lớn trong việc tạo tăng trưởng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.