Home Tin Tức Thời Sự Pháp sẽ phải vất vả cải thiện quan hệ với châu Âu sau bầu cử tổng thống

Pháp sẽ phải vất vả cải thiện quan hệ với châu Âu sau bầu cử tổng thống PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 02 Tháng 5 Năm 2012 11:28

 Paris sẽ phải hàn gắn lại những rạn vỡ trong quan hệ với châu Âu

Quốc kỳ 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. / DR


Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, bất kể là ai, sẽ phải vất vả để trấn an các đối tác châu Âu và cải thiện quan hệ với Bruxelles.

 Nguyên nhân là vì trong chiến dịch vận động tranh cử, cả hai ứng viên, ông Nicolas Sarkozy, đảng cánh hữu UMP, và ông François Hollande, đảng cánh tả Xã hội, đều chỉ trích gay gắt Liên Hiệp Châu Âu.

« Nước Pháp sẽ phải trả giá về cuộc vận động tranh cử. Người ta đã không nói tốt đẹp về châu Âu, người ta nói xấu về châu Âu và điều này sẽ để lại hậu quả sau cuộc bỏ phiếu ». Đó là nhận định của ông Jean-Dominique Giuliani, chủ tịch Quỹ Schuman (Fondation Schuman), một trung tâm nghiên cứu về châu Âu.

Vẫn theo ông chủ tịch Giuliani, được AFP trích dẫn, « người ta thấy tổng thống (mãn nhiệm) Nicolas Sarkozy phát ra những lời đe dọa là nước Pháp ra khỏi Schengen và về chính sách thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đó ứng viên đảng Xã hội (François Hollande) thì tuyên bố muốn đàm phán lại hiệp ước về ngân sách đã được 25 nước ký ». Do vậy, Paris sẽ phải hàn gắn lại những rạn vỡ trong quan hệ với châu Âu.

Theo giới phân tích, những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp 2012 đã làm cho Bruxelles ngạc nhiên. Đối với hai ứng viên tổng thống Pháp, mọi khó khăn, khủng hoảng, thất nghiệp, đình đốn kinh tế, bất bình xã hội, nạn nhập cư lậu v.v., tất cả đều do Liên Hiệp Châu Âu !

Tổng thống mãn nhiệm - ứng viên cánh hữu Sarkozy tố cáo châu Âu bất lực, không ngăn cản được luồng nhập cư bất hợp pháp. Ông còn chỉ trích chính sách thương mại của châu Âu là ấu trĩ và đề nghị thiết lập một dạng « bảo hộ mậu dịch » tại châu Âu.

Các tuyên bố cứng rắn của ông Sarkozy nhằm thu hút lá phiếu của cử tri cực hữu đã buộc Bruxelles phải lên tiếng nhắc nhở : Cơ quan hành pháp châu Âu – tức Ủy ban châu Âu – đề nghị các lãnh đạo châu Âu không nên đưa ra những phát biểu mang tính chất dân túy, trái ngược với những giá trị và ý tưởng của tiến trình xây dựng châu Âu.

Thái độ và các phát biểu của ông Sarkozy cũng làm cho thủ tướng Đức Angela Merkel khó chịu.

Khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Sarkozy đã tìm mọi cách đề cao mô hình Đức, còn bà Merkel thì công khai tuyên bố ủng hộ ông Sarkozy. Sau khi thấy « lá bài Đức » không thu hút cử tri Pháp, thậm chí phản tác dụng, ông Sarkozy không muốn bà Merkel đến dự các cuộc vận động tranh cử của ông nữa.

Trên một khía cạnh khác, ứng viên đảng Xã hội François Hollande cũng gây lo ngại cho châu Âu khi ông tuyên bố, nếu trúng cử, ông sẽ tiến hành đàm phán lại hiệp định về kỷ luật ngân sách.

 Giới chuyên gia ghi nhận là vào lúc châu Âu chỉ chú trọng đến chính sách thắt lưng buộc bụng, thì ông Hollande đã thành công trong việc buộc Bruxelles phải có cái nhìn toàn diện hơn, đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, bất đồng vẫn còn sâu rộng về phương pháp và các phương tiện cần huy động để có được tăng trưởng.

 Các chính phủ cánh hữu và trung hữu, hiện chiếm đa số tại châu Âu, coi ông Hollande là biểu tượng của chính sách chi tiêu thụ động, làm tăng thâm hụt ngân sách vào lúc cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

The Economist, tuần báo Anh có uy tín trong giới doanh nhân, đánh giá ứng viên Hollande là một người « nguy hiểm ».

Tuần báo đặt câu hỏi, phải chăng ứng viên đảng Xã hội sẽ chấp nhận một hiệp định về tăng trưởng để bổ sung cho hiệp định về kỷ luật ngân sách ?

 Hay ông Hollande muốn đàm phán lại một số nội dung trong hiệp định về kỷ luật ngân sách, kể cả việc đưa ra thêm các vấn đề mới như khả năng phát hành công trái châu Âu ? Trong trường hợp này, không loại trừ nguy cơ « đối đầu » với Đức.

Chuyên gia Giuliani lo ngại sẽ có một vài căng thẳng trong quan hệ Pháp-Đức, bởi vì « ông Hollande đi quá xa trong chiến dịch vận động tranh cử ».

Trong thời gian qua, ứng viên đảng Xã hội và các cố vấn thân cận của ông không ngần ngại chỉ trích thủ tướng Đức Merkel và cho rằng Berlin muốn áp đặt ý muốn của mình đối với toàn châu Âu.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp còn có nguy cơ tác động đến trục hợp tác Paris –Berlin trong tiến trình xây dựng châu Âu.

 Theo giới quan sát, thủ tướng Đức Merkel đang tăng cường phối hợp và thảo luận với đồng nhiệm Ý Mario Monti trên các vấn đề châu Âu. Đến mức mà báo chí Ý bình luận rằng Roma có thể thay thế Paris trong mối quan hệ ưu tiên của Đức tại châu Âu.