Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-04-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-04-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 30 Tháng 4 Năm 2012 21:34

Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông : Ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc

  


Ông Bạc Hy Lai (T) và Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương trong buổi lễ khai mạc khóa họp Quốc Hội ở Đại Sảnh Đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 05/03/2012.
REUTERS/Jason Lee


Trong bài « Uông Dương, ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc », nhật báo Le Monde đã phác họa chân dung bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.

 Theo thông tín viên Brice Pedroletti, việc ông Bạc Hy Lai đột ngột bị thất sủng đang « mở ra cả một con đường rộng thênh thang để ông Uông Dương tiến vào ban thường vụ bộ chính trị ».

Trên nguyên tắc, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông sẽ giành được một trong số 9 ghế của bộ chính trị vào tháng 10 tới đây. Ông Uông Dương, 57 tuổi, từng là chủ tịch Ủy ban nhân dân Trùng Khánh trước khi nhường lại chiếc ghế này cho ông Bạc Hy Lai, để nhận lấy chức vụ bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Quảng Đông là tỉnh giàu có nhất Trung Quốc với 100 triệu dân.

Hai ông Bạc Hy Lai và Uông Dương tuy cùng là thành viên ban chấp hành trung ương, nhưng bản chất hai người rất khác với nhau, từ về tư tưởng đến thân thế.

 Họ Bạc chủ trương đặt các hoạt động kinh tế trong tay nhà nước trong khi đó ông Uông Dương có khuynh hướng thu hẹp vai trò của nhà nước để nhường chỗ cho các hoạt động của tư nhân.

 Trái hẳn với Bạc Hy Lai, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông không thuộc thành phần « các hoàng tử đỏ ».

Một người thì có vẻ hào nhoáng bên ngoài, thoải mái với lối sống của phương Tây. Còn người kia thì tỏ ra kín đáo, thậm chí là vụng về, cứng nhắc khi phải tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chính ông Uông Dương lại là người cởi mở hơn cả và cái bề ngoài kín đáo đó không cấm cản ông đi theo con đường cải tổ.

Vài tháng trước Đại hội Đảng, Bạc Hy Lai bị cách chức, con đường thăng tiến của ông này càng thêm bế tắc khi vợ ông bị nghi ngờ có dính líu đến vụ ám sát một kiều dân người Anh.

Nhìn về phía Uông Dương, cuộc nổi dậy ở Ô Khảm được giải quyết một cách êm thắm được coi là thành tích của bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.

Ở chức vụ này, ông này đã có kế hoạch cải tổ đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Cũng chính tại Thâm Quyến, vào năm 2010 thủ tướng Ôn Gia Bảo lần đầu tiên đã đề cập đến nhu cầu cải tổ guồng máy chính trị của Trung Quốc.

Le Monde không quên nhắc lại là cả thủ tướng Ôn Gia Bảo lẫn chủ tịch Hồ Cẩm Đào rất thường xuống thăm tỉnh Quảng Đông, cho dù cả hai đã cố ý tránh né Trùng Khánh. Ông Uông Dương được coi là một trong những nhân vật được chủ tịch Trung Quốc mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào « che chở ».

Trần Quang Thành, cái gai trong quan hệ Mỹ Trung

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo chí Pháp đương nhiên bình luận nhiều về trường hợp của luật sư mù Trần Quang Thành : « Công an Trung Quốc phẫn nộ vì vụ nhà ly khai Trần Quang Thành thoát khỏi nơi quản chế » tựa trên báo Le Figaro.

 Tuy chưa xác nhận tin « luật sư của những thành phần chân đất » đang ẩn náu tại sứ quãn Mỹ ở Bắc Kinh, nhưng trường hợp của luật sư Thành sẽ là « cuộc trắc nghiệm lớn nhất đối với quan hệ Mỹ Trung » từ nhiều năm qua.

Trên đây là phân tích của một cựu nhân viên tình báo CIA được Libération trích lại.

Tờ báo phân tích : đối với chính quyền Obama sự hiện diện của luật sư Trần Quang Thành đến không đúng lúc.

 Vài tháng trước bầu cử, Nhà Trắng muốn tránh gây sóng gió với Bắc Kinh. Đồng thời sự kiện này cũng nhắc nhở với dư luận Hoa Kỳ là tổng thống Barack Obama trong bốn năm qua đã không đạt được nhiều thành tích trong các cuộc mặc cả với Trung Quốc, từ hồ sơ kinh tế đến nhân quyền.

Về mặt đối ngoại, tương quan lực lượng đang nghiêng về phía Bắc Kinh do Washington đang gia tăng áp lực để đòi Trung Quốc kềm chế đồng minh Bắc Triều Tiên vào lúc Bình Nhưỡng đang dọa thử nghiệm nguyên tử thêm một lần nữa.

 Cũng lại Hoa Kỳ cần có tiếng nói của Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng tại Syria và Soudan. Trên tất cả những hồ sơ này Bắc Kinh chưa hề tỏ thái độ nhượng bộ Washington.

Dù vậy, theo Libération « nhờ luật sư Trần Quang Thành, đối thoại chiến lược và kinh tế song phương khai mạc vào ngày 03/05/2012 sẽ giúp Hoa Kỳ và Trung Quốc nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn hơn ».

Tây Ban Nha lún sâu vào khủng hoảng

Rời khỏi châu Á để nhìn tới thời sự châu Âu : « Châu Âu chóng mặt vì khủng hoảng Tây Ban Nha » tựa bài xã luận của Le Monde. Báo kinh tế Les Echos gắn liền khủng hoảng Tây Ban Nha với việc thủ tướng Đức đề cập đến việc đưa mục tiêu tăng trưởng vào chương trình nghị sự thượng đỉnh châu Âu vào cuối tháng 6/2012.

« Khủng hoảng Tây Ban Nha thêm nghiêm trọng khiến châu Âu phải lên tiếng ». Ở trang trong, tờ báo phác họa toàn cảnh hết sức u ám với những tin xấu dồn dập : « suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, Tây Ban Nha bị hạ điểm tín nhiệm ».

24,44 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Trong trường hợp khả quan nhất thì cũng phải đợi tới năm 2014 may ra Tây Ban Nha mới hy vọng giảm bớt thất nghiệp.

 Giới chuyên gia không hy vọng ngân sách nhà nước của Madrid trong tài khóa 2012 có thể tiết kiệm được 43 tỷ euro như đã thông báo, và dường như không còn mấy ai tin tưởng là Tây Ban Nha sẽ lấy lại uy tín với các nhà đầu tư nhờ vào các biện pháp « khắc khổ » để giảm bớt nợ công, xua tan đe dọa phá sản.

Báo Cộng sản L'Humanité nhấn mạnh đến hơn « 50 cuộc tuần hành ngày 29/04/2012 chống chính sác khắc khổ » trong khi đó theo quan điểm của tờ báo, chính quyền của thủ tướng Rajoy vẫn « nhắm mắt đi theo con đường đã được Bruxelles vạch ra » : tiếp tục thắt lưng buộc bụng.

Điều trớ trêu là, như tin được phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro cho biết : vào ngày 03/05/2012 Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu sẽ họp lại tại Barcelonna- Bồ Đào Nha để thảo luận về « một chiến lược mới » dựa trên tăng trưởng. Le Monde thận trọng hơn khi ghi nhận « Tây Ban Nha đang đứng bên bờ vực thẳm, châu Âu vẫn còn cãi vã » và Berlin chống đối mọi khả năng hỗ trợ Madrid, vào lúc bản thân Hoa Kỳ đang lo ngại khủng hoảng châu Âu lan rộng.

Hy Lạp : Một cuộc bầu cử đầy bất trắc

Mọi người đang chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 06/05/20012 nhưng cùng lúc cử tri Hy Lạp được kêu gọi để bầu lại 300 đại biểu Quốc hội.

Theo đánh giá của Le Monde kể từ cuối Đệ Nhị Thế chiến tới nay, trên quê hương của Socrate, chưa bao giờ một cuộc tuyển cử lại được coi là đầy bất trắc như lần này.

Hy Lạp là nơi có tới 28 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó hoặc bị đe dọa gạt ra ngoài lễ xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21 %. Thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương với 70 % so với mức trung bình trong Liên Hiệp Châu Âu.

 Hy Lạp tuy đang nhận được hai gói hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế nhưng kinh tế vẫn tụt hậu. Hơn 60 000 doanh nghiệp bị phá sản từ mùa xuân 2010 tới nay và có tới 50 % thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm.

Bầu cử tổng thống Pháp : tuần lễ quyết định

Trở lại với thời sự nước Pháp, vào lúc mọi người chờ đợi cuộc tranh luận tay đôi trên đài truyền hình vào ngày 02/05/12 giữa hai ứng cử viên tổng thống Hollande và Sarkozy, các báo không quên nhắc tới Ngày lễ lao động 01/05/2012. Năm nay, ngày Lao động Quốc tế tại Pháp sẽ mang "màu sắc đặc biệt".

 L'Humanité chạy tựa lớn trên trang nhất : « Mồng 1 Tháng 5 ». Ở dưới là một loạt những đòi hỏi của người lao động « lương bổng, việc làm, tiến bộ xã hội, hưu bổng … »

Libération thiên tả châm biếm nhái lại lời tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã kêu gọi dân chúng xuống đường vì « công việc làm thực sự » nhân ngày lễ Lao động.

 Tờ báo vẽ bức hý họa với hình ảnh ông Sarkozy trong một bộ đồng phục của công nhân, đầu đội mũ bảo hộ lao động với một bên là êtiket của đảng UMP đang cầm quyền và bên kia là logo của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia.

Ngày 1 Tháng 5 là ngày mà giới lao động có truyền thống xuống đường, thế nhưng lần này, với sáng kiến của ông Sarkozy, đảng UMP cũng kêu gọi biểu dương lực lượng.

Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen cũng kêu gọi tập hợp ở quảng trường Opéra để vinh danh nữ thánh Jeanne d’Arc và nhất là để lãnh đạo đảng này, Marine Le Pen kêu gọi cử tri nên bỏ phiếu cho ai ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Báo công giáo La Croix ghi nhận « những ý nghĩa khác nhau về ngày Mồng 1 tháng 5 của những người biểu tình » và tờ báo khuyến cáo độc giả không nên quên rằng đó trước hết là một ngày lễ lao động.