Dân Việt tẩy chay thực phẩm Trung Quốc |
Tác Giả: Người Việt | ||||
Thứ Hai, 30 Tháng 4 Năm 2012 08:07 | ||||
Theo VTC News, các loại nước “cốt cam” Trung Quốc đầy vị ngọt, hương thơm vừa được khám phá rằng “ẩn chứa những hiểm họa khôn lường”. VIỆT NAM (NV) - Việt Nam đang rộ lên dư luận tẩy chay hàng thực phẩm của Trung Quốc sản xuất từ trái cây khô cho đến nước giải khát vì có chứa hóa chất chết người.
Theo VTC News, các loại nước “cốt cam” Trung Quốc đầy vị ngọt, hương thơm vừa được khám phá rằng “ẩn chứa những hiểm họa khôn lường”. Báo này dẫn lời của ông Tiến Sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công Nghệ Sinh Học và Công Nghệ Thực Phẩm thuộc trường Ðại Học Bách Khoa Hà Nội cho rằng các quán nước ở Hà Nội thường dùng nước “cốt cam” tức là loại nước trái cây “hương liệu” để pha chế thành nước uống. VTC News cho biết loại nước cam này bán đầy ở phố Hàng Buồm cùng với nhiều loại “nước cốt” khác như cherry, dâu tây, bạc hà, dừa... đựng trong chai 600ml do Trung Quốc sản xuất. Một chủ tiệm nói rằng với một chai nhỏ này có thể pha được 20 lít nước giải khát, nhờ vậy mà tiệm có lời, sống “lai rai”. Một ông chủ tiệm khác cũng cho biết nếu bán một ly vắt từ trái cam sành thì giá lên tới 45,000 đồng mỗi ly, tương đương 2.2 đô. Còn pha chế bằng nước cốt cam “Made in China,” mỗi ly nước cam pha chế bán ra với giá 25 cent và như vậy là “một lời một”. Cũng theo ông Tiến Sĩ Thịnh thì nước cốt cam xuất xứ từ Trung Quốc là loại hàng hóa “trôi nổi,” không có nhãn hiệu chứa nhiều loại hóa chất như màu thực phẩm, loại cho mùi thơm; chất nhũ hóa làm cho nước sền sệt cộng với đường hóa học cyclamate và hóa chất dùng để bảo quản. Ông này cũng cho biết rằng loại đường hóa học cyclamate đã bị cấm sử dụng nhưng người bán vẫn cứ bán và chủ quán nước cứ mua lấy để pha vào nước giải khát bán thì không ai biết được. Ông Thịnh còn xác nhận rằng các loại hóa chất độc hại nói trên chắc chắn sẽ gây ung thư cho người sử dụng lâu dài. Tại Sài Gòn mới đây cũng rộ lên tin các loại trái cây khô như xí muội, đào khô, táo tàu Trung Quốc chứa nhiều hóa chất cực độc. Theo báo Thanh Niên, nhiều đoàn kiểm soát đã được thành lập và tỏa đi một số chợ sáng ngày 27 tháng 4 tại Sài Gòn để xem xét xuất xứ của các loại trái cây khô. Báo Thanh Niên cho biết, chợ Bà Chiểu bán đầy các loại táo tàu, hồng sấy, nho khô, mơ sấy... chứa trong các hũ thủy tinh nhưng không ghi xuất xứ cũng không có hạn sử dụng. Tuy nhiên, báo Thanh Niên cũng cho rằng con đường kiểm soát nghiêm ngặt dẫn tới việc cấm đoán, tịch thu các loại thực phẩm độc hại ở Việt Nam là “con đường gian khổ,” rất khó thực hiện. Thực tế này trùng khớp với lời thú nhận của các ban điều hành các chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, Tân Ðịnh... Các cán bộ này nói rằng họ chỉ có thể “nhắc nhở” chứ việc “bán món gì là quyền của giới chủ sạp, mà không ai có quyền can thiệp”. Còn theo báo Tuổi Trẻ, dư luận ở Việt Nam đang chấn động vì tin chính quyền Trung Quốc thú nhận rằng hàng loạt trái cây sấy khô của họ như đào khô, xí muội, hồng khô... có chứa các hóa chất gây ung thư cho người sử dụng. Các hóa chất này gồm chất tạo ngọt, chất tạo màu, chất tẩy trắng và chất bảo quản... nhiều gấp ba lần mức cho phép, đã được các công ty thực phẩm lớn của Hàng Châu là Siêu Ðạt, Linh Hâm và Bách Di sử dụng để sản xuất thực phẩm sấy khô. Báo Tuổi Trẻ còn cho biết các loại sản phẩm gây chết người nói trên đang được bày bán ở nhiều chợ nổi tiếng tại Trung Quốc như Wal-Mart, Century Mart, Carrefour, Lai Y Phần ở Thượng Hải... Báo Tuổi Trẻ cũng cho rằng các loại đào khô, táo khô, xí muội, mứt trái cây sấy khô... do Trung Quốc sản xuất cũng đang đầy dẫy ở các chợ “đầu mối” Bình Tây, An Ðông, Bến Thành, Bà Chiểu... tại Sài Gòn.
Các tiểu thương cho biết phần lớn các loại hàng hóa thực phẩm này không có nhãn hiệu, cũng không ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng. Tuy nhiên, vì ham giá rẻ, dễ bán, lời nhiều mà hầu như tất cả tiểu thương đều nhập về để bán. Một tiểu thương ở chợ Bình Tây xác nhận việc nhập cảng hàng sấy khô từ Trung Quốc bằng xe vừa nhanh, vừa gọn, chỉ mất một tuần lễ là hàng về tới Sài Gòn. Bà này cũng tiết lộ rằng xí muội và táo tàu bán rất chạy, với số lượng phân phối của cửa hàng bà lên đến hàng tạ mỗi ngày. Bà còn xác nhận rằng các loại hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc được gọi là hàng “ba không” vì không có bao bì, nhãn hiệu; không ghi tên nhà sản xuất; không ghi hạn sử dụng, chưa kể không có hóa đơn và giấy bảo đảm phẩm chất. Báo Tuổi Trẻ còn cho hay, một số quốc gia trên thế giới từ nhiều năm trước đã báo động về tỉ lệ chì quá cao trong xí muội của Trung Quốc và Ðài Loan sản xuất, đã khiến nhiều người sử dụng bị nhiễm độc chì. (P.L.)
|