Tổng thư ký Ban Ki-moon thăm Miến Điện |
Tác Giả: BBC | ||
Chúa Nhật, 29 Tháng 4 Năm 2012 07:21 | ||
"cuộc chuyển đổi của Miến Điện đã tới một “thời điểm quan trọng "
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang thực hiện một chuyến thăm bước ngoặt tới Miến Điện để gặp bà Aung San Suu Kyi và thúc giục chính phủ nước này có thêm các cải cách dân chủ. Ông Ban nói cuộc chuyển đổi của Miến Điện đã tới một “thời điểm quan trọng ". Hôm thứ Bảy, lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU tuyên bố khối này sẽ mở một văn phòng tương đương cấp đại sứ ở Miến Điện. Trước khi khởi hành, ông Ban nói nước này đang “mở cửa trở lại với thế giới ". "Khởi đầu mới vẫn còn mong manh", ông nói ở New York trước khi lên đường tới Miến Điện. Ông Ban từng rời khỏi quốc gia Nam Á với sự thất vọng trong chuyến thăm lần trước hồi tháng Bảy năm 2009, theo lời mời của nhà lãnh đạo quân sự theo đường lối cứng rắn, thống tướng Than Shwe. Ông đã bị từ chối khi đề nghị chính quyền cho phép gặp bà Aung San Suu Kyi, người được giải Nobel hòa bình khi đó đang bị quản thúc. Bà Suu Kyi được trao trả tự do 15 tháng sau đó, nhưng chuyến công du của ông Ban đã được mô tả là “rất khó khăn". Chương trình thuốc phiện "Có một quyết tâm ngày càng tăng giữa các chính phủ nước ngoài cố gắng giữ cho quốc gia này đi đúng hướng và gặt hái được những cơ hội đầu tư tiềm năng có thể có" (Phóng viên BBC từ Rangoon) Lần này, ông Ban sẽ hội đàm mặt đối mặt với bà Aung San Suu Kyi vào ngày thứ Ba, cũng như trở thành người nước ngoài đầu tiên phát biểu trước quốc hội còn non trẻ của Miến Điện. Ông Ban cũng có kế hoạch bay đến thủ đô xa xôi Naypyitaw trong lịch trình tiếp theo của chuyến thăm vào ngày Chủ nhật và hội đàm với Tổng thống Thein Sein hôm thứ Hai. Nhà lãnh đạo LHQ cũng sẽ thăm Shan State ở mạn bắc đất nước, một trong những vùng trồng thuốc phiện lớn nhất thế giới, nơi LHQ đã khởi động một chương trình xoá cây thuốc phiện. Đầu tuần này, EU đã đình chỉ các biện pháp trừng phạt phi quân sự chống Miến Điện trong một năm để nhìn nhận "những thay đổi lịch sử". Theo phóng viên Đông Nam Á của BBC Rachel Harvey từ Rangoon, một số quốc gia thành viên EU đang vừa có mong muốn chính trị lẫn quan tâm thực tế để đưa thêm viện trợ vào nước này. Văn phòng mới của EU tại Rangoon sẽ chủ yếu giám sát việc quản lý các chương trình viện trợ nhưng cũng sẽ có một vai trò chính trị, theo các nhà ngoại giao. Đây được cho là bước đi đầu tiên của EU để thành lập một phái đoàn đầy đủ ở quốc gia Nam Á. Phóng viên chúng tôi nói thêm rằng chuyến thăm của các nhà lãnh đạo EU và quốc tế cho thấy một quá trình gia tăng nhanh chóng các cam kết quốc tế giữa Miến Điện và phần còn lại của thế giới. "Có một quyết tâm ngày càng tăng giữa các chính phủ nước ngoài cố gắng giữ cho quốc gia này đi đúng hướng và gặt hái được những cơ hội đầu tư tiềm năng có thể có", phóng viên của chúng tôi giải thích thêm. |