Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc tiếp tục dọa đánh cả Việt Nam và Philippines

Trung Quốc tiếp tục dọa đánh cả Việt Nam và Philippines PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 27 Tháng 4 Năm 2012 06:36

Bắc Kinh vẫn dựa vào “Lưỡi Bò” để đả kích và đe dọa các nước láng giềng


BẮC KINH (NV) - “Ðối diện tranh chấp với Philippines và Việt Nam, Trung Quốc sẽ đặt ưu tiên đàm phán trong khi chuẩn bị cho xung đột quân sự” mà họ tin rằng sẽ “xóa sạch” dễ dàng.

Hai tàu đánh cá và các ngư dân Trung Quốc bị hải quân Philippines chận
bắt ở bãi Scarborough. (Hình: AFP)

Bài bình luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày Thứ Tư 25 tháng 4, 2012 viết đe dọa cả Việt Nam và Philippines như vậy. Trong số báo này, không phải chỉ có một mà tới 4 bài phân tích và bình luận khác nhau đều có tính cách đổ vạ và đe dọa các nước láng giềng.

Lập luận của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước trong khu vực luôn luôn lấy của người làm của mình rồi áp lực cho phép thương nghị. Mù mờ trong vấn đề tranh chấp là chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc qua cái hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% biển Ðông. Nhưng Bắc Kinh lại vẫn dựa vào nó để tuyên bố nước khác xâm phạm chủ quyền của mình rồi đả kích và đe dọa.

Những bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, con đẻ của tờ Nhân Dân Nhận Báo, tức cái loa tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày Thứ Tư không phải là lần đầu mang tính cách đe dọa. Báo này đã dọa đánh Việt Nam và Philippines rất nhiều lần những năm qua.

Khởi đầu bài viết bằng đề cập đến cuộc diễn tập không tác chiến giữa hải quân Mỹ với hải quân Việt Nam ở Ðà Nẵng và cuộc tập trận hỗn hợp tác chiến chống khủng bố giữa Mỹ và Philippines, tờ hoàn Cầu Thời Báo nói áp lực mạnh nhất mà Trung Quốc đối diện đến từ Hoa Thịnh Ðốn. Tuy nhiên Trung Quốc chẳng có gì để sợ hãi sự can thiệp từ bên ngoài và cũng không chấp nhận cho Hoa Thịnh Ðốn chen vào, dù là làm trung gian thương thuyết, cuộc tranh chấp biển Ðông.

“Ðối diện tranh chấp (biển Ðông) với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc nên ưu tiên đàm phán trong khi chuẩn bị cho các sự xung đột quân sự có thể xảy ra.” Hoàn Cầu Thời Báo viết. “Một khi chiến cuộc bùng nổ, Trung Quốc nên quyết liệt xóa sạch lực các lượng hải quân can dự. Nếu họ tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc nên chuẩn bị nâng cuộc chiến thành một cuộc chiến tranh cỡ trung bình.”

Báo này viết tiếp rằng “Trung Quốc nên chuẩn bị đối phó với sự can thiệp của Hoa Thịnh Ðốn ở biển Ðông cho dù Mỹ không có ý chí chiến lược để can dự vào một cuộc tranh chấp nghiêm trọng với Trung Quốc ở biển Ðông. Trung Quốc cũng không nên ngừng áp lực với Manila và Hà Nội chỉ vì lo ngại sự can dự của Mỹ”.

Bài báo này hai lần nhấn mạnh đến sự tiêu diệt lực lượng đối phương một cách quyết liệt và nhanh chóng. Mọi phe liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông đều hiểu sự chênh lệch sức mạnh quân sự một trời một vực giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines nên báo chí Bắc Kinh hay bắn tiếng đe dọa mỗi khi có dịp.

Bài báo của Hoàn Cầu Thời Báo bắn tiếng đừng hiểu lầm là Trung Quốc sẽ nhẫn nhịn khi đang chuẩn bị cho cuộc đại hội đảng vào Mùa Thu này mà khiêu khích.

“Giai đoạn gần đây thường thấy có những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhưng Trung Quốc có sức mạnh để đối phó.” Báo trên viết. “Trung Quốc nên chọn kẻ gây sự hung hăng nhất, mở cuộc tấn kích quy mô rồi tạo áp lực cả về quân sự, kinh tế và chính trị. Nếu nước lên tới đầu gối người Trung Quốc, những nước khác sẽ thấy nước lên tới cổ.”

Hiện sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi Scarborough vẫn còn đang kéo dài. Tàu hải giám và tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn ở đó trong khi tàu của Philippines cũng vẫn canh chừng.

Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tuy Trung Quốc thả 21 ngư dân của Việt Nam nhưng vẫn còn giữ lại một tàu đánh cá (Tân Hoa Xã loan tin gian dối là đã thả cả hai tàu). Từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh loan báo nhiều lần về các kế hoạch sẽ thực hiện tại khu vực Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi”.

Các kế hoạch của Trung Quốc từ tổ chức du lịch đến dò tìm dầu khí đều bị Việt Nam phản đối. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời phản đối trên nguyên tắc và Việt Nam không có khả năng ngăn cấm Bắc Kinh làm điều gì họ muốn. (T.N.)