Home Tin Tức Thời Sự Pháp kêu gọi dùng vũ lực với Syria

Pháp kêu gọi dùng vũ lực với Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Năm, 26 Tháng 4 Năm 2012 06:19

“Chúng ta không cho phép chế độ (Bashar al-Assad) thách thức chúng ta,”

 

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tiếp các nhà hoạt động Syria

Đề xuất dùng vũ lực của Pháp đối với Syria khó có thể được Nga và Trung Quốc chấp thuận

Pháp đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nên xem xét sử dụng vũ lực với Syria nếu kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan không thể chấm dứt được bạo lực ở quốc gia này.

“Chúng ta không cho phép chế độ (Bashar al-Assad) thách thức chúng ta,” Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nói.

Bạo lực vẫn tiếp diễn bất chấp một bản kế hoạch hòa bình do cựu tổng thư ký đồng thời là đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Kofi Annan vận động kêu gọi Damascus rút quân và vũ khí hạng nặng khỏi các đô thị.

Ngoại trưởng Juppé nói 300 quan sát viên Liên Hiệp Quốc sẽ được triển khai ở Syria trong vòng hai tuần lễ.

‘Giai đoạn kế tiếp’

Nếu kế hoạch hòa bình (của Kofi Annan) thất bại, ông nói, thì “chúng tôi sẽ tiến đến giai đoạn kế tiếp với một nghị quyết dựa trên Chương 7 (của Hiến chương Liên Hiệp Quốc vốn cho phép hành động được vũ lực hỗ trợ) để ngăn chặn thảm cảnh này”.

Tuy nhiên có những quan ngại rằng một nghị quyết như thế sẽ bị Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đã phong tỏa những nỗ lực áp đặt lệnh cấm vận lên Syria trước đó, phủ quyết.

Liên Hiệp Quốc đã gửi một nhóm quan sát viên tiền trạm nhỏ đến Syria. Cuối tuần trước Hội Hội đồng bảo an đã chuẩn thuận việc triển khai thêm 300 quan sát viên nữa.

Phóng viên BBC tại Liên Hiệp Quốc Barbara Plett nhận xét rằng yêu cầu của Pháp phản ánh sự thất vọng của nước này đối với điều mà họ cho rằng sự thiếu sót của bản kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan và báo hiệu sự chuyển hướng đến một hành động mạnh bạo hơn.

Tuy nhiên cách tiếp cận như thế dường như không có cơ hội thành công vào thời điểm này, phóng viên Plett nói, vì Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục phản đối bất cứ động thái nào dẫn đến sự can thiệp của bên ngoài vào Syria.

    "Chúng ta không cho phép chế độ (Bashar al-Assad) thách thức chúng ta." (Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé)

“Đặc biệt Nga đã đặt toàn bộ vốn liếng ngoại giao của mình vào bản kế hoạch Annan, do đó càng khó có khả năng nước này thay đổi cách tiếp cận,” bà nói.

Bên cạnh đó, các quốc gia khác trong Hội đồng bảo an cũng tin rằng kế hoạch hòa bình cần thêm thời gian.

“Lý lẽ của ông Annan rằng việc các quan sát viên được triển khai dần dần và thường trú tại các thành phố điểm nóng sẽ giúp thay đổi tình hình trên thực địa như đang diễn ra ở Homs đang được chấp nhận rộng rãi (ở Hội đồng bảo an),” bà nói.

Vào lúc này, bà Plett cho biết kế hoạch hòa bình của ông Annan là lựa chọn duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Syria và được toàn thể Hội đồng bảo an hậu thuẫn.
Bạo lực tiếp diễn

Có tin bạo lực vẫn tiếp diễn hôm thứ Tư ngày 25/4 tại một số vùng ở Syria – ngay cả ở các thị trấn mà các quan sát viên hiện đang giám sát một lệnh ngừng bắn được các bên đồng ý hồi đầu tháng.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết cả thảy có 20 người đã chết.

Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết các lực lượng an ninh chính phủ đã nổ súng vào một chiếc xe buýt ở tỉnh tây bắc Idlib giết chết bốn người.

Đội quan sát viên tiền trạm của Liên Hiệp Quốc đến Syria

Liên Hiệp Quốc dự tính gửi đến Syria 300 quan sát viên để giám sát lệnh ngừng bắn

Còn ở Hama, bảy dân thường trong đó có một bé gái hai tuổi đã chết khi quân chính phủ nã pháo vào các khu vực của thành phố, các nhà hoạt động cho biết. Khi đó có hai quan sát viên của Liên Hiệp Quốc cũng ở gần đó.

Ở tỉnh miền nam Deraa tin cho biết đã có xung đột ở các thị trấn Bosra al-Sham và Tafas giữa các tay súng nổi dậy có vũ trang và lực lượng chính phủ.

Theo Đài quan sát nhân quyền thì con số thương vong ở tỉnh này là sáu ngày trong đó bao gồm binh lính chính phủ.

Ngoài ra, các nhà hoạt động còn nói đạn pháo và súng bắn tỉa cũng giết chết bảy người ở các quận ngoại ô Harasta và Douma của Damascus bất chấp việc hiện diện của các quan sát viên Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Syria.

Tuy nhiên, những tin tức về thương vong này không thể kiểm chứng một cách độc lập vì Syria hạn chế báo chí nước ngoài vào nước này.

    "Đặc biệt Nga đã đặt toàn bộ vốn liếng ngoại giao của mình vào bản kế hoạch Annan, do đó càng khó có khả năng nước này thay đổi cách tiếp cận." (Barbara Plett, phóng viên BBC tại Liên Hiệp Quốc)

Chính phủ Syria nói rằng họ đang chiến đấu chống lại các băng nhóm tội phạm có vũ trang và rằng các điều khoản trong lệnh ngừng bắn cho phép họ đáp trả lại các cuộc tấn công.

Phát biểu trước Hội đồng bảo an hôm thứ Ba 24/4, ông Annan nói quân đội Syria đã không rút lượng và vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực dân cư.

Ông nói ông đặc biệt lưu ý trước thông tin cho rằng quân đội chính phủ đã tiến vào Hama hôm thứ Hai ngày 23/4 sau khi các quan sát viên rút đi. Họ sử dụng vũ khí tự động và bắn chết nhiều người.

“Nếu được xác nhận thì điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và đáng bị lên án,” ông phát biểu.

Cũng trong ngày 23/4, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice nói với các phóng viên rằng toàn bộ các thành viên Hội đồng bảo an muốn các quan sát viên được triển khai nhanh chóng.

Tuy nhiên, bà Rice cho biết Syria đã từ chối ít nhất một quan sát viên vì quốc tịch của người này. Nước này cũng nói rõ rằng sẽ không chấp nhận bất cứ quan sát viên nào đến từ các quốc gia trong nhóm ‘Những người bạn của Syria dân chủ’.