Home Tin Tức Thời Sự Lở đất ở Thái Nguyên làm một người chết

Lở đất ở Thái Nguyên làm một người chết PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 16 Tháng 4 Năm 2012 08:15

Vẫn còn người mất tích ở bãi thải than ở tỉnh Thái Nguyên

Lở đất ở Thái Nguyên

 

Một vụ lở đất ở một bãi thải ở khu mỏ than ở tỉnh Thái Nguyên vào hôm Chủ nhật 15/4 đã vùi lấp khoảng mười hộ dân, làm ít nhất một người thiệt mạng, nhiều người khác mất tích và bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra vào lúc rạng sáng tại khu vực đổ đất đá thải của mỏ than Phấn Mễ, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) do bất ngờ có sạt lở, báo điện tử Thái Nguyên cho biết.

Theo lời các nhân chứng trên tờ Pháp luật Việt Nam, vào khoảng hơn 4h sáng ngày Chủ nhật, người dân đã nghe thấy các tiếng sạt lở và tiếng kêu cứu, một nạn nhân là phụ nữ đã tử vong do bị vùi lấp và ngạt thở, chỉ một vài người kịp chạy thoát.

Ngôi nhà của nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở "bị đẩy ra xa hàng trăm mét, hư hỏng toàn bộ".

Thống kê ban đầu của huyện Đại Từ cũng nói vụ sạt lở bãi thải số 3 thuộc mỏ than Phấn Mễ đã vùi lấp khoảng 7ha diện tích hoa màu; nhà của 10 hộ dân bị vùi lấp hoàn toàn.

Theo bản thống kê đăng trên cổng thông tin điện tử Thái Nguyên, "một người tử vong, một người bị thương và hiện còn 5 người khác đang bị vùi lấp trong các lớp đất đá. Theo ước tính tổng thiệt hại vào khoảng trên 15 tỷ đồng".

"Đã cảnh báo trước"

Hôm 16/4, ông Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho BBC hay công tác cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp vẫn tiếp tục tới thời điểm tối ngày thứ Hai.

    "Tất cả các điểm, trong đó có một số điểm khai thác đất đai kiểu như thế bắt buộc sẽ phải di chuyển."

Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Bùi Văn Hoan

Ông Hoan cũng nói các hộ dân này, mà đa số là không có công việc ổn định, trước đó đã được cảnh báo về mức độ thiếu an toàn khi sinh sống gần khu bãi thải ở hiện trường:

"(Cứu hộ) vẫn đang diễn ra, đào bới thủ công... Y tế vẫn trực suốt ngày suốt đêm ở đấy. Thực ra cũng đã được cảnh báo, một số các vị nghề nghiệp không có, nên chủ yếu đi mót than. Có cảnh báo chứ không phải là không cảnh báo."

Về khả năng và mức độ sống sót của những người mất tích được cho là đang kẹt dưới đống sạt lở, ông Hoan nói: "Hôm qua tìm được một khung xe đạp. Nhưng mà nói chung là sống sót khó lắm."

Được biết, do quy mô lớn của lượng đất đá bị sạt lở, nhưng phương tiện cứu hộ đặc biệt là máy xúc có quá ít, việc tìm kiếm các nạn nhân còn lại đã gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù cho rằng các hộ dân gặp nạn đã được cảnh báo từ trước về độ mất an toàn ở nơi họ ở, người đứng đầu ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên cho rằng chính quyền địa phương, cũng như doanh nghiệp quản lý khu bãi thải của mỏ than cũng có trách nhiệm trong sự việc.

Vị quan chức này tin rằng lẽ ra chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải "kiên quyết hơn" trong việc cảnh báo và di chuyển các hộ dân ra sinh sống ra khỏi các khu vực có mức độ an toàn thấp như ở khu bãi thải than ở huyện Đại Từ.

Ông Hoan cho biết thêm ngay sau sự cố, tỉnh Thái Nguyên sẽ có rà soát, thanh tra, kiểm tra lại tình hình an toàn chung ở các khu mỏ và các cơ sở công nghiệp tương tự: "Tất cả các điểm, trong đó có một số điểm khai thác đất đai kiểu như thế bắt buộc sẽ phải di chuyển."