Home Tin Tức Thời Sự Hội đồng Giám mục Việt Nam họp thường niên và những vấn đề còn đó?

Hội đồng Giám mục Việt Nam họp thường niên và những vấn đề còn đó? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nữ Vương Công Lý   
Thứ Năm, 12 Tháng 4 Năm 2012 08:37

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ

Ngày 9/4/2012, Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam, lần I, năm 2012 đã chính thức khai mạc tại Tòa Giám mục Xuân Lộc và sẽ kết thúc vào ngày 13/4/2012 tới đây.

Tham dự kỳ họp lần này, ngoài 26 Đức Giám mục thuộc 26 giáo phận trong cả nước còn có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ, tình trạng bất công xã hội tiếp tục diễn tiến phức tạp, dân oan các nơi kéo về Hà Nội khiếu kiện tăng mạnh kể từ vụ việc của anh Phêrô Đoàn Văn Vươn, bạo lực học đường ngày càng diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn diễn ra tại các vùng thôn quê, nạn phá thai công khai đến lộ liễu…

Về phía Giáo Hội, sau chuyến tới làm việc tại Việt Nam của phái đoàn Tòa thánh thuộc Tổ công tác hỗn hợp Tòa thánh và Việt Nam mà không đạt được kết quả gì nổi bật và vụ việc phái đoàn của giáo phận Roma bị nhà cầm quyền Hà Nội rút lại visa nhập cảnh vào Việt nam thực hiện việc điều tra phục vụ án phong chân phước cho Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

 Những ngày qua, công luận lần nữa được chứng kiến tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại huyện Dăk Hà, tỉnh Kontum, khiến Đức giám mục giáo phận Kontum đã phải viết một Văn thư gửi tới các vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước.

Bên cạnh đó, vụ việc các giáo dân Cồn Dầu đang phải oằn mình, đơn độc trong công cuộc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trước những việc làm phi nhân, trái pháp luật của nhà cầm quyền Đà Nẵng, khiến cho những ai thành tâm thiện chí không khỏi xót xa.

Theo thông báo của Đức cha Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội nghị các Giám mục lần này sẽ bàn về các vấn đề chính sau đây:

1/ Chuẩn bị cho Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2012

2/ Tổ chức chuẩn bị cử hành Năm Đức Tin

3/ Thông qua Quy chế và Nội quy HĐGMVN

4/ Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang

6/ Cơ sở Văn phòng Tổng thư ký và các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN

7/ Ban hành bản Ratio toàn quốc về đào tạo linh mục

8/ Bàn thảo và thông qua các Quy chế: quy chế Hội đồng giáo xứ; các Quy chế của UB Công Lý và Hòa Bình; Quy chế của UB Truyền Thông

9/ và một số vấn đề khác.

Trong diễn từ chia sẻ với các Đức Giám mục Việt Nam, Đức tổng Giám mục Leopoldo Girelli nhấn mạnh:

“Như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng cần trỗi dậy, thoát khỏi những từ ngữ “chết” trong quyển Sách Thánh để hạ sinh thành Lời rao giảng sống động trong cuộc sống; Hội Thánh Việt Nam không chỉ khép kín trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng cho lương dân. Cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em chưa nghe loan báo Tin Mừng; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra khỏi mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình.”

Có lẽ, những lời nhắn gửi trên đây của vị Đại diện Tòa thánh gửi tới các Giám mục Việt Nam cũng không khác gì những mong ước cháy bỏng của người giáo dân Việt Nam trong những năm qua.

Có một thực tế rằng, trước những tiếng nói chính đáng, đầy lòng yêu mến Giáo hội của các thành phần Dân Chúa Việt Nam, các vị lãnh đạo Giáo hội, thay vì tìm một giải pháp cho những mong ước chính đáng ấy, thì lại tìm cách biện minh cho sự im lặng của mình bằng những lập luận né tránh sự thật, như: “Một số người vẫn nhiều khi vô hình trung biến Uỷ ban thành một thứ uỷ ban đòi đất, hay một thứ bao công”.

 (RFI: Phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình về quan hệ Vatican-Việt Nam 06.03.2012)

Hay “Chúng tôi có nói gì bây giờ thì cũng bị người ta ném đá” (Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh)…

Chắc chắn, người giáo dân Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại, không ai lại muốn biến các Ủy ban của Giáo hội thành “ủy ban đòi đất” hay một cái gì đại loại như vậy, nhưng họ mong Giáo hội Chúa Kito ở Việt Nam phải là tiếng nói cho những người nghèo khổ không có tiếng nói, phải là tiếng kêu của dân oan khắp ba miền khi họ bị tước đoạt quyền sống của họ, ít nhất là hiệp thông với những đau khổ của họ để thực thi sứ mạng ngôn sứ của mình.

Cũng vậy, chẳng ai trong số những giáo dân thiện chí, lại mong muốn Giáo hội cứ mãi bị mang tiếng là “phải đồng hành với dân tộc” khi Giáo hội tiếp tục im lặng trước sự xâm lăng ngày càng trắng trợn của chủ nghĩa bá quyền phương bắc, trong khi truyền thống yêu nước của người công giáo Việt Nam đã được lịch sử ghi nhận với những Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký…

Có một thực tế rằng, có những dòng tu hay những nhóm tín hữu nhiệt thành, can đảm thực hiên sứ mang ngôn sứ, gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng bất công trong xã hội, về tình trạng chính quyền Hà Nội vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền, thì lại bị “những lãnh đạo trong đạo, trong đảng” rỉ tai người này người kia hay công khai cho rằng “họ đang làm chính trị” hoặc nhẹ hơn là “họ đã không theo lập trường của Giáo hội”.

Nhưng, khi được hỏi đâu là lập trường của Giáo hội Việt Nam trước những vấn nạn xã hội thì lại không ai biết “lập trường ấy là gì”, bởi cho tới giờ này, chưa có bất cứ một văn bản nào hay một sứ điệp nào đưa ra một đường hướng dẫn cụ thể áp dụng tại Việt Nam để mọi người giáo dân biết chủ trương của Giáo hội Việt nam là gì: “đối thoại hay đối đầu” và “đối thoại thì đối thoại thế nào”?

Do đó, nếu phải nói tới trách nhiệm trong những khủng hoảng của Giáo hội Việt Nam trong những năm qua, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Hội đồng Giám mục, vì đã im lặng chỉ vì sợ “bị ném đá” nên đã không có bất cứ một hướng dẫn nào khả dĩ rõ ràng để người giáo dân nương theo đó mà sống ơn gọi làm một công dân tốt trong xã hội hiện nay?

Chắc chắn, vấn đề lại vẫn sẽ còn đó, nếu – nói như Đức tổng Leopoldo Girelli: “Giáo hội vẫn tiếp tục chỉ khép kín trong những quan tâm nội bộ và mỗi cá nhân mục tử tiếp tục ở lại trong mộ tối không chịu chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó.”
11/4/2012