Home Tin Tức Thời Sự Hồi phục địa ốc đi đôi với hồi phục kinh tế

Hồi phục địa ốc đi đôi với hồi phục kinh tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 11 Tháng 4 Năm 2012 20:38

Số cung đã vượt xa số cầu. Ðiều này đã đưa tới tình trạng có rất nhiều nhà không có người ở

  HOA KỲ - Các kinh tế gia và các chuyên viên địa ốc đã bàn cãi, tranh luận, và đồng ý về vai trò quan trọng của một cuộc hồi phục địa ốc trong việc giúp hồi phục nền kinh tế nói chung.

Chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang điều trần ở Quốc Hội ngày 1 tháng 3, 2012 nói rằng thị trường công việc làm vẫn còn rất yếu nên chính sách của chính phủ liên bang là kích thích tăng trưởng để giúp hồi phục cả kinh tế và thị trường địa ốc. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)

 

Trong một bài diễn văn mới đây trong cuộc triển lãm năm 2012 của Hiệp Hội Xây Dựng Nhà Toàn Quốc, ông Ben Bernanke, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed), nhấn mạnh chỉ cần một cuộc hồi phục thị trường địa ốc như vậy.

Mặc dù cuộc suy thoái đã chấm dứt vào năm 2009, nhiều gia đình Mỹ vẫn tiếp tục chật vật. Tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục cao, quanh quẩn trong khoảng 8 và 9 phần trăm. Giá nhà đang xuống dốc, giảm hơn 4% trong năm ngoái, và những bất động sản bị túng quẫn vẫn chi phối nhiều thị trường.

Ngoài ra, những người có ý định mua nhà đã bị gạt ra ngoài lề vì các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ, kể cả nhu cầu phải có tín dụng xuất sắc và tiền đặt cọc ít nhất 20%.

Trong những lời bình luận về tình hình hiện nay, ông Bernanke ghi nhận: “Mặc dù vài tiến bộ đã đạt được trong việc đảo ngược những mất mát kéo dài về việc làm và lợi tức trong cuộc suy thoái, nhịp độ phát triển đã chậm chạp một cách đáng thất vọng và tỉ lệ thất nghiệp vẫn rất cao theo các tiêu chuẩn trong lịch sử. Tình trạng của khu vực nhà đất đã là một chướng ngại chính cho một cuộc hồi phục nhanh chóng hơn.”

Những vụ mua bán nhà hiện hữu và việc xây dựng mới đã chứng kiến những gia tăng nhỏ trong những cuộc nghiên cứu các dữ kiện mới đây, nhưng nhịp độ đã không đủ để cân bằng số nhà bán thừa thãi trên thị trường.

Trong bài diễn văn, ông Bernanke đã đưa ra một quan điểm về tình hình địa ốc. Ông cho rằng mấy năm qua đã chứng kiến một sự chênh lệch lớn giữa số cung về nhà biệt lập và nhu cầu về loại nhà này. Số cung đã vượt xa số cầu. Ðiều này đã đưa tới tình trạng có rất nhiều nhà không có người ở.

Ông nói: “Trong khi con số này đã giảm nhẹ trong vài năm qua, nó vẫn cao hơn đáng kể so với nửa đầu của thập niên 2000, khi con số khoảng 1 triệu 250 ngàn căn nhà trống là chuyện bình thường.”

Hơn nữa, “Trong vài năm qua, năm nào cũng có khoảng 2 triệu căn nhà đã đi vào tiến trình xiết nhà, và nhiều trong số những căn nhà này đã được đưa vào thị trường để bán, khiến việc xây dựng nhà mới ít cần thiết.”

Những sụt giảm trong giá nhà đưa tới một sự sụt giảm hơn 50% trong trị giá căn nhà thuộc về chủ nhà (sau khi trừ tiền vay mua nhà) so với giá cao nhất của thời bùng phát. Ðiều đó có nghĩa một mất mát khoảng $7 ngàn tỉ trong tài sản gia đình. Còn khó khăn hơn nữa là nhóm 12 triệu chủ nhà hiện giờ bị đảo lộn trong những món thế chấp nhà của họ.

Chính những khó khăn này về nhà đất đã làm cho nền kinh tế không thể hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ như đáng lẽ nó phải xảy ra.

Theo ông Bernanke, “Tình hình địa ốc và các thị trường thế chấp có thể cũng đang kềm hãm sự hồi phục của hệ thống tài chánh Hoa Kỳ và việc bình thường hóa các điều kiện tín dụng. Những vụ không trả nợ tiền vay mua nhà đã tăng vọt trong khoảng 2007 và 2009 và tiếp tục cao, gây ra những mất mát cho những nhà cho vay, các nhà bảo hiểm thế chấp, và các nhà đầu tư.”

Ðể giúp thị trường nhà đất bị túng quẫn, và đồng thời giúp sự hồi phục kinh tế nói chung và tình hình thuê mướn nhân công, “cần phải có những nỗ lực kéo dài để đối phó với nhiều yếu tố chồng chéo đang kềm hãm việc thị trường địa ốc sẽ đem lại lợi ích trong trường kỳ.” (nn)