Trung Quốc khẳng định không thể tác động lên Bắc Triều Tiên |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Tư, 11 Tháng 4 Năm 2012 10:52 |
Trung Quốc mà tỏ vẻ bất bình thì chắc chắc là Kim Jong-un phải thay đổi ý định ...
Tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) được đặt gần trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tokyo, 10/04/2012. Hôm qua, 09/04/2012, Hoa Kỳ đã một lần nữa kêu gọi Trung Quốc gây áp lực để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ việc phóng tên lửa, nhưng Bắc Kinh khẳng định không thể tác động lên đồng minh này. Một nguồn tin Trung Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay khẳng định là « Bắc Kinh đã gây áp lực lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ việc phóng tên lửa, bởi vì điều đó sẽ gây nên những bất ổn mới và càng tạo cớ cho Hoa Kỳ quay lại khu vực châu Á ». Theo nguồn tin này, Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra, bởi vì Bắc Kinh và Thượng Hải hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm xa của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, vẫn tin rằng Trung Quốc, nguồn cung cấp lương thực và năng lượng chủ yếu cho Bắc Triều Tiên, có thể làm hơn nữa để buộc nước này từ bỏ việc bắn tên lửa. Đối với Washington, vấn đề ở đây là Bắc Kinh thật sự có quyết tâm hay không. Hôm qua, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã một lần nữa cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể nhân cơ hội bắn tên lửa để tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân, vi phạm lệnh tạm ngưng mà nước này đã chấp nhận tháng 2 vừa qua. Phát ngôn viên nói trên tuyên bố : « Chúng tôi tin là Trung Quốc cũng mong muốn như chúng tôi rằng bán đảo Triều Tiên hoàn toàn được phi hạt nhân hóa và chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích Trung Quốc hành động hiệu quả hơn theo hướng này ». Theo nhận định của hãng tin Reuters, quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trên thực tế chặt chẽ hơn rất nhiều so với mức mà hai nước thừa nhận. Cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il đã từng đến Trung Quốc 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 05/2010 đến tháng 07/2011. Con trai của ông là Kim Jong-un, hiện đang nắm quyền, dường như đã từng đi theo ông ít nhất một lần trong chuyến công du Trung Quốc. Nhà phân tích chính trị Hàn Quốc Shim Jae-hoon, được hãng tin Reuters trích dẫn, cho rằng : « Vấn đề không phải là Trung Quốc có phương tiện gây áp lực hay không, mà là họ có muốn sử dụng những phương tiện đó hay không. Trung Quốc mà tỏ vẻ bất bình thì chắc chắc là Kim Jong-un phải thay đổi ý định ». Theo nhà phân tích này, đối với Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên vẫn là một vùng trái độn có tính chất chiến lược. Kịch bản mà Trung Quốc lo ngại nhất vẫn là Hàn Quốc, một nước tư bản dân chủ, sẽ thống nhất được bán đảo Triều Tiên và như vậy, Hoa Kỳ sẽ có thể duy trì sự hiện diện quân sự ngay sát biên giới Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh thì vẫn khẳng định là khuôn khổ hành động của họ đối với Bình Nhưỡng rất giới hạn. Một nguồn tin do Reutrers trích dẫn cho biết đây là một bài toán nan giải đối với Trung Quốc : « Bắc Triều Tiên đúng là rất khó kiểm soát, nhưng chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác là tiếp tục gíúp đỡ nước này ». Nếu không, dân tỵ nạn Bắc Triều Tiên sẽ ồ ạt đổ sang, gây bất ổn cho toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc.
|