Home Tin Tức Thời Sự Mỹ không muốn có một cuộc « chiến tranh lạnh » tại châu Á

Mỹ không muốn có một cuộc « chiến tranh lạnh » tại châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 11 Tháng 4 Năm 2012 10:09

Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói chuyện tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, Annapolis, Maryland, 10/04/2012
Facebook/usna.edu

 

Ngoại trưởng H.Clinton khẳng định: Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất trên thế giới, không có nước thứ hai tương đương, hoặc có thể thay thế Mỹ tại châu Á và trên thế giới. Đồng thời, Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.

Hôm qua, 10/04/2012, phát biểu tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, ở Annapolis, Maryland, Ngoại trưởng Mỹ Hilllary Clinton nói, Washington không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, nhưng bà kêu gọi các cường quốc đang trỗi dậy hãy hành xử một cách « xây dựng » hơn trên chính trường quốc tế.

Đồng thời, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ mọi luận điểm cho rằng Mỹ là một cường quốc đang suy tàn. Theo bà Clinton, Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường quân sự, với các doanh nghiệp sáng tạo, bảo vệ các giá trị cơ bản và do vậy, là một trường hợp « ngoại lệ ».

Đề cập đến tình hình châu Á và quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nói thẳng, năm 2012 « không phải như năm 1912, khi các bất đồng giữa nước Anh suy tàn và nước Đức đang nổi lên, đã dẫn đến một cuộc xung đột trên thế giới».

Bà nêu rõ : « Chúng ta không tìm kiếm kẻ thù mới. Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô. Chúng ta không ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh lạnh mới tại châu Á ». Vẫn theo Ngoại trưởng Clinton : « Một nước Trung Quốc phồn thịnh thì tốt cho nước Mỹ và một nước Mỹ phồn thịnh thì tốt cho Trung Quốc » và sự phồn thịnh của cả hai nước sẽ có lợi cho toàn vùng.

Mặc dù thừa nhận là các ý định của Mỹ làm cho một số nước lo ngại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng Washington không hề bác bỏ vai trò của các cường quốc đang trỗi dậy, hoặc đẩy các nước này vào một hệ thống gian trá, nhằm duy trì sức mạnh của Mỹ. Ngược lại, các cường quốc đang trỗi dậy tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã có thể phát triển phồn thịnh nhờ có một hệ thống viện trợ quốc tế mà Hoa Kỳ đã lập ra và ủng hộ.

Washington thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, một nước trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và có nhiều tham vọng, đã không đảm nhiệm vai trò là cường quốc trong các vấn đề quốc tế lớn như hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Iran hoặc hồ sơ chống biến đổi khí hậu.

Mặt khác, lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã phản đối các phân tích, đặc biệt là của giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang ở thời kỳ hoàng hôn.

Theo bà Clinton, tuy đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn về kinh tế, nhưng Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất trên thế giới, không có nước thứ hai tương đương, hoặc có thể thay thế Mỹ tại châu Á và trên thế giới.

Bà nói, « Hoa Kỳ là nước duy nhất có mục tiêu toàn cầu, có các nguồn tài nguyên và quyết tâm ngăn cản mọi cuộc xâm lăng, tập hợp các đồng minh tham xung quanh những dự án bảo đảm ổn định trong các khu vực nhậy cảm ». Nhận định về vai trò và trách nhiệm của Mỹ trên thế giới, bà Clinton khẳng định : « Không có tiền lệ trong lịch sử ».

Về mối quan tâm của Mỹ đối với châu Á, Ngoại trưởng Clinton nói đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bà cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Barack Obama đã thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm ngăn chặn nguy cơ xẩy ra xung đột tại Biển Đông, trong khi Bắc Kinh lại muốn gạt chủ đề này ra khỏi chương trình nghị sự.

 Ngoại trưởng Mỹ phê phán lập trường của Trung Quốc: « Cố giải quyết các tranh chấp phức tạp như vậy bằng con đường song phương, trực tiếp với từng nước, thì chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối, thậm chí có thể dẫn đến đối đầu » và bà lên tiếng ủng hộ giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.

Washington đã nhiều lần khẳng định, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông.

Vào lúc Ngoại trưởng Clinton nói về vai trò của Mỹ tại châu Á, thì tàu của hải quân Philippines phải đối mặt với tàu hải giám và tàu đánh cá Trung Quốc, trong vùng đang có tranh chấp chủ quyền, cách bờ biển tây bắc Philippines khoảng 200 km.

Trong một bài viết gần đây, ông Vương Tập Tư, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc nghiên cứu về Mỹ, nhận định, việc Bắc Kinh không tin vào Washington một phần do sự can thiệp của Hoa Kỳ vào khu vực Biển Đông và những hồ sơ châu Á khác.