Người mua thị trấn Buford muốn làm ‘showroom’ hàng Việt |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 10 Tháng 4 Năm 2012 10:20 |
Ông Phạm Ðình Nguyên hiện là tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Quốc tế SÀI GÒN (NV) - Ông Phạm Ðình Nguyên, người bỏ ra $900,000 mua “thị trấn một người” Buford ở tiểu bang Wyoming tiết lộ với báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn rằng ông sẽ biến thị trấn này thành “showroom” giới thiệu hàng Việt Nam. Ông Nguyên (phải) chủ nhân mới của thị trấn Buford. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Ông Nguyên được báo Tuổi Trẻ trích lời nói: “Tôi chỉ xem Buford như là một phần của nước Mỹ, một thị trường lớn và nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam. Buford có thể sẽ là một showroom giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam, cùng với những mặt hàng hiện đang bán trong cửa hàng 200m2 này!” Ông Phạm Ðình Nguyên hiện là tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Quốc tế. Theo báo Tuổi Trẻ, “Trước đó ông Phạm Ðình Nguyên đã có bảy năm kinh nghiệm làm việc tại Coca-Cola Việt Nam với các vị trí khác nhau trong bộ phận phát triển kinh doanh và tiếp thị thương mại. Sau đó chuyển sang làm cho Nokia Việt Nam trong hai năm trước khi giữ vị trí phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh Công ty Cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế. Gần đây nhất, ông Nguyên giữ vị trí giám đốc toàn quốc kênh hiện đại cho Tập đoàn Kinh Ðô.” Ông Nguyên kể với báo Tuổi Trẻ về buổi đấu giá hồi tuần trước rằng, “Khởi điểm với $100,000. Giá sau đó bắt đầu được nâng lên $150,000, $200.000, rồi $250,000... Ðến mức giá $600,000, nhiều người tham gia đã bỏ cuộc. Khi giá nâng lên 750,000, chỉ còn ông Nguyên và một người đấu giá online (thông qua điện thoại di động). Lúc này, cuộc đấu tay đôi căng thẳng với từng bước giá $10,000-$15,000, do ai cũng muốn được sở hữu Buford, thị trấn lâu đời thứ hai tại bang Wyoming.” Vẫn theo lời ông Nguyên thuật lại, “Người đấu giá online chỉ bỏ cuộc khi giá được nâng lên $900,000.” Ông Nguyên còn cho biết theo quy định, trong 30 ngày kể từ ngày đấu giá nếu người thắng cuộc không thanh toán phần còn lại của số tiền thì sẽ mất khoản tiền đặt cọc 10%. “Vì vậy, sẽ không có chuyện đấu giá 'chơi cho vui' hoặc lấy tiếng như ở VN xong 'bỏ của chạy lấy người,'” ông Nguyên nói với báo Tuổi Trẻ. Báo Tuổi Trẻ trích dẫn tài liệu đấu giá do Williams & Williams cung cấp cho ông Nguyên cho hay, “lợi nhuận đem lại cho ông Don Sammons trong năm 2011 là 150,000 USD, chủ yếu đến từ cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, tiền thuê trạm điện thoại và tiền đặt các hộp thư bưu điện của chính phủ.” (KN)
|