Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 09 Tháng 4 Năm 2012 12:12

Bất đồng cố hữu giữa các nước ASEAN trước sự bành trướng của Trung Quốc

©AFP

Nhân dịp Phục Sinh, trên các sạp báo Paris chỉ có ba tờ báo quen thuộc là Le Monde, Le Figaro và Libération.

Các báo tập trung vào 2 chủ đề : 15 ngày cuối trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, « Các ứng cử viên ‘tranh thủ’ thành phần cử tri còn do dự chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai », và cuộc đảo chính ở Mali với nguy cơ « Quyền lực rơi vào tay phe Hồi giáo cựu đoan ».

 Về châu Á, xã luận tờ báo Thái Lan, The Nation tổng kết thượng đỉnh ASEAN Phnom Penh vừa khép lại.
 
Tác giả bài viết đưa ra một số nhận định và nhiều thông tin như sau:

Liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Philippines là quốc gia đã « ồn ào hơn cả và đã tỏ thái độ chỉ trích gay gắt nhất về vấn đề chủ quyền trên biển ».

Bên cạnh Philippines thì Việt Nam - tuy có liên quan trực tiếp đến hồ sơ này và trong quá khứ từng có quan hệ thù nghịch với Trung Quốc kéo dài cả ngàn năm - tại thượng đỉnh Phnom Penh tỏ ra « mờ nhạt ».

The Nation giải thích : Philippines trong tư thế « đối đầu » với Trung Quốc do tin tưởng vào sự hậu thuẫn của Mỹ sau khi ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng 7/2010 đã khẳng định vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Washington mong muốn các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Ngược lại, về phía Việt Nam Hà Nội đã tỏ ra thiên về phía nước chủ nhà là Cam Bốt : thủ tướng Hun Sen không muốn đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEAN.

The Nation không quên nhắc lại là tại thượng đỉnh Cam Bốt vừa qua, ASEAN đồng ý tiếp tục hoàn tất dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC và sẽ thống nhất về văn bản này trước khi ASEAN thảo luận với Trung Quốc.

 Tuy nhiên tác giả cững lưu ý : Philippines là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của ASEAN. Thái độ cứng rắn của Manila sẽ đặt toàn khối ASEAN trong thế khó xử hơn so với trước đây khi phải thảo luận với Trung Quốc.

Tuy nhiên theo tiết lộ của nhật báo Thái Lan thì tại thượng đỉnh Cam Bốt, ASEAN đã bị bất ngờ khi Trung Quốc đề nghị thành lập một ủy ban tên gọi là EPEG để thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Ủy ban này gồm 10 chuyên gia, trong đó có 5 người đại diện cho Trung Quốc và 5 còn lại do ASEAN chỉ định. Theo quan điểm của báo The Nation đề nghị nói trên của Bắc Kinh chỉ nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN.

Trở lại với phần liên quan đến Việt Nam, vẫn theo thông tin từ phía báo The Nation, thì Việt Nam tại thượng đỉnh Phnom Penh đã lợi dụng thời cơ để đề cử thứ trưởng Ngoại Giao Lê Lương Minh vào chức vụ tổng thư ký ASEAN khi nhiệm kỳ của cựu Ngoại trưởng Thái Surin Pitsuwan kết thúc vào ngày 31/12/2012.

Hai phụ nữ có nhiều khả năng trở thành thủ tướng Hàn Quốc

Cũng về châu Á, Libération dành một trang để phác họa chân dung hai phụ nữ có nhiều triển vọng trở thành thủ tướng Hàn Quốc sau cuộc tuyển cử ngày 11/04/2012. Người thứ nhất là bà Han Myung Sook, lãnh đạo đảng Dân chủ Thống nhất. Người thứ nhì là bà Park Geun Hye, chủ tịch Đại Quốc Đảng thuộc cánh bảo thủ.

Bà Park, 60 tuổi là con gái cố tổng thống Park Chung Hee người từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt trong giai đoạn từ năm 1962 đến 1979.

Xuất thân là một kỹ sư, bà được biết đến như một người có tài hùng biện và có sức thu hút đám đông. Theo giới quan sát con gái của cố tổng thống họ Park là một nhà chiến lược đáng gờm.

Park Geun Hye là trưởng nữ của cố tổng thống Hàn Quốc. Sau khi thân mẫu của bà qua đời năm 1974 trong một vụ ám sát hụt nhắm vào ông Park Chung Hee, Park Geun Hye đương nhiên trở thành nhân vật nữ quan trọng nhất bên cạnh tổng thống Hàn Quốc cho đến ngày ông bị ám sát vào năm 1979.

Bà Park Geun Hye bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị vào những năm 1990.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1998 lần đầu tiên bà đắc cử và liên tục giữ chiếc ghế dân biểu trong suốt 10 năm.

Năm 2007 trong cuộc bầu cử sơ bộ bà bị thua ông Lee Myung Bak để đại diện cho Đại Quốc đảng ra tranh cử tổng thống.

Trong 5 năm qua, dưới nhiệm kỳ của tổng thống họ Lee, bà Park đã đóng góp rất nhiều để đem lại cho đảng này một bộ mặt mới mẻ. Theo phân tích của các chuyên gia được Libération trích dẫn, thì đó là một lợi thế không nhỏ của Đại Quốc đảng trước đối thủ nặng ký nhất là đảng Dân chủ Thống nhất.

Đảng này do bà Han Myung Sook, 68 tuổi, lãnh đạo. Nguyên là một luật sư và đã từng giữ chức vụ thủ tướng, Han Myung Sook là một gương mặt đấu tranh nổi tiếng của Hàn Quốc. Trong thập niên 70 bà từng bị tống giam và tra tấn vì tham gia vào các phong trào dân chủ chống lại chế độ độc tài của tổng thống Park Chung Hee.

Libération nhắc lại Han Myung Sook từng là nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc và cho tới nay đối với dư luận ở Seoul bà là người đã « khai sinh ra phong trào đấu tranh cho nhữ quyền của Hàn Quốc ».

Trên sân khấu chính trị Seoul thì hai bà Han và Park được coi là những « hiện tượng » hiếm thấy và sự hiện diện của cả hai ở thượng tầng cơ quan quyền lực chứng tỏ xã hội Hàn Quốc đang có những chuyển biến : ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị.

Với nhiều vụ bê bối về tham nhũng, dư luận Hàn Quốc tin tưởng rằng « Quyền lực trong tay nữ giới được an toàn hơn, vì họ lương thiện hơn ».

Rybolovlev, vụ ly dị đắt nhất mọi thời đại ?

Bên cạnh những bài báo nặng tính thời sự, Le Monde có một bài báo lý thú về vụ ly dị đắt giá nhất mọi thời đại : vợ chồng nhà tỷ phú người Nga, ông bà Rybolovlev đang lao vào một cuộc chiến « không đội trời chung ».

Elena Rybolovlev, vợ của ông vua phân bón và cũng là ông chủ câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng AS Monaco đang làm thủ tục xin ly dị sau 21 năm chung sống, nhưng bà đòi một nửa giang sơn của chồng, là 6 tỷ đô la.

Do đòi tới một nửa tài sản khổng lồ ước tính khoảng 12 tỷ đô của chồng, cho nên thủ tục không đơn giản. Elena đã đệ đơn xin ly dị từ tháng 12/2008 và đương nhiên bà đã huy động cả một dàn luật sư để đương đầu với Dmitri Rybolovlev.

Thế thì nhân vật này là ai ?

 Le Monde phác họa lại chân dung của Dmitri Rybolovlev từ một cậu sinh viên trường y đã trở thành một trong những đại gia giàu có nhất của nước Nga dưới những năm tháng Eltsine.

Tài sản của ông thoạt đầu được tính bằng bạc triệu, rồi lên đến bạc tỷ nhờ một chút quen biết và các đợt tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước. Rybolovlev nhanh tay mua lại các nhà máy hóa học để từ đó tạo ra phân bón và nhờ thế mà hái ra tiền.

 Trong cung cách làm ăn, Dmitri Rybolovlev không chỉ vận dụng khối óc mà còn kết hợp cả một mạng lưới rộng lớn gồm những mối quan biết từ phía các kẻ có chức có quyền và những tay anh chị.

Từng ngồi tù 11 tháng nhưng rồi ông cũng khéo chạy chọt để được trắng án. Khi trong tầm ngắm của tư pháp và chính quyền Nga với tội danh làm giàu bất chính thì Rybolovlev đã khôn ngoan sang tên hẳn một số cổ phần doanh nghiệp cho một người thân cận với Kremly và thế là hồ sơ pháp lý nhắm vào ông đã được nhanh chóng khép lại.

Đối với tư pháp nước ngoài, dù ở Thụy Sĩ hay Singapore, Rybolovlev cũng vấn luồn lách một cách dễ dàng để thoát lưới luật tài chính.

 Chắc chắn là khôn ngoan như vậy, ông vua phân bón Dmitri Rybolovlev không dễ để cho bà Elena đoạt lấy một nửa tài sản 12 tỷ đô la của mình.