Home Tin Tức Thời Sự Nam Phi cấm công dân Việt Nam săn tê giác

Nam Phi cấm công dân Việt Nam săn tê giác PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 06 Tháng 4 Năm 2012 09:36

Nam Phi dự báo là trong năm nay, số tê giác bị săn bắn trái phép sẽ lên đến mức kỷ lục

Tê giác đen ở Nam Phi. Ảnh chụp ngày 22/03/ 2012.
REUTERS/Rogan Ward

 

Hãng tin Bloomberg, ngày hôm qua, 05/04/2012 cho biết, Nam Phi không chấp nhận cho các công dân Việt Nam xin phép săn tê giác tại nước này, bởi vì chính quyền Pretoria không chắc chắn là liệu những người này sẽ không buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp.

Trong bài trả lời phỏng vấn ngày 04.04/, bộ trưởng Môi trường và Các vấn đề nước, bà Edna Molewa, nói, trong năm nay, tất cả 23 đơn xin săn tê giác của các công dân Việt Nam đều bị bác bỏ.

 Các thợ săn của Việt Nam không thuyết phục được chính phủ Nam Phi rằng họ sẽ tuân thủ các quy định của giấy phép săn bắn, nghiêm cấm việc bán các thú vật săn được.

Nam Phi dự báo là trong năm nay, số tê giác bị săn bắn trái phép sẽ lên đến mức kỷ lục.

Bộ trưởng Môi trường Nam Phi cho biết, đa số những người săn bắn trái phép bị bắt, cũng như rất nhiều đơn xin, đến từ Việt Nam.

Theo Bloomberg, từ năm 2010 đến nay, gần 60% số đơn xin là của công dân Việt Nam, nơi mà nhu cầu mua sừng tê giác tăng cao. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng sừng tê giác có thể chữa trị được nhiều bệnh, kể cả ung thư. Giá một cân sừng tê giác có thể lên tới 60 ngàn đô la.

Khoảng 90% số tê giác trên toàn thế giới (tương đương 20 ngàn con) đang sống tại Nam Phi, nơi có quy định rất chặt chẽ về việc săn bắn. Chính quyền Nam Phi cũng đã yêu cầu Việt Nam và Trung Quốc giúp đỡ ngăn chặn tệ nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác và thành lập một ngân hàng dữ kiện ADN để có thể xác định sừng của các con tê giác bị giết chết.

Theo số liệu của bộ Môi trường Nam Phi, kể từ đầu năm đến nay, đã có 159 con tê giác bị săn bắn trái phép. Do vậy, số tê giác bị hạ sát bất hợp pháp trong năm 2012 có thể lên tới 619 con, cao hơn mức 448 con của năm 2011.

Với tốc độ săn bắn như vậy, loài tê giác hoang dã có nguy cơ bị tiệt chủng vào năm 2025 tại châu Phi. Cũng trong năm nay, đã có 90 người bị bắt vì có dính líu đến việc săn bắn tê giác trái phép.

Nam Phi đã thành lập một nhóm công tác, bao gồm đại diện của chính phủ, cơ quan quản lý các vườn quốc gia, cảnh sát, quân đội, thẩm phán… để ngăn chặn tệ nạn này.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố đồng ý với việc thống kê các con tê giác săn bắn được khi các thợ săn Việt Nam mang tê giác về nước, để kiểm tra xem các con vật này có còn sừng hay không.

 Theo thỏa thuận giữa hai nước, Việt Nam sẽ phối hợp, theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu sừng tê giác hợp pháp từ Nam Phi.