Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-04-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-04-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Năm, 05 Tháng 4 Năm 2012 14:10

Trung Quốc : Cải tổ chính trị không còn là điều cấm kỵ ?

 

Quảng trường Thiên An Môn với lính canh và ảnh Mao
REUTERS/David Gray

 

Liên quan đến Trung Quốc Le Monde có một bài phân tích về bàn cờ chính trị Trung Quốc khá hấp dẫn, với tựa đề « Bắc Kinh một thoáng cởi mở »Vài tháng trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng công khai đề cập nhu cầu cải tổ chính trị.

Thông tín viên của tờ báo, Brice Pedroletti nhắc lại, chỉ mới cách nay vài năm khi đề cập đến nhu cầu cải tổ chính trị, thì một trong những nhân vật chủ chốt của Hiến chương 08 là ông Lưu Hiểu Ba đã phải ngồi tù.

Ngày 25/03/2012 vừa qua, trên mạng Vi Bác, một kiểu Twitter của Trung Quốc, nhà xã hội học Ư Kiến Vanh đã phác thảo ra một danh sách với rất nhiều đề nghị cải cách về xã hội và chính trị trên quê hương ông. Trong khi đó ai cũng biết rằng tại Trung Quốc, kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989, cụm từ « cải tố chính trị » luôn được coi là điều cấm kỵ.

Hai ngày trước lời kêu gọi cải cách được phát tán trên tiểu blog của nhà trí thức họ Ư, một tờ báo khác thuộc khuynh hướng cấp tiến trong bài xã luận đã không ngần ngại cho rằng : « Đã đến lúc Trung Quốc cần thay đổi hệ thống lãnh đạo ».

Ngày 14/03/2012, bản thân thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã nhắc tới điều này trong cuộc trả lời báo chí dài hơn 3 giờ đồng hồ. Thực ra vào tháng 8/2010 cũng chính thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng tuyên bố là Trung Quốc cần tiến hành một cuộc cải cách về phương diện chính trị, nhưng đó phải là một « tiến trình có kiểm soát » thế nhưng lời kêu gọi đó đã được hòa tan như như giọt nước đổ vào đại dương.

 Mãi cho tới khi vụ tai tiếng Trùng Khánh bùng lên thì người ta mới lại chú ý tới những phát biểu của ông Ôn Gia Bảo, người luôn tự coi mình là kẻ kế thừa sự nghiệp chính trị  của ông Hồ Diệu Bang.

Câu hỏi Le Monde nêu lên là : các vụ gia tăng đàn áp các nhà ly khai gần đây tại Trung Quốc phải chăng là một hình thức để các bộ máy an ninh tìm cách áp đặt đường lối cứng rắn với hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Đó là những người sắp được chỉ định vào thức vụ chủ tịch nước và thủ tướng để thay thế các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.

Ngược lại thì, cũng có luận điểm cho rằng thái độ cứng rắn của các bộ máy an ninh Trung Quốc là dấu hiệu báo trước « ngày tàn của thành phần cứng rắn » trong guồng máy chính trị tại Bắc Kinh. Hiện tại chưa có yếu tố nào cho phép nghiêng về một trong hai giả thuyết nói trên.

Nhưng theo ông Vương Chiếm Dương, giám đốc viện nghiên cứu xã hội tại Bắc Kinh thì điều chắc chắn thế hệ lãnh đạo Trung Quốc của các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ phải trực diện với vấn đề cải tổ chính trị và họ biết rõ điều đó.

Một nhà nghiên cứu của Pháp Michel Bonnin giảng dậy tại đại học Tinh Hoa ở Bắc Kinh cũng cùng quan điểm. Theo ông Bonnin, « Câu hỏi còn lại là Trung Quốc phải cải tổ về mặt chính trị như thế nào để vẫn bảo đảm được tăng trưởng kinh tế và đó phải là một sự cải tổ không đe dọa đến ổn định xã hội ».

Để kết luận, ông Vương Chiếm Dương cho rằng : " Đối với đại đa số các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, những khái niệm như ‘dân chủ’ hay ‘một hệ thống chính trị đa đảng, đa nguyên’ còn là một điều bí hiểm. Họ coi đây là một mối đe dọa tiềm tàng. Trung Quốc sợ rằng tất cả những gì đang có sẽ sụp đổ".

Miến Điện : tổng thống Thein Sein trong thế không thoải mái

Cũng liên quan đến Châu Á, trở lại với kết quả bầu cử bổ sung tại Miến Điện vừa qua, đặc phái viên của báo Le Monde, Bruno Philip đưa ra nhận xét :

Thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi và đảng đối lập đã đem lại lợi thế nhất định về phương diện ngoại giao cho tổng thống Thein Sein.

Người từng được coi là « nhân vật số 5 » trong hàng ngũ các tướng lĩnh Miến Điện dưới chế độ cũ nay lại được coi là « hiện thân của tiến trình mở cửa » đất nước. Naypyidaw dưới sự điều hành của ông đang chờ đợi gặt hái những thành quả cụ thể mà tiến trình dân chủ hóa đang đem lại.

 Vào ngày 23/04/2012 Liên Hiệp Châu Âu sẽ xét lại chính sách cấm vận Miến Điện. Nếu như thắng lợi của ông Thein Sein được coi là "toàn diện về mặt đối ngoại" thì trên sân khấu chính trị quốc gia, ông không được thoải mải.

Trong mắt thành phần bảo thủ ông bị coi là thủ phạm dẫn tới thất bại ê chề trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 01/04/2012. Với việc gương mặt đối lập hàng đầu Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bước vào Quốc hội, giờ đây "tổng thống Thein Sein phải cùng với bài soạn ra và diễn trọn một vở kịch mà cho tới thời gian rất gần đây, không ai dám nghĩ tới một kịch bản như vậy".

Tác giả bài báo ví von về mặt chính trị, « Thein Sein và Aung San Suu Kyi là một cặp bài trùng khá kỳ lạ (…) thậm chí có thể nói là phản tự nhiên » (…) Nhưng dẫu sao đây cũng là một sự « liên kết ở thượng tầng xã hội, mở ra tiến trình dân chủ được tiến hành từ bên trên. 

Nhật Bản 2011 :  mua lại các tập đoàn nước ngoài ở mức kỷ lục

2011 là năm Nhật Bản phá kỷ lục trong các vụ mua lại nhiều tập đoàn nước ngoài. Nhờ đồng yen tăng giá tổng cộng, các tập đoàn của Nhật đã mua lại 474 cơ sở bên ngoài lãnh thổ với tổng trị giá là 67 tỷ đô la.

Ngay cả vào thời đại hoàng kim ở đầu thập niên 90 thế kỷ trước các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không dám mạnh dạn vươn ra nước ngoài như vừa qua.

Trong một bài báo ngắn Les Echos nêu lên vài yếu tố giải thích về kỷ lục vừa đặt được : nhờ đồng yen tăng giá so với đô la đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn Nhật mua lại các đối tác nước ngoài.

 Bên cạnh đó, các tập đoàn Nhật Bản dư thừa tiền mặt và đây là cơ hội để đầu tư vào những địa bàn chiến lược. Cuối cùng, với thảm họa sóng thần năm ngoái, các doanh nghiệp xứ hoa anh đào lại càng ý thức được rằng không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, nghĩa là nên chia các cơ sở sản xuất ra nhiều nơi -mà trong đó Việt Nam là một điểm đến được các doanh nhân Nhật Bản chú ý - để đề phòng tai họa.

Tài chính Châu Âu lên cơn sốt vì Tây Ban Nha

Trong lĩnh vực tài chính, chỉ số chứng khoán châu Âu mất giá vì lo ngại Tây Ban Nha thiếu tiền mặt để thanh toán nợ. « Cơn sốt mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu», tựa trên tờ báo kinh tế Les Echos. « Tây Ban Nha lại trong tình trạng báo động », tựa lớn của phụ trang kinh tế báo Le Figaro.

Madrid đã thông qua kế hoạch khắc khổ « chưa từng thấy », tiết kiệm hơn 27 tỷ euro trong tài khóa 2011, với hy vọng giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ 8,51 % tổng sản phẩm nội địa năm 2011 xuống còn 5,3 % GDP vào năm nay.

Dù thế trong phiên giao dịch ngày 04/04/2012, bảo hiểm đề phòng rủi ro Tây Ban Nha mất khả năng thanh toán nợ công đã tăng cao nhất kể từ tháng 11/2011. Tây Ban Nha cũng đã phải đi vay với lãi suất cao nhất kể từ giữa tháng Giêng tới nay.

Lý do : trong đợt phát hành công trái vào cuối tháng Ba vừa qua, Madrid chỉ huy động 2,59 tỷ euro thay vì 3,5 tỷ như mong đợi.

Những dấu hiệu trên cho thấy giới đầu tư không mấy tin tưởng vào tiềm năng của nền kinh tế Tây Ban Nha.

Tác giả bài viết nêu lên những yếu tố như sau : một là bản thân chính quyền Madrid dự trù kinh tế Tây Ban Nha trong năm nay sụt giảm đến 1, 7 %, qua đó tỷ lệ nợ công sẽ tăng thêm vào năm nay ( tăng từ 68,5 % GDP vào năm 2011 lên thành 79,8 % vào năm nay).

Lo ngại thứ nhì liên quan đến rủi ro Tây Ban Nha thiếu tiền mặt, khi không huy động được thêm vốn như mong đợi.

Theo quan điểm của một tờ báo kinh tế khác là La Tribune, thì điều làm giới đầu tư do dự hơn cả có lẽ do « các biện pháp khắc khổ này đến quá trễ », Tây Ban Nha không đủ sức đảo ngược tình thế, tức là để giúp quốc gia này tạo ra tăng trưởng.

 La Tribune lo ngại khoản tiền hơn 27 tỷ euro tiết kiệm được trong đợt thắt lưng buộc bụng năm nay, trên thực tế chỉ để trả cho các chủ nợ. Nếu như vậy thì đây sẽ là điều vô cùng tai hại đối với quốc gia này khi biết rằng có tới ¼ dân số trong tuổi lao động không có việc làm và 50 % thanh niên bị thất nghiệp.

Bầu cử tổng thống Pháp : Chặng chót cuộc vận động tranh cử

Sẽ là một thiếu sót nếu không điểm qua những bài báo nói về cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp.

Hôm nay ứng cử viên của đảng UMP Nicolas Sarkozy công bố kế hoạch tranh cử dưới hình thức một lá thư gửi đến cử tri. Hôm qua ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande tiết lộ những quyết định đầu tiên ông sẽ đưa ra ở cương vị nguyên thủ quốc gia.

Tờ báo thiên hữu Le Figaro không ngần ngại « xả súng » vào những gì ứng cử viên cánh tả đề nghị : « Ông François Hollande không hề bủn xỉn khi đưa ra những hứa hẹn, nhưng đó là những biện pháp vừa tốn kém vừa vô trách nhiệm. Đề nghị tăng 25 % trợ cấp cho học sinh vào mùa tựu trường, xét lại chương trình cải tố chế độ hưu bổng, tuyển dụng thêm 60 000 nhân viên trong guồng máy giáo dục, tạo thêm 150 000 việc làm cho giới trẻ Đổi lại để tài trợ những biện pháp tốn kém đó, ông Hollande sẽ thu thêm 50 tỷ euro tiền thuế ».

Về các khoản chi tiêu, Le Figaro đánh giá ứng cử viên Hollande thiếu thực tế và không quên nêu lên con số 50 tỷ để dọa cử tri, nhất là khi Le Figaro ghi nhận « Hollande chưa thảo luận với ứng cử viên cựu tả Jean Luc Mélenchon với những đề nghị càng xa vời thực tế hơn nữa của ông ta».

Trong lúc Le Figaro tấn công vào ứng cử viên Hollande, thì Libération thiên tả không ngần ngại chĩa mũi dùi vào ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy, nhưng về thái độ của tổng thống mãn nhiệm đối với người Hồi giáo. « Sarkozy và đạo Hồi : những mối quan hệ nguy hiểm » là tựa lớn của tờ báo trên trang nhất.

Theo Libération, 18 ngày trước cuộc bỏ phiếu ở vòng 1, ông Sarkozy không ngớt khai thác lá bài hồi giáo cực đoan để chiêu dụ cử tri.

 Tờ báo không quên nhắc lại các đợt bố ráp nhắm vào một số các tổ chức Hồi giáo bị coi là cực đoan trong những ngày qua – và tất cả đều được quay phim - không khỏi làm dấy lên một sự nghi ngờ về một sự trùng hợp về thời điểm.