Home Tin Tức Thời Sự Mỹ hứa giảm nhẹ các trừng phạt Miến Điện

Mỹ hứa giảm nhẹ các trừng phạt Miến Điện PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 05 Tháng 4 Năm 2012 14:02

Việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp các thành viên Quốc hội Miến Điện, 01/12/2011.
REUTERS/Pool/Saul Loeb

 

Để khuyến khích tiến trình cải cách, dân chủ hóa tại Miến Điện, Hoa Kỳ cần phải có một cử chỉ chứng tỏ thiện chí, sau cuộc bầu cử bổ sung, ngày 01/04, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Theo hướng này, hôm qua, 04/04/2012, chính quyền Mỹ cam kết sẽ “giảm nhẹ” các biện pháp cấm vận đang gây nhiều trở ngại cho Miến Điện trong việc thu hút đầu tư ngoại quốc. Đồng thời, Washington cũng hứa sẽ nhanh chóng chỉ định một đại sứ đến Naypyidaw.

Các thông báo nói trên đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra. Đích thân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ theo dõi sát sao hồ sơ Miến Điện và tháng 12 năm ngoái, bà đã công du nước này.

Tiến trình nới lỏng cấm vận được khởi động với việc giảm bớt các biện pháp cấm xuất khẩu dịch vụ tài chính và đầu tư vào Miến Điện.

Chính quyền Washington nhấn mạnh, sáng kiến này nằm trong khuôn khổ « một nỗ lực to lớn hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy các cải cách chính trị » tại Miến Điện.

Một quan chức Mỹ, xin dấu tên, nói với AFP là nội dung chính xác các biện pháp được thông báo và lịch trình thực hiện sẽ được làm rõ, nhưng có thể liên quan đến « thương mại điện tử », bởi vì Miến Điện là « một trong những nước duy nhất trên thế giới chưa thể sử dụng được thẻ tín dụng », như MasterCard, Visa hoặc American Express.

Bà Clinton cũng cho biết là « trong những ngày tới », Hoa Kỳ sẽ hoàn tất các thủ tục nhằm chỉ định một đại sứ ở Miến Điện. Mặc dù hai nước vẫn có quan hệ ngoại giao, nhưng từ năm 1990, đại diện của Mỹ tại nước này chỉ là một đại biện, thấp hơn cấp đại sứ.

Đồng thời, Cơ quan phụ trách Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ thành lập một văn phòng ở Miến Điện và Washington sẽ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ giữa Miến Điện và tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP.

Theo giới quan sát, các quyết định trên đây của Hoa Kỳ là sự tiếp nối chính sách « có đi có lại » được tiến hành từ vài năm qua, thay thế cho chiến lược cô lập Miến Điện với hậu quả là đẩy quốc gia giàu tài nguyên này rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ đã ca ngợi « các phẩm chất lãnh đạo tốt và lòng dũng cảm » của tổng thống Miến Điện Thein Sein, sau cuộc bầu cử bổ sung hôm Chủ nhật vừa qua, cho phép Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi trở thành lực lượng đối lập chính tại Nghị viện.

Bà Clinton nhận định: « Cuộc bầu cử này là một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước ».

Mặt khác, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng cảnh báo là Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt và cấm đoán đối với những nhân vật và định chế tại Miến Điện ngăn cản các nỗ lực cải cách.

 Nhân dịp này, Hoa Kỳ nhấn mạnh là chính quyền Naypyidaw cần phải trả tự do cho các tù chính trị, tiến hành hòa giải với các sắc tộc thiểu số, chấm dứt mọi hợp tác quân sự với chế độ Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ nói: « Cải cách cần phải có thời gian và đó là một con đường dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục rất chú ý đến những gì diễn ra và như tôi đã nói khi tới thăm nước này, chúng tôi sẽ có khen thưởng, đáp lại mỗi hành động cải cách ».

Việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.

Các tuyên bố của Mỹ giảm bớt trừng phạt đối vói Miến Điện lần này, chắc chắn không liên quan đến việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt của Miến Điện, ví dụ đá quý. Mặt khác, Washington cũng cần phải thủ giữ một số phương tiện để có thể tiếp tục gây sức ép, thúc đẩy tiến trình cải cách ở Miến Điện.

Đầu tuần, một nhà ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu nói với AFP là khối này cũng dự tính giảm đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện.

Các Ngoại trưởng châu Âu sẽ thảo luận về hồ sơ này vào ngày 23/04, tại Luxembourg.