Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-04-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-04-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 03 Tháng 4 Năm 2012 09:37

Trung Quốc : Ô nhiễm chì trở thành hiểm họa y tế công cộng

Ô nhiễm đang ngày càng trở thành vấn đề lớn cho y tế công cộng tại Trung Quốc.
Ảnh:REUTERS/Tom Yz

 

 Thời sự Châu Á trên các tờ báo Pháp hôm nay chủ yếu liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tại Miến Điện hôm chủ nhật 01/04/2012.

 Tuy nhiên, báo giới cũng chú ý đến Trung Quốc, đặc biệt là La Croix với tình trạng ô nhiễm chì ngày càng nghiêm trọng, đi kèm theo với đà tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo La Croix, ô nhiễm chì đang trở thành vấn đề y tế công cộng tại Trung Quốc. Chính quyền đã tỏ quyết tâm giải quyết nhưng trong thực tế thì vẫn không vội hành động trong bối cảnh tình hình môi trường bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và lan rộng trên lãnh thổ.

Trong số các chất gây ô nhiễm, độc hại nhất là chì. Khi bị thải ra, chất này gây ô nhiễm từ đất cho đến nước, đầu độc dân chúng, tác động đến hệ thần kinh của trẻ em. Đây là một vấn đề mà truyền thông Trung Quốc, theo La Croix, thường xuyên nêu lên, được chính quyền trung ương đưa vào kế hoạch 5 năm chống lại nạn ô nhiễm do kim loại nặng, nhưng các vụ xì căn đan thì cứ tiếp tục nổi cộm.

Theo ghi nhận của La Croix, cuối tháng Hai vừa qua, một tạp chí độc lập đã nêu lên trường hợp 500 trẻ em ở miền Nam Trung Quốc bị nhiễm độc, qua tháng Ba, đến lượt Tân Hoa Xã nói đến vụ 160 em có lượng chì trong máu cao bất thường… và cứ như thế, tin này nối tiếp tin kia.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Ô nhiễm diễn ra dần dần, người dân lại không có được thông tin, đến khi phát hiện ra thì đã trễ. Đòi đền bù cũng không được, vì khi hay biết, thì những công ty gây hại đã đóng cửa hoặc được sự che chở của chính quyền đîa phương.

Bên cạnh đó, những người có quyết tâm kiện cũng không phải dễ thắng, và có thắng thì tiền bồi thường không đủ để chữa trị bệnh do ô nhiễm gây ra.

 Các trường hợp nông dân được đền bù do đất bị ô nhiễm lại càng rất hiếm, cho nên họ vẫn tiếp tục khai thác vùng đất đó, tiếp tục trồng trọt, và bán ra những nông phẩm mà chính họ không dám tiêu dùng.

Miến Điện : Gian nan chờ đón Aung San Suu Kyi

Cuộc bầu cử quốc hội bổ sung ở Miến Điện chiếm một tựa trên trang nhất báo Le Monde : “Aung San Suu Kyi, thần tượng (của người Miến Điện) được bầu làm dân biểu”, bên trên bức ảnh của bà tươi cười trước trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, được dân chúng bao quanh. Nhận định chung của báo giới Pháp hôm nay là rất nhiều khó khăn đang chờ đợi lãnh tụ đối lập Miến Điện.

Báo La Croix cũng dành một tựa trang nhất cho sự kiện này : “Sau bầu cử, Aung San Suu Kyi chào mừng một ‘thời đại mới’”.

Trích lời của bà Aung San Suu Kyi, kêu gọi các đảng phái hợp tác với Liên đoàn để “tạo ra một không khí thật sự dân chủ” ở Miến Điện, tờ báo Pháp đánh giá là sau sự hồ hởi, phấn khởi của cuộc bầu cử, giờ đây là lúc phải trở lại với thực tế.

 Tờ báo nhìn thấy con đường còn rất dài đối với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng như đối với bà Aung San Suu Kyi để củng cố nền dân chủ ở Miến Điện.

Nhưng câu hỏi đặt ra là bà Aung San Suu Kyi sẽ hoạt động như thế nào. Người dân chờ đợi rất nhiều nơi thần tượng của họ.

 La Croix trích lời một chuyên gia Pháp về Miến Điện, Renaud Egreteau, « không chắc là bà Aung San Suu Kyi hình dung rõ ràng về vai trò của bà một khi đắc cử. Bà sẽ ở trong một tình thế tế nhị ».

Rõ ràng, theo La Croix, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải tỏ ra rất khôn khéo, bà sẽ phải nhượng bộ để có thể xây dựng một phe đối lập có uy tín.

Libération ở trang trong, mục quốc tế, cũng tỏ nỗi lo ngại tương tự với hàng tựa : “Thử thách quyền lực đối vơí bà Aung san Suu Ky”.

Tờ báo nêu những kết quả chính thức đầu tiên theo đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà thắng lớn. Thế nhưng thắng lợi đó, theo tờ báo, rất bé nhỏ trong một chế độ chính trị bị giới quân sự khoá chặt, và mở ra một thời kỳ bấp bênh.

Bà Aung San Suu Kyi sẽ phải khoác áo dân biẻu sau nhiều năm là thần tượng được người dân Miến Điện và chính quyền các nước phương Tây mến mộ. Sau hàng thập niên nói về nhân quyền và dân chủ, giờ đây bà phải làm việc trên những vấn đề rất cụ thể về kinh tế, từ vi tín dụng cho đến đầu tư trong một đất nước có nền kinh tế bị kiệt quệ.

Bà phải đáp ứng mong đợi vô cùng to lớn mà người dân đặt vào bà, nhất là bà phải ‘nhúng tay vào lớp dầu bẩn của sự thoả hiệp’ một khái niệm mà bà ghét cay ghét đắng, theo lời một trí thức ở Yangon.

Libération nhắc lại là bà đã tỏ ra khiêm tốn trước thắng lợi và kêu gọi các đảng khác hợp tác. Đối với tờ báo đấy không phải là điều dễ dàng vì các thành viên kỳ cựu của Liên Đoàn đã từng chỉ trích gay gắt những người tham gia cuộc bầu cử quốc hội cuối năm 2010, gọi họ là những kẻ phản bội.

Một khó khăn không nhỏ khác nữa là những người mới vào Quốc hội, vốn bị đại bộ phận dân biểu xem là kẻ thù trước đây, sẽ phải chiụ áp lực như thế nào. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã nhiều lần muốn xem xét lại hiến pháp năm 2008, thuận lợi cho quân đội, viết lại những điều khoản mà họ cho là bất chính.

Le Monde trong bài phân tích dài trang trong tựa đề “Nguy cơ quyền lực”, nhìn thấy thế đứng nguy hiểm và con đường đầy cạm bẩy đang chờ đợi bà Aung San Suu Kyi.

Theo Bruno Philipp, đặc phái viên của Le Monde tại Miến Điện, bây giờ quả là lãnh tụ đối lập Miến Điện phải kinh qua thử thách của thực tế. Chưa bao giờ bà tham gia một cuộc bầu cử nào từ khi bước vào chính trị năm 1988, năm mà thành phố Yangon chứng kiến cảnh đàn áp đẫm máu của quân đội. Giờ đây bà phải bước vào đấu trường Quốc hội.

Cho dù quyền hạn rất hạn chế, thách thức đối với thần tượng của người Miến Điện không phải là ít. Chỉ nói riêng về hình ảnh của bà, rủi ro cũng nhiều.

 Cho đến nay, bà luôn có hình ảnh tốt đẹp của một nhà ly khai trong chế độ quân sự độc tài. Thế nhưng tờ báo tự hỏi là liệu hào quang đó có bị mất đi hay không, vì ngay khi bước vào cuộc tranh cử là bà đã phải thỏa hiệp.

Trung Quốc : Vi Bác bị phạt vì không kiểm duyệt đến nơi đến chốn

 Le Monde trở lại vấn đề các phần bình luận bị cấm trên các tiểu blog từ ngày 31/03 cho đến hôm nay 03/04.

 Theo tờ báo, nguyên nhân quyết định dẫn đến biện pháp này là việc chính quyền Bắc Kinh, do không khống chế được các mạng xã hội, lại bị vướng vào một vụ xì căn đan chính trị phơi bày cuộc đấu đá nội bộ, không biết xử lý ra sao, cho nên đã quyết định cấm như trên để ‘làm sạch’ công cụ sản xuất ‘tin đồn’.

Le Monde cũng nhắc lại tin đồn nghiêm trọng nhất là về một cuộc đảo chính ở Bắc Kinh. Những tin đồn đã phồng lên trên mạng từ sau vụ cách chức ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh. Theo le Monde thì lãnh đạo Trung Quốc có phần trách nhiệm trong các tin đồn đại vì thái độ mà Le Monde cho là ‘thiếu cởi mở’.

Tờ báo Pháp cũng coi quyết định trên như là một sự trừng phạt đối với Vi Bác đã không kiểm duyệt đến nơi đến chốn.

Thế nhưng, theo Le Monde, cho dù có tăng cường kiểm duyệt, đảng Cộng sản Trung Quốc vốn ưa chuộng sự bí mật, bịt kín thông tin, cũng sẽ không tài nào đối phó được với sự ‘sáng tạo’ của cư dân mạng. Ví dụ như khi từ « Bạc Hy Lai”  bị kiểm duyệt, thì họ đổi ngay sang dùng từ khác, viết tắt hay gợi ý nghĩa...

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp trên trang nhất báo Pháp

Trong lúc La Croix đếm được 1.293 giờ tranh luận chính trị từ tháng giêng cho đến 19 /03 trong hàng tựa bài xã luận trên trang nhất, thì Le Figaro chú ý đến quan hệ không êm ả giữa đảng Xã hội và đảng Xanh trong hàng tựa “Một số người đảng Xã hội phản đối thoả thuận với đảng Xanh”.

Libération nêu bật mối bất hòa giữa tổng thống Sarkozy và các công đoàn, trong hàng tựa “L’antisocial”, kẻ đi ngược lại lợi ích của người lao động. Tờ báo giải thích : việc ông Sarkozy sỉ nhục các công đoàn là một chiến lược để làm hài lòng các cử tri cực đoan.

Le Monde cũng chú ý đến khiá cạnh xã hội của cuộc tranh cử. Trong hàng tít đầu trên trang nhất, tờ báo nêu lên ‘mối lo ngại’ về chủ trương xiết chặt cả về tài chánh lẫn xã hội sau cuộc bầu cử. Theo tờ báo, các công đoàn đang lo là chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách sẽ đi kèm với việc xét lại quyền lao động.

Riêng báo Les Echos, nhân cuộc tranh cử hiện nay, đã làm một bài kiểm toán nước Pháp, xem tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế thứ 5 thế giới ra sao, từ chỉ số kinh tế, vấn đề chi tiêu nhà nước, vấn đề y tế, sức khoẻ, lao động, trợ cấp… cho đến mặt mạnh, mặt yếu của các vùng...

Tờ báo đã kết luận với 10 lý do để người Pháp.. .tiếp tục lạc quan.