Home Tin Tức Thời Sự Thành phố HCM chống chọi gió bão

Thành phố HCM chống chọi gió bão PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 02 Tháng 4 Năm 2012 11:59

Cơn giông nổi lên từ trưa Chủ nhật ngày 1/4 và kéo dài đến tận khuya cùng ngày

Nhiều cây cổ thụ cũng không chịu nổi sức mạnh của gió lốc

 Cây xanh ngã đổ trong trận gió lốc ngày 1/4 ở TPHCM

Người dân thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến gió lớn do bão Pakhar gây ra hoành hành dữ dội ngay tại trung tâm thành phố.

Cơn bão Việ́t Nam gọi là bão số 1 đã không còn nguyên sức mạnh của một cơn bão mà đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến vào đất liền nhưng vẫn gây ra kinh hoàng cho cư dân thành phố vốn khá bình yên trước thiên tai từ từ trước đến nay.
  Cơn giông nổi lên từ trưa Chủ nhật ngày 1/4 và kéo dài đến tận khuya cùng ngày.

Trao đổi với BBC, ông Hoàng Ngọc Tuyến, 36 tuổi, hiện đang sống ở đường Lê Đình Thám, Quận Tân Phú cho biết gió lốc nổi lên từ khoảng 2, 3 giờ chiều và kéo dài đến tận khuya.

“Từ 5 giờ trở đi gió lốc càng lúc càng mạnh và mạnh nhất vào khoảng 8, 9 giờ tối,” anh nói.

Anh Tuyến cho biết lúc đó anh ở trong nhà nhưng vẫn nghe tiếng gió thốc đập vào mái tôn ầm ầm và thổi cây cối bay ào ào.

Do nhà ở gần sân bay Tân Sơn Nhất nên ông Tuyến chứng kiến máy bay không hề lên xuống sân bay từ đầu giờ chiều cho đến khuya ngày 1/4.

Thế́ nhưng, là người quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, ông cho biết gió lốc hôm 1/4 ở thành phố Hồ Chí Minh ‘không ăn nhầm gì’ so với mưa bão ở các tỉnh miền Trung.
‘Chưa từng thấy’

Trong khi đó, bà Trần Thị Tuyết Hồng, 51 tuổi, tiểu thương buôn bán trên đường An Dương Vương ở Quận 5 nói với BBC rằng từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên bà mới thấy gió bão lớn như thế ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà kể thì nhiều người dân đi trên đường trong trời bão bị gió thốc đến rách cả áo mưa.

“Mưa không lớn lắm nhưng gió thì quá mạnh,” bà cho biết.

Bà kể cửa kính trên những nhà có lầu cao bị gió thốc đập nát rơi loảng xoảng xuống đường.

Báo chí trong nước đưa tin gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh, cột điện, thổi bay các bảng quảng cáo, đánh sập các giàn giáo xây dựng, gây ngập lụt nhiều tuyến đường và làm mất điện ở khu vực nội thành.

Báo Người Lao Động đưa tin một cây sọ khỉ đường kính 2 mét và cao 50 mét trên đường Nguyễn Trãi, Quận 5 ngã đổ vào nhà dân.
Các sinh viên dọn dẹp lại đồ dùng sau khi nhà trọ bị tốc máy

Người dân thành phố Hồ Chí Minh chưa từng chứng kiến gió bão mạnh như thế này

 

Điều may mắn là do trận áp thấp nhiệt đới tiến vào thành phố vào ngày nghỉ – thời điểm ít người ra đường nên thương vong không đáng kể.

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam cho biết có một người đi xe gắn máy bị cây ngã đè trọng thương ở Quận 7 được đưa đi cấp cứu.

Tại huyện ven biển Cần Giờ đã có vài chục căn nhà bị sập hoặc tốc mái và trên 10 chiếc tàu bị chìm.

Hơn 2.000 dân sinh sống ở các vùng nguy hiểm đã được đưa đi sơ tán trước khi áp thấp nhiệt đới vào đất liền.

Các bến phà Cát Lái nối liền thành phố với Đồng Nai và phà Bình Khánh nối Nhà Bè với Cần Giờ tạm dừng hoạt động do sóng to gió lớn làm hàng ngàn hành khách lỡ đường bị kẹt ở các đầu bến phà.

Ngổn ngang sau bão

Theo báo chí trong nước thì trong các lãnh đạo thành phố chỉ có mình ông Nguyễn Văn Đua, phó bí thư Thành ủy đích thân ra hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn và khắc phục thiệt hại sau khi gió lốc đã giảm bớt.

Không chỉ quần thảo thành phố Hồ Chí Minh, trận áp thấp nhiệt đới này cũng gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Tại Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp, nhiều khu nhà trọ của công nhân bị tốc mái hoàn toàn và hàng chục trụ điện bị gãy đổ.

Tỉnh Đồng Nai có một người chết do điện giật, năm người bị thương và trên 600 căn nhà tốc máy, trong khi tại tỉnh Ninh Thuận một tàu cá bị đánh chìm làm một người chết theo Thông tấn xã.

Cho đến sáng ngày 2/4, các tuyến đường trong thành phố vẫn còn rất ngổn ngang với cây xanh ngã đổ chắn ngang đường, các bảng quảng cáo, mái tôn nằm rải rác nhiều nơi gây rối loạn giao thông.

Theo thống kê của thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 2/4 thì trận áp thấp nhiệt đới này đã làm ngã đổ 500 cây xanh và tốc mái hàng trăm ngôi nhà. Đến chiều cùng ngày, công việc dọn dẹp các cây xanh ngã đổ vẫn chưa xong.