Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-04-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-04-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Hai, 02 Tháng 4 Năm 2012 10:43

Người sử dụng internet Trung Quốc : Nạn nhân các đấu đá trong đảng Cộng sản

 

REUTERS/Stringer

 

 Nhìn về châu Á, nhật báo Libération có bài viết liên quan đến đợt trấn áp bất ngờ mạng tiểu blog ở Trung Quốc trong tuần qua, sau khi có tin đồn đảo chính loan truyền ở Trung Quốc.

 Bài viết mang tựa đề « Trang web Trung Quốc bị làm con tin cho cuộc đấu đá trong đảng ».

Về mặt chính thức, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự cho đất nước của họ là « ổn định », phát triển « hài hòa », đảng Cộng sản là một hình mẫu cho sự « đoàn kết » bởi những quyết định đều được đưa ra trong sự thống nhất của tập thể.

 Thế nhưng, theo tác giả bài viết, cái mặt ngoài đẹp đẽ đó đã không giấu được thực chất bên trong. Bằng chứng là cách đây hai tuần, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị và là một gương mặt đang lên, ông Bạc Hy Lai, bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh.

 Còn giám đốc Công an thành phố này cũng bị cách chức và bị coi như là một kẻ « phản bội » vì có ý định xin tỵ nạn chính trị tại cơ quan lãnh sự Hoa Kỳ.

Sự kiện này đã được báo chí nói đến nhiều. Tác giả của bài viết nhận thấy, đằng sau các vụ việc này còn ẩn chứa một thực tế khác quan trọng hơn. Đó là cuộc thanh lọc vây cánh chính trị của ông Bạc Hy Lai vẫn đang tiếp tục trên phạm vi chính quyền cũng như quân đội.

Chưa bao giờ, kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, việc đấu đá nội bộ trong đảng Cộng sản Trung Quốc lại lộ rõ như lần này. Sự việc ồn ào đến mức trong tuần qua, trên mạng internet, đặc biệt là trên các tiểu blog, ở Trung Quốc, đã xuất hiện nhiều tin đồn nói sắp có đảo chính.

Thậm chí người ta còn thấy xuất hiện trên internet hình ảnh những chiếc xe bọc thép đậu suốt ngày đêm một cách bất thường xung quanh điện Trung Nam Hải, trụ sở trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh. Điều này khiến cho đa số người sử dụng internet tại Trung Quốc đặt câu hỏi, phải chăng sắp có biến lớn ?

Các blog còn truyền nhau thông tin ông Chu Vĩnh Khang, một trong 9 nhân vật chủ chốt lãnh đạo Trung Quốc và là người nắm công an trong tay, có lẽ đã chống lại việc loại bỏ Bạc Hy Lai.

Để ngăn chặn những tin đồn, mà có thể trong đó cũng có phần sự thật, chính quyền trung ương ngay lập tức đã thông báo xiết chặt quản lý internet. 16 địa chỉ được cho là nơi phát tán các « tin đồn » đảo chính đã bị đóng, 1.065 người bị bắt giữ vì những vi phạm thông tin trên mạng.

 Lý do chính quyền đưa ra là các trang mạng nói trên « chứa đựng một lượng lớn thông tin độc hại, cần phải quét sạch ». Nhưng người sử dụng internet ở Trung Quốc tố cáo việc làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận.

Tác giả bài viết cũng ghi nhận, có không ít người đánh giá những tin đồn trên không hẳn đã là thất thiệt hoàn toàn. Phó tổng biên tập một tờ tuần báo tại Bắc Kinh giải thích : Mùa thu tới đây, đa số lãnh đạo Đảng sẽ được thay đổi, một số ứng cử viên đã rút dao đấu nhau từ bây giờ.

 Ông này cũng nhắc lại là từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã từng xảy ra chính biến vào năm 1971. Sau đó, vào năm 1989, cũng đã từng diễn ra ít nhất ba cuộc đấu đá căng thẳng khác.

Những bất ổn của các ngân hàng Trung Quốc

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đặt câu hỏi « Liệu người ta có thể vui mừng về tình trạng sức khỏe rất tốt của các ngân hàng Trung Quốc ? »

Lý do để tờ báo kinh tế đặt vấn đề này đó là vì các ngân hàng Trung Quốc vừa ra thông báo kết quả làm ăn rất phát đạt của họ trong năm 2011 với lãi ròng 90 tỷ euro. Tất cả các ngân hàng Trung Quốc đều thông báo lãi từ 3,2 tỷ đến 24,8 tỷ euro.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại tỏ ra nghi ngại về những con số quá đẹp này có thể ẩn chứa những gì đó không ổn.

Theo một chuyên gia kinh tế gần gũi với chính quyền Trung Quốc thì cuối năm ngoái, một số các ngân hàng đã nâng mức dự trữ của mình một cách đáng kể. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã dự trù đến một làn sóng mất khả năng chi trả.

 Hiện tại, có tới 80% các khoản nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc nằm trong tay các ngân hàng. Nguy cơ vỡ nợ của các địa phương gần đây được báo chí cảnh báo rất nhiều. Les Echos kết luận, mặc dù tình trạng tài chính bề ngoài có vẻ rất ổn, nhưng các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải mau chóng cần có một chính sách tiền tệ phù hợp hơn.

Thắng lợi biểu tượng của đối lập Miến Điện

Một thời sự khác mà hầu hết các báo ra tại Pháp hôm nay đều không thể bỏ qua đó là cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vừa diễn ra tại Miến Điện hôm qua (1/4/2012). Báo Le Monde đánh giá sự kiện này là một bài « trắc nghiệm đối với chính sách mở cửa của chế độ ».

Theo Le Monde, cuộc bầu cử lần này tại Miến Điện có thể về mặt chính trị không làm thay đổi gì nhiều, nhưng nó lại mang một giá trị biểu tượng trưng rất cao, trong bầu không khí cải cách đang bao trùm đất nước này hiện nay.

 Sau khi bị tập đoàn quân sự phủ nhận kết quả thắng trong cuộc bầu cử năm 1990, đây là lần đầu tiên, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi, ra tranh cử trở lại.

Với chính quyền hiện nay của Miến Điện, cuộc bầu cử này có thể sẽ mở ra viễn cảnh gỡ bỏ dần dần lệnh trừng phạt kinh tế đối với đất nước.

Trong khi đó, Le Figaro đưa tin « Đảng của Aung San Suu Kyi thông báo giành thắng lợi lịch sử » và bản thân lãnh đạo đối lập chắc cũng đã thắng cử với tỷ lệ áp đảo. Mặc dù đến lúc này chưa có kết quả chính thức, nhưng thông báo thắng lợi của một lãnh đạo đảng LND tối qua đã giải tỏa niềm hy vọng của người dân Miến Điện bị dồn nén từ nhiều năm nay.

 Bà Aung San Suu Kyi, người đã từng bị quản thúc suốt hơn 15 năm trời, sắp tới, có thể bước chân vào Nghị viện. Không đợi đến khi có kết qủa chính thức, hàng nghìn người dân đã đổ về Rangoon, trước trụ sở của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, để đón mừng thắng lợi bước đầu của cuộc đấu tranh vì dân chủ kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Nhật báo Công giáo La Croix thì quan tâm đến vai trò sắp tới của nhà đối lập Aung San Suu Kyi trên cương vị dân biểu trong Quốc hội Miến Điện.

Theo La Croix, bà Aung San Suu Kyi đã ấn định ba ưu tiên mà bà sẽ phải thương lượng với chính quyền : Xem xét sửa đổi lại Hiến pháp, thiết lập một nhà nước pháp quyền và mang lại hòa bình cho Miến Điện.

Giải Nobel Hòa bình năm 1991 từng tuyên bố: « Bản Hiến pháp (của Miến Điện) không phải do đại diện của nhân dân soạn thảo ». Văn kiện này được thông qua năm 2008, sau một cuộc trưng cầu dân ý ngụy tạo, chứa đựng những điều khoản phản dân chủ.

Để đem lại hòa bình cho đất nước, trong khi mà nhiều nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang, đặc biệt trong tiểu bang Kachin, vẫn đánh nhau để giành quyền tự trị, bà Aung San Suu Kyi kêu gọi mọi sắc tộc hãy cùng sống trong sự đa dạng.

Bà Aung San Suu Kyi đặt ra mục tiêu cho mình, nhưng không nêu phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Không có những con số, cũng không có thời điểm cụ thể.

Hiếm khi người ta thấy bà nói đến chính sách kinh tế, sức khỏe, dịch vụ công cộng. Dưới cái nhìn của bà thì những chủ đề trên không mang tính thời sự trong một đất nước vừa mới thoát ra khỏi chế độ độc tài. Nhưng gần đây, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, người ta đã thấy bà bắt đầu nói đến những chủ đề như nạn thất nghiệp trong thanh niên.

Bí mật về cuộc trốn chạy của Oussama Ben Laden

Trùm khủng bố Oussama Ben Laden bị quân Mỹ tiêu diệt tại Abbottabad đến nay đã gần được một năm. Hôm nay, báo Le Figaro trở lại với những bí mật về cuộc trốn chạy của Ben Laden, qua lời kể lại của người vợ trẻ nhất của trùm khủng bố.

Trong suốt cả một thập kỷ, có lẽ cựu thủ lĩnh của al-Qaida đã lẩn trốn trong nhiều biệt thự đầy đủ tiện nghi nằm trong trung tâm các đô thị ở Pakistan, chứ không phải sống chui lủi trong các hang đá thuộc vùng bộ tộc ở biên giới Afghanistan, như tình báo Mỹ vẫn nghĩ.

Nhận định này rút ra từ kết luận báo cáo của cơ quan mật vụ Pakistan vừa công bố hôm 29/3 vừa rồi. Đây là bản báo cáo các cuộc thẩm vấn cô vợ trẻ nhất của Ben Laden người Yemen tên là Amal Ahmad Abdul Fateh. Cô là người đã có mặt bên cạnh Ben Laden và bị thương ở chân khi đội đặc nhiệm của thủy quân lục chiến Mỹ tấn công vào căn nhà tại Abbottabad hôm 2/5/2011.

Báo cáo của mật vụ Pakistan cho biết, ngay sau ngày 11/9/2001, tất cả các thành viên trong gia đình Ben Laden đã phân tán để tránh sự truy lùng của Washington. Cô vợ Abdul Fateh chạy trốn đến Karachi, sống tại đây trong tám chín tháng rồi chuyển đến Peshawar, thuộc miền bắc Pakistan. Tại đây Oussama Ben Laden đã tìm đến đoàn tụ với cô.

 Vào thời điểm đó, tất cả các chiến dịch truy tìm trùm khủng bố đều tập trung vào vùng bộ tộc người Pachtou. Trong lúc các tay súng bắn tỉa thì vẫn lần theo dấu vết của Ben Laden trong các khu vực hang động Tora-Bora ở biên giới Afghanistan, thì thủ lĩnh al Qaida đang ẩn mình giữa những khu đô thị Pakistan.

Ben Laden sống cùng với vợ con ở 7 địa điểm khác nhau. Một trong những người con trai của ông ta lo việc hậu cần. Trong vòng 9 năm trốn chạy, trùm khủng bố có thêm 4 người con. Hai trong số đó được sinh ra trong một bệnh viện công ở Pakistan.

Sau Peshawar, gia đình ben Laden lại chuyển tới, đầu tiên là tại Swat, một huyện nằm cách thủ đô Islamabad 60 km về phía tây-bắc, sau đó họ đến Haripur, sát cạnh thủ đô hơn, rồi cuối cùng họ dọn đến Abbottabad sống 6 năm ở đây cho đến khi bị phát hiện ra hồi tháng 5 năm ngoái.

 Hiện tại Abdul Fateh và 2 bà vợ người Ả Rập Xê Út khác đang bị cảnh sát Pakistan bắt giữ để thẩm vấn. Họ có thể bị xử tù 5 năm vì tội cư trú bất hợp pháp tại Pakistan. Có lẽ như vậy thì các bà vợ này sẽ tránh không bị các cơ quan tình báo khác thẩm vấn, đặc biệt là CIA cũng đang rất quan tâm đến hành trình lẩn trốn của trùm khủng bố.

Theo Le Figaro, có điều lạ là biên bản thẩm vấn những lời khai về danh tính những cá nhân đã hỗ trợ cho cuộc chạy trốn của Ben Laden vẫn còn nhiều điểm không rõ ràng. Với người Mỹ lúc này, vấn đề quan trọng hơn cả là tìm ra ai đã hỗ trợ cho cuộc trốn chạy của Ben Laden trong từng đấy thời gian.

 Theo các chuyên gia chống khủng bố của Nhà trắng thì chắc chắn Ben Laden đã được các nhân vật quan trọng giúp đỡ.