Vụ Bạc Hy Lai: ông chủ Trùng Khánh mất chức, nhiều người mới dám lên tiếng |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Hai, 02 Tháng 4 Năm 2012 08:56 |
Câu chuyện Bạc Hy Lai bị cách chức vẫn không ngừng gây xáo động tại Trung Quốc Ông Bạc Hy Lai, nguyên bí thư Trùng Khánh. Kể từ khi gương mặt có nhiều triển vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cách chức, nhiều người mới dám lên tiếng. Thông tín viên Stéphane Lagarde có bài tường trình : Sau vụ chính phủ Anh đề nghị điều tra cái chết bí ẩn của một doanh nhân người Anh vào tháng 11 năm rồi tại Trùng Khánh, lần này, đến lượt chuyện ông chủ tịch một doanh nghiệp hóa chất tại Đại Liên (*) biến mất. Vào hôm nay, thứ hai 02/04/12, trang mạng chính của tập đoàn Shide Chemical giải thích: “Chúng tôi đã mất liên lạc với ông chủ tịch từ hai tuần nay”. Việc ông Từ Minh không tham dự diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Hải Nam) và vài hàng tin trên tạp chí Tài Kinh vào cuối tuần này cũng đủ để báo động. Nhiều nhân chứng xin giấu tên đã xác nhận với tạp chí là, ông Từ Minh, 41 tuổi, đang là đối tượng của "một cuộc điều tra kinh tế”. Đối với nhiều người dân Trung Quốc, ý nghĩa của cụm từ mang tính hành chánh kể trên "trong như nước sông Trường Giang" hay nói cách khác, hết sức rõ ràng. Điều đó có nghĩa là, ông Từ Minh là đối tượng của một vụ điều tra tham nhũng. Vụ bắt người này hoàn toàn không phải là một trường hợp cá biệt, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý của dư luận, vì nơi xảy ra vụ việc là Đại Liên. Quả thật, thành phố cảng này từng được sử dụng như một bàn đạp giúp cho Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân thăng tiến trên con đường chính trị, trước khi họ gặp lại nhau tại Trùng Khánh. Các đòn tra tấn Luật sư Lý Trang, từng là nạn nhân của các cuộc tra tấn, khi Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân còn nắm quyền tại Trùng Khánh, đã thổ lộ: “Khi tôi bị công an giải đi, họ bắt tôi ngồi lên một cái ghế để tra tấn. Tay chân tôi bị trói chặt và họ không cho tôi ngủ”. Lý Trang đã bị câu lưu vào năm 2010 vì tội bào chữa cho những bố già mafia trong khuôn khổ chiến dịch chống băng đảng có tổ chức do Bạc Hy Lai (lúc đó còn là Bí thư tỉnh ủy) và Vương Lập Quân (Phó thị trưởng – kiêm Giám đốc công an tỉnh) tiến hành. Hơn 2.000 người bị bỏ tù trong đó có nhiều vị công an trưởng và 67 thủ lĩnh băng đảng. Ông Lý Trang còn nhấn mạnh: “Tôi ngồi như vậy trong chiếc ghế này ba ngày liền, tôi chỉ có quyền đi vệ sinh. Người khác thì bị treo ngược chân lên và chịu bị châm đốt bằng thuốc lá. Đấy thật sự là một chính sách khủng bố theo kiểu phát xít. Như triết gia Francis Bacon từng nói: con sâu làm rầu nồi canh, trừng phạt mà không có công lý thì giống như đem đổ hết nồi canh. Cách thức thực hiện ở thời điểm đó giống y như thời Cách Mạng Văn hóa”. Đến đây, ông dẫn chứng lại thời trai trẻ của Bạc Hy Lai ở Hồng vệ binh và bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng rồi. Ông Ôn Gia Bảo bày tỏ công khai mối e ngại tư tưởng Cách mạng văn hóa sẽ quay trở lại và đề nghị các quan chức tỉnh Trùng Khánh phải rút lấy kinh nghiệm từ “sự cố Vương Lập Quân”. Nhiều nhà báo bị bắt giữ Liệu công ty hóa chất Đại Liên của ông chủ tịch bị biến mất có tài trợ học phí cho con trai của Bạc Hy Lai tại Oxford và Havard hay không, theo như một tờ báo Malaysia tiết lộ, nhưng không nói rõ nguồn tin ? Liệu đây có phải là những vụ đấu đá nội bộ và là một sự chấn chỉnh nhân sự ngay trong lòng bộ máy chính quyền? Có phải các nhà chủ trương cải cách đã gửi người đến điều tra tại Đại Liên để làm nặng thêm hồ sơ Bạc Hy Lai và làm lu mờ thêm hình ảnh của ông ta? Điều chắc chắn là kể từ khi cựu Bí Thư tỉnh Trùng Khánh bị thất sủng, nhiều người mới dám lên tiếng. Khương Duy Bình là người đầu tiên nhả ra thông tin. Hiện đang tỵ nạn tại Canada, Khương Duy Bình (Jiang Weiping), cựu thông tín viên của tờ Văn Vị báo (Wenhuibao) của Hồng Kông tại Đại Liên, từng bị kết án 8 năm tù vào tháng 12 năm 2000, vì đã viết một loạt bài cáo giác ông cựu thị trưởng vào thời điểm đó. Tương tự này cũng xảy ra tương tự cho nhà báo Cao Ứng Phát (Gao Yingpu) tại Trùng Khánh. Vợ của ông vừa viết thư gửi đến các hiệp hội nhân quyền, khẳng định rằng chồng bà đã bị kết án 3 năm tù vào năm 2010 vì “xâm phạm an ninh quốc gia”. Ông Cao Ứng Phát đã viết bài tố cáo công an “thành phố đỏ” đã sử dụng các biện pháp thô bạo để bỏ tù, và đôi khi tử hình những kẻ bất lương và các quan chức tham nhũng. (*) Đại Liên là một thành phố cảng biển nằm ở phía Đông-Bắc Trung Quốc, nơi ông Bạc Hy Lai từng là thị trưởng trong vòng 16 năm.
|