Việt Nam được kêu gọi khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Hai, 02 Tháng 4 Năm 2012 08:28 |
Ngành công nghiệp viễn thông Viet nam gần như toàn bộ nằm trong tay các công ty 100% vốn Nhà nước Tiến sĩ Võ Trí Thành tại thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN-Liên hiệp châu Âu, Phnom Penh, 01/04/2012 Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN-Liên hiệp châu Âu lần thứ hai đã diễn ra hôm qua 01/04/2012 tại Phnom Penh, để các doanh nghiệp và lãnh đạo hai bên có thể trực tiếp đối thoại về các cơ hội giao thương và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực mà những nước như Việt Nam được yêu cầu là phải khuyến khích cạnh tranh và đầu tư ngoại quốc. Hợp tác giữa Liên hiệp châu Âu và ASEAN đã có một lịch sử dài đến 35 năm, nhưng có thể nói là chỉ đến gần đây, châu Âu mới thật sự chú trọng đến khối Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh mà những cải tổ theo hướng dân chủ của Miến Điện bắt đầu khai thông những bế tắc cho việc tăng cường hợp tác giữa hai khối. Hiện giờ, Liên hiệp châu Âu là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai của ASEAN, nhưng ASEAN chỉ mới là bạn hàng đứng hàng thứ năm của Liên hiệp châu Âu. Trong bối cảnh khủng hoảng khu vực đồng euro, châu Âu ngày càng cần đến thị trường xuất khẩu 500 triệu dân của Đông Nam Á, nhất là khối ASEAN cũng đang nỗ lực tiến tới hội nhập hoàn toàn theo mô hình của châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp lần thứ hai tại Phnom Penh lần này là dịp để các lãnh đạo kinh tế, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với nhau để tìm hiểu các cơ hội đầu tư và thương mại trong các lĩnh vực như : chế biến nông phẩm, cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng hóa ( xe hơi, dược phẩm ), dịch vụ ( tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông ). Riêng về lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, trong bối cảnh mà các nước Đông Nam Á đang thực hiện kế hoạch kết nối ASEAN thành một khối. Yêu cầu chung của LHCA đối với ASEAN là ngành công nghệ viễn thông cần phải có sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cần phải khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như tại Việt Nam, tuy là một quốc gia có thị trường viễn thông, nhất là điện thoại di động, đang tăng trưởng rất nhanh với một dân số gần 90 triệu người, nhưng ngành công nghiệp viễn thông gần như toàn bộ nằm trong tay các công ty 100% vốn Nhà nước, cho nên các công ty nhỏ hơn rất khó tham gia vào thị trường này. Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng cho đến nay những khả năng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông chưa rõ ràng. Việt Nam được kêu gọi mở cửa hơn nữa thị trường viễn thông và đề ra những quy định, luật lệ thích hợp để tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư nước ngoài. Một trong những khuyến nghị của ASEAN là Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các công ty viễn thông, cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
|