Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-03-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 31 Tháng 3 Năm 2012 15:40 |
Miến Điện : một sự chuyển đổi còn quá mơ hồ
Miến Điện trước ngày bầu cử 01/04/2012
Theo phân tích của chuyên gia về Miến Điện, Bertil Lintner trên tờ Le Figaro, nguyên nhân « địa-chính trị » đã tạo cơ hội cho phương Tây, nhất là Mỹ và Miến Điện xích lại gần nhau, dù rằng « sự chuyển đổi vẫn còn quá mù mịt » Ngày mai, chủ nhật 01/04/2012, tại Miến Điện, đất nước khép kín từ nhiều thập niên nay, sẽ diễn ra bầu cử bán phần. Vấn đề là đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau nhiều năm dưới sự cai trị chuyên chế của tập đoàn quân sự Miến Điện. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia về Miến Điện, ông Bertil Lintner, trên tờ Le Figaro, nguyên nhân « địa-chính trị » đã tạo cơ hội cho phương Tây, nhất là Mỹ và Miến Điện xích lại gần nhau, dù rằng « sự chuyển đổi vẫn còn quá mù mịt » Theo tác giả, « đấy không chỉ là bầu cử bổ sung, mà còn là một làn sóng lớn đang tràn quét trên cả nước Miến Điện ». Một sự kiện chưa từng thấy kể từ vụ trấn áp đợt biểu tình của các nhà sư vào năm 2007, tại cố đô Rangoon đòi hỏi chấm dứt đàn áp. Hay như vào năm 1988, một làn sóng ủng hộ dân chủ suýt làm sụp đổ chế độ quân sự trước khi bị nhấn chìm trong biển máu. Tác giả cho rằng, chuyện bà Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên được tham gia tranh cử sau 20 năm bị quản thúc tại gia vẫn chưa đủ để tạo nên nét đặc biệt của đợt tranh cử lần này. Trước đó, tổng thống Thein Sein đã bất ngờ gây ngạc nhiên cho giới quan sát và các nhà lãnh đạo phương Tây khi trả tự do hàng loạt cho các tù nhân chính trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí và ký các thỏa thuận đình chiến với các bộ tộc thiểu số. Theo tác giả, việc Miến Điện có thật sự dân chủ hóa hay không, hay theo như dự đoán của các nhà quan sát cho rằng có đấu tranh quyền lực ngay trong lòng nội bộ chính phủ và quân đội, giữa phe « cải cách ôn hòa » và phe « duy trì đường lối cứng rắn », thì việc Miến Điện mở cửa lần này còn mang một yếu tố « địa - chính trị ». Từ vụ thảm sát năm 1988, cả thế giới đã lên án chế độc tại quân sự và tiếp đến là lệnh trừng phạt. Và chính việc Miến Điện bị thế giới cô lập đã tạo cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc tăng tầm ảnh hưởng của mình lên quốc gia này. Từ việc ban đầu chỉ tài trợ vũ khí để giúp cho chế độ quân sự tồn tại, để rồi sau đó dần dần thống trị về mặt kinh tế, kéo theo sự di dân hàng loạt và bất hợp pháp của người Trung Quốc gây thiệt hại cho người dân Miến Điện. Vào năm 2004, một tài liệu quân sự đã gióng lên hồi chuông báo động « một cuộc khủng hoảng quốc gia » và cho rằng nhất thiết phải cải thiện quan hệ với phương Tây, nhất là với Mỹ. Nhưng chính quyền Miến Điện cũng nhận thức được rằng phải chứng tỏ thiện chí nếu muốn Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu chấp nhận « trật tự mới » được thiết lập từ khi ông Thein Sein lên nắm quyền. Đấy chính là những gì đã khuyến khích sự thay đổi chính sách của ông Thein Sein, nhưng lại không đem lại những khát vọng mới về dân chủ và quyền con người. Tương tự như vậy, Mỹ cũng có mối bận tâm về địa - chính trị : làm thế nào có thể ngăn chặn Bắc Kinh chiếm giữ một vị trí thống trị tại một đất nước cũng có vị trí chiến lược quan trọng, được bao bọc bởi : một bên là Trung Quốc, bên kia là Ấn Độ và phía đông là Thái Lan. Mặt khác, Washington rất quan ngại về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên. Cho nên, ngay khi tổng thống Thein Sein ra lệnh dừng dự án xây đập thủy điện ở phía bắc đất nước, một dự án do Trung Quốc đầu tư trị giá 3,6 tỷ đô-la, ngay lập tức Washington đã có hành động phản hồi. Bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Mỹ đã đến Miến Điện, chuyến chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cao cấp Mỹ kể từ nhiều thập niên nay. Thế nhưng, theo tác giả nhận định, chính quyền Miến Điện có thể đã không nghĩ rằng bà Aung San Suu Kyi lại có thể thu hút đám đông nhiều đến như vậy với thông điệp là ủng hộ dân chủ. Vì thế, trong một bài diễn văn hôm 27/03/2012 vừa qua, Ngày Lực lượng quân đội, ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội đã tuyên thệ sẽ bảo vệ Hiến pháp bằng mọi giá, đảm bảo vai trò « lãnh đạo chính trị » của quân đội. Trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, quân đội có quyền can thiệp và nắm lấy quyền hành trên cả chính phủ. Theo tác giả, các biện pháp tự do hóa có thể có tính chất thời sự, nhưng sẽ không có cải cách chính trị sâu rộng như bà Aung San Suu Kyi mong muốn. Bởi vì, nó có thể gây nguy hại cho sự thống trị của giới quân sự. Hơn nữa, tác giả cũng cho rằng phương Tây cũng chỉ cần đến thế thôi. Kìm chân cơn lốc Trung Quốc ở phía nam Miến Điện và ngăn chặn Bắc Triều Tiên không có được một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á là các mục tiêu chính trong cách tiếp cận mới của phương Tây. Naypyidaw bị tố cáo cản trở tiến trình bầu cử Nhận xét về tình hình tranh cử lần này, báo Le Figaro cho biết đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, phe đối lập chính tại Miến Điện đã tố cáo tập đoàn quân sự vẫn gây khó dễ cho các ứng viên phe đối lập. Hôm qua, thứ sáu 30/03/2012, trong một buổi họp báo tại tư gia ở Rangoon, lãnh tụ phe đối lập bà Aung San Suu Kyi, đánh giá rằng «tuyển cử diễn ra vào ngày chủ nhật 01/04 sẽ không tự do và công bằng ». Bà cho biết đang chạm phải nhiều khó khăn như : các ứng viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vẫn chưa được biết đến nhiều, nỗi sợ hãi vẫn còn ngự trị trong lòng cử tri và đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp, đảng do quân đội thành lập và đang cầm quyền vẫn dựa vào những mánh khóe bẩn thỉu trong chiến dịch vận động. Gần đây, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã tố cáo có nhiều trường hợp không hợp lệ trong tiến trình tranh cử như « sai phạm hàng loạt » trên các danh sách ứng cử, hiện tượng mua chuộc phiếu bầu cử tri, danh sách cử tri « ma » hay phát các tờ rơi vu khống gây lo âu cho những đối tượng cử tri là công chức. Theo nhận định của một vị Đại đức phật giáo với Le Figaro thì tiến trình « dân chủ hóa » tại Miến Điện vẫn còn rất mơ hồ. Ông cũng cho rằng « đây có lẽ cũng là một phép tính sai lầm của các nhà lãnh đạo phương Tây khi muốn đem đợt bầu cử bổ sung lần này ra làm một phép thử để đo lường thật tâm của chính quyền mới. Miến Điện đang dụ dỗ giới báo chí lưu vong Cũng liên quan đến Miến Điện, nhưng trong lãnh vực truyền thông, báo Libération cho biết « chính quyền Naypyidaw đang dụ dỗ giới báo chí lưu vong ». Theo đó, tổng thống Thein Sein đang cố thuyết phục giới báo chí chạy trốn tập đoàn quân sự rằng chế độ đã đổi thay. Nhưng các phóng viên vẫn tỏ ra thận trọng. Cái bẫy hay là cơ hội cần phải nắm bắt ? Đó chính là câu hỏi và giới truyền thông Miến Điện lưu vong đang tự hỏi. Libération cho biết, nhằm củng cố hình ảnh « nhà cải cách », tổng thống Thein Sein đã mời gọi các nhà báo sống lưu vong quay trở về. Hôm 19 và 20/03 vừa qua, một hội thảo về « phát triển truyền thông » đã diễn ra với sự góp mặt của nhiều tổng biên tập Miến Điện tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Na Uy. Theo quan sát của một số chuyên gia, thì một số các tờ báo lưu vong chấp nhận lời mời của tổng thống Thein Sein. Họ cho biết là sẽ mở một văn phòng chính thức và chấp nhận xin giấy phép cho các nhà báo của họ được phép hoạt động, dù rằng cơ sở hạ tầng tại Miến Điện vẫn còn kém phát triển. Một số khác vẫn còn tỏ ra thận trọng như tờ Irrawady, có trụ sở tại Thái Lan. Giám đốc điều hành tạp chí cho rằng chính quyền vẫn kiểm duyệt báo chí, chẳng qua đó chỉ là một sự nới lỏng. Thậm chí một số khác còn cho rằng hợp tác với chính phủ coi như là một thái độ thỏa hiệp. Nhưng Libération cũng ghi nhận có vài tín hiệu cho thấy thật sự có thay đổi. Chẳng hạn như việc kiểm duyệt trước các bài viết và các phóng sự đã được hủy bỏ. Một số tờ báo trong nước hiện nay không ngần ngại chỉ trích chính phủ, ngay cả trong những vấn đề nhạy cảm. Mối nghi ngờ cắm rễ sâu trong giới công chức đối với báo chí không phải ngày một ngày hai có thể xóa bỏ. Tuy nhiên, các tờ báo lưu vong cũng nhận định rằng về lập nghiệp tại Miến Điện cũng không có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn các cơ sở chính tại Thái Lan hay Ấn Độ. Vì theo như giải thích của giám đốc điều hành tạp chí Mianmar Dana, thi « chúng tôi cũng còn rất cần đến các tờ báo lưu vong, bởi vì chúng tôi không thể nào tiếp cận được nhiều chủ đề chẳng hạn như cuộc chiến giữa chính phủ với tộc người Kachin ». Bắc Triều Tiên chuẩn bị tên lửa của mình Cùng lúc này, tại Bắc Triều Tiên, bất chấp lời kêu gọi của các nước lân cận và lời đe dọa cắt gói viện trợ lương thực của Mỹ, Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết giữ ý định phóng tên lửa mang vệ tinh vào trung tuần tháng Tư. Trong khi công tác chuẩn bị cho dự án đang đi vào giai đoạn kết thúc, Mỹ và Nhật Bản lo ngại cho rằng đây chính là vụ thử tên lửa đạn đạo ngụy trang. Đề tài được báo Le Figaro phản ảnh qua bài viết đề tựa « Bắc Triều Tiên đang trang bị cho tên lửa của mình ». Le Figaro nhận định, những hình ảnh chụp được từ vệ tinh, do tập đoàn Mỹ Digital Globe công bố chứng tỏ Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình. Theo bài báo, Bắc Triều Tiên đưa vệ tinh lên bằng những tên lửa đạn đạo đã được cải biến từ chiếc Taepodong 2. Hoa Kỳ cho rằng tên lửa được sử dụng có thể đạt đến tầm 4500 km. Vì vậy, một quan chức cao cấp tại Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng vụ phóng tên lửa mang vệ tinh « có thể xem như là một vụ thử tên lửa do họ sử dụng cùng một công nghệ ». Một chuyên gia trong lãnh vực này giải thích cho Le Figaro biết rằng, công nghệ phóng tàu vũ trụ và thử tên lửa đạn đạo là rất gần nhau, do « chúng sử dụng cùng một kiểu thân tàu, có cùng kiểu động cơ, cùng kiểu bệ phóng. Chúng hoàn toàn có liên quan với nhau ». Vì vậy, Hoa Kỳ cho rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, là cấm Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân hay tên lửa. Đồng thời, phía Mỹ cũng đã cho ngừng chương trình cứu trợ nhân đạo theo như một thỏa thuận đã được ký kết vào hồi cuối tháng hai. Về phần các nước láng giềng, vừa qua, Nhật Bản đã cho triển khai ba tàu khu trục có trang bị các loại vũ khí chống tên lửa và cho khởi động các hệ thống ra-đa báo động. Song song đó, chính quyền Tokyo ra lệnh bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên nếu có sự đe dọa đến lãnh thổ Nhật Bản. Bài báo cho biết là vào năm 2009, Bình Nhưỡng đã gặp thất bại trong một vụ thử tương tự. Nhưng nếu như lần này Bắc Triều Tiên vệ tinh lên quỹ đạo thành công, thì chứng tỏ rằng kể từ bây giờ, Bình Nhưỡng sẽ làm chủ được việc phóng tên lửa tầm xa. Một chuyên gia thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lươc nhận xét « đấy cũng có thể là một phép thử cho hệ thống chống tên lửa của Nhật Bản », vì bản thân nước này cũng đã gặp thất bại một lần vào năm 2009. Các nước trên thế giới sẽ theo dõi sát sao hiệu năng của hệ thống chống tên lửa Nhật Bản. Bài báo cũng cho rằng Bắc Triều Tiên kiên quyết theo đuổi dự án đã khiến cho Trung Quốc thấy « quan ngại ». Về phần mình, Mỹ cho rằng áp lực của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng dường như không có hiệu quả. Khối BRICS lên tiếng đề nghị cải cách Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Nhật báo Le Monde trở lại với kế hoạch được 5 thành viên nhóm BRICS đề xướng nhân thượng đỉnh New Delhi vừa qua. Đó là kế hoạch thành lập một ngân hàng đầu tư chung để hỗ trợ cho các dự án hạ tầng cơ sở và phát triển. Định chế tài chính đa quốc gia đó sẽ có tên gọi là Ngân hàng Nam-Nam hay Ngân hàng BRICS. Hiện tại các bên còn phải nghiên cứu tính khả thi của sáng kiến vừa được nêu lên tại thượng đỉnh New Delhi. Theo đánh giá của Le Monde dự án cho hình thành một ngân hàng đa quốc gia như vậy biểu hiện « thái độ bất bình của các nước phương đang phát triển khi các nước phát triển độc quyền lèo lái vận mệnh kinh tế thế giới ». Nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ Trung Qu ốc và Nam Phi thất vọng vì mức độ cải tổ cơ cấu quá chậm chạp của Ngân Hàng Thế Giới hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Cụ thể hơn là câu lạc bộ của các ông nhà giàu phương Bắc vẫn chưa mở cửa Ngân Hàng Thế Giới hay IMF cho các thành viên mới là BRICS trong khi trọng lượng kinh tế và ảnh hưởng của nhóm này ngày càng lớn. Đại diện cho 45 % dân số địa cầu và sản xuất ra đến hơn ¼ của cải làm ra, BRICS đang tìm cách giảm nhẹ bớt mức độ lệ thuộc vào đồng đô la. Dự án thành lập Ngân hàng BRICS cho thấy 5 nước trong nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy kể trên tỏ ra đoàn kết để xác định vai trò và vị trí của nhóm trên bàn cờ kinh tế và tài chính thế giới. Dù vậy về phương diện ngoại giao thì 5 anh chị em cùng một nhà này lại có những bất đồng sâu rộng. Điển hình là trên hồ sơ Syria : New Delhi không cùng chung tiếng nói với Matxcơva và Bắc Kinh trong đợt biểu quyết ngày 04/02/2012 về một nghị quyết trừng phạt Syria tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. |