Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-03-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-03-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Năm, 29 Tháng 3 Năm 2012 11:53

Aung San Suu Kyi : Tâm điểm cuộc bầu cử bổ sung tại Miến Điện

 

Đoàn người ủng hộ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, thành phố Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, 24/02/2012.
Reuters/Soe Zeya

 

 Cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Pháp, chuyến viếng thăm Cuba của Đức Giáo Hoàng, kinh tế lụn bại của Tây Ban Nha … đây là chủ đề các tựa chính trên báo Pháp ngày 29/03/2012.

 Riêng về châu Á, cuộc bầu cử bổ sung ở Miến Điện ngày 01/04 cũng được quan tâm, đặc biệt với phóng sự tại chỗ của phóng viên La Croix : “Theo bước chân bà Aung San Suu Kyi” – tựa đậm trên trang nhất.

Bài viết của La Croix nổi bật với bức ảnh lớn cho thấy lãnh tụ đối lập Miến Điện với trẻ em bao quanh. Một em đang hôn lên mặt của bà.

 Rémy Favre, đặc phái viên La Croix đã đi theo nhà đối lập trong những ngày cuối cuộc vận động tranh cử, và nhận thấy là bà Aung San Suu Kyi đã chứng tỏ được tầm vóc lãnh đạo của mình.

Theo ghi nhận của La Croix, cuộc vận động rất sôi nổi, bà Aung San Suu Kyi đã không tiếc công sức đi hàng ngàn cây số, dùng đủ loại phương tiện chuyên chở - máy bay, xe hơi, và cả tàu thủy - gặp hàng trăm ngàn người. Bà đã biến cuộc bầu cử nghị viện bổ sung ngày 01/04/2012 thành một sự kiện lớn của quốc gia.

Nhà báo La Croix, Rémy Favre không hết ngạc nhiên trước lòng hâm mộ của quần chúng : họ tập họp dọc đường, phụ nữ thì mang hoa đến tặng, thanh niên thì trèo lên cây để thấy rõ hơn thần tượng của mình.

Những phát biểu của bà với từ ngữ giản dị đã đi thẳng vào trái tim của người nghe, và bà thường nhắc là đảng của bà không hứa những gì không thể làm được, nhưng bà không tránh né những vấn đề gai góc, mà người dân không dám nói ra : như vấn đề tranh chấp ở các bang có dân tộc thiểu số, chẳng hạn như khi bà đến Kachin và Mon.

Bài báo trích lời một người đã nghe bà. Ông Hla Wai, 60 tuổi, rất xúc động, giải thích : “Bà ấy nói thật ...Tất cả những gì bà nói lên giống như những gì chúng tôi cảm nhận, nhưng trong làng tôi không ai dám nói ra. Tôi rất cám ơn bà’’.

Bài báo cũng nêu lên câu hỏi khá then chốt : bà Aung San Suu Kyi có thể làm như thế nào để biến lòng ái mộ, hậu thuẫn to lớn của quần chúng thành những cải tổ chính trị xác thực ?

Ngày chủ nhật này, cử tri Miến Điện sẽ bầu bổ sung 45 ghế dân biểu. Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà ra tranh 44 ghế. Bà Aung San Suu Kyi, theo tác giả bài báo, có lẽ sẽ thắng, vì chế độ mới cần hợp tác với bà, để cho thấy họ tôn trọng đối lập, qua đó thuyết phục cộng đồng quốc tế bãi bỏ trừng phạt.

Nhưng cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà có giành hết số ghế bổ sung, thì họ vẫn là thiểu số tại Quốc hội. Bà Aung San Suu Kyi, được bầu thì cũng chỉ có thể đưa ra đề nghị ở Quốc hội, nhưng bà không có quyền quyết định.

Tóm lại phe đối lập Miến Điện không có ảnh hưởng gì đáng kể, phải chờ đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào năm 2015.

Trong phần kết luận, bài báo nhận định : Một mình bà Aung San Suu Kyi không thể mang lại dân chủ cho Miến Điện, cho nên bà đã vận động những người ủng hộ bà là hãy dấn thân hơn nữa. Thế nhưng họ lại hoàn toàn dựa vào bà.

Kachin : mối đe dọa cho tiến trình cải tổ tại Miến Điện

Le Figaro hôm nay cũng chú ý đến Miến Điện, nhưng về tình hình bất ổn ở các bang người thiểu số, nhất là ở Kachin, nơi mà lực lượng vũ trang của người thiểu số, sau 17 năm ngưng bắn, đã ‘trở lại con đường chiến tranh’. Tình hình này, theo phân tích của tờ báo, không những đe dọa hòa bình ở Miến Điện, mà còn tác động đến sự mở cửa chính trị hiện nay.

Tác giả bài báo quy trách nhiệm cho lãnh đạo Miến Điện, mặc dù đã đưa ra những lời hứa dân chủ hóa, mong muốn hòa bình, nhưng lại nhúm lên ngọn lửa chiến tranh ở vùng núi phía Bắc để khuất phục người Kachin.

Theo bài phóng sự, hưu chiến giữa hai bên trong thực tế đã bị phá vỡ từ năm 2010, sau khi người Kachin bác bỏ lệnh của chính quyền buộc lực lượng vũ trang của họ sát nhập vào một đơn vị biên phòng. Và quân đội Miến Điện đã tăng cường lực lượng ở các vùng Kachin, bức hại dân chúng, tra tấn, cưỡng hiếp ...

 Trong không khí bạo động hiện nay, cuộc bỏ phiếu ngày chủ nhật này đã bị đình chỉ trong vùng.

Hiện nay thì còn 50.000 du kích quân Kachin được trang bị súng ống.

 Le Figaro nhắc lại một báo cáo của nhóm nghiên cứu International Crisis Group, đánh giá rằng chiến tranh ở vùng Kachin là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình Miến Điện. Người Kachin đã hợp tác rất chặc chẽ với chính qyền, việc họ cầm súng trở lại sẽ có hậu quả rất tai hại.

Đức Giáo Hoàng bảo vệ tự do tại Cuba

Chuyến viếng thăm Cuba của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16, đươc báo giới Pháp theo dõi sát sao. Trong hàng tít đầu tiên trang nhất của mình, tờ La Croix ghi nhận : “Tại Cuba, Đức Giáo Hoàng đã bảo vệ các quyền tự do”.

Tờ báo giải thích bên dưới là trong 3 ngày, Đức Giáo Hoàng đã cổ vũ mạnh mẽ những thay đổi đang được tiến hành ở đảo, trong khi ngài vẫn nhấn mạnh trên vai trò của Giáo hội trong đời sống tâm linh.

Trong bài xã luận, La Croix nhận thấy là quan hệ giữa Nhà nước Cuba và Giáo hội, người trung gian giữa chính quyền và đối lập, đã êm thắm hơn là trong quá khứ.

Và trong phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng đã muốn bảo vệ những điều đã đạt được, tuy ngài không tránh né vấn đề số phận tù nhân chính trị hay những khó khăn hàng ngày của người dân, trong cuộc tiếp xúc với ông Raul Castro.

La Croix, một cách hóm hỉnh cho là khi đến Cuba, Đức Giáo Hoàng không có ý định thúc đẩy sự sụp đổ của một chế độ đã cạn hơi sức, mà ngài muốn hỗ trợ một tiến trình thay đổi thực sự, tuy chậm chạp, qua việc duy trì đối thoại với lãnh đạo Cuba. Như thế, ngài đóng góp vào “sự xích lại gần nhau giữa chính quyền và người dân, giữa những người Cuba với nhau, những người tin tưởng vào Đức Chúa và những người không tin tưởng.”

La Croix cũng trở lại việc Đức Giáo Hoàng đã không tiếp xúc với các nhà ly khai, đối lập Cuba.

 Tờ báo trích dẫn giải thích của cha Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh, là không có cuộc tiếp xúc với bất kỳ nhóm nào được dự kiến trong chương trình, cho dù là tôn giáo. Có lẽ, theo tờ báo, là để làm nhẹ đi một chưong trình đã khá nặng nhọc đối với một nguời 84 tuổi.

Trong bài xã luận của mình, báo Le Monde nhìn vấn đề dưới một góc độ khác.

 Đối với tờ báo, Đức Giáo Hoàng đã không gặp giới ly khai trong một chuyến viếng thăm có tính chất thuần tôn giáo. Có lẽ đây là điều kiện mà chế độ Castro đã đưa ra cho chuyến đi của ngài. Và cũng hiểu được là Tòa Thánh đã tỏ quan điểm thực tế. Vì nếu không thì sẽ làm cho giáo hội Cuba mất đi hậu thuẫn rất to lớn mà chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng mang lại.

Le Figaro cũng dành một trang báo cho chuyến đi này với cùng cái nhìn với đồng nghiệp La Croix qua tựa đề : ở La Habana, Đức Giáo Hoàng khuyến khích chế độ Cộng sản thay đổi, tít lớn bên trên bức ảnh Đức Giáo Hoàng cầm tay Fidel Castro trong cuộc tiếp xúc hôm qua, thứ Tư.

Trong hàng tựa bài phân tích bên dưới, tờ báo nhận thấy : “Chính quyền Cuba cần đến Giáo hội Công giáo”.

 Tác giả bài phân tích Patrick Bele, đánh giá là đối với chính quyền Castro, Giáo hội là đối tác quý báu. Trong một đất nước mà đảng Cộng sản kiểm soát hầu như phần lớn các tổ chức xã hội dân sự, thì chế độ cần có một người đối thoại đươc xem là độc lập.

Như vào năm 2010 để giải quyết vấn đề gai góc của tù chính trị, cho thấy dấu hiệu cởi trói, thì ông Raul Castro một cách tự nhiên đã quay sang Giáo hội Công giáo, và Đức Hồng Y Ortega đã làm trung gian hòa giải.

Để cho thấy nhũng dấu hiệu cởi mở, thay đổi của chế độ, chính quyền Cuba đã thấy ở Giáo hội một đồng minh tuyệt hảo.

Nhiều nhà ly khai đã tỏ ra lo ngại về sự xích lại gần nhau này, sợ rằng giáo hội bị lợi dụng. Nhưng Le Figaro cho là phải công nhận một điều, chưa bao giờ Giáo hội Công giáo nổi bật như vậy dưới mắt người Cuba từ cách mạng năm 1959 đến nay. Và chế độ Cuba có thể tự hào là đã mở cửa thật sự, cho dù không có cải tổ chính trị.

Các ngọn lửa đấu tranh của người Tây Tạng tại Trung Quốc

Trở lại Châu Á, Libération hôm nay đặc biệt quan tâm đến các vụ tự thiêu của người Tây Tạng, với bài phóng sự dài 2 trang trích thành tựa lời đồn đại “Khi 2.000 người Tây Tạng tự thiêu ...”

Bài phóng sự kể lại vụ tự thiêu ngày 17/03 vừa qua tại huyện Đồng Nhân, Quý Châu. Đây là vụ tự thiêu thứ 29 trong vòng một năm. Người biến mình thành ngọn đuốc là một nông dân 44 tuổi, có 4 đứa con.

Libération trích dẫn lời Dorge, một nhà buôn, đã chứng kiến cảnh tự thiêu, cho là người chung quanh không ai tìm cách dập lửa, mà chỉ liệng những chiếc khăn quàng chung quanh để phúng điếu.

Theo nhân vật này thì trong thời gian gần đây có tin đồn mà nhiều người rất tin. Đó là nếu có 2000 người tự thiêu, thì sự hy sinh lớn đến mức mà phép mầu sẽ xẩy ra và Tây Tạng sẽ được độc lập.

Dĩ nhiên là chính quyền địa phương đã phong toả các lối dẫn đến khu vực, báo giới không được phép đến đây, nhưng cũng có người được hướng dẫn, đi qua những con đường mòn vòng vèo để đến nơi.

Theo bài báo, công an đã đặt camera theo dõi người qua lại. Nhưng dù vậy, mỗi ngày hàng trăm người vẫn đến viếng nhà người tự thiêu, người đi xe, người đi bộ, mang quà đến biếu, người nghèo mang trà, kẻ giàu mang tiền, có khi đến cả ngàn euro. Công an dĩ nhiên có mặt.

Tình trạng giam cầm, tra tấn, thủ tiêu, diễn ra hàng ngày ở các vùng Tây Tạng, nhưng việc trấn áp đó, theo bài báo, càng kích động tinh thần chống đối, và tự thiêu là hành động phản kháng tột cùng.

Nhiều người nghĩ là việc tự thiêu là một hành động chính đáng. Sự hy sinh tột cùng cho Tây Tạng làm cho họ hãnh diện là người Tây Tạng. Đối với họ, tự thiêu không phải là một hành động tuyệt vọng, mà ngược lại nữa là khác.

Tác giả bài phóng sự kết luận với giải thích của một nhà thơ Tây Tạng, Kelsang :

« Sau nhiều năm bị tuyệt vọng, những vụ tự thiêu đã mang lại cho người Tây Tạng một niềm hy vọng không thể tưởng tượng được. Sự hy sinh này đã hun đúc một ý thức chung và đánh thức ý chí kháng cự. »

Công an Trung Quốc đã nỗ lực tìm cách tịch thu tất cả các hình ảnh, xóa dấu vết các vụ tự thiêu.