Thượng đỉnh Ả Rập không đòi Assad ra đi, cũng như vũ trang cho phe nổi dậy |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Năm, 29 Tháng 3 Năm 2012 11:43 |
Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu sự chính thức quay lại khối Ả Rập của Irak Các nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập chụp hình kỷ niệm truớc khi bước vào cuộc họp thượng đỉnh tại Bagdad ngày 29/03/2012.
Các nhà lãnh đạo Ả Rập họp thượng đỉnh hôm nay 29/03/2012 tại Bagdad nhằm thảo ra một nghị quyết kêu gọi chính quyền và đối lập tiến hành đối thoại. Tuy nhiên dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập không yêu cầu Tổng thống Bachar Al Assad phải ra đi, cũng như không đòi hỏi phải vũ trang cho quân nổi dậy Syria. Có 10/21 nguyên thủ quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập tham gia hội nghị, thành viên thứ 22 của Liên đoàn là Syria đã bị khai trừ do đàn áp đối lập. Các nước còn lại được đại diện bởi các Ngoại trưởng hay đại sứ. Riêng Ả Rập Xê Út và Qatar chỉ gởi các đại diện hạng hai để bày tỏ sự phản kháng, vì hai nước này ủng hộ việc trang bị cho quân nổi dậy. Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu sự chính thức quay lại khối Ả Rập của Irak, với sự hiện diện lịch sử của Quốc vương Koweit, hơn 20 năm sau khi đất nước này bị quân đội của Saddam Hussein xâm lăng. Bài diễn văn khai mạc do Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT) Moustapha Abdeljalil đọc. Libya hiện là chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Ả Rập, sự hiện diện của ông Abdeljalil là thành quả của làn sóng nổi dậy trong thế giới Ả Rập. Chính quyền Irak đã huy động đến trên 100.000 quân nhân và cảnh sát để bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập. Đa số mạng điện thoại di động không hoạt động được trong suốt ngày hôm qua, nhưng không có thông báo chính thức nào. Tuy vậy một quả đạn súng cối đã nổ ngay cạnh địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, không gây thiệt hại nhân mạng. Bản « Tuyên bố Bagdad » ủng hộ « khát vọng chính đáng về tự do dân chủ của nhân dân Syria muốn chọn lựa tương lai của mình », và « một sự chuyển đổi chính quyền trong hòa bình ». Các nước Ả Rập « tố cáo bạo lực, tàn sát đẫm máu, ủng hộ một giải pháp chính trị thông qua đối thoại quốc gia, từ chối một sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria ». Dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập nhấn mạnh đến vai trò của ông Kofi Annan trong việc xúc tác thương lượng giữa chính quyền Syria và đối lập, trên cơ sở các sáng kiến đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập thông qua. Kế hoạch hòa bình gồm sáu điểm của ông Annan dự kiến việc chấm dứt các hành động bạo lực từ tất cả các bên, cung cấp viện trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị bắt bớ một cách tùy tiện. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tham dự hội nghị, đã kêu gọi Damas áp dụng « ngay lập tức » kế hoạch của ông Kofi Annan. Chính quyền Syria, tuy theo Liên Hiệp Quốc thì đã chấp nhận kế hoạch hòa bình này, nhưng lại cảnh báo là sẽ bác bỏ tất cả các đề nghị do hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Bagdad đưa ra. Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria tăng cường tấn công phe nổi dậy trên khắp nước. Chỉ trong ngày hôm nay đã có ít nhất 14 thường dân Syria thiệt mạng, tám lính chính phủ và một quân nổi dậy tử thương tại Idleb, Homs, Deraa, Alep và Hamas. Theo Hoa Kỳ, thì điều này là vi phạm kế hoạch hòa bình của đặc sứ Kofi Annan. Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền cảnh báo Tổng thống Bachar Al Assad là « đã khá đầy đủ bằng cớ » để truy tố về tội ác chống nhân loại. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, rõ ràng là ông Assad đã không « áp dụng những biện pháp cần thiết » để áp dụng kế hoạch hòa bình, kêu gọi « duy trì áp lực » lên chế độ Damas. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cùng với bốn thượng nghị sĩ khác đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết kêu gọi các nhà lãnh đạo khối Ả Rập vũ trang cho quân nổi dậy Syria. Hôm nay Bỉ loan báo việc đóng cửa đại sứ quán nước này tại Damas vì lý do an ninh, và để phản đối tình trạng đàn áp tại Syria. Trước đó, các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và các vương quốc vùng Vịnh cũng đã đóng cửa đại sứ quán tại Syria.
|