Tối cao Pháp viện Mỹ xem xét đạo luật cải tổ y tế của chính quyền Obama |
Tác Giả: Thanh Hà |
Thứ Hai, 26 Tháng 3 Năm 2012 06:48 |
2/3 người dân Mỹ chống đối việc bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế Tối cao Pháp viện Mỹ / AFP / Karen Bleier
Tối cao Pháp viện Mỹ bắt đầu xem xét tính hợp hiến của đạo luật cải tổ y tế do tổng thống Obama đề xướng. Đến tháng 6/2012, Tòa án tối cao mới ra phán quyết, nhưng phiên tòa lần này được coi là mang tính quyết định đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Phiên tòa mở ra từ ngày hôm nay 26/03/2012 và sẽ kéo dài trong hơn 3 ngày. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ dành cho đạo luật cải tổ y tế của chính quyền Obama phiên xử dài nhất kể từ 45 năm qua, nhằm xem xét về tính chất hợp hiến hay không của đạo luật đã được ban hành từ tháng 3/2010. Đạo luật này quy định từ nay cho đến năm 2014 tất cả mọi người dân Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế. Tại một quốc gia mà quyền tự do chọn lựa được coi là một trong những giá trị nền tảng của nước Mỹ, việc chính quyền Obama buộc mọi người phải có bảo hiểm y tế bị coi là vi phạm hiến pháp. Hiện tại có có 26 tiểu bang tại Hoa Kỳ chống đối luật cải tổ y tế nói trên. Đối với công chúng, 2/3 người dân Mỹ chống đối việc bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế. Luật cải tổ y tế do Tổng thống Obama đề xướng đã gây rất nhiều tranh cãi kể từ khi được ban hành cách nay hai năm. Đối với một số người thì đây là một bước tiến quan trọng về phương diện xã hội. Nhưng đối với thành phần chống đối thì chính quyền Obama đã « đi quá đà » và việc bắt buộc mọi người phải có bảo hiểm y tế là một hình thức đòi người dân phải nộp thêm thuế. Hàng năm người Mỹ chi ra 2.600 tỷ đô la, tương đương với 17 % GDP, cho các dịch vụ y tế. Theo thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE Hoa Kỳ là nơi có hệ thống y tế đắt đỏ nhất thế giới. Dù vậy xét về tuổi thọ trung bình, thì nước Mỹ chỉ xếp hạng thứ 27 trên toàn cầu. Nhìn đến hệ thống bảo hiểm, thì tại Hoa Kỳ chỉ có 81% người Mỹ được bảo hiểm y tế. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 99% tại 24 nước thuộc OCDE.
|