Home Tin Tức Thời Sự Bầu Trưởng đặc khu Hồng Kông : Đối lập phản đối bàn tay Bắc Kinh

Bầu Trưởng đặc khu Hồng Kông : Đối lập phản đối bàn tay Bắc Kinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Chúa Nhật, 25 Tháng 3 Năm 2012 16:35

 Đối với dân Hồng Kông thì « bầu cử » đã bị Trung Quốc thao túng, dàn dựng và giựt dây « gần như » từ đầu đến cuối.

Biểu tỉnh ở Hồng Kông chống đối các ứng cử viên do Bắc Kinh hậu thuẫn
Reuters

 

 Lương Chấn Anh, một doanh nhân tay trắng tạo sự nghiệp, được 57% đại cử tri « bầu » làm Trưởng đặc khu Hồng Kông, đánh bại Đường Anh Niên, nhân vật số hai của chính quyền mãn nhiệm.

 Kết quả này không phải là một bất ngờ, vì cả hai đều là người thân Bắc Kinh. Hàng ngàn dân biểu tình phản đối bàn tay thao túng của Trung Quốc.
Theo AFP, ngoại trừ tên của người chiến thắng, cuộc bầu cử theo lối bỏ phiếu gián tiếp không thu hút công luận và cũng không có tầm quan trọng chính trị nào, vì lãnh đạo hành pháp Hồng Kông được chọn theo tiêu chuẩn được lòng Bắc Kinh và giới doanh nghiệp.

Theo thước đo này thì Lương Chấn Anh, 57 tuổi, hội tụ được nhiều ưu điểm : Từng là Tổng thư ký chính quyền đặc khu, được đào tạo tại Anh Quốc, đứng đầu một văn phòng giám định địa ốc và cũng là cố vấn cải cách ruộng đất cho nhiều tỉnh tại Hoa Lục.

Lương Chấn Anh sẽ kế nhiệm Tăng Âm Quyền vào tháng 6 tới đây, trở thành Trưởng Đặc khu thứ tư từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố chấp nhận nguyên tắc « một quốc gia , hai thể chế » nhưng trong thực tế, chính quyền Trung Quốc vẫn từ khước nguyện vọng dân chủ của dân Hồng Kông.

Người dân không được quyền tham gia trực tiếp bầu người lãnh đạo. Chức vụ Trưởng Đặc khu do « đoàn đại cử tri » bầu ra.

 Đoàn gồm 1200 người đại diện của thành phần gọi là « ưu tú » của bán đảo. Trong số đó có nhà tỷ phú Lý Gia Thành, tài phiệt giàu nhất Á châu. Do lối bầu chọn không dân chủ này, những người có tâm huyết không có hy vọng chiến thắng.

Đối thủ không may của Lương Chấn Anh là Đường Anh Niên, đương kim Phó Đặc khu, về nhì với 23,75% phiếu. Trong khi đó, nhân vật đại diện cho phong trào dân chủ chỉ được 6,3% phiếu của đại cử tri.

Trong lúc 1200 đại cử tri bỏ phiếu bên trong Trung tâm Đại hội Hồng Kông, thì bên ngoài nhiều ngàn người đã tập họp đòi dân chủ và bầu cử trực tiếp theo lối phổ thông đầu phiếu. Lời kêu gọi của dân chúng biểu tình « đừng bỏ phiếu, đừng bỏ phiếu » đã vang vọng đến tận bên trong hội trường.

Lương Chấn Anh phải tuyên bố là ông sẽ làm hết sức để dân chúng không xem bầu cử này là « tiêu cực ». Đối với dân Hồng Kông thì « bầu cử » đã bị Trung Quốc thao túng, dàn dựng và giựt dây « gần như » từ đầu đến cuối.

Thoạt đầu, Bắc Kinh đầu tư vào lá bài Đường Anh Niên, nhưng kịch bản không diễn ra suông sẻ như mong muốn.

Hành động tham ô lạm quyền của tay tài phiệt dệt may này đã bị báo chí Hồng Kông tố giác. Hai vợ chồng Đường Anh Niên đã phải thú nhận tội của mình trước ống kính truyền hình và chịu sự thóa mạ của dân chúng.

Bắc Kinh tuy thận trọng không can thiệp trực tiếp vào cuộc tranh cử, nhưng vài ngày trước khi bỏ phiếu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố một cách tế nhị « nghiêng về » ứng cử viên nào « được đa số dân Hồng Kông » lựa chọn. Lời tuyên bố này là hồi chuông báo tử cho Đường Anh Niên và mở đường cho Lương Chấn Anh chiến thắng.

Theo AFP, Lương Chấn Anh cũng đang được phe « cải cách » của Hồ Cẩm Đào hậu thuẫn. Phe này đang tranh giành ghế tốt trước Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 trong vài tháng tới đây.

Sự kiện Bắc Kinh phải « thay ngựa » vào giờ chót chứng tỏ hai sự thực : Một là Trung Quốc luôn đề phòng mọi tình huống mọi diễn biến chính trị bất ngờ tại Hồng Kông, nơi người dân còn ít nhiều quyền tự do ngôn luận. Sự thực thứ hai là Trung Quốc không thể độc đoán chống lại nguyện vọng dân chủ tại Hồng Kông.

Theo AFP, Bắc Kinh gián tiếp bắn tín hiệu là sẽ chấp nhận bầu cử tự do lãnh đạo hành pháp nhiệm kỳ tới năm 2017 và nghị viện năm 2020.