Vụ án Trayvon Martin: Vết thương chủng tộc chưa lành |
Tác Giả: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt | ||||||
Chúa Nhật, 25 Tháng 3 Năm 2012 07:34 | ||||||
Án mạng giết một thanh niên da đen, mới đầu chỉ là một trong nhiều án mạng thương tâm khác, nay trở thành một biểu tượng được cả nước Mỹ quan tâm. Hồ sơ Qua tới tuần thứ tư, một chỉ huy trưởng cảnh sát từ chức, và chính Tổng Thống Barack Obama cũng phải lên tiếng, với một câu nói đi thẳng vào lòng các bậc cha mẹ.
Khi bị giết, trên người em chỉ có một hộp kẹo Skittles và một chai nước trà đá. Em vừa mua kẹo và nước trong một tiệm 7-Eleven về. Ðó là điều Tổng Thống Obama nói trong bài diễn văn. Nhắn với cha mẹ Trayvon, ông nói, “Nếu tôi có con trai, con tôi sẽ trông giống Trayvon.” Lời nói của Obama chính là rất nhiều người lên tiếng trên truyền hình, trong các cuộc biểu tình, bãi khóa: Họ nghi rằng Trayvon Martin bị giết chỉ vì em gốc Phi Châu, da em đen, và điều này có nghĩa là hàng triệu thanh niên gốc Phi Châu khác đều có nguy cơ bị bắn chết bất cứ lúc nào, cho dù có là con trai tổng thống. Vụ bắn người Án mạng diễn ra ngày 26 tháng 2. Nhân chứng kể lại họ nghe tiếng xô xát, tiếng kêu cứu, rồi tiếng súng. Báo cáo của cảnh sát nói khi tới nơi thì họ tìm thấy George Zimmerman, 28 tuổi, một người tình nguyện canh gác khu phố, cầm súng đứng bên cạnh xác Martin. Mũi ông chảy máu cam và sau gáy ông có vết xước. Zimmerman nói ông bắn để tự vệ. Tin lời ông này, cảnh sát không bắt ông, không thử độ rượu hay ma túy, và cũng không gọi về bót để kiểm tra hồ sơ cá nhân ông này. Tới ngày 9 tháng 3, vẫn chưa thấy động tĩnh gì trong vụ án, gia đình nhà Martin đòi cảnh sát công bố những cuộc gọi cấp cứu 9-1-1 liên quan tới vụ này. Một tuần sau, cảnh sát cung cấp băng thu âm 9-1-1. Một người trong gia đình kể lại cho đài ABC, sau khi nghe cuốn băng, bà mẹ Trayvon gào khóc bỏ chạy ra khỏi phòng. Cuộc gọi cấp cứu 9-1-1 Zimmerman là một tình nguyện viên của nhóm “neighborhood watch,” một tổ chức tự nguyện có mặt ở nhiều xóm. Người dân trong xóm tự lập “neighborhood watch” và tự nguyện canh chừng xem có gì cần thì giúp lẫn nhau hoặc có gì khả nghi thì gọi cảnh sát. Băng thu âm 9-1-1 có nhiều cuộc gọi của cư dân báo động vụ bắn ở bên ngoài nhà họ, nhưng cuộc gọi của chính Zimmerman là cuốn băng được nghe nhiều nhất.
Zimmerman lúc đó đang ngồi trong xe SUV để canh gác khu phố, và gọi 9-1-1 từ trong xe, báo cảnh sát là có kẻ tình nghi mặc áo trùm đầu (“hoodie”), lảng vảng trong khu vực. Zimmerman nói trong cuộc gọi 9-1-1: “Người này có vẻ đang mưu gian hay đang say ma túy hay gì đó. Trời mưa mà y cứ đi tới lui, nhìn loanh quanh.” Rồi Zimmerman báo với tổng đài 9-1-1 là gần đây có nhiều vụ trộm. “Bọn khốn ấy (nguyên văn: 'these a-holes'), lúc nào cũng trốn thoát,” ông nói, rồi bảo ông đang theo dõi người thanh niên này. Tổng đài bèn bảo ông đừng làm vậy: Tổng đài: “Ông có đang theo dõi người đó?” Zimmerman: “Có.” Tổng đài: “OK, chúng tôi không cần ông làm chuyện đó.” Bất kể lời khuyên của tổng đài, Zimmerman đi bộ theo dõi Martin, và sau đó Martin bị bắn. Cuộc gọi 9-1-1 cũng có đoạn Zimmerman lầm bầm chửi. Tuy câu chửi không nghe được rõ, nhưng đa số người nghe cho rằng Zimmerman chửi “F-king coons”; “coons” là một chữ tục dùng để chửi người gốc Phi Châu. Cú điện thoại cuối cùng Zimmerman không bị bắt, nhiều người phẫn nộ cho rằng có sự kỳ thị của cảnh sát địa phương. Sau khi cuộc gọi 9-1-1 được công bố, một thỉnh nguyện thư được lập ra trên trang mạng change.org, đòi bắt Zimmerman. Chỉ trong một ngày, thỉnh nguyện thư vọt lên tới 250,000 chữ ký. Có những lúc người ta dồn dập ký tên với tốc độ 10,000 chữ ký một phút, theo trang change.org cho biết. Ngày 20 tháng 3, một bằng chứng khác bất ngờ được tiết lộ trên báo USA Today: Trước khi bị bắn, Martin đang nói chuyện với bạn gái. Qua một tờ khai hữu thệ, cô gái này ghi lại những gì cô nghe được qua điện thoại. Cô nói vì trời mưa nên Trayvon Martin đứng trú mưa trên đường từ tiệm về nhà. Lúc tạnh thì Martin tiếp tục đi bộ về, thì lúc đó nói với cô bạn, “Hình như có người theo dõi anh.” Cô bèn bảo, “Anh ơi, cẩn thận nha, chạy về nhà đi.” Lúc đó Martin bảo, “Hình như anh bỏ xa hắn rồi.” Một lúc sau, lại bảo, “Hắn lại ở ngay sau anh nữa. Anh không chạy đâu, chỉ đi nhanh thôi.” Lúc đó cô bạn gái nghe một giọng khác, nói, “Anh làm gì ở đây?” Martin trả lời lại, “Tại sao ông theo dõi tôi?” Ðến lúc đó, theo lời cô gái, Martin bị xô và giọng nói thay đổi. Luật tự vệ ở Florida Chỉ huy trưởng cảnh sát Sanford Billy Lee quyết định không bắt Zimmerman vì cho rằng ông này tự vệ. Luật Mỹ không bắt tội người giết người khi tự vệ. Tuy nhiên, luật Mỹ từ xưa vẫn bắt người ta phải rút lui trước, không rút lui được, mới được bắn. Nhưng Florida không theo luật đó. Florida có luật gọi là “Stand Your Grounds,” cho phép người nào nếu thấy mình bị lâm nguy, được tự vệ ngay tại chỗ, kể cả giết người tấn công mình, mà không cần phải rút lui trước. Ông Lee cho rằng, vì Zimmerman tự vệ, nên dù ông không rút lui ông vẫn có quyền bắn Martin. Ngày 21 tháng 3, hội đồng thành phố tỏ vẻ bất đồng ý kiến với chỉ huy trưởng cảnh sát, bỏ phiếu bất tín nhiệm ông này với tỷ số 3-2. Qua tới ngày 22, ông Lee tuyên bố từ chức. Biện lý quận hạt cũng rút ra khỏi cuộc điều tra, vụ án chuyển qua biện lý quận hạt khác.
Trong khi đó, báo chí phát giác nhiều cuộc gọi 9-1-1 khác của Zimmerman trong đó ông này có vẻ nhắm vào người da đen, kể cả trẻ em. Báo Daily Beast tiết lộ, vào tháng 4 năm 2011, Zimmerman gọi 9-1-1 báo động về một người nam, da đen, “khoảng 7 tới 9 tuổi,” cao 4 feet, “gầy,” tóc ngắn. Gia đình Zimmerman lên tiếng Ngày 22, ông bố của Zimmerman gởi tới báo Orlando Sentinel một bức thư 1 trang bênh vực con ông. Robert Zimmerman nói con ông không phải là kẻ kỳ thị chủng tộc. George là người Hispanic, ông Robert Zimmerman nói, và lớn lên trong một gia đình nhiều sắc tộc. George cũng “có nhiều họ hàng và bạn bè là người da đen,” ông cho biết. “Con tôi không kỳ thị vì bất kỳ lý do gì,” ông viết trong bức thư. “Việc báo chí miêu tả George như một kẻ kỳ thị chủng tộc là rất xa sự thật.” Bức thư không cung cấp chi tiết gì về những gì xảy ra hôm Zimmerman bắn Martin, nhưng bác bỏ tin cho rằng Zimmerman rời chiếc xe SUV để đương đầu với Martin. “Không hề có lúc nào mà George theo dõi hoặc đối đầu với Martin. Khi sự thật được công bố trong vụ này, và tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra gần đây, mọi người sẽ bất bình với cách đối xử của báo chí với George Zimmerman.” Tổng thống kêu gọi Ngày 23 tháng 3, học sinh trong 50 trường học ở Florida tổ chức bãi khóa, phản đối vụ giết người này và ủng hộ thỉnh nguyện thư đòi bắt giữ Zimmerman. Thỉnh nguyện thư này vượt quá 1.5 triệu chữ ký, trở thành thỉnh nguyện thư có tốc độ ký lên nhanh nhất lịch sử trang change.org. Tại nhiều thành phố, người dân tổ chức cuộc biểu tình “Một triệu áo trùm đầu tuần hành” ủng hộ gia đình Martin. Áo trùm đầu “hoodie” là áo Trayvon mặc lúc bị bắn. Ðội bóng rổ Miami Heat chụp tấm hình mặc áo trùm đầu để ủng hộ. Trong một cuộc họp báo ở tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama lên tiếng về vụ này. Ông nói: “Tất cả chúng ta đều phải xem xét lại từ trong đáy lòng mình tại sao chuyện như này lại xảy ra. Và đó có nghĩa là chúng ta phải xem luật, hoàn cảnh vụ này xảy ra, cũng như chi tiết trong sự việc.” Và ông tiếp: “Nhưng thông điệp chính của tôi là với cha mẹ của Trayvon Martin: Nếu tôi có con trai, con tôi sẽ trông giống Trayvon. Và tôi cho rằng họ (cha mẹ Trayvon) có lý khi muốn tất cả chúng ta, là người Mỹ, xem đây là vấn đề quan trọng đúng mức của nó, và chúng ta sẽ xét tới cùng những gì đã xảy ra.” |