Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-03-2012 |
Tác Giả: Anh Vũ |
Thứ Năm, 22 Tháng 3 Năm 2012 15:41 |
Ấn Độ đang cần một mô hình phát triển mới Một nhà ga ở miền bắc Ấn Độ. Ấn Độ chưa phát triển mạnh một phần vì thiếu cơ sở hạ tầng. Người nghèo khổ ở Ấn Độ chiếm tỷ lệ lớn.
Gần đây báo chí nói nhiều đến các cường quốc mới trỗi dậy, sau Trung Quốc là đến Ấn Độ, một nước quan trọng về mặt địa chính trị của thế giới. Cuộc tọa đàm này nêu chủ đề liệu « Ấn Độ có phải là một Trung Quốc khác ? ». Câu hỏi này đã được ông Jean-Paul Larçon, giáo sư về chiến lược phát triển của trường Thương mại Cao cấp ( HEC) của Pháp trả lời ngay là Ấn Độ « không phải là một Trung Quốc ». Tại tọa đàm, các diễn giả cũng trình bày nhiều tham luận liên quan đến nhưng giới hạn của Ấn Độ, như là một « đất nước lộn xộn », theo giáo sư Jean Paul Larçon. Sau hai thập kỷ, kể từ khi mở cửa với nền kinh tế thế giới năm 1991, Ấn Độ đã đi đến đoạn cuối của một chu kỳ phát triển. Theo Le Monde, từ một nước trụ cột của học thuyết không liên kết, Ấn Độ bước vào quá trình toàn cầu hóa theo cách của họ và với những thế mạnh trong tay đó là dân số đông, mô hình dân chủ được kế thừa từ thời thuộc địa Anh, kiều dân đông đảo trên khắp thế giới và một tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghệ tin học. Vậy New Delhi, đã có đủ phương tiện để trở thành cường quốc hay không ? Khó, vì đất nước này phải đặt nền kinh tế mới trỗi dậy để phục vụ cho một tham vọng quốc tế. Theo chuyên gia Fréderic Bobin « Ấn Độ vẫn không có khả năng tạo được tiếng nói trên bình diện quốc tế ». Hiện tại New Delhi vẫn còn có quá nhiều nghịch lý để có thể tiến theo con đường một cường quốc thế giới. Những nghịch lý đó là gì. Theo các nhà quan sát đến năm 2050, Ấn Độ sẽ trở thành đất nước đông dân nhất thế giới với 1,7 tỷ người, 34% dân số vẫn sống dưới ngưỡng nghèo. Đến năm 2050, 25% dân số lao động trên toàn cầu là người Ấn Độ. Ấn Độ là nơi mà doanh nhân và các nhà chính trị hòa hợp rất tốt với nhau. Nhưng tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng và hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp ưu tú và dân chúng trong xã hội cũng rất lớn. Bên cạnh đó là các vấn đề tôn giáo, cộng đồng . Các diễn giả tham gia tọa đàm đều nhất trí với đã đến lúc Ấn Độ phải tiến hành những cuộc cải cách mới. Bắc đầu bằng việc thoát ra khỏi mối quan hệ không rõ ràng với Trung Quốc để tìm ra hướng đi cho mình : Thỏa hiệp hay cạnh tranh với Trung Quốc ? Đoàn kết các nước Nam bán cầu để đối chọi lại với các nước Bắc bán cầu hay trở thành đối thủ khu vực để chống lại trục liên kết Trung Quốc - Pakistan ? Đó là những câu hỏi mà quốc gia này phải trả lời. Nhưng các diễn giả cũng nhận thấy không dễ gì Ấn Độ đi theo phương Tây. Những điều không nói đến sau tai nạn hạt nhân Fukushima Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay trở lại lại với đề tài điện hạt nhân thời hậu Fukushima với tựa đề « Những điều không nói đến sau Fukushima » nêu ý kiến của hai chuyên gia năng lượng của Pháp ông Jean Marie Chevallier, Giáo sư đại học Paris –Dauphine và Jean Claude Dérian một nhà tư vấn về chính sách năng lượng. Thảm họa hạt nhân Fukushima xảy ra đã khiến cả thế giới phải lo ngại nhìn lại chiến lược phát triển năng lượng. Tác giả của bài viết nhận thấy từ sau ngày kỷ niệm một năm thảm họa sóng thần và tai nạn hạt nhân Fukushima hôm 11/3 vừa qua, báo chí không ngớt nhắc đi nhắc lại những đề tài như ở Nhật Bản chính quyền lúng túng giải quyết khủng hoảng, rồi dân chúng và các nhà sản suất thiếu điện, hay các phản ứng khác nhau của các cường quốc hạt nhân trong khi một loạt nước như Trung Quốc, Ấn Độ , Anh, Phần Lan vẫn khẳng định lựa chọn hạt nhân trong chiến lược phát triển năng lượng của mình. Thế nhưng trái lại, theo tác giả, có những chi tiết chủ yếu của cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân thời kỳ hậu Fukushima ít được nhắc tới đó là : Làm thế nào để quản lý tốt hơn các nhà máy điện hạt nhân hiện có để có thể chuyển tiếp sang hướng sử dụng những nguồn năng lượng phi các-bon trong tương lai, đồng thời có biện pháp pháp ngăn chặn hiện tượng trái đất ấm lên? Theo tác giả hiện trên thế giới có 430 lò phản ứng hạt nhân đa phần được xây dựng trong khoảng từ năm 1970 đến năm 2000. Để tiếp tục quản lý một cách có hiệu quả các lò phản ứng này không phải là chuyện đơn giản và phải rất thận trọng tính đến những lo ngại của dư luận. Việc quản lý này đồng thời sẽ đòi hỏi nhiều chi phí rất lớn cho việc tháo gỡ cũng như xử lý cất giữ chất thải. Theo tác giả, việc quản lý của các nhà máy điện hạt nhân hiện có đòi hỏi phải triển khai kết hợp những tiêu chí về kinh tế và an toàn. Nếu đóng ngay các cơ sở không đủ tiêu chuẩn an tòan thì cũng là một biện pháp không kinh tế. Ngược lại, nếu kéo dài tuổi họat động của nhà máy còn đủ khả năng vận hành an toàn thì sẽ tạo điều kiện để cho việc chờ đợi hoàn thiện, triển khai các công nghệ tái tạo mới. Vì thế theo tác giả, bảo trì và nâng cấp kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có là hướng đi hợp lý. Điều quan trọng là phải có được những giải pháp tài chính mang tính cải cách nhằm khuyến khích đầu tư vào hiệu quả năng lượng, trong năng lượng hạt nhân cũng như trong các nguồn năng lượng phi các-bon khác trong tương lai. Cặp bài toán năng lượng và môi trường vẫn là một vấn đề nan giải đang chưa có lời giải. Pháp : Kết thúc cuộc truy lùng hung thủ vụ thảm sát Toulouse và Montauban Mohamd Merah, cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các báo Pháp hôm nay, đó là tên của kẻ tình nghi gây ra các vụ xả súng tại Toulouse và Montauban làm 7 người thiệt mạng, bị lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và cảnh sát bao vây trong suốt hơn 30 giờ trong một căn hộ căn hộ ở Toulouse. Tin nóng về cuộc vây hãm hung thủ giết người này là đề tài được các báo Pháp đồng loạt khai thác với nhiều góc độ khác nhau. Từ nhân thân của đối tượng, hành trình dẫn đến tội ác, các chi tiết điều tra để phát hiện ra hung thủ, cho đến diễn biến từng phút tại hiện trường xung quanh khu nhà có đối tượng cố thủ. Báo l’Humanité như trút được thở phào nhẹ nhõm bằng hàng tựa trên trang nhất « Kết cục hành trình của kẻ sát nhân ». Đó cũng là cảm nhận chung của hầu hết các tờ báo khác ra sáng nay. Dù sao nghi phạm của các vụ thảm sát vừa qua tại Toulouse và Montauban không còn tiếp tục ra tay. Libération tập trung vào « hành trình dẫn đến sự hận thù » của Mohamed Merah, một kẻ từng đầy tiền án tiền sự chuyển thành một kẻ cực đoan ra tay giết người một cách lạnh lùng và rất có bài bản và nhất là không cảm thấy ân hận tiếc nuối về những tội ác của mình. Trong khi đó Le Figaro thì đưa lên trang nhất hình ảnh tương phản một cách đáng sợ, đó là tấm hình nghi phạm tươi cười, quây xung quanh là các chân dung của 7 nạn nhân trong các vụ thảm sát vừa qua với hàng tựa « Mohamed Merah, 23 tuổi, kẻ khủng bố Hồi giáo, 7 người chết ». Điều đặc biệt là sự kiện gây rúng động nước Pháp này xảy ra vào đúng kỳ bầu cử tổng thống Pháp, vì thế nó mau chóng được các đảng phái chính trị lợi dụng vào mục đích chính trị có lợi cho mình. Nhật báo Công giáo La Croix nhận ra là đã có nhiều tiếng nói cất lên để phân tích ai là người thu lợi về mặt chính trị trong chuyện này. Tờ báo nhận thấy « đó là một ý nghĩ thô bỉ và trơ trẽn » không xứng đáng với những mất mát của gia đình các nạn nhân. Dù gì thì sự kiện này sẽ làm thay đổi căn bản nội dung tranh cử Tổng thống Pháp của các ứng cử viên trong những ngày tới. Liên hiệp châu Âu gia tăng trừng phạt Belarus vì vấn đề nhân quyền Về thời sự châu Âu, báo La Croix có bài đề cập đến việc Liên hiệp châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Mới đây Bruxelles đã bổ sung thêm vào danh sách cấm nhập cảnh vào Liên hiệp nhiều nhân vật thân cận với Tổng thống Loukachenko. Liên hiệp châu Âu sẽ xem xét lại hiệu quả của các biện pháp trừng phạt nhằm vào lãnh đạo của chế độ độc tài còn sót lại ở châu Âu này. Theo La Croix, nằm dưới bàn tay sắt của Tổng thống Alexandre Loukachenko từ năm 1994, Belarus giờ là chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu. Dưới chế độ này, hiển hiên là việc « vi phạm nhân quyền đã trở thành thông lệ ».Theo tờ báo, ở Belarus, việc bắt giữ người vô cớ, tịch thu tài sản, cấm người xuất cảnh, đưa đi cải tạo các tù chính trị, trấn áp đối lập, tổ chức phi chính phủ hay báo chí, internet đã không còn là những việc làm xa lạ. Nhưng từ sau khi nổ ra các cuộc biểu tình hồi tháng 10 năm 2010, thì chính quyền lại càng thắt chặt thêm kiểm soát. Thí dụ như cuối năm ngoái, chính quyền cho ban hành đạo luật mới cấm tụ tập từ ba người trở lên tại nơi công cộng. Thất vọng với người láng giềng có tới hơn 1000 km đường biên giới với mình trên vấn đề dân chủ và nhân quyền, Liên hiệp châu Âu đã quyết định xem xét lại hiệu quả và khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Belarus trong cuộc họp Ngoại trưởng 27 nước vào ngày mai (23/3) tại Bruxelles. Tháng trước Bruxelles đã bổ sung thêm 21 nhân vật thân cận với chế độ Minsk vào danh sách cấm visa vào các nước trong Liên hiệp. Trong cuộc họp ngày mai có thể danh sách này, hiện đã có 227 người, sẽ tiếp tục được kéo dài thêm. La Croix đặt câu hỏi, những biện pháp trừng phạt của Liên hiệp châu Âu sẽ có tác dụng gì ? Liên hiệp châu Âu biết rõ là các biện pháp trừng phạt chỉ càng làm cho Belarus ngả thêm về nước Nga và chính quyền sẽ lại càng bố ráp đối lập gay gắt hơn. Nhưng một nhà ngoại giao Pháp cho biết « các biện pháp trừng phạt không nhằm làm thay đổi chế độ, nhưng nhằm đòi trả tự do cho tù chính trị ». Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Thụy Điển là những nước luôn tích cực ủng hộ việc mở rộng các trừng phạt nhằm vào Belarus. Bệnh lao trở lại và khó điều trị hơn « Bệnh lao đang phát triển, người bệnh không được chăm sóc » đó là thông tin đang lo ngại trên báo La Croix nhằm đánh động dư luận nhân ngày quốc tế chống bệnh lao. Bệnh lao phổi là một căn bệnh đã gần như bị loại trừ cách đây vài thập kỷ, nay lại trỗi dậy. Hàng năm trên thế giới có khoảng 9 triệu người mới bị nhiễm bệnh. Vấn đề là hiện nay các bác sĩ chuyên môn tỏ ra lúng túng với việc điều trị căn bệnh lây nhiễm này, vì những trường hợp mới nhiễm thường kháng thuốc theo phác đồ điều trị cũ. Đa số các bệnh nhân lao thường không được chẩn đoán hay điều trị một cách nhanh chóng vì thiếu phương tiện xét nghiệm phát hiện, giá thành điều trị bệnh tốn kém. Mỗi năm căn bệnh lây nhiễm qua không khí này làm chết 1,5 triệu người, không chỉ ở châu Phi, châu Á, mà còn cả ở châu Âu, trong đó đặc biệt là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ở những nước giàu có, y tế phát triển, chủ yếu tầng lớp bình dân bị nhiễm bệnh. Đại đa số người mắc bệnh lao là người nghèo. Đây cũng là lý do giải thích tại sao các nhà công nghiệp dược ít quan tâm nghiên cứu tìm ra thuốc trị mới
|