Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Năm, 22 Tháng 3 Năm 2012 15:11 |
Tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản không hề là một khối thống nhất
Ông Uông Dương, bí thư Quảng Đông (trái) và ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh. Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị thế hệ lãnh đạo thứ 5. Vậy, việc ông Bạc Hy Lai bị cách chức ngày 15/03/2012 đánh dấu sự thắng thế của « mô hình Ô Khảm » đối với « mô hình Trùng Khánh » ? Phe Đoàn Thanh niên cộng sản lấn lướt được phe « Hoàng tử đỏ » ? RFI dịch và giới thiệu bài « Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc » của Arnaud de la Grange, thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài đăng ngày 16/03/2012. Tất cả đã bắt đầu từ buổi tối mùa đông giá lạnh, trong một bầu không khí có hương vị chiến tranh lạnh. Thế nhưng, nếu kịch bản câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood, thì các diễn viên lại hoàn toàn có thật, và đó là các nhân vật chính yếu của một nước Trung Quốc, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ngày 06 tháng Hai vừa qua (2012), ông Vương Lập Quân đến, hay đúng hơn là đến tỵ nạn, tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông Vương là phó thị trưởng Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, cách Thành Đô khoảng ba giờ đường bộ. Ông chịu trách nhiệm về an ninh và chính viên « siêu cảnh sát » này, với phương cách hành xử « cơ bắp », đã tiến hành cuộc chiến chống lại các « hắc đảng », những thế lực mafia ở địa phương. Với vị trí này, ông là thuộc hạ thân tín của lãnh đạo Đảng ở Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, một gương mặt quan trọng trong bộ máy lãnh đạo chính trị Trung Quốc, một trong những nhân vật đang khao khát có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị trong dịp thay đổi thành phần vào mùa thu tới. Nhưng bước đường hướng tới tầm cỡ lãnh đạo quốc gia của ông Bạc Hy Lai chắc chắn đã dừng lại hôm thứ Năm vừa qua (15/03) với việc ông bị cách chức. Tại Thành Đô, vào tối tháng Hai đó, các sự kiện nhanh chóng mang dáng dấp thảm kịch. Trên Vi Bác, mạng xã hội Twitter Trung Quốc, các cư dân mạng nói là có hàng chục xe của lực lượng cảnh sát và bán vũ trang được triển khai xung quanh cơ quan đại diện Mỹ. Ông Vương Lập Quân đã ở trong lãnh sứ quán khoảng 24 giờ. Điều gì đã xẩy ra trong suốt những giờ phút dài đằng đẵng đó. Vẫn hoàn toàn bí ẩn. Ngưòi ta nói rằng quan chức cao cấp này dường như xin tỵ nạn chính trị tại Mỹ. Vô ích. Các nhà ngoại giao Mỹ đã khẳng định, đúng là ông Vương đã tới Thành Đô, nhưng ông đã « tự nguyện » rời khỏi lãnh sự quán và họ không tiết lộ gì thêm nữa. Người ta tưởng tượng đến bầu không khí sôi sục giữa hai cường quốc lớn, những cú điện thoại của các quan chức Trung Quốc cảnh báo những mối nguy hiểm về một cuộc phiêu lưu như vậy… Trong một cuộc nói chuyện với đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông, vào tuần trước, thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan) đã nhả ra một vài thông tin. Ông thổ lộ là đã bỏ ra 2-3 tiếng đồng hồ để dỗ dành, thuyết phục ông Vương Lập Quân ra khỏi lãnh sự quán Mỹ. Do vậy, ông cho là đã tránh được một cuộc « khủng hoảng ngoại giao » nghiêm trọng. Trên thực tế, tối 07/02, ông Vương ra khỏi nơi tỵ nạn tạm thời. Các nhân viên an ninh quốc gia đón ông. Ngay hôm sau, 08/02, ông Vương được đưa lên Bắc Kinh bằng máy bay, từ đó, ông bị thẩm vấn trong những điều kiện được giữ bí mật. Cũng trong ngày hôm đó, một thông cáo cho biết ông Vương nghỉ phép vì « làm việc quá sức »… Câu chuyện « Thanh tra Eliot Ness Trùng Khánh » có cảm hứng từ bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng (*). Ông Vương giờ đây đã khoác bộ trang phục mầu ghi xám của « kẻ phản bội », bị nghi ngờ tham nhũng và có những phương cách làm việc phạm luật. Khi chấp nhận rủi ro « được ăn cả, ngã về không » này, phải chăng tính mạng ông Vương bị đe dọa ? Ông đã mang theo những hồ sơ gì khi vào lãnh sự quán Mỹ ? Báo chí Hồng Kông nói rằng ông có một số thông tin bất lợi cho ông Bạc Hy Lai, rằng nhiều ngày trước khi xẩy ra sự cố, ông Vương đã viết một bức thư gửi cơ quan đáng gờm là Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng, cấp báo về một số việc bất hợp lệ của thủ trưởng ông ta. Cũng không quan trọng lắm. Điều cơ bản là vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chính trị dữ dội nhất mà Trung Quốc chưa hề thấy từ rất lâu nay và làm lộ rõ những biến động trong việc chuyển giao quyền lực chính trị năm 2012, một sự kiện mà mỗi thập niên chỉ xẩy ra một lần tại đây Ở Trung Quốc cũng vậy, « chiến dịch vận động tranh cử » - theo kiểu chủ nghĩa xã hội thị trưòng – đã thực sự được khởi động. Và dao nhọn đã được rút ra trong cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau, giữa các đường lối khác nhau. Trong những trận chiến trong bóng tối này, chỉ thỉnh thoảng người ta mới trông thấy ánh phản quang của dao. Theo thông lệ, đấu đá chỉ diễn ra trong bóng tối. Giống như thời cổ xưa của Liên Xô và của kiểu nghiên cứu « Kremlin học », người ta chỉ có thể phỏng đoán, tìm kiếm những điểm khác biệt tinh tế trong những lời phát biểu lạnh lùng, bài bản theo kiểu « lưỡi gỗ », dò xem kỹ lưỡng những bức ảnh chính thức để đếm kẻ vắng mặt, người hiện diện, đánh giá về thứ hạng của các nhân vật trong bộ máy quyền lực tùy theo vị trí của họ… Đúng vậy, trong những ngày vừa qua, kỳ họp thường niên của Quốc hội là dịp để quan sát, phỏng đoán. Hôm thứ Năm, các nhà quan sát bình luận nhiều về sự vắng mặt của ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị. Ông đã cho biết là bị « cúm nhẹ ». Hôm sau, ông tham gia vào một cuộc gặp với báo chí của đoàn đại biểu Trùng Khánh. Vào dịp đó, ông thừa nhận « khuyết điểm không giám sát ». « Chín Hoàng đế » Có hai dữ kiện xác định khuôn khổ các cuộc đối đầu đang diễn ra. Dữ kiện đầu tiên là tính lãnh đạo tập thể tại Trung Quốc mà trung tâm quyền lực là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, với chín thành viên, được gọi là « Chín Hoàng đế ». Chính từ đây mà những thoả hiệp được hình thành, những đồng thuận chung được đưa ra. Cần phải biết là tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản không hề là một khối thống nhất. Có những thiên hướng bảo thủ hơn, có những thiên hướng cải cách hơn và nhất là tầng lớp này lại chia thành vài phe phái lớn với những liên minh đôi khi đan chéo nhau. Dữ kiện lớn thứ hai, đó là sự cần thiết đối với vị chủ tịch mãn nhiệm giữ được các phương tiện chi phối quyền lực, vì nên biết rằng thế hệ thứ 5 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cầm cương điều khiển đất nước trong 10 năm trời, tới tận năm 2022. Như ông Giang Trạch Dân đã làm cách nay 10 năm, chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải xếp đặt càng nhiều người của ông càng tốt vào trong bộ máy quyền lực cao nhất, để giữ được khả năng tác động, chi phối. Do đó, vụ ông Bạc Hy Lai, có thể được diễn giải nhiều cách khác nhau. « Tất cả các diễn giải này vừa đúng vừa sai », như lời một nhà ngoại giao. Đó là cuộc chiến giữa hai phái, phái Đoàn Thanh niên Cộng sản và phái « con các hoàng tử » hoặc đó là cuộc chiến giữa « mô hình Trùng Khánh », bảo thủ hơn và « mô hình Ô Khảm », cải cách hơn. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ trước hết là cuộc đấu đá giữa các nhân vật vì quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đó là một sự đối chọi giữa hai tầm nhìn về một nước Trung Hoa trong tương lai. Cuộc chiến giữa hai phái gần như là một sự đối đầu của « giới quan chức chống lại các hoàng tử ». Thực vậy, một bên là Đoàn Thanh niên mà thủ lĩnh là chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào. Trong nhiều trường hợp, đó là những người xuất thân từ giới bình dân và nhờ công trạng mà lên cao trong bộ máy chính quyền. Như vậy, họ không có « máu xanh – có dòng dõi quý tộc ». Bên kia chiến hào là phe « con các hoàng tử » trong đó có ông Tập Cận Bình, mà ai cũng cho rằng ông sẽ là chủ tịch tương lai của Trung Quốc. Họ là thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ, hậu duệ của những anh hùng lập ra nền Cộng hòa Nhân dân. Đối với ông Lâm Hoà Lập (William Lam), người am hiểu những điều bí mật trong bộ máy quyền lực Trung Quốc, giờ đây, người ta đang chứng kiến việc xem xét lại một thỏa hiệp đã đạt được hồi năm ngoái, dựa trên việc chia ba số ghế trong cơ cấu quyền lực « Chín Hoàng đế » : Ba ghế cho phái Đoàn Thanh niên, ba ghế cho phe các hoàng tử, trong đó có ông Tập Cận Bình và ba ghế cho các phe phái khác. Trong một bài viết của Jamestown Foundation, ông Lâm Hòa Lập cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và các thuộc hạ của ông đã chỉ đạo « sự bất trắc » Trùng Khánh, thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai. Chỉ còn cần đồng thuận với nhau về người thay thế ông Bạc Hy Lai… « Sự phá sản của mô hình Trùng Khánh » Về thực chất, dường như cũng có sự đối đầu giữa hai mô hình. Mô hình Trùng Khánh mà ông Bạc Hy Lai muốn thấy toàn Trung Quốc áp dụng. Đó là một dạng thỏa hiệp kết hợp giữa việc quay trở lại tư tưởng bình đẳng kiểu Mao và một sự mở cửa về kinh tế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mô hình kia, mà một số người, từ nay coi đó là « mô hình Ô Khảm », ý muốn nói tới khu làng nổi dậy ở miền nam Trung Quốc vừa mới thực hiện cuộc bỏ phiếu cấp địa phương tự do đầu tiên. Ngưòi đã giải quyết cuộc khủng hoảng này là vị đứng đầu tỉnh Quảng Đông, ông Uông Dương (Wang Yang). Đây là người được chủ tịch Hồ Cẩm Đào che chở, cũng có thể sẽ tham gia vào nhóm Chín Hoàng đế và là đối thủ chính của ông Bạc Hy Lai. Được coi là người rất ủng hộ tự do kinh tế, ông chủ trương phải mạnh dạn hơn nữa trong cải cách, qua việc giảm vai trò của Đảng, nới lỏng hơn sự kiềm chế đối với xã hội dân sự. Một nhân vật chủ chốt trong phe tân tả theo tư tưởng Mao, ông Dương Phàm (Yang Fan), tác giả một cuốn sách ca ngợi ông Bạc Hy Lai, tựa đề « Mô hình Trùng Khánh », vừa thừa nhận là cần có thêm một cái nhìn khác về trường hợp Ô Khảm… Đối với ông Trương Minh (Zhang Ming), giáo sư ở đại học Nhân dân, việc cách chức ông Bạc Hy Lai báo hiệu sự « phá sản của mô hình Trùng Khánh và bật tín hiệu cho đường lối cải cách hiện đại hơn, nhưng không quá thiên tả ». Nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), thuộc Viện Đông Nam Á, đại học Quốc gia Singapore, nhận định, « cho đến nay, có một sự đối địch, tranh đua liên tục giữa hai đưòng lối này. Giờ đây, đường lối Trùng Khánh bị gạt bỏ, các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tự do hơn nhằm tìm được đồng thuận chung và thúc đẩy cải cách. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào họ ». Do đó, một số người tự hỏi phải chăng có một sự trùng hợp giữa vụ nổ chính trị và việc đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống những bài viết có giọng điệu « cải cách » hơn là bình thường, kể cả về mặt xã hội và chính trị. Người ta tấn công các « nhóm lợi ích », nhất là những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, dường như đã ngăn chặn cải cách. Từ đó mà suy luận rằng thời của những đại cải cách đã đến, là viển vông, vì vẫn còn một khoảng cách rộng bằng nước Trung Hoa. Vả lại, việc trấn áp những tiếng nói bất đồng không hề giảm. Và các giai đoạn quá độ vẫn chỉ đưa đến nguyên trạng. Chuyên gia Lâm Hòa Lập cũng lưu ý là các nhà lãnh đạo cộng sản có « truyền thống lâu đời sử dụng những nhân vật cải cách triệt để và những ngưòi có tư tưởng tự do về kinh tế như những con tốt trong các thủ đoạn chính trị, để rồi sau đó gạt bỏ chúng đi khi trận chiến giành quyền lực kết thúc ». (*) : Eliot Ness (1903 – 1957) là thanh tra cảnh sát nổi tiếng chống băng đảng tội phạm trong thời kỳ nước Mỹ cấm buôn bán rượu 1920 – 1930 (Probibition). Đây là đề tài của bộ phim truyền hình nhiều tập « The Untouchables », chiếu trên đài ABC từ 1959 đến 1963 tại Mỹ. |