Home Tin Tức Thời Sự Châu Á là thị trường võ khí lớn nhất thế giới

Châu Á là thị trường võ khí lớn nhất thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Ba, 20 Tháng 3 Năm 2012 18:39

Việt Nam không nằm trong số Top 5 các nước Á Châu mua vũ khí

STOCKHOLM (AFP) - Á Châu hiện vượt lên khỏi các lục địa khác trong lãnh vực nhập cảng võ khí, theo kết quả công bố hôm Thứ Hai của một cuộc nghiên cứu do Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) thực hiện.

Việt Nam không nằm trong số Top 5 các nước Á Châu mua vũ khí. Bảng thống kê của SIPRI cho thấy Việt Nam trong năm 2010 mua $2.4 tỷ tiền vũ khí, tính theo giá đô la năm 2009, chiếm 1/40 GDP nước này.

Binh sĩ Trung Quốc tập giữ súng cho vững. Trung Quốc đứng hạng nhì Châu Á về số tiền chi ra để mua vũ khí, sau Ấn Ðộ. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Trong năm năm qua, khu vực Á Châu và Thái Bình Dương nhập cảng khoảng 44% số lượng võ khí của cả thế giới, theo SIPRI.

Trong khi đó Âu Châu mua khoảng 19%, Trung Ðông chừng 17%, 11% cho Bắc và Nam Mỹ, cùng 9% cho khu vực Phi Châu, theo bản báo cáo.

Ấn Ðộ là quốc gia nhập cảng võ khí nhiều nhất trong thời gian này, chiếm chừng 10% trị giá võ khí bán ra. Tiếp đó là Nam Hàn (6%), Trung Quốc và Pakistan (mỗi nước 5%) và Singapore (4%), theo cuộc nghiên cứu của cơ quan độc lập này, vốn chuyên về các vấn đề liên quan đến kiểm soát và giải trừ võ khí thế giới.

Năm quốc gia nêu trên chiếm 30% tổng số lượng võ khí quốc tế bán ra, theo SIPRI.

“Mức nhập cảng võ khí của Ấn Ðộ tăng 38% trong thời gian từ 2002 đến 2006 và 2007 đến 2011,” theo SIPRI.

“Ðáng kể nhất là việc mua các phi cơ chiến đấu trong thời gian từ 2007 đến 2011 gồm có 120 chiếc Su-M30K và 16 chiếc Mig-29K từ Nga cùng với 20 chiếc loại Jaguar S từ Anh,” SIPRI cho hay.

Pakistan, quốc gia láng giềng đối nghịch với Ấn Ðộ, đứng hàng thứ ba trong lãnh vực mua võ khí.

Pakistan mua một số lượng lớn phi cơ chiến đấu trong cùng thời gian, gồm khoảng 50 chiếc JF-17 từ Trung Quốc và 30 chiếc F-16,” theo bản báo cáo.

Cả hai “đã mua và tiếp tục mua thêm” các số lượng lớn chiến xa, SIPRI cho biết thêm.

“Các quốc gia Á Châu đang mua nhiều võ khí cũng tìm cách phát triển kỹ nghệ chế tạo võ khí của mình để giảm bớt sự trông cậy từ nguồn cung cấp bên ngoài,” theo ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc SIPRI.

Trung Quốc, vốn đứng hàng đầu về số lượng võ khí nhập cảng năm 2006 và 2007, nay rơi xuống hàng thứ tư.

“Sự giảm sút trong lượng võ khí nhập cảng của Trung Quốc diễn ra cùng lúc với sự cải thiện trong kỹ nghệ sản xuất võ khí và gia tăng xuất cảng võ khí của quốc gia này,” bản báo cáo cho hay

Tuy nhiên, “trong khi số lượng võ khí xuất cảng của Trung Quốc có gia tăng, điều này phần lớn là vì Pakistan mua thêm nhiều võ khí từ Trung Quốc,” theo nhận định của SIPRI.

“Trung Quốc chưa đạt được thành quả quan trọng nào trong các thị trường khác.”

Tuy vậy, Trung Quốc hiện là quốc gia xuất cảng võ khí hàng thứ sáu trên thế giới, sau Mỹ, Nga, Ðức, Pháp và Anh.

Tại Âu Châu, Hy Lạp là quốc gia mua võ khí nhiều nhất trong thời gian 2007 đến 2011, theo SIPRI.

Từ năm 2002 đến 2011, mức nhập cảng võ khí của Syria tăng 580% trong khi ở Venezuela là 555%. Morocco tăng mức nhập cảng võ khí của mình tới 443%.

Số lượng võ khí quy ước hạng nặng bán trên thế giới tăng 24% trong thời gian 2007 đến 2011 so với thời gian 2002 đến 2006.