Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-03-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-03-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Ba, 20 Tháng 3 Năm 2012 17:14

Thủ tướng Tây Tạng : Mọi kênh đối thoại với Bắc Kinh đều bế tắc

 

Ông Lobsang Sangay - thủ tướng Tây Tạng tiếp bà Maya Graf - dân biểu Thụy Sĩ, tại Dharamsala ngày 10/11/ 2011.
Reuters

 

Tờ Le Figaro hôm nay chú ý đến hồ sơ Tây Tạng qua cuộc phỏng vấn thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay, người thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cương vị lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng về mặt chính trị từ một năm nay.

 Theo Thủ tướng Tây Tạng, mọi kênh đối thoại với chính quyền Bắc Kinh từ hai năm nay đều bị tắc.

Tuy nhiên, ông khẳng định tiếp tục theo đuổi đường lối đối thoại hòa bình với Trung Quốc để Tây Tạng được tự trị.
Thủ tướng Tây Tạng nhấn mạnh đến khát vọng tự do và tinh thần không chấp nhận hòa tan của người Tây Tạng, trước xu thế Hán hóa ồ ạt tại các vùng đất truyền thống của Tây Tạng.

Bài viết mang tựa đề « Cuộc chiến đấu của thủ tướng Tây Tạng » giải thích về một thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị của dân tộc Tây Tạng, diễn ra cách đây một năm. Thay đổi này được tờ báo đánh giá là « một cuộc cách mạng ».

Ngày 10/03/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố từ bỏ quyền lãnh đạo cộng đồng về mặt chính trị. Kể từ đó, người đứng đầu chính phủ Tây Tạng do người dân bầu lên theo thể thức dân chủ. Quyết định này cho phép Tây Tạng thực hiện được việc tách quyền lực chính trị ra khỏi uy quyền tôn giáo.

 Đây là hai phương diện vốn hòa làm một trong suốt lịch sử của nhà nước Tây Tạng cận đại và hiện đại.

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, thủ tướng Tây Tạng nhấn mạnh đến những khác biệt lớn giữa ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu cộng đồng Tây Tạng về mặt tâm linh.

 Một bên sinh ra và được đào tạo tại Tây Tạng, một bên sinh ra ở bên ngoài xứ sở và đào tạo ở Phương Tây.

 Một bên là nhà tu hành, bên kia không. Tuy nhiên thủ tướng Tây Tạng cũng khẳng định ông chính là người kế nhiệm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về mặt chính trị, của một truyền thống đã được bắt đầu từ năm 1642, với người đứng đầu Tây Tạng - Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm.

Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cho biết, một mục tiêu lớn của ông là làm sao để trình độ người Tây Tạng được nâng cao, bởi vì điều đó sẽ giúp cho cuộc đấu tranh của họ có một nền tảng vững chắc, cho phép Tây Tạng có được các lãnh đạo xuất sắc và tiếng nói của Tây Tạng được chú ý.

Khác với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thủ tướng Tây Tạng có thái độ trực diện hơn đối với Bắc Kinh trong các chỉ trích, lên án sự chiếm đóng Tây Tạng và việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng. Tuy nhiên, thủ tướng Tây Tạng vẫn tiếp tục phương pháp đấu tranh ôn hòa của người tiền nhiệm, không đòi độc lập với Trung Quốc, mà chỉ đòi quyền tự trị cho người Tây Tạng.

Mặc dù các kênh đối thoại với Bắc Kinh đều rơi vào bế tắc từ hai năm nay, theo thủ tướng Tây Tạng, ông chờ xem ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ là những người cứng rắn hơn hay ôn hòa hơn, tuy nhiên lịch sử 50 năm trong quan hệ với Trung Quốc đã để lại nhiều kinh nghiệm khiến người Tây Tạng không ảo tưởng.

Một trong các nhiệm vụ hàng đầu mà thủ tướng Tây Tạng cố gắng thực hiện là giữ được mối đoàn kết giữa những người Tây Tạng trong nước và những người tỵ nạn, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp ngăn cản các thông tin từ bên ngoài lọt vào trong nước.

Vẫn theo Le Figaro, hiện tại Bắc Kinh lo ngại nhất là vấn đề Tây Tạng bị quốc tế hóa, đặc biệt với các vụ tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây.

 Thứ Hai này, đại sứ Úc tại Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Kinh cho ông và các nghị sĩ Úc vào Tây Tạng để tìm hiểu về nguyên nhân đã dẫn đến các vụ tự thiêu kể trên.

Thảm sát tại một trường học Toulouse (Pháp) : « Khi trẻ em bị tấn công, … »

Vụ thảm sát tại trường Ozar-Hatorah – một trường học cho học sinh Do Thái tại thành phố Toulouse, làm thiệt mạng ba học sinh và một thầy giáo, mà nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 4 tuổi, là tâm điểm của các nhật báo Pháp.

 Trang nhất Le Figaro có bức hình lớn với tựa đề « Thảm sát Toulouse. Nước Pháp kinh khiếp ». "Thảm kịch quốc gia" là hàng tựa trên trang nhất La Croix.

Le Monde ghi nhận : « Ở Toulouse, kinh hoàng và lo sợ ». Trang nhất báo Libération, là tên các nạn nhân trong vụ thảm sát hôm qua, và hai vụ giết người trước đó, cũng tại vùng Toulouse, trên nền một màu đen tang tóc.

Le Figaro có bài « Tại Israel, vụ giết người được nhìn nhận như một thảm kịch quốc gia » với nhận định, các nhà lãnh đạo Israel đặt tin tưởng vào việc chính phủ Pháp sẽ tìm ra thủ phạm.

Le Figaro phỏng vấn bác sĩ tâm thần Pháp Christian Navarre, tác giả cuốn « Psy des catastrophes » (tạm dịch là Tâm lý con người với các thảm họa). Ông khẳng định : « Khi trẻ em bị tấn công, chính là toàn thể xã hội bị tổn thương ».

Người trả lời phỏng vấn nhấn mạnh đến những việc cần làm để giúp cho các em nhỏ, đặc biệt là các em bé dưới 3, 4 tuổi, vượt qua được cú sốc tinh thần, khi phải chứng kiến những hành động man rợ như vậy.

 Ông cho rằng phải có các hỗ trợ tâm lý thích đáng, để giảm nhẹ những chấn thương ở trẻ em, bằng cách cho các em vẽ hay nói về những người bạn qua đời, về hình ảnh bạn mình trong tâm tưởng chúng.

Cuộc truy tìm manh mối của thủ phạm đang được các cơ quan điều tra Pháp tiến hành. Trong bài viết « Nhân dạng của kẻ giết người đang được phác họa », Libération cho hay cơ quan an ninh đưa ra hai khả năng : thủ phạm có thể thuộc trào lưu cực hữu hoặc theo chủ nghĩa hồi giáo cực đoan.

Có rất nhiều yếu tố cho thấy thủ phạm của vụ thảm sát tại trường học Do Thái tại Toulouse, cũng là kẻ đã hai lần ra tay giết các binh lính nhảy dù, gốc người Bắc Phi, trước đó ít hôm cũng ở khu vực này.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp nhận định vụ thảm sát hôm qua là « một cuộc khủng bố ».

Libération chú ý đến ý kiến của một sĩ quan an ninh, theo đó, đây không phải là một vụ giết người hàng loạt, thủ phạm bắn bừa bãi vào đám đông, mà kẻ giết người đã lựa chọn một cách hết sức có ý thức các mục tiêu của hắn.

Về tính cách và động cơ của thủ phạm, Le Figaro có bài dẫn lại các nhận xét của các chuyên gia tâm thần.

Cũng giống với ý kiến của viên sĩ quan kể trên, nhà tâm thần học, chuyên gia của Tòa phúc thẩm Pháp Pierre Lamothe cũng nghiêng về phía cho rằng, kẻ giết người thực hiện hành động điên cuồng này là kẻ thực hiện mục tiêu một cách có chủ đích.

Cũng liên quan đến hàng động thảm sát tại trường học Do Thái, Libération có bài mô tả không khí gây hấn nhằm vào cộng đồng Do Thái ở quận 19 – Paris, nơi có một trường học tư lớn của người Do Thái, mà ngày hôm qua, nhiều người đã lên tiếng tố cáo.

Cháu gái Fidel Castro ủng hộ người đồng tính và chuyển giới

Về Cuba đang trong nhiều biến đổi lớn, Libération có bài “Mariela Castro, người bảo vệ các nhóm xã hội bị coi là ‘‘cặn bã’’ ».

Bài viết kể về người cháu gái của lãnh tụ cộng sản Fidel Castro, con gái của chủ tịch Cuba Raul Castro – em trai của ông Fidel.

Hiện nay, bà Mariela Castro lãnh đạo Cenesex, một trung tâm giáo dục tính dục, có mục đích chủ yếu là bảo vệ những người đồng tính và chuyển đổi giới tính Đây là một nhóm xã hội vốn bị Fidel Castro coi như là tội phạm trong một thời gian dài.

 Hiện nay, Trung tâm hỗ trợ người đồng tính và chuyến giới nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước. Mới đây, một người được giải phẫu chuyển giới tại một bệnh viện ở thủ đô La Habana, đã được nhà nước đài thọ hoàn toàn, với chi phí tương đương 15.000 euro. Đây là một trong số 16 người được chuyển đổi giới tính tại Cuba kể từ năm 2007.

 Một trong những người chuyển giới nổi tiếng là Wendy Iriepa – vốn là nữ - kết hôn với một người đồng tính và nhà đối lập Ignacio.

Trung tâm hỗ trợ người đồng tính và chuyển giới không chỉ tìm các nguồn tài trợ, mà còn là nơi hội thảo, tổ chức các can thiệp khi cần thiết, tiến hành nghiên cứu và khám bệnh. Các thành viên của trung tâm có thẩm quyền hướng dẫn các sinh viên theo học chuyên ngành tình dục học tại Đại học La Habana.

 Trung tâm có có bộ phận xuất bản các luận án tiến sĩ về chuyên ngành này và tạp chí Tình dục và Xã hội.

Mariela Castro, 49 tuổi, là một người hết sức cởi mở, được đào tạo trong ngành tình dục học, và đã từng theo học ở bậc cao tại Liên Xô cũ.

Từ năm 1987, bà đã tổ chức một nhóm làm việc về tính dục của trẻ nhỏ, trước khi lãnh đạo Trung tâm kể trên. Bà đã cố gắng không mệt mỏi để Cuba công nhận Ngày Quốc tế chống phân biệt đối xử với người đồng tính (17/05). Ngày 17/05/1990, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức đưa người đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần. Cũng vào thời điểm đó, lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã công nhận sự sai lầm của ông trong việc đối xử với những người đồng tính.

Cháu gái của Fidel Castro không chỉ bảo vệ người đồng tính và chuyển giới, bà là người đấu tranh không ngừng để bảo vệ các nhóm bị kỳ thị : như phụ nữ, người da đen, người độc thân, nông dân, người nhập cư, thành viên các nhóm tôn giáo thiểu số, …Tính cách sôi sục đấu tranh này bà được thừa hưởng từ người mẹ, cũng là người tham gia vào cuộc nổi dậy của hai anh em Castro chống chế độ Batista. Bà cũng là người sáng lập và chủ tịch Hội phụ nữ Cuba.

 Chính Mariela Castro đã chứng kiến ảnh hưởng rất lớn của mẹ đối với cha bà – người đứng đầu chế độ Cuba hiện nay.

Mục tiêu lớn hiện nay của lãnh đạo Trung tâm giáo dục tính dục là đấu tranh để nhà nước Cuba thừa nhận quyền được xuất ngoại của các công dân.

Thái độ của Mariela Castro rất thẳng thắn và không khoan nhượng, khác hẳn với cách ăn nói quan cách của các lãnh đạo cấp địa phương ở Cuba.

 Tuy nhiên, bất chấp những điều này, những người chống lại chế độ hiện hành ở Cuba tiếp tục coi cháu gái Fidel chỉ là một miếng mồi nhử, để chế độ Castro tỏ vẻ là nhân đạo.

Pháp : Nghiên cứu quốc gia về ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe

Thế giới hiện nay chúng ta sống tràn ngập các sóng điện từ, với các trạm ăng ten chuyển sóng, điện thoại hay internet không dây. Ngày càng có nhiều người bị coi là mắc bệnh do ảnh hưởng của các loại sóng này.

 Mới đây, một cơ quan công lập Pháp bắt đầu khởi sự nghiên cứu ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe.

Để đánh giá các tác động của sóng điện từ đến sức khỏe, những người tình nguyện tham gia thực nghiệm chấp nhận gắn một máy đo mức sóng điện từ. Cơ quan nghiên cứu sẽ theo dõi thể trạng của những người thực nghiệm trong vòng một năm, nhằm giúp cho người tham gia hiểu được các khung cảnh dẫn đến các triệu chứng bệnh lý.

 Một trong những người phụ trách cuộc nghiên cứu cho rằng, đây là một tiếp cận mang tính tâm lý trị liệu nhằm giúp người có vấn đề, đối phó với các chứng lo hãi, và thường có kết quả tốt. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, hiện chưa có một nghiên cứu nào, hay lập luận nào cho thấy sóng điện từ gây bệnh. Đây cũng là kết luận của một báo cáo vào năm 2009 của Cơ quan an toàn vệ sinh môi trường và lao động (Afsset).

Nhóm những người nhạy cảm với sóng điện từ của Pháp (Collectif des électrosensible de France), với gần 400 người ủng hộ, thì tẩy chay cuộc nghiên cứu này.

 Nhóm này cho rằng trong nghiên cứu dự định tiến hành, không có bất cứ một xét nghiệm nào, cũng không có các chiếu chụp. Nhóm này đòi hỏi cuộc điều tra khoa học này phải làm sáng tỏ được các triệu chứng, dựa trên các nghiên cứu đã được tiến hành trước đó, về phản ứng của cơ thể sống với sóng điện từ.

Lãnh đạo nhóm những người nhạy cảm với sóng điện từ Pháp, 32 tuổi, nguyên là một kỹ sư tin học, đã nghỉ việc từ tháng 7/2010, vì hội chứng tâm thần suy nhược, vì không chịu được môi trường điện từ.