Home Tin Tức Thời Sự Bộ trưởng Y tế Việt Nam: 'Nhiều bệnh viện ‘đang hấp hối’

Bộ trưởng Y tế Việt Nam: 'Nhiều bệnh viện ‘đang hấp hối’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 19 Tháng 3 Năm 2012 13:03

 “cơ chế quản lý đẩy bác sĩ đến chỗ nhận phong bì”

HÀ NỘI (NV) - Nhiều bệnh viện ở Việt Nam “đang hấp hối” vì thu không đủ bù chi. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y tế Việt Nam nói trong cuộc chất vấn trực tuyến hôm Thứ Sáu 16 tháng 3, 2012.

 

Một góc của phòng có 8 giường bệnh nhưng có đến 30 bệnh nhi ở bệnh viện Ung Bướu, Sài Gòn. (Hình: Người Lao Ðộng)

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều bệnh viện đang “tự ăn thịt mình” để có thể tiếp tục tồn tại.

 Tuy nhiên, không thấy bà giải thích cho người ta hiểu ý nghĩa của tình trạng “tự ăn thịt mình” đó là thế nào. Tức là tự bán trang thiết bị của bệnh viện, phải đi vay nợ để chữa bệnh cho người ta hay là gì khác.

Trong cuộc chất vấn trực tuyến này, bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề sắp sửa tăng giá biểu lên gấp nhiều lần về khám chữa bệnh cũng như nằm điều trị tại các bệnh viện tại Việt Nam.

Tuy là hệ thống bệnh viện công, được nhà cầm quyền đầu tư tiền bạc để chữa bệnh cho người dân, nhưng gần như người dân phải moi túi trả đủ mọi thứ lệ phí, chưa kể các phong bì “bồi dưỡng” cho bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện.

Từ ngày 15 tháng 4 năm 2012 tới đây, giá biểu các dịch vụ y tế tại Việt Nam tăng từ gấp đôi đến gấp 6 lần trong khi người ta hiểu bệnh viện công là bệnh viện “miễn phí” được nhà nước đầu tư để cung cấp dịch vụ y tế phục vụ dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến phủ nhận quan niệm bệnh viện công là bệnh viện “miễn phí”. Nó chỉ miễn phí đối với những người được xếp vào loại “chuẩn nghèo” hoặc “cận nghèo” thì được giảm tiền.

Nó cũng tương tự như ngành giáo dục. Nhà cầm quyền độc quyền giáo dục nhưng gia đình học sinh phải đài thọ đủ mọi loại phí tổn từ thu chính thức đến “tự nguyện” kiểu bắt buộc. Cũng vì vậy mà con nhà nghèo không có tiền đóng cho nhà trường thì phải nghỉ học ở nhà.

Tuy là bệnh viện công nhưng “có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn” về ngân sách hoặc nhà nước “chỉ cấp khoảng 30-40%” ngân sách mà nói chung “chỉ cấp tiền lương cơ bản” cho bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện, theo câu trả lời của bà Tiến.

Có người đặt câu hỏi là khi tăng lệ phí như vậy, liệu phẩm chất dịch vụ có tăng lên không, bà Tiến cho thấy sẽ không tăng theo tiền. Theo bà, tiền viện phí tăng mới chỉ bù đắp cho ba loại chi phí gia tăng trong 7 loại chi phí mà một bệnh viện phải gánh thì đừng nghĩ tới tăng “phẩm chất” dịch vụ y tế.

Tình trạng bệnh viện tại Việt Nam “quá tải” vì quá đông bệnh nhân trong khi khả năng của các bệnh viện chính ở hai thành phố lớn (Hà Nội và Sài Gòn) thì có giới hạn trong khi phẩm chất của dịch vụ thì thấp. Ðiều này diễn ra tại Việt Nam suốt nhiều năm qua vì ngân sách của nhà cầm quyền dành cho y tế quá thấp.

Một điều nghịch lý nhưng cũng dễ hiểu là các bệnh viện “tuyến dưới” từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều vắng khách. Người bệnh đã từ khắp nơi dồn về các bệnh viện ở Hà Nội và Sài Gòn xin chữa bệnh. Một trong những lý do chính yếu là các bệnh viện “tuyến dưới” thiếu các phương tiện kỹ thuật cũng như thiếu bác sĩ chuyên môn có khả năng.

Chuyện bác sĩ y tá ở các bệnh viện tại Việt Nam có “truyền thống” ăn hối lộ để bệnh nhân được cung cấp dịch vụ rất phổ biến.

 Lời kêu ca này ai cũng biết và có bệnh viện ở Hà Nội làm hẳn một tấm bảng bố cáo cấm bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đưa tiền hối lộ. Tuy nhiên, những trò này vẫn diễn ra.

Từ giữa năm 2009, Quốc Hội CSVN chuẩn bị “Luật khám bệnh, chữa bệnh, nhiều đại biểu Quốc Hội đã đề nghị luật khám bệnh, chữa bệnh phải hết sức chú trọng vào vấn đề y đức, giải quyết tối đa những tiêu cực trong khám bệnh, chữa bệnh.”

 Luật gì thì luật, chuyện phải hối lộ mới có dịch vụ ở các bệnh viện công Việt Nam vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” không có gì thay đổi.

Vì bệnh nhân không những ở địa phương mà còn từ các tỉnh dồn về, hầu như các bệnh viện công ở Sài Gòn và Hà Nội lúc nào cũng đông nghẹt người.

“Ðến các bệnh viện lớn ở Sài Gòn, hình ảnh bệnh nhân nằm, ngồi la liệt hoặc thân nhân trải chiếu ngồi dọc các hành lang, lối vào bệnh viện không còn lạ. Một giường có 3-4 bệnh nhi nằm là bình thường, chưa kể, 2-3 bệnh nhi nằm dưới gầm giường. Khái niệm nằm viện giờ đổi thành ‘ngồi viện’”.

 Báo Người Lao Ðộng ngày 1 tháng 12, 2011 kể.

Tại Viện Ung Bướu (chuyên trị ung thư) ở Sài Gòn thì báo NLÐ mô tả “dòng người đông đúc liên tục ra vào không bao giờ ngớt”. Khu trẻ em bị ung thư của bệnh viện này, trong một phòng nhỏ “hơn 30 bệnh nhi phải nằm chen chúc từ trên giường tới dưới sàn, mọi không gian đều được tận dụng...”

Ðánh chữ “y đức” trên mạng tìm kiếm google thấy hiện ra tới 75,700,000 đề mục liên quan đến vấn đề nhức nhối này tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Y tế nói trên báo VNExpress ngày 18 tháng 10, 2011 thì “cơ chế quản lý đẩy bác sĩ đến chỗ nhận phong bì”.

Trước đó chỉ vài ngày, ngày 13 tháng 10 năm 2011, một cuộc khảo sát của “Công đoàn y tế Việt Nam” cho kết quả là “mất niềm tin vào y, bác sĩ, dân mới phải hối lộ”. (T.N.)