Home Tin Tức Thời Sự Phim «Hoàng sa, nỗi đau mất mát» bị cấm chiếu ở Montpellier

Phim «Hoàng sa, nỗi đau mất mát» bị cấm chiếu ở Montpellier PDF Print E-mail
Tác Giả: Tường An, thông tín viên RFA   
Thứ Sáu, 16 Tháng 3 Năm 2012 06:15

Pháp cũng sợ mất lòng Trung Cộng

 Vào ngày 23 tháng 2 vừa qua, cuộn phim tài liệu «Hoàng Sa, Nỗi đau mất mát» của ông André Menras Hồ Cương Quyết lại bị cấm chiếu ở thành phố Montpelleir, một thành phố ở miền Nam nước Pháp.

AFP photo

Andre Menras Hồ Cương Quyết tại mô hình biên giới Việt Nam tại Bảo tàng cách mạng Hà Nội hôm 09/12/2011.

Sau khi bộ phim «Hoàng Sa, nỗi đau mất mát» của André Menras, còn có tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết đã bị cấm chiếu ở Việt Nam ngày 29 tháng 11 năm 2011, mang đứa con tinh thần về đến Pháp, quê hương của ông, một lần nữa, phim của tác giả có hai quốc tịch Pháp Việt này lại bị cấm chiếu ngày 23 tháng 2 năm 2012 tại thành phố Montpellier, miền Nam nước Pháp.

Chỉ là một cuốn phim tài liệu nói lên hoàn cảnh khó khăn của ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, nhưng nó đã mang một số phận không may kể từ ngày ra đời. Bị cấm lên tiếng trên quê hương thứ hai của tác giả, nó còn bị bóp cổ lần nữa trên chính quê hương thứ nhất của ông. Nơi đã từng là cái nôi của Cách mạng, của Nhân quyền. Chúng tôi có cuộc tiếp xúc với ông Hồ Cương Quyết để tìm hiểu lý do.


Chuyện khó chấp nhận

Tường An : Thưa ông Hồ Cương Quyết, chúng tôi được biết rằng phim «Nỗi đau mất mát»  của ông đã bị cấm chiếu vào ngày thứ năm 23 tháng 2 tại thành phố Montpellier do bà phó Giám đốc phụ trách quan hệ Quốc tế của Montpellier quyết định, ông có thể cho biết lý do mà họ đưa ra như thế nào không ạ ?

Hồ Cương Quyết : Chính quyền của thành phố Montpellier đã từ chối cho thuê một phòng công cộng của thành phố để chiếu phim «Nỗi đau mất mát».
Lý do thứ nhất là phim này có thể gây khó khăn cho quan hệ kinh doanh giữa thành phố Montpellier và Trung quốc. Lý do thứ hai họ nói rằng phim này là một phim khiêu khích, phân biệt văn hóa giữa hai dân tộc. Thứ ba, họ nói phim này không có tính chất tài liệu mà dùng chính trị.

Tường An : Được biết thành phố Montpellier là thành phố kết nghĩa với thành phố Chengdu của Trung Quốc, tại đây cũng có nhiều sinh viên Trung quốc đến du học và tại đây có một Hội Chợ để giới thiệu rượu vang đến thị trường của Trung Quốc, theo ông, các lý do vừa nêu có chính đáng ?

Hồ Cương Quyết : Nói chung là họ tìm những lý do giả tạo để tránh chiếu phim này, trong khi họ định kinh doanh rượu vang với Trung quốc, là một quan hệ, nhưng quan hệ kinh doanh. Nhưng đô-la từ Trung quốc đến có khi là rất dơ, là không bao giờ sạch sẽ. Đô-la từ dân tộc Trung quốc bị bóc lột mà đến, không thể chấp nhận được. Thành phố Montpellier hy vọng sẽ mở một thị trường lớn ở Trung quốc. Hy vọng ! nhưng cái đó là chưa chắc chắn, bởi vì còn phải cạnh tranh với Nam Mỹ, với Úc, với Chi-li, Tây Ban Nha. Hy vọng thì rất lớn mà có thể kết quả thì rất ít. Trong khi đó, họ bỏ nguyên tắc của Tự do, Dân chủ của dân tộc. Đó là thái độ của người mù, kể cả là ngu dốt.

Bạn bè Pháp và Việt kiều hết sức phản đối những thái độ phân biệt về quan điểm của công dân ở đây. Có thể nói là ăn cắp tiền của người dân để có thông tin.

Tường An : Tại Việt Nam, phim của ông bị cấm là chuyện có thể hiểu được, thế nhưng, tại Montpellier, một thành phố cánh tả và là thành phố của một nước có nền Dân Chủ lâu đời là Pháp mà phim ông cũng bị cấm chiếu, quả thật là chuyện khó có thể chấp nhận được. Ông nghĩ thế nào về nước Pháp qua sự kiện này ?

Hồ Cương Quyết : Ở Việt Nam, ở Sài gòn, người ta có thể cấm vì ở đó là chế độ độc đảng, có thể là độc tài luôn. Nhưng ở Pháp, người ta nói là một nước Dân chủ, một xã hội Tự do. Đặc biệt là bây giờ đang có chiến dịch bầu cử Tổng thống, người ta hằng ngày nói về tự do mà mặt khác không cho người ta nghe về tình trạng bi kịch của đồng bào ở miền Trung bị Trung Quốc uy hiếp, hành hạ hàng ngày mà cái đó mình không thể chấp nhận được.

Chính quyền của thành phố này là chính quyền cánh tả, có nghĩa là tiến bộ mà đối xử như vậy đối với Nhân quyền, Tự do là rất nguy hiểm cho xã hội Pháp và có ảnh hưởng rất xấu. Có thể nói là truyền thống đấu tranh cho Tự do của dân tộc Pháp bị xúc phạm. Dân tộc Pháp không xứng đáng với truyền thống dân chủ và tự do của Pháp.
Một ngư dân Pháp bị nước Tây Ban Nha hay nước Ý bắt và hành hạ như vậy, cả dân tộc Pháp sẽ đứng lên và sẽ phản đối. Nhưng mà ở Việt Nam, hàng trăm người dân bị như vậy hàng ngày mà không ai nói gì, như vậy sao được ? Người ta nói là nước của Nhân quyền, nhân quyền cái gì ? Im lặng như vậy không phải chỉ là hèn mà im lặng như vậy còn là không xứng đáng là nhà chính trị của một nước có truyền thống như nước Pháp. Tôi không bao giờ bi quan về chuyện đó bởi vì tôi biết chắc chắn là dân tộc Pháp không bao giờ chịu như vậy, không bao giờ !


Không nản lòng


Ông André Menras phỏng vấn vợ một ngư dân mất tích ở Bình Châu (Quảng Ngãi). Photo courtesy of danchimviet


Tường An : Sau khi bị cấm chiếu ở rạp Martin Luther King, ông có dự định tiếp tục chiếu phim này ở tại thành phố này không ạ ?

Hồ Cương Quyết : Như tôi đã nói là nếu mình có lý, mình có tình, mình có chính nghĩa thì mình không bao giờ cái ý muốn của mình, cái nhiệm vụ đoàn kết đối với đồng bào ngư dân ở miền Trung. Chúng tôi đang tìm một phòng chiếu phim riêng có thể sang trọng hơn để kêu gọi người ta xem phim này và để trao đổi và để khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển đảo, đặc biệt là Hoàng sa. Thứ hai nữa, những kẻ đàn áp, cấm đoán phim này phải hiểu rằng : càng cấm đoán, càng đàn áp phim này chính là càng quảng cáo cho phim này. Thái độ của chính quyền thành phố Montpellier đã quảng cáo cho phim này. Vậy thì mình có thể nói cám ơn họ ! 

Tường An : Ở Pháp phim ông đã được chiếu ở Paris vào tháng 1 vừa qua, tại Lyon vào tháng 2 và trong tương lai sẽ chiếu ở Toulouse, ngày 13/3 ở Beziers, cuối tháng 3 ở Bobigny. Sau đó sẽ phim «Nỗi đau mất mát" sẽ tiếp tục đến Berlin, Cologne, Praha, Vac-xa-va..v.v… Ông có chờ đợi phim sẽ bị cấm trình chiếu ở những thành phố sắp tới không ạ ?

Hồ Cương Quyết : Thì nếu mà có thì mình sẽ phản đối, không bao giờ bỏ cuộc, bởi vì phim này là một phim tài liệu mà, không phải là một phim chính trị để xúi người ta phân biệt dân tộc. Phim này là rất hòa bình, hết sức hòa bình ! Phim này dựa vào cái cơ bản nhân đạo của con người, về quyền con người. Ai mà dám cấm cái đó và nói phim này là chính trị ? Trong cuộc đời của mình, tất cả đều là chính trị. Nhưng mà, đó chỉ là lý luận của chính quyền thành phố Montpellier, hết sức giả tạo, không thể chấp nhận được. Đặc biệt là ở nước Pháp, người ta có thể nói chính trị ở khắp mọi nơi : trong quán cà phê, ở nhà, trên đường  phố , không phải như ở Việt Nam. Ở Việt Nam nói chính trị là nguy hiểm. Còn ở Pháp… truyền thông mà !!!

Tường An : Xin cám ơn ông Hồ Cương Quyết đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này ạ.

Hồ Cương Quyết : Tôi cũng xin cám ơn và bảo đảm tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc và sẽ cố gắng đi hết con đường đó bởi vì người dân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với sự giúp đỡ của mình…

Cuộc trao đổi chấm dứt trong sự xúc động nghẹn ngào của ông Hồ Cương Quyết. Một người Pháp với tâm hồn rất Việt. Hy vọng rằng thông điệp yêu thương của ông về những cảnh đời khốn khổ của những ngư dân bị áp bức sẽ làm rung động trái tim của những ai còn là người Việt Nam.