Home Tin Tức Thời Sự Cử tri Ấn Độ lên tiếng về hệ thống

Cử tri Ấn Độ lên tiếng về hệ thống PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 06 Tháng 3 Năm 2012 16:23

Cử tri Ấn Độ đánh tiếng chuông cảnh báo giới chính khách

Cử tri Ấn Độ gửi thông điệp tới giới cầm quyền rằng tham nhũng và dịch vụ công yếu kém không làm họ hài lòng, bất kể các chính trị gia có nguồn gốc con ông cháu cha hay mỵ dân ra sao.

Trong cuộc bầu cử các tiểu bang của Ấn Độ, đảng Quốc Đại hiện nắm quyền ở cấp liên bang sẽ đón nhận kết quả tồi tệ nhất khi kiểm phiếu được công bố cuối ngày hôm nay 6/3.

Ông Rahul Gandhi từ dòng họ chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ đã vận động ráo riết ở tiểu bang đông dân nhất nước, Uttar Pradesh nhưng hiện đảng của ông chỉ về thứ tư.

Gốc tích gì cũng bị chê

Tại đây, đảng Xã hội chủ nghĩa Samajwadi đang dẫn đầu trong lúc đảng Bahujan Samaj của bà Mayawati, một người thuộc tầng lớp cùng khổ (dalit - hạ đẳng) trong hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ hiện đang cầm quyền tại Uttar Pradesh cũng có thể bị thua.

Trước đây, bà từng là biểu tượng của một thời đại vượt lên phân biệt đẳng cấp nhưng vì thành tích cầm quyền không sáng sủa nên cũng mất phiếu cử tri.

Nay khẩu hiệu "vượt lên trên phân biệt đẳng cấp và tôn giáo" lại đang do đảng Xã hội chủ nghĩa Samajwadi nắm.

Rahul Gandhi dù thuộc dòng tộc nổi tiếng đã không thuyết phục được cử tri Uttar Pradesh

 

Tuy thế các nhà bình luận cũng tin rằng sự ủng hộ cho phe tả ở Uttar Pradesh không phải là động cơ chính.

Lý do cơ bản là người dân ở tiểu bang đông nhất nước Ấn Độ thất vọng trước bộ máy cầm quyền nói chung, bất kể các quan chức thuộc đảng gì.

Theo một biên tập viên Nam Á của BBC thì ý thức về sức mạnh lá phiếu dân chủ khiến trên 60 phần trăm cử tri Ấn tham gia bầu cử địa phương.

Bà Mayawati, người từng cầm quyền năm năm qua ở tiểu bang Uttar Pradesh bị phê phán vì chi tiền công quỹ vào dự án dựng các bức tượng khổng lồ của chính bà trong nhiều công viên, và đã thất bại không cải cách được hệ thống y tế và giáo dục công.

Trái với ví dụ 'gốc nhà nghèo' của bà Mayawati, ông Rahul Gandhi là người có nguồn gốc 'cao quý'.

Nhưng dùng danh tiếng trong quá khứ của một triều đại chính trị ba bốn đời như ông cũng không thể khiến người dân tăng sự ủng hộ.

'Hoàng tử' Rahul Gandhi, con trai của cựu thủ tướng Rajiv Gandhi, cháu của Nữ thủ tướng Indira Gandhi và chắt của Thủ tướng Nehru thuộc đảng cầm quyền Quốc Đại, đã không dấu được sự thất vọng khi nói chuyện với báo chí trong ngày.

Hiện ông là dân biểu liên bang từ Uttar Pradesh.

Mẹ ông, bà Sonia Gandhi, người gốc Ý, hiện nắm chức chủ tịch đảng Quốc Đại.

Báo chí Ấn Độ đã nói từ năm năm qua, đảng Quốc Đại có dựa vào uy tín gia đình của ông Rahul để thuyết phục cử tri nhưng bản thân ông không phải là nhân vật hấp dẫn quần chúng.


Hồi cuối năm 2011, hàng vạn người đã xuống đường biểu tình chống tham nhũng ở Dehli

 

Chưa kể như cử tri muốn trừng phạt đảng Quốc Đại vì hai năm cầm quyền vừa qua.

Năm 2011, hàng vạn người đã xuống đường biểu tình chống tham nhũng ở Dehli và một cụ già là Anna Hazare bỗng trở thành nhân vật nổi tiếng vì đòi các chính trị gia tham nhũng phải từ chức.

Phong trào này đánh dấu một biến đổi trong chính trị Ấn Độ và cho thấy các ràng buộc truyền thống cũng như sắc tộc, tôn giáo không phải là chất kết nối người dân.

Trái lại, chính tinh thần tăng sự đòi minh bạch, tính trách nhiệm trong bộ máy công quyền đang lôi cuốn hàng triệu người ở quốc gia đông dân nhất Nam Á.

Các nhà bình luận cho rằng đây là chỉ dấu đảng Quốc Đại phải có một nghị trình cải cách mới nếu muốn thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ ở cấp liên bang năm 2014.

Uy tín của liên minh cầm quyền ở chính phủ cấp toàn quốc, với đảng Quốc Đại đóng vai trò chính, bị giảm sút vì các vụ scandal tham nhũng và sự tấn công của các đảng nhỏ nhưng biết tập hợp lực lượng nhằm ngăn các dự luật mà chính phủ muốn thông qua.

Các cuộc bầu cử cũng diễn ra tại các bang Punjab, Uttarakhand và cả bang có phiến quân phá hoại là Manipur, cùng các bang phía Tây như Goa.

Hiện Manipur và Goa do đảng Quốc Đại nắm còn phe đối lập làm chủ Punjab và Uttarakhand.