Người biểu tình phản đối Putin bị bắt |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 06 Tháng 3 Năm 2012 16:09 |
Có 300 người bị bắt giữ trong tổng số khoảng 800 người biểu tình Ông Navalny đã gọi những người lãnh đạo nước Nga là 'lừa đảo và trộm cắp'
Cảnh sát Nga đã bắt giữ 550 người trong các cuộc biểu tình phản đối Vladimir Putin đắc cử tổng thống, trong đó có người lãnh đạo biểu tình là Alexey Navalny. Ở St Petersburg có 300 người bị bắt giữ trong tổng số khoảng 800 người biểu tình, theo cảnh sát thành phố này. Các quốc gia trên thế giới đã chấp nhận chiến thắng của Putin hôm Chủ nhật ngày 4/3 nhưng các nhà quan sát cho rằng cuộc bầu cử đã thiên vị về phía Putin. Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi điện cho Thủ tướng Putin bày tỏ mong muốn được làm việc chung với ông để "vượt qua những trở ngại trong quan hệ giữa Anh và Nga và xây dựng các mối liên hệ chính trị và thương mại sâu sắc hơn", theo một thông cáo từ phố Downing. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chúc mừng Putin và hối thúc ông "tiếp tục công việc hiện đại hóa dân chủ và kinh tế". Trước đó, ngoại trưởng nước này Alain Juppé nhận xét cuộc bầu cử tổng thống Nga "không phải là kiểu mẫu" nhưng cũng nói thêm rằng chiến thắng của ông Putin là điều không thể bàn cãi. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều đã yêu cầu chính phủ Nga điều tra các cáo buộc về những bất thường trong bầu cử. ‘Lừa đảo và trộm cắp’ Thủ lĩnh biểu tình Navalny là một luật sư. Ông đã viết trên blog của mình về tình trạng tham nhũng ở Nga. Ông cho biết ông bị cảnh sát buộc tội xâm phạm chính quyền trong một thông điệp được chuyển tải trên Twitter. Ông cho biết ông đã được cho phép gặp luật sư và xem cảnh bắt giữ mình trên tivi. Một vài giờ sau ông được thả. Trước đó, cả Navalny và Sergei Udaltsov, một thủ lĩnh biểu tình khác, đều diễn thuyết trước đám đông khoảng từ 14.000 đến 20.000 người ủng hộ ở Quảng trường Pushkin ở thủ đô Moscow. Cả hai ông đều đã từng bị bắt vì các hoạt động chống đối chính quyền của mình. Navalny nói rằng "những kẻ lừa đảo và trộm cắp" đang nắm quyền ở nước Nga và chỉ những người biểu tình mới có thể ngăn chặn được điều này. Mọi người tin rằng ông Udaltsov không chịu rời quảng trường sau cuộc tập hợp khi cảnh sát chống bạo động bắt đầu giải tán đám đông. Một cuộc tập hợp đồng thời khác để ủng hộ Putin cũng diễn ra ở Quảng trường Manege ngay bên cạnh điện Kremlin với khoảng 14.000 người tham gia. Andrei Isayev, một quan chức cấp cao của Đảng nước Nga thống nhất cầm quyền, mở màn cuộc tập hợp với khẩu hiệu ‘Nước Nga, Putin, chiến thắng’ mà sau đó được đám đông hô to. Phe đối lập đang lên kế hoạch biểu tình nữa vào cuối tuần này. ‘Chiến thắng được đảm bảo’ Ông Putin dự kiến lại có sáu năm làm tổng thống Nga
Giữa bối cảnh có các cáo buộc về vi phạm lan rộng trong cuộc bầu cử ngày 4/3, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE đã hối thúc chính phủ Nga tiến hành điều tra toàn diện. Trong một thông báo, các giám sát viên cho biết trong khi tất cả các ứng viên đều được vận động một cách tự do thì đã có những ‘vấn đề nghiêm trọng’ ngay từ đầu. “Mục đích của các cuộc bầu cử là chúng ta luôn không biết chắc kết quả,” Tonino Picula, người điều phối sứ mạng giám sát bầu cử của OSCE, nói. “Nhưng điều này không đúng ở Nga. Không có canh trạnh thật sự và các nguồn lực chính phủ bị lạm dụng để đảm bảo rằng người chiến thắng chung cuộc trong cuộc bầu cử là việc không thể bàn cãi.” Trước đó, Golos, một cơ quan giám sát bầu cử độc lập hàng đầu của Nga, cho biết họ nhận được hơn 3.000 báo cáo về gian lận phiếu. Golos nói rằng theo các cuộc thăm dò bên ngoài phòng phiếu của họ thì Putin thật ra chỉ giành có hơn 50% phiếu bầu. Với kết quả này thì ông vẫn trúng cử ngay từ vòng một. Còn cuộc thăm dò tương tự của truyền hình nhà nước Nga cho thấy Putin giành được khoảng 59% phiếu bầu. Các cáo buộc khác, trong đó có các video cho thấy bằng chứng những bất thường trong cuộc bầu cử, đang được lan truyền trên mạng. Có tin cho biết có những trường hợp bỏ phiếu hàng loạt – các cử tri được di chuyển bằng xe buýt đến những điểm bỏ phiếu khác nhau để bỏ nhiều phiếu và một số cử tri được trả tiền để bầu cho Putin. Ông Putin đã phục vụ hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2000 cho đến 2008. Ông chuyển sang làm thủ tướng bốn năm trước vì Hiến pháp Nga không cho phép làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp. Ông sẽ trở lại điện Kremlin vào tháng 5 để thay thế đồng minh thân cận của ông là tổng thống mãn nhiệm Dmitry Medvedev và tại vị cho đến năm 2018. Khi đó ông có thể tranh cử thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.
|