Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-03-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-03-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Ba, 06 Tháng 3 Năm 2012 12:55

Điện Kremlin cần phải thay đổi theo nước Nga

 

Phe đối lập Nga tố cáo bầu cử có gian lận và kêu gọi biểu tình ngày 10/03/2012 (REUTERS)

 

Kết quả bầu cử tổng thống tại Nga chiếm hầu hết nhiều trang báo Pháp số ra hôm nay.

 Với việc đạt được gần 64% phiếu bầu, thủ tướng Nga đương nhiệm đã chính thức được bầu chọn làm tổng thống nước Nga. Tuy nhiên, theo báo chí Pháp, ông Putin đã giành chiến thắng nhưng không minh bạch.

Các báo đều cho rằng có sự gian lận trong bầu cử. Theo ghi nhận của phe đối lập ở Nga, tại các điểm bỏ phiếu, gian lận đã được sử dụng dưới mọi hình thức.

 Công chức nhà nước bị cấp trên ép buộc phải bỏ phiếu cho ông Putin, nếu không sẽ bị cắt tiền thưởng. Hay bỏ phiều lần tại nhiều nơi khác nhau.

Các quan sát viên cho biết có nhiều nhóm cử tri được chở đến bỏ phiếu đến từ những vùng hay thành phố khác. Hoặc như cử tri được trả tiền (khoảng 50€) để bỏ phiếu cho ông Putin.

Tổ chức vì an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng lên án có sự bất thường trong việc kiểm và đếm phiếu. OSCE đã chỉ trích tiến trình tranh cử đã có xu hướng thiên vị cho một ứng viên.

Theo nhận định của các tờ báo Pháp, ông Putin có thể đắc cử tổng thống nhưng không phải ngay từ vòng một và tỷ lệ bỏ phiếu cho ông sẽ không cao theo như kết quả công bố. Ông chỉ có thể đạt nhỉnh hơn 50% phiếu bầu.

 La Croix cho rằng « Gian lận làm hoen ố chiến thắng của Vladimir Putin ». Và đây cũng chính là nguyên nhân nuôi dưỡng thêm làn sóng phản đối hậu bầu cử.

Tuy nhiên, các báo Pháp cũng chú ý đến một hiện tượng là trước và sau bầu cử, cảnh sát và lực lượng an ninh tại Nga đã được huy động đến mức tối đa như thể nước Nga đang trong tình trạng khẩn cấp.

Theo nhận xét của Les Echos, thì « Kremlin đang tìm cách làm suy giảm dần làn sóng phản đối trong nước ».

 Một mặt chính quyền Nga cho triển khai một đội quân cảnh sát và quân đội đông đảo tại Matxcova để trấn áp đoàn người biểu tình.

 Mặt khác, chính phủ cũng đánh tiếng sẽ xem xét khả năng trả tự do cho ông Mikhail Khodorkovski, bị kết án 13 năm tù và đang thọ án từ năm 2003. Les Echos cho rằng chính quyền Nga đang chơi trò « cây gậy » và « củ cà rốt » nhằm xoa dịu làn sóng phản đối.

Trong khi đó Libération có cái nhìn khá khắt khe hơn khi cho rằng « Nước Nga : sau gian lận là dùi cui ». Bài báo cho biết là hôm qua (thứ hai 05/03), cuộc biểu tình phản đối chống Putin đã kết thúc trong bạo lực, dù rằng đây là một cuộc biểu tình được cho phép.

Cảnh sát đã dùng dùi cui tấn công vào người biểu tình, khi những người này từ chối rời quảng trường Pouchkine.

Hàng trăm người đã bị bắt giữ trong đó có nhiều nhân vật tiêu biểu của làn sóng phản đối. Tuy nhiên, Libération cũng nhận thấy rằng làn sóng phản đối lần này không đông đảo như những lần trước. Libération cho rằng dường như đám đông đã bị đè nén dưới một cảm giác « bị sỉ nhục ». Bởi lẽ, bất chấp lời kêu gọi một cuộc « bầu cử trung thực » và những lời hứa hảo của chính quyền, gian lận vẫn xảy ra tại các điểm bỏ phiếu.

Nhận định về việc số người tham gia biểu tình chống Putin có phần suy giảm so với những lần trước, báo Le Figarro cho rằng « tại Matxcova, những người phản đối dao động giữa sự nổi dậy và sự cam chịu ».

Theo giải thích của một số nhân chứng tại Nga với Le Figaro, sở dĩ có nhiều người Nga bỏ phiếu cho Putin là vì ngay trước ngày bỏ phiếu, « chính phủ đã cho tăng lương của nhiều hạng công chức. Trước hiện tượng gian lận tràn lan, nhiều người dân Nga đã tỏ ra quá ngao ngán và mệt mỏi, cho rằng « giờ khó có thể mà đẩy lùi được Putin ».

Điện Kremlin cũng phải thay đổi với nước Nga

Thế nhưng, báo Le Monde cho rằng, làn sóng biểu tình phản đối tại Nga cho thấy một nước Nga mới đang hình thành. Do đó, dù được cho là người chiến thắng thật sự nhưng theo Le Monde thì ông Putin cũng nên đi theo xu thế phát triển của đất nước. Lời nhận định này đã được báo Le Monde phản ảnh qua bài xã luận « Điện Kremlin cũng phải thay đổi với nước Nga ».

Bất kể là giọt nước mắt của Putin biểu lộ sự vui mừng chiến thắng hay tức giận, chiến thắng lần này cũng mang một vị đắng. Vì ngay tại Matxcova, ông đã không giành được chiến thắng tuyệt đối. Một chiến thắng mà chưa bao giờ ông phải chiến đấu để mà có được.

Điều này có nghĩa là nước Nga đã thay đổi. Đợt biểu tình diễn ra hôm 4/12 năm vừa qua, phản đối kết quả bầu cử quốc hội gian lận đã minh chứng cho thấy sự trỗi dậy của một tầng lớp công dân mới. Một tầng lớp công dân trung lưu, thuộc các đô thị, và có học thức. Nhưng nghịch lý là chính họ là những người đã góp phần làm cho nước Nga trỗi dậy và trở nên thịnh vượng dưới thời Putin.

Nhưng họ cũng muốn có một nước Nga bình thường và hiện đại, chứ không phải là một nước Nga đầy rẫy tham nhũng và luôn trong nõi ám ảnh làm sống lại những giá trị giả tạo thời Xô viết cũ.

Bài xã luận cho rằng, những người biểu tình cũng có cái lý của họ khi kêu gọi tập hợp lại lần nữa để phản đối bầu cử gian lận. Dĩ nhiên là ông Putin phải lên tiếng gạt bỏ mọi lời cáo buộc khi tuyên bố rằng đây là cuộc bầu cử « minh bạch nhất trong lịch sử của nước Nga ».

Bài xã luận cũng nhận xét rằng với làn sóng phản đối « không có một tổ chức thật sự, cũng không có tiếng nói chính trị » có thể sẽ sớm lụi tàn.

Nhưng bài xã luận cũng cho rằng nếu ông Putin muốn hiện đại hóa đất nước, đa dạng hóa nền kinh tế và đưa nước Nga thành một đối trọng trên trường quốc tế thì ông phải lắng nghe và hợp tác với tầng lớp mới này.

Cuối cùng bài xã luận cũng nhận xét rằng có lẽ chính vì vậy mà ông Putin đã có một số nhượng bộ : giảm nhẹ các quy định đăng ký thành lập các đảng chính trị, cho phép tổ chức biểu tình, xem xét lại bản án của ông Mikhail Khodorkovski.

Tổng thống Nga Putin cần phải đi xa hơn nữa và chứng tỏ rằng nếu nước Nga đã thay đổi, thì ông cũng có thể đi theo sự phát triển.

Trung Quốc giảm tăng trưởng để cải thiện các chính sách xã hội

Về thời sự châu Á, các báo Pháp đều quan tâm đến phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc khai mạc vào ngày hôm qua 05/03.

Nhìn chung, các báo Pháp đều nhận định rằng chính sách của Trung Quốc cho giai đoạn sắp tới là tập trung cho các chính sách xã hội.

Cuộc sống của những lao động di cư là mối bận tâm chính của chính quyền Trung Quốc trong phiên họp Quốc hội thường niên, khai mạc ngày hôm qua.

 « Bắc Kinh muốn cải thiện số phận của người lao động di cư », « Đối mặt trước sự bất bình của người dân, Bắc Kinh sẵn sàng nới lỏng » lần lượt là tiêu đề của hai bài viết trên nhật báo công giáo La Croix và nhật báo kinh tế Les Echos. Theo cả hai tờ báo, Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu là giảm tốc độ tăng trưởng từ 9,2% trong năm 2011 xuống còn 7,5% cho năm nay.

Báo Le Figaro trong bài viết « Bắc Kinh ưu tiên cho an ninh trong nước », nhận xét rằng việc cân đối lại mức tăng trưởng nhằm mục đích làm giảm khoảng cách ngày càng lớn về mức thu nhập giữa người giàu và nghèo. Một quan điểm cũng được Les Echos đồng chia sẻ.

 Việc ấn định mức tăng trưởng hàng năm thấp hơn như những lần trước biểu hiện thái độ lo lắng của chính quyền Bắc Kinh.

Theo đó, mục tiêu hàng đầu hiện giờ là phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Theo ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc, đã đến lúc cần phải tăng sức mua của người dân. Ông đề nghị là phải phổ biến hóa các kỳ nghỉ có trả lương, thúc đẩy nhanh hơn nữa các dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp và bình ổn giá thị trường địa ốc.

Ông Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và y tế. Một điểm đáng chú ý là ông cũng lưu tâm đến điều kiện sinh sống của lớp công nhân di cư tại các khu công nghiệp lớn.

Theo La Croix thì tầng lớp công nhân này hiện nay vẫn bị xem là những công dân hạng hai của vùng.

 La Croix cho rằng hơn 200 triệu công nhân đến từ các vùng nông thôn lại là đầu tàu cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ lại không được hưởng những quyền lợi như những người thuộc địa phương mà họ đến làm việc, mà nguyên nhân chính là do chính sách « hộ khẩu » (từ do Les Echos sử dụng).

Ngoài ra, ông Ôn Gia Bảo còn nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải đấu tranh nghiêm khắc chống lại nạn chiếm dụng đất đai của nông dân, mà theo ông là động cơ chính của các vụ xung đột xã hội tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Nhìn chung, bài phát biểu của ông Ôn Gia Bảo tựu chung ở những điểm chính : phát triển giáo dục, cải tiến, an ninh xã hội, nhưng ông lại né tránh đến vấn đề « cải cách chính trị » như nhận xét của báo Le Monde.

 Còn Les Echos cho rằng ông đã đề cập đến chủ đề này một cách « thận trọng » mà không quên đề cao « các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ».

Bài báo không quên nhắc lại rằng vừa qua người dân làng Ô Khảm đã tiến hành bầu thành công lãnh đạo làng của mình.

Một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và chưa từng có tại Trung Quốc được báo chí trong nước cũng như thế giới đều quan tâm đến.

Tuy nhiên, « Bắc Kinh lại ưu tiên cho an ninh trong nước » là ghi nhận của báo Le Figaro. Theo bài báo, ngân sách chi cho an ninh quốc nội của Trung Quốc cho năm nay tăng 11,5%. Gần 85 tỷ euro sẽ được chi cho công an, các cơ sở an ninh của chính phủ và nhà tù. Một mức chi còn cao hơn cả cho quốc phòng (gần 76 tỷ euro).

Ông Ôn Gia Bảo nói « cần phải ngăn chặn những vụ việc đơn lẻ có thể biến chuyển thành những vụ việc lớn và phải xúc tiến sự hài hòa và ổn định ».

 Le figaro cho biết, trong giai đoạn 1993 và 2010, số lượng biểu tình của người dân tăng hơn mười lần, từ 8700 vụ lên 90 ngàn vụ. Có nghĩa là trung bình mỗi ngày tại Trung Quốc có khoảng 246 vụ nổi dậy.