Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-03-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-03-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 05 Tháng 3 Năm 2012 13:29

Thắng lợi của ông Putin không che được sự suy yếu của tổng thống Nga tương lai

  

Một bức biếm hoạ ở Matxcơva châm biếm ứng cử viên Putin (REUTERS /Pawel Kopczynski)

 

Le Figaro hôm nay chạy trên trang nhất tin về kết quả bầu cử Nga với hồ sơ « Thắng lớn, ông Putin trở lại điện Kremlin » với nhận định :

 thủ tướng Nga đắc cử tổng thống ngay trong vòng một, nhưng các quan sát viên độc lập ghi nhậncó rất nhiều vụ gian lận trong quá trình bỏ phiếu.

« Một Putin mới » - bài xã luận của Le Figaro – nêu ra nhận xét, ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin, nhưng trong các điều kiện rất khác so với hai nhiệm kỳ tổng thống trước.

 Cũng theo tờ báo, thắng lợi của ông Putin trong cuộc bầu cử này là không thể bác bỏ, nhưng chiến thắng này có được phụ thuộc vào việc nhiều ứng cử viên đã bị loại khỏi danh sách và bản thân kết quả bầu cử cũng bị nghi ngờ là dính đến nhiều vụ giả mạo, giống như cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 12/2011.

Thắng lợi của ông Putin không che lấp được sự suy yếu của tổng thống Nga tương lai.

 Một lực lượng đối lập mới đã xuất hiện, lực lượng này hiện thời không đủ mạnh để buộc ông Putin phải tranh cử thêm ở vòng hai, nhưng rất có thể đối lập mới sẽ tiếp tục tồn tại trong suốt thời kỳ ông Putin nắm quyền.

 Việc lực lượng đối lập mới xuất hiện thể hiện các khát vọng của một tầng lớp trung lưu mới ở các đô thị Nga. Sự xuất hiện của lực lượng này phản ánh một trong các thành công của thời kỳ Putin, đó là việc đưa nước Nga thoát ra khỏi nghèo đói, nhưng phong trào phản kháng của đối lập cũng thể hiện sự thất vọng trước tình trạng bế tắc của hệ thống chính trị hiện nay ở nước Nga.

Bài xã luận của Le Figaro kết luận chính quyền Putin sẽ phải nỗ lực thành công trong việc hiện đại hóa nước Nga, điều mà tổng thống tiền nhiệm Medvdev không làm được.

 Mà việc cải cách nước Nga bao hàm việc mở cửa ra thế giới và từ bỏ chính sách chiến tranh lạnh, đây là điều mà dường như đã trở lại thành trung tâm của đường lối chính trị của điện Kremlin trong thời gian gần đây.

Cũng trong hồ sơ cuộc bầu cử tống thống Nga, Le Figaro có bài mô tả tiến trình bầu cử, bị nhiều quan sát và thành viên đối lập tố cáo là có nhiều gian lận.

 Về mặt hình thức, để tránh bị chỉ trích thủ tướng Putin đã cho lắp đặt các camera (nối mạng internet) tại tất cả các nơi bỏ phiếu, để ai muốn cũng có thể quan sát quá trình bỏ phiếu.

Tuy nhiên, Hiệp hội Golos kể từ đầu chiến dịch tranh cử đã nhận được 6.000 khiếu nại, trong đó có 600 riêng trong ngày bầu cử hôm qua.

 Riêng tại thành phố St Petersburg, rất nhiều hành vi gian lận các loại đã được phát hiện : Từ việc ký khống vào biên bản kết quả bầu cử, cho đến việc loại trừ những người không đồng tình với chủ trương giả mạo phiếu bầu, cũng như việc làm phiếu giả ...

Một số nguồn tin cho biết, có chủ trương chung buộc các đơn vị bầu cử phải tạo ra chiến thắng đến mức 70% cho ông Putin « bằng bất cứ biện pháp nào ». Người điều phối hiệp hội của các quan sát viên tại thành phố St Petersburg cho biết, đã có 623 trường hợp bất hợp lệ xảy ra trong quá trình bỏ phiếu.

Theo đánh giá của ông Boris Vichnievsky - nghị sĩ đảng đối lập Iabloko – dù có các gian lận, tuy nhiên điều quan trọng là cuộc bầu cử này cho phép công luận Nga tăng cường ý thức chính trị.

Ông nhận xét : « Phần còn lại của câu chuyện sẽ diễn ra trên đường phố, bắt đầu ngay từ tối thứ Hai » (tức hôm nay 05/03). Cũng theo Le Figaro, lực lượng ủng hộ Putin đã sẵn sàng. Ví dụ như, ngày hôm qua, tại Perm - thủ phủ của vùng Ural – 300 nhà vô địch judo và quyền anh đã có mặt để sẵn sàng bảo vệ trụ sở của Ủy ban bầu cử chống lại « những kẻ phá phách ».

Trung Quốc : bầu cử ở Ô Khảm nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền

Về cuộc « bầu cử tự do » đầu tiên tại làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), báo Libération có bài :

« Các cuộc bầu cử tự do bị Bắc Kinh kiểm soát ». Như chúng ta biết, ngày thứ Bảy vừa qua, 13.000 cử tri làng Ô Khảm đã bầu hai hai thủ lĩnh cuộc nổi dậy tháng 12/2011, trong đó có ông Lâm Tổ Loan (Lin Zuluan) vào ban lãnh đạo chính quyền địa phương.

 Tuy nhiên, theo tờ báo, cuộc bầu cử vừa qua không tự do như nhiều người nghĩ, các cư dân làng Ô Khảm vẫn còn chưa lấy lại được các đất đai bị tước đoạt và chính quyền vẫn không chịu nhìn nhận về nguyên nhân gây ra cái chết của ông Tiết Kim Ba (Xue Jinbo).

Ngày hôm qua, Chủ nhật 04/05/2012, gia đình ông Tiết Kim Ba đã cho Libération biết họ sẽ không truy tố những người đã gây ra vụ tử vong, cụ thể là các công an và các phạm nhân hành động theo lệnh. Đổi lại, chính quyền cam kết sẽ dành cho gia đình khoản bồi thường trị giá 3,8 triệu ỵuan, tương đương với 420.000 euro. Đây là một khoản đền bù rất lớn, chưa từng có ở Trung Quốc. Một phần tiền sẽ được trao theo một cam kết chính thức, với mức tiền nằm trong quy định của pháp luật hiện hành, số còn lại sẽ được trao trực tiếp cho gia đình một cách không chính thức. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là, cho đến nay, chính quyền chưa hề đưa ra một thông tin cụ thể nào về cái chết của ông Tiết Kim Ba, cũng như không có một lời xin lỗi nào.

Bên cạnh đó, để tránh trường hợp nhà lãnh đạo quá cố của cuộc nổi dậy tại Ô Khảm trở thành một biểu tượng cho sự hy sinh vì đại nghĩa, nhà cầm quyền Trung Quốc cấm gia đình được chôn cất ông tại quê hương.

 Mặt khác, con gái của nhà tranh đấu đã phải từ bỏ ý định tham gia tranh cử vào ban lãnh đạo làng, dưới áp lực của chính quyền. Một dân làng Ô Khảm nêu ra nhận xét tóm tắt về các biến cố mới đây : Chính quyền buộc phải chấp nhận cuộc bầu cử, vì không thể kiểm soát nổi tình trạng gần như sắp bùng nổ. Với cuộc bầu cử này, chính quyền đã lấy lại khả năng kiểm soát.

Các nước Ả Rập vùng Vịnh lo ngại chiến tranh chống Iran

Trong khi thủ tướng Israel công du Hoa Kỳ để tìm chỗ dựa của Washington trong ứng xử với Iran, Le Figaro hôm nay có bài phân tích

« Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đối mặt với Iran ».

Thái độ của tổng thống Mỹ đối với vấn đề này đang có thay đổi : ông Obama tuyên bố ủng hộ Israel, ưu tiên giải pháp ngoại giao, nhưng không loại trừ biện pháp quân sự, có nghĩa là ủng hộ tấn công của Israel vào Iran trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Theo bài phân tích của Le Figaro, các nước vùng Vịnh tin rằng một cuộc chiến sẽ gây ra sự hỗn loạn trong khu vực, nhưng cũng lo ngại khả năng Teheran có vũ khí hạt nhân.

Le Figaro lần lượt điểm qua thái độ của các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là hai quốc gia chủ yếu Qatar và Ả Rập Xê Út, trước hết là Qatar, quốc gia tí hon từng tham gia tích cực vào các can thiệp quốc tế tại Libya, Palestine, Afghanistan hay Syria. Qatar tin rằng các biện pháp ngoại giao sẽ giải quyết được hồ sơ Iran. Chiến tranh là điều Qatar hoàn toàn không mong muốn.

 Trong trường hợp chiến tranh xảy ra thì tiểu quốc này sẽ là một trong các mục tiêu tấn công đầu tiên của Teheran, thêm vào đó Qatar đang có vùng khai thác khí đốt chung trên biển với Iran. Hiện tại Qatar đang nỗ lực để thuyết phục Hoa Kỳ khuyên Israel không nên đánh Iran.

Lập trường của Ả Rập Xê Út – đối thủ của Iran – thì rất khác. Chính sách của Mỹ tại Trung Đông làm nước này thất vọng.

Một Irak không có Saddam Hussein không ngăn nổi đà bành trướng ảnh hưởng của Iran. Nhìn từ phía Ả Rập Xê Út, chính quyền Irak gần như bị Teheran điều khiển. Nếu Iran có được vũ khí hạt nhân, lãnh đạo Ả Rập Xê Út tuyên bố nước này cũng sẽ tìm cách trang bị cho mình vũ khí chiến lược này.

 Đằng sau sự đối kháng giữa hai quốc gia lớn của vùng Vịnh là sự đối đầu giữa hai hệ phái chính của đạo Hồi, hệ phái Sunni chiếm đa số tại Ả Rập Xê Út và hệ phái Shia tại Iran, vốn bị Ả Rập Xê Út coi như là « những kẻ phản đạo ».

Quan hệ của hai phía được cải thiện dần dần vào cuối năm 2010, với việc phối hợp tổ chức hành hương tại thánh địa La Mecque. Tuy nhiên, phong trào mùa Xuân Ả Rập 2011 đã thay đổi tất cả. Theo Le Figaro, một trong các chuyên gia giỏi nhất về khu vực này, ông Edward Djerejian – nguyên thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ - nhận xét, từ một năm nay, Iran và Ả Rập Xê Út rơi vào chiến tranh lạnh. Tháng 10/2011, Ryad cáo buộc Teheran âm mưu sát hại đại sứ nước này tại Mỹ.

Pakistan : những người thuộc « giới tính thứ ba » được chính quyền công nhận

Bài viết « Sự phục thù của giới tính thứ ba », trên Libération, do thông tín viên gửi về từ Islamabad, cho biết một hiện tượng đặc biệt về văn hóa và chính trị tại Pakistan.

 Theo Libération, 500 000 người thuộc giới tính thứ ba, tức là những người chuyển đổi giới tính, những người bị thiến, hoạn hay những người mang hai giới tính tại Pakistan, sau việc bản sắc giới tính của họ được chính quyền công nhận vào năm ngoái 2011, đang dần dần thoát ra khỏi tình trạng của các cư dân hạ đẳng.

 Đây là một cuộc cách mạng trong đất nước Hồi giáo này, như tác giả bài viết ghi nhận.

Kể từ tháng 11/2011, Tòa án Tối cao Pakistan công nhận quyền bầu cử đối với những người thuộc giới tính thứ ba.

Những người thuộc cộng đồng « hijras » có quyền ghi giới tính này vào thẻ cử tri. Sự công nhận những người thuộc giới tính thứ ba mang lại một sự bảo trợ về pháp lý cho họ.

 Kể từ khi được công nhận, từ mấy tháng trở lại đây, theo nhiều người quan sát, những vụ hành hạ người hijras giảm hẳn đi, đặc biệt là các nhân viên công lực không dám đối xử bạo lực với họ, vì sợ bị truy tố ra tòa.

Quyết định mới này của nền tư pháp Pakistan đưa một quốc gia, nơi nhiều phong trào đạo Hồi cực đoan có ảnh hưởng rất mạnh trong xã hội, trở thành một nước tiên tiến trên phương diện nhân quyền, hơn hẳn các nước láng giềng.

Một trong các nguồn gốc xa xưa của cộng đồng hijras, những người mang giới tính thứ ba, là truyền thống lâu đời dưới thời đế chế Moghole. Triều đình Moghole sử dụng nhiều người bị thiến hoạn, để làm nghề nhảy múa mua vui, hay canh gác những harem, tức nơi ở của các cung tần, thê thiếp của vua, hay của các tướng lãnh và quan chức cao cấp.

Các chủ đề chính khác trên trang nhất nhật báo Pháp

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến sự tăng vọt lên mức cao nhất của chứng khoán trong lĩnh vực công nghệ cao của Hoa Kỳ kể từ năm 2000, với hàng tựa trên trang nhất :

« Chứng khoán : thời kỳ vàng son mới của công nghệ cao Mỹ ». Cũng về nước Mỹ, nhưng là về nghệ thuật, Libération chạy trên trang nhất hình ảnh ca sĩ Bob Dylan thập kỷ 1960, nhân cuộc trưng bày về những năm tháng huy hoàng 1961-1966 của ngôi sao nhạc folk tại Cité de la Musique – Cung Âm nhạc (Paris).

Về Châu Âu, « Nhân quyền, một Tòa án bị cáo buộc » là hàng tựa chính của La Croix.

 Tờ báo nhắc đến vai trò của Tòa án nhân quyền Châu Âu đang là đối tượng của các thương thuyết nhằm điều chỉnh lại hoạt động của định chế này, đặc biệt Tòa án Nhân quyền Châu Âu bị Anh Quốc coi là đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của các quốc gia thuộc Liên hiệp này.

Le Monde thì chú ý đến tình trạng khô hạn nghiêm trọng và nạn cháy tại các vùng đất trồng trọt ở Tây Ban Nha.

Về thời sự nước Pháp, trên trang nhất Le Monde là hàng tựa về « Cuộc chiến giành quyền khai thác 6 kênh truyền hình cáp mới ».

 Trong số 34 ứng cử viên, chỉ có sáu hồ sơ tốt nhất sẽ được tuyển. Việc mở cửa vào thị trường truyền hình cáp tại Pháp lần tới sẽ chỉ khởi động lại năm năm sau, tức là từ năm 2017.

Trong khi đó, l’Humanité chú ý đến cuộc đấu tranh của những người bị doanh nghiệp Vivéo sa thải với hồ sơ « Các phán quyết khiến giới chủ phải sợ », với thông báo Tòa thượng thẩm Pháp sẽ đưa ra phán quyết vào ngày mai, sau khi Tòa phúc thẩm đã đưa ra kết luận có lợi cho phía những người bị sa thải.