Home Tin Tức Thời Sự Đối lập Nga 'pha tạp và chia rẽ'

Đối lập Nga 'pha tạp và chia rẽ' PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Chúa Nhật, 04 Tháng 3 Năm 2012 21:48

Những người chống đối ông thì gọi cuộc bầu cử là gian lận

Phe đối lập ở Nga dường như chỉ có một mục tiêu chung là chống Putin

 

Ông Vladimir Putin đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga, và nhấn mạnh đây là điểm bước ngoặt lịch sử giúp đất nước không rơi vào tay 'kẻ thù'.

Những người chống đối ông thì gọi cuộc bầu cử là gian lận và nói sẽ có các cuộc biểu tình ngày hôm nay 5/03.

Tuy vậy, giới phân tích nói phong trào đối lập non trẻ tại Nga sẽ cần trưởng thành nhanh chóng nếu muốn đoàn kết vì một mục tiêu to lớn hơn là chỉ giận dữ vì Putin quay lại điện Kremlin.

Pha tạp

Việc phe đối lập tổ chức được các cuộc biểu tình lớn đã khiến chính trị Nga trở nên khó đoán nhất kể từ nhiều năm trở lại.

Liên minh pha tạp này hình thành từ sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 12 năm ngoái mà đã khiến nhiều người Nga phẫn uất vì cáo buộc gian lận trắng trợn.

Tuy vậy, mặc dù số lượng đã gia tăng, các cuộc biểu tình đã không đưa ra được những gương mặt lãnh đạo và gần như chỉ bó hẹp tại thủ đô Moscow.

Theo một phân tích của AFP, những người đối lập chỉ có chung nguyện vọng là nhìn thấy "Nước Nga Vắng Putin" cùng sự bất mãn trước viễn cảnh cả một thế hệ phải lớn lên dưới ách cai trị của nhân vật có gốc từ KGB.

Hội đồng Đối ngoại Châu Âu nhận xét trong một báo cáo: "Không có một kế hoạch thống nhất về dài hạn, chương trình chính sách thống nhất hay chiến lược kinh tế."

"Phe đối lập sẽ tồn tại, mặc dù họ có thể phải phụ thuộc việc Putin phạm sai lầm thì mới mong tiến về phía trước."

'Không dám thay đổi'

Theo giới quan sát, phong trào đối lập ở Nga chủ yếu tập trung ở giới trung lưu thành thị, nhưng ông Putin vẫn duy trì ủng hộ ở những cử tri tỉnh lẻ, ca ngợi ông là đã bảo đảm ổn định và tăng lương.

Những người đã thăng tiến nhờ những năm cầm quyền của ông Putin dĩ nhiên cũng không muốn ông ra đi.

Alexander Konovalov, từ Viện Đánh giá Chiến lược ở Moscow, nói: "Hệ thống chính trị cần thay đổi, nhưng Putin và người của ông ta sợ không dám làm."

"Sự ra đi của Putin có nghĩa là sự ra đi của vô số người xung quanh, và chẳng ai muốn rời bỏ cả."

Trong khi đó, theo Bấm Edward Lucas, tác giả viết nhiều sách về nước Nga, chính thể Putin "ít nhất trong mắt những người Nga trung lưu đi đây đó nhiều, có vẻ quá đát".

"Những lần xuất hiện trên tivi được dàn dựng cẩn thận của ông ta chẳng thể thuyết phục cũng không làm khán giả vui."

Nhưng Edward Lucas thừa nhận: "Phe đối lập vẫn quá yếu; chính thể thì có quá nhiều thứ (cả tài chính và cá nhân) để họ đầu hàng."

Ông này táo bạo dự đoán: "Nguy hiểm lớn cho Putin là các đệ tử từng làm cho KGB nay sẽ xem ông ta là trở ngại hơn là tài sản quý."

"Nhiệm kỳ tổng thống của ông trên lý thuyết là sáu năm. Tôi cho ông hai năm."

Dự đoán này có chính xác hay không, nhiều người đồng ý rằng chính trường Nga những năm tới sẽ không còn "bình yên".

Viện Chatham House ở London dự báo:

 "Làn sóng phản đối kế tiếp ở các thành phố công nghiệp dựng nên từ thời Liên Xô, do bất mãn kinh tế và xã hội, chắc chắn sẽ xảy ra."