Giáo hội Công giáo Cuba muốn cưỡng lại mọi áp lực chính trị |
Tác Giả: Thanh Phương |
Chúa Nhật, 04 Tháng 3 Năm 2012 19:24 |
Hy vọng là chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ khuyến khích thay đổi dân chủ ở Cuba Phát ngôn viên Orlando Marquez của Giáo hội Cuba (Reuters)
Giáo hội Công giáo Cuba phải biết cưỡng lại các áp lực chính trị từ mọi phía nhân chuyến viếng thăm Cuba của Đức Giáo hoàng Benedicto 16 vào cuối tháng 3. Trên đây là lời kêu gọi của phát ngôn viên Tòa Tổng giám mục La Habana hôm qua 02/03/2012. “ Chắc chắn là có một nguy cơ, bởi vì do không có những tổ chức, những đảng phái độc lập, một số người cứ muốn Giáo hội phải chuyển hóa thành tác nhân thúc đẩy những thay đổi căn bản ở Cuba”. Cũng theo tác giả bài báo, “Đối với những người khác, Giáo hội có thể trở thành đồng minh tự nhiên của chính quyền và nhiều người muốn Giáo hội thu mình lại và rút khỏi lĩnh vực chính trị”. Phát ngôn viên của Tòa Tổng giám mục viết thêm: “ Điều quan trọng là chính quyền và Giáo hội biết rằng không nên lưu tâm đến những áp lực đó và phải cố duy trì đối thoại, đối thoại để phục vụ xã hội, cho những nhu cầu và đòi hỏi tự nhiên của xã hội”. Trong tuần này, nhà đối lập và cựu tù chính trị Martha Beatriz Roque đã công bố một bức thư gởi cho Đức Giáo hoàng, có chữ ký của khoảng 700 người Cuba. Bức thư viết rằng: “ Sự hiện diện của Ngài ở đảo quốc này giống như là một thông điệp nhắn gởi những kẻ áp bức là họ cứ tiếp tục làm những gì họ muốn, Giáo hội cũng sẽ để yên”. Nhưng những nhà đối lập khác thì hy vọng là chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ khuyến khích thay đổi dân chủ ở Cuba. Về phần các chức sắc Giáo hội thì nhấn mạnh đến tính chất phi chính trị của của chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Giáo hoàng. Theo họ, Ngài đến đây để nói về hòa giải và đoàn kết giữa người Cuba với nhau. Theo lời cha Jose Felix Perez, thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Cuba, khoảng 700 người Mỹ gốc Cuba từ Miami và New York lần đầu tiên dự trù sẽ đến Cuba nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng. Sau nhiều thập niên căng thẳng, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và chế độ Cộng sản đã được sưởi ấm kể từ sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị vào tháng Giêng 1998, chuyến thăm đầu tiên của một vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã tại Cuba. Kể từ khi lên cầm quyền thay người anh Fidel Castro vào năm 2006, chủ tịch Raoul Castro vào năm 2010 đã mở cuộc đối thoại chính thức với Đức Hồng y Ortega, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Cuba. Nhờ cuộc đối thoại này mà hàng chục tù chính trị Cuba đã được phóng thích. Trong bài báo nói trên, phát ngôn viên của Tòa Tổng giám mục Cuba Orlando Marquez lưu ý rằng: “ Đức Thánh Cha Benedicto 16 sẽ đến một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, cải tổ và canh tân sau khi có thay đổi nhân sự lãnh đạo Nhà nước, một đất nước thể hiện rõ sự suy kiệt, bế tắc của mô hình xã hội chủ nghĩa mà cố Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị đã biết rất rõ”. Theo tác giả bài báo “Cuộc đối thoại ngày nay là đối thoại giữa những người có quan điểm khác biệt nhưng phải nhắm tới cái tốt đẹp chung cho xã hội Cuba trong tổng thể. Cuộc đối thoại này phải tiến về phía trước và phát triển lên một cách linh động và thường xuyên”.
|