Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-03-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Chúa Nhật, 04 Tháng 3 Năm 2012 19:09 |
Mỹ chuyển hướng chiến lược về Châu Á-Thái Bình Dương Hàng không mẫu hạm nguyên tử Mỹ USS George Washington (thứ ba từ trái sang) dẫn đầu các chiến hạm Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong cuộc tập trận chung tại vùng biển phía đông Hàn Quốc ngày 26/7/2010.
Chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ mang tên “Duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ : Những ưu tiên quốc phòng thế kỷ 21” do Tổng thống Obama và giới chức quốc phòng Mỹ công bố ngày 05/01/2012 với nội dung chính là điều chỉnh trọng tâm từ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương để phù hợp với tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới trong tình hình mới. Đi sâu phân tích mục tiêu của chiến lược này, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 3 có bài chạy tựa: “Khi Ngũ Giác đài chuyển hướng về Thái Bình Dương”. Mục tiêu đầu tiên theo tác giả là Mỹ muốn nhắm đến “các đối thủ tiềm năng”. Hiện tại, có nhiều quốc gia đang lên đe doạ đến vị thế siêu cường độc tôn của Mỹ, bởi vậy mà nước này rốt ráo tìm cách để giữ thế độc tôn thế giới bằng cách duy trì thế thượng phong ở các cuộc xung đột trọng yếu và ở những vùng then chốt của hành tinh. Cụ thể là ở các tuyến vành đai hàng hải Châu Á trải dài từ Vịnh Ba Tư đến vùng Tây bắc Thái Bình Dương, vùng Ấn Độ Dương và Biển Đông. Để đạt được điều đó, Lầu Năm Góc sẽ tập trung duy trì ưu thế trên không và trên biển, trong lĩnh vực chiến tranh mạng và lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Vượt qua được giai đoạn xuống dốc của một bá chủ không phải là chuyện dể dàng. Trước kia Anh, Pháp đã từng gặp phải cảnh đó trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga sau giai đoạn Liên Xô sụp đổ. Các nước này đã lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự đầy mạo hiểm, để cuối cùng chẳng những không thể làm giảm tốc quá trình xuống dốc của mình, mà trái lại còn khiến cho quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn. Ít có khả năng một tổng thống Mỹ tương lai lao vào một cuộc chiến như ở Irak và Afghanistan Vào năm 2003, khi tấn công Irak, Hoa Kỳ đang ở đỉnh điểm của sự cường thịnh. Thế nhưng, các cuộc nổi dậy chống Mỹ sau đó liên tiếp diễn ra, gây thiệt hại nhiều sinh mạng và tổn thất nhiều tiền của, đã khiến Hoa Kỳ như bị sa lầy, đến mức mà không thể nào không quay mũi tàu chiến lược về hướng khác. Tờ báo nhận định, sắp tới, dù ông Obama tái cử hay đảng Cộng Hoà giành chiến thắng, thì ít có khả năng một vị tổng thống nào dám lao vào một cuộc viễn chinh như ở Irak và Afghanistan. Nói về tổng thống Obama, tờ báo cho rằng, ông và các cố vấn của ông đã biết rút ra bài học từ lịch sử, vì thế đã hiểu được rằng, sẽ là ngu ngốc nếu Hoa Kỳ cứ nhắm mắt có mặt mọi lúc, mọi nơi trên thế giới. Thế nhưng, hạn chế không có nghĩa là không tham gia. Hoa Kỳ vì vậy sẽ thay đổi chiến lược quốc phòng và chiến lược mới sẽ là : Hạn chế tham gia ở một số khu vực, đặc biệt là ở Châu Âu, để tăng cường hiện diện ở một số khu vực khác cần kíp hơn trong tình hình mới. Khu vực mà Hoa Kỳ nhắm đến là vùng Châu Á Thái Bình Dương. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William J.Burns đã tuyên bố vào tháng 11/2011: “Trong những thập niên tới, vùng Thái Bình Dương sẽ trở thành nơi năng động và quan trọng nhất đối với lợi ích của Hoa Kỳ, bởi vùng này chiếm hơn một nửa dân số thế giới, là nơi Mỹ có những đồng minh chính yếu, nơi có nhiều cường quốc đang lên và có những thị trường kinh tế quan trọng nhất”. Xây dựng mô hình ngoại giao phù hợp với tình hình mới Để duy trì ưu thế hùng mạnh, để đối mặt với sự lớn mạnh của Trung Quốc, Mỹ sẽ phải tập trung mọi nỗ lực vào khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Ông Burns cho biết: “Để đối phó với những chuyển biến sâu sắc tại Châu Á, chúng tôi sẽ triển khai một mô hình ngoại giao, kinh tế và an ninh phù hợp với tình hình mới”. Mô hình mới này bao gồm cả quân sự và phi quân sự. Vừa qua, Mỹ đã củng cố quan hệ ngoại giao với Indonesia, Philippines, Việt Nam, và cũng đã tái lập quan hệ chính thức với Miến Điện. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng nỗ lực tăng cường hoạt động thương mại ở Châu Á, và hăng hái xúc tiến Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tất cả các việc đó, tờ báo cho rằng Mỹ muốn kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á. Chẳng hạn như thông qua việc nối lại quan hệ với Miến Điện, Mỹ hy vọng có thể đặt chân vào một nước mà trước đây Trung Quốc một mình một chợ. Hay nói về Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hiệp ước này cũng loại trừ sự tham gia của Trung Quốc. Tăng cường hiện đại hoá quân đội Bên cạnh chiến lược ngoại giao, chiến lược mới của Mỹ cũng không hề xem nhẹ quân sự. Hoa Kỳ cho rằng, sự thịnh vượng của các đồng minh của Mỹ ở Châu Á lệ thuộc vào khả năng họ được tự do tiếp cận Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, để đảm bảo cho việc nhập nguyên nhiên liệu (đặc biệt là dầu hoả) và xuất khẩu các sản phẩm chế biến. Nên nhớ rằng, khoảng 50% lượng hàng hoá này sẽ phải đi qua Biển Đông. Vì thế, sự lớn mạnh của Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ địa chính trị của khu vực này. Từ đó suy ra, nếu có thể kiểm soát được vùng biển này, Hoa Kỳ sẽ có thể ràng buộc được Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực, một việc mà nước Anh đã từng làm. Từ lâu, các cố vấn Lầu Năm Góc đã không ngừng khẳng định rằng, lợi thế đặc biệt của nước Mỹ nằm ở khả năng nước này có thể kiểm soát được các tuyến hàng hải chính trên thế giới, một lợi thế mà hiện tại không một cường quốc nào có được. Có lẽ tổng thống Obama cũng kế thừa quan điểm đó. Hồi cuối năm rồi, tại Úc, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố, dù Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Đông Nam Á, và sẽ lập thêm một căn cứ quân sự nữa tại Darwin của Úc. Ông cũng cho biết sẽ tăng cường hổ trợ quân sự cho Indonesia. Theo Lầu Năm Góc, sắp tới, quân đội Mỹ sẽ tập trung phát triển hải quân, đặc biệt là tàu sân bay, tập trung trang bị máy bay và tên lửa tối tân nhất. Tổng thống Obama cũng đã khẳng định sẽ không giảm bớt các hạm đội. Ngoài ra, Mỹ cũng dự kiến chi những khoản tiền khổng lồ để đối phó với các chiến lược gọi là “chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực” (A2/AD = Anti-access / Area-denial) của những “kẻ thù tiềm năng”. Theo Lầu Năm Góc, những khu vực này chính là Biển Đông, Iran và Bắc Triều Tiên. Lầu Năm Góc chỉ rõ, các đối thủ tiềm tàng trong khu vực của Mỹ, như Trung Quốc chẳng hạn, có thể sử dụng các phương tiện chiến tranh phi đối xứng như tàu ngầm, hoả tiển chống hạm, chiến tranh mạng…để chống lại các lực lượng của Mỹ. Vì thế, Mỹ sẽ đầu tư đến mức cần thiết để đảm bảo khả năng hoạt động của mình ở những khu vực A2/AD. Tờ báo kết luận: “Rõ ràng là Hoa Kỳ muốn thống trị khu vực vành đai hàng hải của Châu Á, và nước này đã thật sự lấy đó làm một ưu tiên. Dù Trung Quốc hay các cường quốc mới nổi khác có phản ứng thì cũng vô hiệu”. Vì sao Mỹ thất bại trên hồ sơ hạt nhân của Iran ? Phương Tây gây sức ép đối với Iran bằng các biện pháo trừng phạt kinh tế, Iran đáp trả bằng vũ khí dầu hoả. Nguyệt san Le Monde Diplomatique đi sâu tìm hiểu tình hình phức tạp này với bài viết : “ Một chiến lược chống Iran gây nhiều tổn thất”. Từ những năm 1990, dưới thời tổng thống Bill Clinton, Mỹ đã cho rằng chỉ có thể dùng biện pháp “ép buộc” để giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran. Cựu tổng thống Bush và đương kim tổng thống Obama cũng theo đuổi chính sách này. Đối với Châu Âu, Pháp và Anh dẫn đầu phong trào đòi các biện pháp trừng phạt. Trước khi áp dụng chính sách ép buộc đó, chương trình hạt nhân của Iran chỉ ở giai đoạn sơ khai, Iran cũng chưa hề có một lò ly tâm làm giàu uranium nào. Thế mà hiện tại, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Iran có đến 8.000 lò ly tâm đang hoạt động với trữ lượng uranium được làm giàu nhẹ đến 5 tấn. Thất bại đã quá rõ ràng, thế mà Mỹ chẳng những không biết rút kinh nghiệm, mà còn leo thang căng thẳng đến mức cấm vận dầu hoả Iran, một biện phát khiến nước này có thể bị tổn thất đến hơn 50% thu nhập quốc gia. Tác giả cảnh báo, các biện pháp trừng phạt vốn được cho là “để ngăn ngừa chiến tranh” đang dần biến thành “chiến tranh kinh tế”. Các biện pháp trừng phạt tài chính và dầu hoả đối với Iran sẽ dần cho kết quả từ đây đến mùa hè, và khi ấy rõ ràng là người ta đã lao vào ”một cuộc chiến không tuyên bố”. Điều nguy hiểm là không ai có thể dự báo được nước Cộng hoà Hồi giáo Iran sẽ đáp trả thế nào ? Thế nhưng, một điều mà người ta có thể báo trước đó là, các nhà lãnh đạo tại Iran dù ở đảng phái nào, cũng sẽ không bó tay đầu hàng. Tác giả nhắc lại, dù có nhiều cảnh báo theo đó Iran có thể là một mối đe doạ cho hoà bình và ổn định quốc tế, nhưng phương Tây vẫn cố tin rằng Iran không đủ khả năng đáp trả lại những biện pháp bó buộc tài chính và những hoạt động mật vụ mà phương Tây sử dụng chống lại Iran. Theo tác giả, bất kể nước nào cũng sẽ không chấp nhận người ta áp đặt cho mình những chính sách như phương Tây dùng áp đặt cho Iran, thế thì chắc chắn Iran sẽ có đáp trả, còn đáp trả như thế nào, như trên đã nói, vẫn còn là một ẩn số. Trên phương diện quốc phòng, tác giả nhấn mạnh, dù ngân sách quốc phòng của Iran chẳng thấm vào đâu so với Mỹ hay NATO, nhưng nước này đã trang bị một nền quốc phòng hùng hậu, đủ sức gây nguy hiểm cho bất kì cuộc tấn công nào, với nào là phương tiện chiến tranh phi đối xứng, nào là tên lửa hành trình… Mặt khác Iran cũng tinh vi trong kỹ thuật chiến tranh mạng với một đội ngũ kỹ sư tin học ưu tú trẻ tuổi. Thế nhưng, theo tác giả, trong vô vàn phương tiện lợi hại đó thì vũ khí lợi hại nhất của Iran chính là dầu hoả. Để sử dụng loại vũ khí này, Iran chẳng cần phải phong toả eo biển Ormuz, bởi nếu các biện pháp trừng phạt dầu hoả do phương Tây áp đặt được thực thi, thì mỗi ngày thị trường dầu hoả sẽ mất đi đến 2 triệu thùng. Ả Rập Xê Út đã hứa sẽ tăng trữ lượng, Libya cũng sẽ phục hồi, tất cả nhằm bù đắp lại điểm thiếu này. Mỹ thì có thể sử dụng kho dự trữ chiến lược. Trong khi đó, thiệt hại do trừng phạt dầu hỏa có thể đè nặng lên Châu Âu, bởi vì mỗi ngày khu vực này nhập từ Iran đến 600.000 thùng dầu. Lượng nhập này lại chủ yếu vào ba nước đang khốn đốn nhất Châu Âu : Hy Lạp,Ý và Tây Ban Nha. Ba nước này hiện nhập dầu từ Iran thông qua những hợp đồng được xem là “có lợi” về giá cả và chất lượng, vì thế để tìm được những hợp đồng béo bở như vậy là rất khó. Khi rắc rối xảy ra thì giá dầu dĩ nhiên tăng lên. Hồi tháng 1 vừa qua, Iran và Mỹ chỉ mới khẩu chiến về việc phong toả cảng Ormuz, chứ chưa hề có đụng chạm quân sự, thì giá dầu cũng đã tăng thêm 6%. Nên nhớ rằng, giá dầu tăng sẽ gây thiệt hại không chỉ về giá dầu, mà cả về tất cả những ngành nghề sản xuất có liên quan đến dầu hoả. Trong bối cảnh đó, tác giả đề ra một giả thuyết trong vòng 4 tháng nữa như sau : Thế giới lao đao tìm nguồn dầu thay thế, Iran chạy vạy lo đảm bảo nguồn thu, giá dầu tăng phi mã; khi ấy có thể các ống dẫn dầu hay cả khu sản xuất dầu hỏa miền Nam Irak bổng nhiên có những vụ nổ không lý do, khi ấy thị trường sẽ bị mất đi ít nhất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày; hay giả sử khi đó các nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út hoặc Koweit bỗng nhiên bị hư…và còn nhiều giả sử khác nữa, thì thật khó mà biết được giá dầu sẽ tăng lên đến mức nào và trong thời gian bao lâu ! Kịch bản này cho thấy, những biện pháp trừng phạt cực độ không chỉ làm thiệt hại cho một mình Iran, mà cho cả cộng đồng quốc tế. Theo tác giả, người ta có thể chấp nhận những nguy cơ này nếu có một mục tiêu chính trị rõ ràng và thực tế. Nếu nói rằng các lệnh trừng phạt kể trên của phương Tây là để buộc Iran đầu hàng và buộc nước này chấm dứt việc làm giàu uranium, thì điều đó là hoàn toàn không tưởng. Còn nếu như mục đích là để buộc Iran trở lại bàn đàm phán, thì rõ ràng nước này đã tuyên bố cách đây hơn một năm là sẵn sàng nối lại đàm phán với điều kiện là phương Tây không đặt ra điều kiện tiên quyết, buộc nước này phải ngừng chương trình làm giàu uranium trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng khốn khổ thay, đó lại là điều kiện mà các nghị quyết của Hội đồng Bảo An đặt ra, và cũng là điều được yêu cầu bởi Liên Hiệp Châu Âu. Tác giả nhấn mạnh, vấn đề là ở chỗ đó, chính đó là điểm cho thấy mặt yếu cơ bản của chiến lược của phương Tây, và cũng chính điểm đó làm cho tình hình thêm thập phần nguy hiểm. Cuối cùng, theo tác giả, nếu mục tiêu là để trừng phạt Iran trong ý định gây chiến, thì chắc chắn rằng mục tiêu này đang có cơ may đạt được. Thế nhưng, dù có đạt được mục tiêu chiến tranh, thì người ta cũng không giải quyết được vấn đề then chốt là loại trừ nguy cơ hạt nhân đến từ Iran. Thêm vào đó, người ta đã thông qua lệnh trừng phạt để khiến cho chính phủ nước này trở nên cực đoan hơn, quyết tâm hơn trong mục tiêu hạt nhân dân sự lẫn quân sự của mình. Có phải Ả Rập Xê Út được Phương Tây quá nuông chiều ? Cũng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Le Monde Diplomatique nhìn về Ả Rập Xê Út với bài viết: “Ả Rập Xê Út được miễn tội” , cho biết nước này được phương Tây dành cho nhiều ưu ái. Tờ báo nhắc lại, Ả Rập Xê Út đã không ngần ngại can thiệp giúp chính phủ Bahrein đàn áp đấu tranh dân chủ. Tại Ả Rập Xê Út, các quyền tự do cơ bản của con người cũng không được tôn trọng gì hơn so với Iran : Năm 2011, Ả Rập Xê Út đã xử tử 76 người, trong đó có một phụ nữ bị buộc tội “phù thuỷ”; vẫn còn việc trừng phạt người phạm tội trộm cướp bằng cách chặt tay hoặc chân, đe doạ xử tử một blogger do đã đăng trên trang twitter của mình bài đối thoại tưởng tượng với nhà tiên tri Mohamed; phạt roi tội đồng tính luyến ái; kêu án tù đối với người bị hiếp dâm… Thế mà, trừ Cao Uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hầu như không ai bận tâm về những vi phạm nhân quyền đó, kể cả Hội đồng Bảo an, G20 hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đáng kinh ngạc hơn nữa là vừa rồi, Tổng giám đốc IMF còn ca tụng Ả Rập Xê Út. Ả Rập Xê Út cũng chính là nước cấm phụ nữ không được tham gia Olympic. Sự vi phạm luật thể thao này không được mấy ai bận tâm. Tác giả chua xót: “Nếu Iran phạm phải một kiểu phân biệt giới tính như thế, thì chắc chắn rằng một chiến dịch quốc tế đã được phát động để phản đối”. Sự ưu ái cũng vừa được thể hiện qua chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Tunisia, ông Hamadi Jebali, khi đó ông này đã không tiếc lời ca tụng nước chủ nhà Ả Rập Xê Út, dù rằng chính quyền Riyad đã ủng hộ tới cùng chính phủ Ben Ali, và đến hiện tại vẫn từ chối việc cho dẫn độ ông này về Tunisia, hơn nữa còn lại là nơi trú ẩn cho tài sản được cho là kiếm được một cách phi pháp của Ben Ali. Vào đầu năm 2008, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từng ca ngợi rằng: dưới sự dẫn dắt của nhà vua Abdallah, Ả Rập Xê Út đang thực thi “một chính sách văn minh”. Thế mà, tác giả cho biết, bốn năm sau, đất nước này vẫn là nơi tham nhũng ngự trị, nơi tiên phong trong phong trào Hồi Giáo bảo thủ cực đoan dòng Sunnit ở thế giới Ả Rập. Giới lãnh đạo già nua của nước này đánh đồng phong trào phản kháng của tuổi trẻ trong nước là “mô hình khủng bố mới”, họ chỉ tỏ ra quan tâm đến dân quyền khi mà họ muốn sử dụng quyền này để chống lại những đối thủ khu vực, hay những chế độ thuộc dòng Hồi Giáo Chiite. Theo tác giả, nhà cầm quyền Ả Rập Xê Út tin rằng họ có thể thoát được bão táp cách mạng của người dân nhờ vào việc họ cho phân phát trong xã hội một phần lợi ích thu từ dầu hoả, bằng ưu thế đa số của người Hồi Giáo dòng Sunnite, bằng tâm lí người dân lo sợ kẻ thù Iran. Thế nhưng, một thành đồng vách sắt nữa giúp chế độ Riyad được an toàn, đó chính là sự thiên vị của cái mà người ta gọi là "cộng đồng quốc tế". Tác giả đặt câu hỏi: Có phải vì Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu hoả lớn nhất thế giới và là đồng minh của Hoa Kỳ nên nước này mới được tai qua nạn khỏi ? Trung Quốc lại rộ lên nạn "công nhân nô lệ" Mấy năm trước đây, cả Trung Quốc chấn động về vụ các công nhân làm việc như nô lệ tại các lò gạch ở Sơn Tây và Hà Nam. Đến hiện tại, tệ nạn này vẫn còn tiếp diễn. Nam Phương Nhật báo Quảng Châu vừa có bài phản ánh được Courrier International dẫn lại với dòng tựa khá ấn tượng: “Trên thị trường nông dân bị bắt cóc”. Câu chuyện bắt đầu từ một nông dân tuổi xấp xỉ lục tuần, thường trú tại tỉnh Hồ Nam,Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, ông đã nhiều lần lên tận Bắc Kinh để khiếu nại việc chính quyền địa phương trưng dụng trái phép đất của ông. Tháng 8/2009, ông đến Bắc Kinh lần thứ ba để kiện thưa. Thế là trong xe lửa, có một người đàn ông lạ mặt bắt chuyện hỏi thăm, và sau đó ông lập tức bị nhân viên nhà ga tịch thu hết giấy tờ. Đại diện của Hồ Nam tại Bắc Kinh buộc ông trở về quê quán. Năm 2010, ông lại đến Bắc Kinh khiếu nại, và chính quyền trung ương cho biết đã chuyển hồ sơ của ông về địa phương. Nhưng khi trở lại địa phương, vụ việc mãi vẫn không được giải quyết. Ức lòng, hồi ngày 8/6 rồi, ông quyết định âm thầm lên tận thủ đô một lần nữa. Ông đến thủ đô vào lúc 22 giờ. Ông ngủ tạm ngoài trời, định bụng sáng hôm sau sẽ thuê phòng trọ. Khoảng 4h30 đêm đó, có một người đàn ông đến khuyên ông về nhà máy của anh ta làm việc với mức lương 2.400 nhân dân tệ/tháng. Ông chấp nhận đi theo, và khi gần đến chiếc xe của người đàn ông đó thì phát hiện có hai người đàn ông khác đang tiến về phía ông. Ông định chạy, nhưng không kịp nữa. Thế là người nông dân Hồ Nam bị bắt lên xe và bị đưa đi vòng vèo, đến 10 giờ sáng hôm sau thì ông bị đưa tới Trác Châu thuộc thành phố Bảo Định tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ông cùng với sáu người bị bắt cóc khác bị đưa vào một lò gạch thuộc huyện Ngô Kiều, thành phố Thương Châu tỉnh Hà Bắc. Tại đây, ông bắt đầu phát hiện ra một địa ngục trần gian với kiếp làm nô lệ không công trong lò gạch. Theo lời ông kể lại, ông cùng 6 người mới tới khác bị đưa vào ở trong một phòng khoảng 20m2, bị giám sát 24/24 bởi một tên đốc công ở phòng bên cạnh. Ban ngày khi làm việc, cũng chính tên này tay cầm dùi cui điện và roi da giám sát ông. Những người bị bắt cóc vào đây đều bị cạo trọc đầu và được phát cho một đồng phục theo kiểu tù nhân “nhất y nhất quỡn”. Ông cho biết, trong lò gạch, có hai loại công nhân, một loại là những công nhân bị bắt cóc vào làm việc như nô lệ, còn loại kia vốn là những lao động địa phương. Các lao động địa phương không phải cạo đầu, cũng không bị buộc mặt đồng phục, họ được trả công hẳn hoi. Còn những công nhân nô lệ thì ngoài giờ ăn và giờ làm việc trong nhà máy, họ bị nhốt trong phòng ngủ và bị canh giữ nghiêm ngặt. Họ không được trả công một xu nào. Rồi ngày 8/7/2011, người nông dân Hồ Nam may mắn trốn thoát. Mãi khi ra ngoài, ông mới biết mình đang ở đâu trên đất nước Trung Quốc. Ngày 17/7 ông về đến nhà ở Hồ Nam. Qua lời kể của vợ ông, ông ngẫm ra được nhiều điều mà trước đây ông chưa hề nghĩ đến. Theo lời vợ ông, ngày 7/6 khi ông vừa lên đường đi Bắc Kinh, thì có người lạ mặt đến hỏi vợ ông là ông đi đâu. Vợ ông chỉ cho biết đơn giản là ông đi thăm người thân. Sau đó, rạng sáng ngày 9/6 ông bị bắt cóc tại Bắc Kinh, vậy mà sáng hôm đó trong làng ông đã có tin đồn là ông đi Bắc Kinh thưa kiện và đã bị bắt bỏ tù. Sự việc khiến ông nghi rằng việc ông bị bắt cóc có thể có liên quan đến việc ông đi thưa kiện. Tháng 10 sau đó, phóng viên báo Nam Phương tìm đến tận lò gạch nơi người nông dân bị lưu đày. Họ đã tìm được những chứng cứ đúng như lời của người nông dân kể. Trả lời cho câu hỏi của phóng viên, chủ lò gạch tỏ ra thản nhiên, và cho biết đã mua công nhân với giá 1.600 nhân tệ (192 euro)/người. Thế nhưng mua của ai thì ông không nói rõ. Trong mục từ chọn của tuần, Courrier International cũng nhìn về Trung Quốc với từ Nô Công (奴工). Tờ báo nhận định, trong một xã hội bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, đàn áp ngày càng mạnh bạo, thì thật khó mà tưởng tượng được rằng một nhà máy nào đó có thể tự tiện bắt cóc người tại thủ đô rồi đưa về tính lẻ để bóc lột sức lao động và giam cầm như tù nhân. Nói cách khác, tờ báo cho rằng: có thể có sự thông đồng giữa chính quyền và cái gọi là “thị trường nô lệ”. Pháp : tổng thống Sarkozy ít có khả năng tái đắc cử Vòng một bẩu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới, vòng hai là ngày 6/5. Hiện các ứng viên đang tranh thủ thời gian chạy nước rút. Tạp chí Le Nouvel Observateur cho đăng kết quả thăm dò dư luận mới nhất với bài nhận định mang dòng tựa : « Đà xuất phát ngắn ngủn của ông Sarkozy ». Hồi cuối tháng 12 vừa qua, khi ông François Hollande dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, thì những cố vấn chiến lược của tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy một mực khẳng định rằng, sắp tới ứng viên đảng Xã Hội sẽ trở lại với giá trị thực của mình, trong khi đó tổng thống Sarkozy sẽ tăng đà để chiến thắng. Đến cuối tháng 1, ông Sarkozy kết thúc mọi sự bàn cãi bằng việc chính thức ra tranh cử. Điều đáng chú ý đó là sự tuyên bố tranh cử này được thực hiện một cách rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Kết quả là, theo thăm dò cho vòng một công bố ngày 27/2, ông Sarkozy đã kiếm thêm được hai điểm so với thăm dò ngày 30/1, tức tăng 2 điểm chỉ trong vòng một tháng, thế nhưng vẫn còn ở phía sau so với đối thủ François Hollande. Hồi tháng 1, điểm số của ông Hollande là 31,5%, còn tháng 2 là 30%, tức giảm 1,5 điểm, nhưng vẫn còn hơn ông Sarkozy 2 điểm. Nói về vòng hai, thăm dò tháng này cho biết ông François Hollande sẽ được 57% số phiếu ủng hộ, còn ông Sarkozy chỉ có 43%. Theo tờ báo, dưới thời đệ ngũ cộng hòa, có một tiền lệ mà đến hiện tại vẫn chưa bị phá vỡ, đó là việc một tổng thống đương nhiệm khi tái tranh cử, lúc nào cũng về đầu trong vòng một, chẳng hạn như trường hợp của ông Valéry Giscard d’Estaing hồi năm 1981, ông François Mitterrand năm 1988 và ông Jacques Chirac năm 2002. Tờ báo cũng nhắc lại một điềm bất lợi nữa cho tổng thống Sarkozy, đó là trong cuộc bầu cử năm 2007, ở vòng một, ông đã giành được 32% số phiếu, còn đối thủ đảng Xã Hội của ông là bà Ségolène Royal chiếm 26%. Trên đà thắng thế ở vòng một đó, ông mới có thể thu hút được lá phiếu của các đảng cánh trung và cực hữu, để đi đến chiến thắng cuối cùng ở vòng hai. Thế nhưng lần này, cái lợi thế vòng một không còn nữa, tức không còn đủ lượng phiếu dự trữ để có thể dành thắng lợi ở vòng trong. Nói về khoảng cách hiện tại giữa ông Hollande và ông Sarkozy, tờ báo cho rằng, trong lịch sử nước Pháp chưa từng có chuyện một ứng viên tổng thống có thể lật ngược được tình thế khi bị bỏ xa trong thời điểm cận ngày bầu cử chỉ có hai tháng. Indonésia : sản xuất khí đốt từ đậu hủ Sau thảm họa Fukushima, cả thế giới tăng tốc kiếm tìm nguồn năng lượng thay thế. Báo Kompas tại Jakarta-Indonesia mang đến một tin vui được Courrier International dẫn lại với bài viết : « Tại Indonesia, người ta sẽ sản xuất khí đốt từ đậu hủ ». Người đề xuất phương pháp này là bà Neni Sintawardani, thuộc Viện khoa học Indonesia (Lipi). Bà cho biết, mỗi năm tại thành phố Bandung (thành phố lớn thứ ba của Indonesia), 500 nhà sản xuất đậu hủ sử dụng đến 2,4 triệu tấn đậu nành, bã đậu thải ra ở thành phố này đến 16,8 triệu m3. Ước tính mỗi ngày sẽ có 300.000 m3 khí mê-tan được thải ra từ quá trình ủ đậu. Từ năm 2010, bà Neni bắt đầu nghiên cứu và phát hiện trong rác thải đậu hủ có một tỷ lệ a xít rất cao và có chứa nhiều thành phần hóa học hòa tan và ôxy hóa với hàm lượng 20.000 miligam/lít. Theo bà, các rác thải này có thể được sử dụng cho công nghệ biogaz để cung cấp khí đốt trở lại cho các nhà sản xuất đậu hủ. Bà Neni cho biết, quá trình nghiên cứu đã hoàn tất, chỉ còn chờ đưa vào áp dụng thực tế. Thế nhưng, hiện tại, các nhà sản xuất đậu hủ còn chưa tin tưởng vào công nghệ này, hơn nữa phí lắp đặt các lò biogaz khá tốn kém.
|