Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-03-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-03-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Chúa Nhật, 04 Tháng 3 Năm 2012 18:27

Phóng viên, mục tiêu tấn công của quân đội Syria ?

 Chiến xa quân đội Syria bị trúng đạn pháo tại Homs (REUTERS)

 

 Hôm nay 03/03/2012, báo Le figaro trên trang nhất chạy hàng tít lớn « Edith Bouvier : Làm thế nào tôi thoát được địa ngục Homs ».

Tờ báo đặc biệt dành hai trang đầu tiên để thuật lại chuyến đi liều lĩnh của hai phóng viên Edith Bouvier và William Daniels.

Sau chín ngày bị kẹt tại thành phố Homs, cuối cùng các hai phóng viên Pháp Edith Bouvier và William Daniels cũng đã đến được Beyrouth vào tối thứ năm 01/03 vừa qua.

 Trong khi chờ đợi để đi di tản trở về Pháp, cả hai phóng viên đã dành cho báo Le Figaro một buổi trò chuyện, thuật lại chuyến du hành liều lĩnh mà họ đã trải qua.

Nhờ sự giúp đỡ của mạng lưới « Quân đội Syria tự do » thuộc phe nổi dậy, Edith Bouvier và William Daniels đã lọt được vào Baba Amor vào tối 21/02 vừa qua.

 Cùng có mặt với hai phóng viên này tại Baba Amor, còn có các phóng viên chiến trường khác như phóng viên Mỹ Marie Colvin (Sunday Times), phóng viên ảnh người Anh Paul Conroy, phóng viên Javier Espinosa của tờ nhật báo Tây Ban Nha El Mundo và phóng viên ảnh người Pháp Rémi Ochlik.

Theo lời thuật của Edith Bouvier và William Daniels, nội buổi sáng ngày 22/02, đã có năm vụ nổ súng liên tiếp xảy ra cạnh ngôi nhà các phóng viên trú ngụ, tạm được gọi là « trung tâm báo chí » của quân nổi dậy. Hai phóng viên cho biết, khác với những lần trước, lần này là những loạt đạn 122 mm , loại pháo phản lực khủng khiếp Cachiusa. Đạn rơi rất gần ngôi nhà, đến nỗi mà các phóng viên có cảm giác là « họ là điểm ngắm trực tiếp » của quân chính phủ Syria.

Do đã quá quen thuộc với các cuộc dội bom, những người nổi dậy Syria ngay lập tức hiểu rằng có nguy hiểm. Họ đề nghị các phóng viên nước ngoài nên rời khỏi khu nhà ngay lập tức.

Marie Colvin và Rémi Ochlik là những người đầu tiên chạy ra trước. Vừa lúc đó, một loạt đạn nổ ngay trước cửa trung tâm. Phóng viên kỳ cựu Mỹ Marie Colvin và Rémi Ochlik tử nạn ngay tại chỗ, còn hai nhà báo Pháp Edith Bouvier và William Daniels, đã được một người lính trẻ Syria kịp cầm chân lại nên thoát nạn, nhưng cô Edith Bouvier lại bị thương nặng ở chân.

Với sự trợ giúp của quân nổi dậy William Daniels, Edith Bouvier và hai phóng viên còn lại đã được chuyển đến một bệnh viện dã chiến gần đấy.

Theo mô tả của hai nhà báo, thật ra quân nổi dậy đã dùng một căn hộ để làm bệnh viện. Một căn phòng được dùng làm phòng phẫu thuật, và ba phòng khác đã được biến thành các phòng chăm sóc. Tại đây, các bác sĩ và y tá tình nguyện đã phải làm việc suốt ngày đêm. Mỗi ngày họ phải tiếp nhận khoảng hàng chục thường dân : đàn ông, phụ nữ và cả trẻ con, đều là nạn nhân của các vụ tấn công liên tục bằng bom của quân chính phủ Syria.

Nhiều lần tìm cách liên hệ với Hội đồng quốc tế Hội chữ thập đỏ để được đi sơ tán nhưng không thành, quân nổi dậy buộc phải tìm cách giải thoát các nhà báo phương Tây trước sự đe dọa tấn công của quân chính phủ.

Hai nhà báo cho biết, mưu toan đào thoát qua đường hầm đầu tiên thất bại do bị quân đội dội bom trong suốt đêm 26 rạng sáng 27/02. Duy chỉ có Paul Conroy và Javier Espinosa là kịp thoát ra ngoài và vào được đất Liban.

Sau nhiều giờ bị kẹt dưới lòng đất, cuối cùng nhóm của hai nhà báo cũng tìm được đường để quay trở lại khu bệnh viện dã chiến bằng xe máy.

 Edith Bouvier nhớ lại trong suốt thời gian bị kẹt, cô rất lo lắng, cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra « Lối thoát bị chặn ? hay quân đội đã chui xuống được hầm ? ». Cô lo sợ đến mưc chỉ muốn chạy trốn trước khi kịp hiểu ra là mình bị bất động. Cô đang nằm một cáng thương và được quấn chặt vào cáng bằng băng keo dính.

Sau cùng, ASL quyết định đưa hai nhà báo đi ra lãnh thổ bằng một con đường bí mật khác dài hơn bằng xe ô tô. Cả hai nhà báo đã phải di chuyển từ chỗ ẩn náu này đến chỗ ẩn náu khác. Họ được nhiều người dân can đảm đón tiếp và cho tá túc qua đêm. Dưới làn mưa tuyết, lộ trình của họ được hướng dẫn bởi nhóm trinh sát hiểu rõ đường đi nước bước, bất chấp nguy hiểm rình rập.

Sau nhiều ngày di chuyển, thay đổi nhiều phương tiện khác nhau (xe tải hạng nhẹ, xe tải lớn…), cuối cùng cả hai nhà báo Pháp cũng đã đến được biên giới Liban hôm thứ năm vừa qua, trước khi được đưa về nước bằng máy bay vào ngày hôm qua.

« Đáng được xem là một tiểu thuyết phiêu lưu » theo như lời nhận định của Le Figaro. Cả hai nhà báo bày tỏ lòng cảm kích về những gì mà quân nổi dậy Syria đã làm cho họ trong suốt thời gian qua.

Putin : Sa hoàng mãn đời

Bầu cử tổng thống tại Nga thu hút nhiều sự chú ý của báo giới Pháp. Hầu hết các báo Pháp đều nhận định rằng chiến thắng của ông Putin gần như là chắc chắn ngay trong vòng một của đợt bầu cử vào ngày mai, chủ nhật 04/03.

Báo Le Figaro có bài viết đề tựa « Vladimir Putin ở cửa điện Kremlin ».

 Bài báo cho biết, các điều tra thăm dò tại Nga đều cho rằng ông Putin sẽ là người thắng cuộc. Khoảng 66% người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ông Putin. Thậm chí, những người ủng hộ ông Putin còn đặt trước quảng trường Loubianka, tại Matx-cơ-va cho tối chủ nhật ngày mai để mừng chiến thắng của ông.

 Le Figaro còn cho biết thêm là lịch trình chuyển giao quyền lực giữa thủ tướng Nga và người đứng đầu chính phủ hiện nay là Dimitri Medvedev cũng đã được ấn định. Tuy nhiên, tờ báo cũng ghi nhận rằng kể từ năm 1996, chưa bao giờ một cuộc bầu cử tổng thống lại để một dấu ấn mù mịt như lần này.

« Sa hoàng mãn đời » là hàng tít lớn trên trang nhất báo Libération.

 Theo tờ báo, nếu như Putin thắng cử và nếu ông giành được một nhiệm kỳ mới nữa vào năm 2018, thì ông đã đánh bại hết mọi kỷ lục « trường thọ » của những người tiền nhiệm trước đó như Staline hay Brejnev. Liberation cho rằng ông Putin có thể nắm giữ quyền lực cho đến năm 2024.

 Tuy nhiên, điều này cũng chưa chắc chắn, do đợt bầu cử lần này diễn ra trong bầu không khí phản đối mạnh mẽ chưa từng có kể từ những vụ biểu tình xảy ra giữa năm 1989 và 1993.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại Nga vẫn tỏ ra nghi ngờ về kết quả thăm dò cho biết 66% người được hỏi có ý định bỏ phiếu cho ông Putin. Theo họ, nếu không có sự gian lận trong đợt bầu cử quốc hội vừa qua, thì đảng nước Nga thống nhất của ông Putin cũng chị đạt được có 31 hay 32% phiều bầu.

Libération cũng nhận thấy rằng chiến dịch tranh cử của Putin có nhiều điểm thay đổi so với những lần trước. Ông chấp nhận đến đài truyền hình để giải thích với cử tri chương trình hành động. Một việc làm chưa từng có. Phe đối lập cũng được quyền có thời gian tối thiểu để trình bày trên truyền hình.

Mặt khác, chiến thắng lần này cũng sẽ giúp ông Putin củng cố thêm hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Ông không muốn phương Tây xem ông như là một Mubarak hay một Kadhafi tại Nga. Putin muốn chứng tỏ với thế giới rằng ông được bầu chọn với một tỷ lệ tuyệt đối.

Putin giữ khoảng cách với Assad

Cũng liên quan đến bầu cử tổng thống Nga, báo le Monde có bài viết « Tại ngôi nhà nghỉ của Putin ».

 Bài báo cho biết, hôm thứ năm vừa qua, thủ tướng Nga đã có buổi nói chuyện với các đại diện của các tờ báo nước ngoài lớn tại khu nhà nghỉ của mình nhằm mục đích bày tỏ quan điểm của ông về thế giới.

Không phải phóng viên nước ngoài nào cũng được tham dự buổi gặp mặt với thủ tướng và cũng là vị tổng thống tương lai của Nga.

 Nhật báo Le Monde của Pháp, nhật báo The Times của Anh quốc, nhật báo kinh tế Handelsblatt của Đức, nhật báo La Republica của Ý, nhật báo Nhật bản Asahi Shimbun, và nhật báo Globe and Mail của Canada là các tờ báo lớn thuộc nhóm nước G8. Le Monde cho biết các đại diện của các tờ báo được Thủ tướng Nga mời dùng bữa tối đồng thời cũng là dịp để ông bày tỏ quan điểm về thế giới của mình.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo về làn sóng biểu tình tại Nga, ông Putin cho rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nó cũng là một hiện tượng như tại nhiều nước phương Tây. Nhưng ông cũng nói rõ rằng ông rất hài lòng, bởi vì điều này buộc mọi người phải suy nghĩ cách giải quyết và tìm cách đối thoại với người dân.

 Ông đánh giá rằng « đây chính là một cuộc thử nghiệm tốt cho nước Nga ».

Khi các phóng viên đặt câu hỏi tại sao ông không đối thoại với phe đối lập, thủ tướng Nga cho biết ông « không mấy hào hứng với những cuộc tranh luận dựa trên những lời hứa mang tính dân túy. Điều quan trọng là kết quả đạt được chứ không phải là các cuộc tranh luận ».

Về đề tài tham nhũng, ông Putin cũng nhìn nhận với các nhà báo nước ngoài là tại Nga có vấn nạn này. Ông cũng cho rằng tệ nạn này hiện hữu ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì ở tại Nga, nhưng có lẽ tại Nga là tệ hơn một chút so với các nước khác. Ông xác nhận rằng tệ nạn này có liên quan đến bản chất nền kinh tế đất nước và do thiếu khuôn khổ luật pháp.

Theo nhận định của phóng viên báo Le Monde, về các vấn đề khác, ông Putin dường như muốn chứng tỏ phong cách cởi mở, hay ít ra là dung hòa. Nhất là trong vấn đề khủng hoảng chính trị tại Syria, ông Putin dường muốn giữ khoảng cách với Bachar al-Assad.

 Về hồ sơ Iran, Vladimir Putin cam kết sẽ « làm hết khả năng để tránh xảy ra xung đột quân sự ».

Cuối cùng, đáp lại thắc mắc của các ký giả về cuộc sống riêng tư, nhất là về việc vợ ông biến mất hoàn toàn khỏi không gian chính trị, ông giải thích rằng « vợ ông không phải là người của công chúng, do tính chất khốc liệt của giới truyền thông. Vì vậy mọi thành viên trong gia đình ông đều mong muốn có sự yên tĩnh ».

Đói nghèo vẫn còn tồn tại trên thế giới

Thứ tư 29/02 vừa qua, Ngân hàng thế giới tuyên bố đã đạt được mục tiêu đầu tiên trong số 8 mục tiêu đề ra, là đã giảm được một nửa số người cực nghèo, tức từ 1,8 tỷ người xuống còn 900 triệu người.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Daniel Verger, giám đốc điều hành đặc trách điều phối khu vực phía Nam, thì « sự đói nghèo vô hình vẫn còn tồn tại ». Đây cũng chính là nội dung của bài phỏng vấn dược báo Le Monde số ra hôm nay đăng.

Theo ông Daniel Verger, kết quả do Ngân hàng thế giới công bố hôm thứ tư vừa qua là có phần hơi lạc quan. Ông không tin rằng chúng ta đã được mục tiêu như công bố, nhưng ông cho rằng mục tiêu này vẫn có thể đạt được từ đây cho đến năm 2015, nhờ vào sự phát triển thịnh vượng về mặt dân số và kinh tế của hai đối trọng kinh tế châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Daniel Verger phê phán các tiêu chí mà Ngân hàng thế giới dựa vào để đánh giá sự đói nghèo. Theo tiêu chí cực nghèo là thu nhập mỗi ngày là 1,25 đô-la. Trong khi đó, theo ông, phần đông những nghèo thoát ra khỏi hạng cực nghèo chỉ khác nhau có vài xu tức thu nhập của họ nằm giữa 1,25 đến 2 đô-la.

 Theo cách tính của Ngân hàng thế giới, mọi kiểu thu nhập đều được gộp chung, kể cả các giá trị phi tiền bạc. Ví dụ, như việc người dân đi nhặt củi trong rừng để sưởi cũng được gộp vào, vì họ tính tương đương với giá củi trên thị trường địa phương.

Ông nhìn nhận là trên phương diện đói nghèo tuyệt đối đã có sự tiến bộ. Nhưng theo quan điểm của Daniel Verger, sự đói nghèo không chỉ thể hiện qua tiền bạc mà còn được giải thích ở vị trí mà họ đang nắm giữ trong xã hội. Đói nghèo thường bị đồng nghĩa với việc bị xã hội ruồng bỏ và không được người khác tôn trọng.

Từ quan điểm này, ông Daniel cho rằng tình trạng bất bình đẳng tại châu Á còn trầm trọng hơn, mặc dù là khu vực này có mức tăng trưởng rất mạnh. Kế đến là châu Phi, châu lục vừa bao gồm bất bình đẳng và đói nghèo dai dẳng. Và cuối cùng là tại châu Âu.

Ông Daniel Verger cho rằng chống đói nghèo là một cuộc chiến rất phức tạp. Bởi vì nó là một hiện tượng xã hội, chống đói nghèo cũng chính là chống lại sự bất bình đẳng. Nhìn chung, ông cũng công nhận là tình hình của những người nghèo nhất cũng đã được cải thiện, nhất là tại Ấn Độ, do nền sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng ông cho rằng, trong phương pháp đánh giá nên kèm thêm tiêu chí thế giới bền vững. Ông cho rằng các chuyên gia đang áp dụng phương pháp đánh giá theo kiểu châu Âu, một phương pháp tiêu thụ và không bền vững.

Cuối cùng, ông cho rằng, với sự phát triển không ngừng của Ấn Độ và Trung Quốc, thì ổ đói nghèo chắc chắn sẽ nằm ở châu Phi, ở những vùng nào mà bạo lực vẫn còn hoành hành.

 Chừng nào chiến tranh còn, thì sẽ không có phát triển. Bảng tổng kết của Ngân hàng thế giới đã đưa ra các con số khích lệ, nhưng lại loại trừ những quốc gia nào không có các dữ liệu thống kê như Somali hay Cộng hòa dân chủ Congo.